Truyền thống văn hoá biển cận duyên của người Việt

Vấn đề văn hóa biển ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu, tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến khác nhau, một số người cho rằng Việt Nam có truyền thống biển, một số khác lại phủ nhận về truyền thống biển của người Việt. Trong xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay thì vấn đề biển và văn hóa biển có vai trò mũi nhọn không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa mà cả an ninh quốc phòng.

Thế nào là văn hóa biển?

Tôi đã phân chia các dạng thức văn hóa của con người thành 4 nhóm, trong đó, văn hóa biển thuộc nhóm văn hóa sinh thái, cũng giống như văn hóa thung lũng, văn hóa rẻo cao, văn hóa cao nguyên, văn hóa thảo nguyên...(1). Có thể quan niệm văn hóa sinh thái được sản sinh ra trong quá trình con người thích ứng với môi trường sống, từ đó hình thành nên những tri thức, hành vi, ứng xử, tập tục, nghi lễ, thói quen... tương thích với môi trường sinh thái ấy. Tất cả những cái đó nhằm đảm bảo cho sự sinh tồn và đáp trả của con người trước những thách thức của môi trường sống.
 
 
Biển là dạng sinh thái gắn bó với khởi nguồn của thế giới hữu cơ và sau này với con người mang tư cách là một sinh vật xã hội có tư duy, có văn hóa. Sinh thái biển có đặc trưng khác lạ, đối lập với sinh thái đất liền. Nếu con người có được vốn tri thức phong phú và lâu đời bao nhiêu đối với đất đai, rừng núi, sông ngòi, thảo nguyên thì cũng có chừng đó những hiểu biết về biển cả bao la, mà ở trong lòng nó chứa đựng đầy ắp tài nguyên cần thiết cho đời sống của con người, nhưng cũng ẩn chứa không ít hiểm nguy.

Như vậy, từ góc nhìn nhân học văn hóa, văn hóa biển được hiểu như là hệ thống các tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị và biểu trưng rút ra từ những hoạt động sống trong môi trường ấy. Cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ, tập tục, thói quen của con người tương thích với môi trường biển.
 
Tuy nhiên, biển không phải là thực thể đơn nhất, mà trong sinh thái biển còn chứa đựng tầng lớp các hệ, tiểu hệ sinh thái khác nhau phụ thuộc vào các dạng địa hình, khí hậu khác nhau. Thí dụ, biển đại dương khác nhiều so với biển ven bờ (biển cận duyên), biển nhiệt đới khác với biển ôn đới, hàn đới. Trong phạm vi hẹp hơn, chúng ta cũng có thể bàn tới các dạng sinh thái biển cửa sông (biển bãi dọc), biển bãi ngang, biển vịnh, đầm phá - biển, biển đảo...và cùng với nó là những hệ thống văn hóa tương ứng. Từ đây, trong nghiên cứu văn hóa biển, chúng ta luôn phải đặt nó tương ứng với từng cộng đồng người cụ thể (Việt, Chăm, Hoa...) và trong những hệ, dạng sinh thái biển cụ thể.
 
Biển Việt Nam trải dài trên 2000km theo chiều bắc - nam, nên văn hóa biển cũng chịu chi phối bởi các yếu tố vùng, miền khác nhau, từ đó cũng tạo nên các sắc thái đặc thù. Thí dụ, biển từ Thừa Thiên Huế trở ra là biển nông địa phương vịnh Bắc Bộ, chịu ảnh hưởng chế độ gió mùa đông bắc, còn biển từ Đà Nẵng trở vào là biển nông, có dòng hải lưu chảy qua, chịu ảnh hưởng gió mùa tây nam.

Ai là chủ nhân văn hóa biển?
 
Tất nhiên con người là chủ nhân của văn hóa biển, nhưng không phải là con người chung chung, mà là những cộng đồng người nhất định, như tộc người, các nhóm địa phương. Các loại cộng đồng này thì cũng thay đổi tùy thuộc vào thời đại, thời gian.
 
Ở Việt Nam, con người gắn với môi trường biển sớm nhất là thuộc trung kỳ đồ đá mới, tức cách nay khoảng trên dưới 7 ngàn năm, với các di chỉ văn hóa trung kỳ, hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí, như Gò Trũng (thuộc văn hóa Đa Bút phân bố ở Thanh Hóa, Ninh Bình), Hoa Lộc (Thanh Hóa), Cái Bèo (Cát Bà), Hạ Long (Quảng Ninh), Quỳnh Văn (Nghệ An), Bàu Tró (Quảng Bình), Bàu Dũ (Quảng Nam), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)... (2). Về chủ nhân các văn hóa kể trên, đang có nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu đều hướng về nhóm tộc người nói ngôn ngữ Nam Đảo, mà di duệ của họ sinh sống đến nay vẫn đang nói ngôn ngữ Nam Đảo, như Chăm, Raglai, Chu ru, Ê đê, Gia rai...
 
Tuy nhiên, có một nghịch lý là, suốt dọc 2000km bờ biển nước ta hiện nay hầu như không có nhóm cư dân nói ngôn ngữ Nam Đảo nào làm nghề biển, sống cạnh biển. Chỉ có người Việt và một số nhóm người rất nhỏ mang những cái tên rất mơ hồ như Bồ Lô (Cửa Sót, Hà Tĩnh) (3), Hắc Ca, Hẹ, sinh sống ven các đảo ở biển Đông là sống với biển, làm nghề biển. Vậy thì câu hỏi đặt ra là chủ nhân của các văn hóa khảo cổ gắn với biển, nhất là người Chăm, một dân tộc có nghề khai thác, buôn bán và cướp biển hùng mạnh thời vương quốc Chămpa thì nay đi đâu? Phải chăng trong lịch sử đó cú cuộc chuyển giao lớn nghề biển và văn hoá biển giữa người Chăm và người Việt?
 
Một số công trình của người nước ngoài và của chúng tôi đã bước đầu đưa ra các giả thuyết về chủ nhân các văn hóa ven biển Việt Vam (4). Vấn đề thì phức tạp, nhưng có thể nói gọn lại trong hai nhận định chính, một là những nhóm cư dân cổ ven biển gắn liền với các cuộc di dân lớn của người Nam Đảo thời tiền sử từ đông nam Trung Quốc ngày nay xuống vùng Đông Nam Á hải đảo, trong đó có rẻo ven biển Việt Nam. Và, hai là từ sau TK XI-XII, vùng ven biển Trung Bộ, đặc biệt từ Quảng Bình trở vào, đã diễn ra quá trình giao lưu, trao truyền văn hóa biển giữa người Chăm và người Việt, trong đó không loại trừ chính người Chăm với truyền thống văn hóa biển đã bị đồng hóa thành người Việt.
 
Người Việt có truyền thống văn hóa biển không và đó là văn hóa biển nào?
 
Đã từng có tranh luận khá gay gắt về vấn đề Việt Nam có truyền thống văn hóa biển hay không? Một số nhà khoa học căn cứ vào cứ liệu truyền thống về dấu vết văn hóa biển thể hiện trong các di chỉ khảo cổ, hình vẽ thuyền trên trống đồng Đông Sơn, đội hải quân Đàng Trong, hải quân thời Tây Sơn... đã khẳng định mạnh mẽ cái gọi là truyền thống biển của người Việt. Một số khác lại căn cứ vào tính chất nông nghiệp, chính sách trọng nông của nhà nước phong kiến Đại Việt cũng như sự mờ nhạt các yếu tố văn hóa biển trong văn hóa người Việt... đã phủ nhận cái gọi là truyền thống biển Việt Nam, cho rằng, người Việt đứng trước biển hơn là ra biển, vậy đâu là chân lý và lẽ phải?
 
Thực chất, hai quan điểm trên đều có phần hợp lý, tuy nhiên vấn đề khúc mắc có lẽ không chỉ là nguồn tư liệu, mà chính là quan niệm thế nào là văn hóa biển? Biển nói chung và văn hóa biển không phải là một thực thể đơn nhất và đồng nhất, mà, trong khái niệm văn hóa biển chung ấy, có nhiều dạng văn hóa biển gắn với các dạng môi trường biển khác nhau, như biển đại dương gắn với trình độ đánh bắt hải sản xa bờ, quy mô lớn với các hình thức buôn bán trên biển, kể cả cướp biển. Còn các hình thức khai thác biển gần bờ, gần đảo thì lại là một truyền thống biển khác.
 
Trước thực tế đó, trên cơ sở nghiên cứu tư liệu về các dạng thuyền ven biển nước ta, cũng như sản lượng đánh bắt cá của nhiều địa phương ven biển (5), tôi đã đưa ra khái niệm về biển cận duyên và văn hóa biển cận duyên rồi đi đến kết luận: Người Việt có truyền thống văn hóa biển cận duyên (6).
 
Theo tôi, xét về phương diện cảnh quan địa lý thì biển cận duyên là một vùng biển ôm lấy dải đất liền chạy dọc bờ biển, mà ở đó có sự đan kết về các yếu tố địa lý môi trường và phương thức khai thác của cư dân. Do vậy, khái niệm biển cận duyên là một khái niệm địa - kinh tế. Tôi cũng không rõ khái niệm vùng biển cận duyên có trùng hợp với vùng duyên hải hay không? Tuy nhiên theo tôi, khi nói tới vùng duyên hải thì người ta muốn nhấn mạnh tới dải đất liền ven biển, còn vùng biển cận duyên mà tôi dùng thì lại nhấn mạnh nhiều hơn tới vùng biển chạy ven đất liền. Do vậy, duyên hải là một cảnh của địa lý đồng bằng, còn biển cận duyên là một cảnh của địa lý học biển.
 
Có thể nói, việc khai thác biển cận duyên và cùng với nó là văn hóa biển cận duyên đã quán xuyến truyền thống biển Việt Nam từ xa xưa đến tận ngày nay. Trong hầu hết các di chỉ khảo cổ học thời tiền sử và sơ sử, cũng như các điểm dân cư ven biển vào thời cổ đại, cận hiện đại, thì ở đó đều có sự kết hợp hữu cơ giữa khai thác đánh bắt cá biển, săn bắt, thu lượn và canh tác nông nghiệp trên bờ. Tính lưỡng nguyên đó tạo nên nét đặc trưng lớn nhất của văn hóa biển ở Việt Nam.
 
Tất nhiên, đặc trưng chung đó cũng không tạo nên sự đồng nhất, tùy theo địa phương, các vùng ven biển đảo, mà giữa chúng cũng có những sắc thái khác nhau. Có thể tạm phân chia nước ta thành hai vùng, ở đó có những sắc thái đậm nhạt khác nhau về truyền thống biển.

Đối với bộ phận người Việt từ Móng Cái tới Nghệ Tĩnh, thì yếu tố biển trong văn hóa truyền thống không thật đậm nét. Việc khai thác nguồn tài nguyên biển chưa thật mạnh, đây đó đều thấy sự kết hợp khá chặt chẽ giữa nông nghiệp và ngư nghiệp trong từng cộng đồng dân cư. Điều này có thể cắt nghĩa từ nhiều nguyên nhân: thứ nhất, biển vịnh Bắc Bộ là biển nông, biển nội địa, ít có dòng hải lưu lớn, do vậy mật độ tụ tập của cá không cao; thứ hai, nguồn gốc cư dân ven biển nơi đây chủ yếu là dân nông nghiệp di cư từ trung du và đồng bằng tới, mang theo truyền thống của người làm nông nghiệp để ra khai thác biển; và thứ ba, ở vùng biển vịnh Bắc Bộ trước kia người Hoa cùng với người Việt khai thác, do vậy, chỉ một lượng nhỏ cư dân Việt làm nghề này cùng với người Hoa là đã đủ lượng hải sản cung cấp cho cư dân nông nghiệp trong đất liền rồi. Từ sau 1978, người Hoa ra đi nhiều thì người Việt đã thay thế và chiếm lĩnh địa bàn khai thác nguồn hải sản này.
 
Đối với bộ phận cư dân ven biển của người Việt từ Nghệ Tĩnh vào nam thì truyền thống biển trong văn hóa đậm nét hơn. Hơn thế nữa, các làng ngư nghiệp ở vùng này cũng thuần nhất hơn, việc khai thác thủy hải sản chiếm tỷ lệ cao hơn so với nông nghiệp. Điều này có thể giải thích bằng nhiều nguyên nhân: thứ nhất, vùng biển này sâu hơn (khoảng trên 200m), có hải lưu nóng và lạnh đi qua nên tập trung nhiều động vật phù du, khiến đàn cá hội tụ với mật độ cao, do vậy sản lượng đánh bắt lớn hơn so với vịnh Bắc Bộ; thứ hai, người Việt vào nơi đây đã tiếp thu truyền thống khai thác biển của người Chăm; và thứ ba, đây là vùng biển gần như độc chiếm của người Việt, họ đứng ra cáng đáng việc cung cấp nguồn sản phẩm biển (hải sản, muối) cho cư dân nông nghiệp trong đất liền.

Do vậy, nếu cư dân đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ là cư dân nông nghiệp kết hợp với khai thác nguồn thủy hải sản sông hồ, thì cư dân dọc duyên hải miền Trung khai thác mạnh nguồn lợi thủy sản trên biển.
 
    

Những nét văn hóa đặc trưng của văn hóa biển cận duyên truyền thống của người Việt
 
Từ góc nhìn nhân học, có thể nêu ra một số nhân tố cấu thành hệ thống văn hóa biển cận duyên truyền thống Việt Nam.
 
Cộng đồng ngư dân và các hình thức tổ chức xã hội là chủ thể văn hóa biển. Cư dân ven biển nước ta có thành phần và nguồn gốc khá phức tạp, do vậy cơ cấu tổ chức làng xã cũng rất đa dạng. Cho tới nay ngư dân ven biển đều định cư trên bờ, một vài địa phương còn hình thức sinh sống trên thuyền thành các làng thủy cư, như ở Vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái (Quảng Ninh), Cửa Sót (Hà Tĩnh)...
 
Đại bộ phận ngư dân ven biển (từ Hải Vân ra phía Bắc) sinh sống định cư trên đất liền thành các thôn làng, một hình thức tổ chức xã hội cơ bản như phần lớn cư dân nông nghiệp khác. Trước nhất, làng/thôn là điểm tụ cư của ngư dân ở ngay trên bãi cát sát biển hay lùi xa vào phía trong bãi một chút. Cư dân các làng này vẫn còn giữ lại hồi ức là họ từ một nơi nào đó tới lập cư ở đây. Thí dụ, ngư dân ở Quan Lạn, Trà Cổ (Quảng Ninh) thì đều nhớ tổ tiên của họ từ Đồ Sơn (Hải Phòng). Còn cư dân Đồ Sơn thì có người từ biển vào, có lẽ từ Thanh Hóa theo đường biển vào Đồ Sơn, có gia đình, dòng họ lại từ Hải Dương hay các tỉnh khác trong đồng bằng đi ra. Người đầu tiên đến Kẻ Môm (Thanh Hóa) là ông tổ họ Trần đến từ đất Kinh Bắc. Cư dân làng Phương Cần (Cờn) lại có gốc từ Thanh Hóa, Nghệ An ra đây sinh sống...
 
Kết cấu nghề nghiệp của cư dân trong làng cũng rất đa dạng, họ vừa đánh bắt cá vừa làm nông nghiệp, nghề muối, thủ công, buôn bán. Tuy hình thức bề ngoài làng ngư dân có đôi chút khác biệt với làng nông dân, nhưng cách thức phân chia thành xóm, ngõ, phe giáp, phường, các công trình kiến trúc công cộng cũng tương tự, như đình, đền, chùa và một số nơi có cả nhà thờ công giáo. So với các làng nội địa thì làng ven biển của ngư dân có nhiều nhà thờ công giáo hơn, do họ là bộ phận sớm tiếp thu đạo Kitô và có tỉ lệ dân cư theo đạo Kitô cao hơn so với các làng sâu trong đồng bằng.
 
Trong các làng của ngư dân vẫn sử dụng hương ước như một loại luật của làng xã. Trong đợt khảo sát thực địa ở làng Vạn Ninh (Móng Cái) chúng tôi đã phát hiện được bản hương ước của làng hiện lưu tại thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội, đã sao và tặng lại cho làng và các cụ trong làng đón nhận như một bảo vật của tổ tiên. Bản hương ước làng Trà Cổ cũng được phát hiện trong các dịp sưu tầm thực địa của chúng tôi vào thập kỷ 70. Còn bản hương ước làng Cảnh Dương (Quảng Bình) thì vẫn được các bô lão trong làng gìn giữ và đã cung cấp cho nhóm nghiên cứu khi tới làm công tác thực địa.
 
Ở một số làng ngư dân còn tồn tại một số hình thức tổ chức xã hội mang tính nghề nghiệp. Thí dụ, ở làng Kẻ Môm (Thanh Hóa) có hình thức Hội các lái. Hội bao gồm chủ thuyền và những người trực tiếp đi biển như thợ cả (trưởng thuyền), ông lão (phó thuyền, thợ bạn, trai chèo...). Mỗi năm Hội các lái họp một lần vào rằm tháng 7. Hội bầu trùm lái theo nhiệm kỳ một năm, có quyền quyết định mọi việc của Hội, kể cả việc điều động, sắp xếp thợ cho các thuyền. Trong Hội quan hệ chủ thợ đều bình đẳng, giúp đỡ tương trợ nhau khi đi biển, lúc ốm đau, bệnh tật. Rằm tháng 7 chủ thuyền mời thợ đến ăn cơm và bàn kế hoạch đi biên mùa tới.
 
Hệ thống tri thức bản địa phong phú. Hơn cả người nông dân chuyên trồng trọt trên đồng ruộng, những ngư dân ngày này qua ngày khác vật lộn với biển cả, sóng gió, nên họ đã tích lũy được vốn tri thức rất phong phú về biển cả. Các kinh nghiệm đó không chỉ mang lại cho họ bát cơm manh áo, mà còn là bảo bối để họ vượt qua hiểm nguy, cứu lấy tính mạng trước sự đe dọa của bão gió trên biển.
 
Những tri thức về biển cả chẳng phải họ học được từ sách vở, hay trường lớp nào mà là từ trường đời. Ở tuổi 15 - 16 theo cha anh đi biển làm quen với sóng gió, họ được gọi là đàn em hay vẹt sấp, làm các công việc sai vặt, thổi cơm, quét dọn, nấu nước... phục vụ các thợ, các bạn. Tiến lên một mức nữa, làm quen với đi khơi vào lộng, biết chèo, chống, vung lưới... họ sẽ trở thành trai, giặt lưới, khiêng lưới, sắp xếp đồ nghề, chèo lái. Từ trai tiến lên một mức nữa trở thành bạn, người biết sử dụng mọi thứ đồ nghề đi biển, biết ứng phó với tình huống khi con thuyền ra khơi đánh cá. Trong lớp bạn có người giữ chân phách chân chì mũi, chì sau. Là bạn một thời gian, người nào giỏi sẽ lên thợ, đó là người đánh cá có kinh nghiệm, có kỹ thuật và dày dạn sóng gió. Thợ được coi như thuyền trưởng, điều khiển mọi công việc trên thuyền khi ra khơi đánh cá. Về già, thợ làm chân ông lão lèo tuy có kinh nghiệm, nhưng sức yếu không thể đảm đương các công việc nặng nhọc, nên giữ chân cầm lèo nhàn nhã hơn .
 
Tri thức về môi trường biển tại mỗi địa phương là tri thức về các dòng hải lưu, về thủy triều, con nước, luồng lạch, cửa sông và đầm phá ven biển, về khí hậu các mùa gắn với chế độ gió mùa, tập đoàn các sinh vật, động vật sóng dưới biển hết sức phong phú và đa dạng, các mùa cá tôm, kiến thức thời tiết, thiên văn được sử dụng khi đi đánh bắt trên biển..., được tích lũy trong trí nhớ của ngư dân, trong thực hành nghề nghiệp, trong các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hò, vè, truyện cổ...
 
Tri thức về chế tạo công cụ dùng trong thu lượm, đánh bắt hải sản. Hệ thống công cụ như thuyền, bè, chài, các loại lưới (rùng, đáy, rê, te, chã, săm, vó, đăng) các loại đó, câu..., trong đó nổi bật là thuyền bè đi biển. Có thể nói, thuyền bè đi trên biển là tiêu chí quan trọng nhất chứng tỏ khả năng chinh phục biển của con người. Nó có vai trò còn hơn cả cái cày đối với canh tác nông nghiệp trồng lúa. Ngoài chức năng công cụ trong khai thác biển, thuyền bè còn thể hiện tính văn hóa và bản sắc văn hóa tộc người và địa phương (7), trong đó nổi bật là chiếc ghe Bàu ở Xứ Quảng và bè Sầm Sơn (Thanh Hóa) (8).
 
Tri thức về kỹ thuật khai thác liên quan tới đánh bắt, nuôi trồng các loại thủy hải sản tương ứng với các vùng sinh thái khác nhau, như khơi, lộng (ra khơi và lộng), cửa sông, đầm phá, rừng ngập mặn...
 
Tri thức bảo quản và chế biến thủy hải sản. Nếu việc đánh bắt chủ yếu do nam giới đảm nhiệm thì việc chế biến và tiêu thụ là công việc của phụ nữ. Các hình thức chế biến như: phơi khô, ướp muối, làm mắm cá, nước mắm... Cá sau khi đánh bắt từ biển mang về, ngoài phần lớn tiêu thụ tươi, bán cho con buôn (hàng rổi), mang đi các nơi bán cho người tiêu dùng; còn lại người ta tiến hành chế biến. Hình thức đơn giản nhất là lợi dụng ánh nắng mặt trời để phơi khô. Trước khi phơi để cá chắc, bảo quản được lâu, người ta phải mổ cá bỏ ruột rồi ướp muối, sau mới phơi. Cá phơi được nắng, khô kiệt thì đóng thành bao tải để dễ chuyên chở, mua bán. Mực khô là một trong những đặc sản biển được người tiêu dùng ưa thích. Làm mắm cá tức là hình thúc cho cá lên men bằng cách ướp muối và thính gạo, sau một thời gian cá lên men, trữ lâu, khi ăn mang ra chế biến thành thức ăn có vị mặn. Làm nước mắm cũng là hình thức ướp cá lên men thành chượp trong các thùng chượp bằng gỗ, sành hay trong các bể chượp xi măng. Khi chượp ngấu thì đun lên để lấy nước cốt làm thành nước mắm. Dọc duyên hải nước ta từ lâu đã hình thành các địa phương có nghề làm mắm nổi tiếng như: Cát Hải (Hải Phòng) Thanh Hóa, Phan Thiết, Phú Quốc. Ngày nay, nhờ có công nghệ phát triển nên nghề chế biến hải sản rất phát triển, như ướp đá, làm đông lạnh, cá hộp... các sản phẩm này phần lớn dùng cho việc xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
 
Hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ và phong tục chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần ngư dân. Điều đó được giải thích bởi điều kiện sống, lao động của họ trong môi trường biển cả vừa ưu ái con người, vừa thách thức, đe dọa tới tính mạng của họ. Do vậy, tôn giáo tín ngưỡng là điểm "bấu víu" gần như duy nhất, tạo nên ở họ niềm tin trước biển cả bao la, hùng vĩ. Hơn thế nữa, với ngư dân, hệ thống tín nguỡng, nghi lễ, phong tục còn thể hiện sự nhận thức của con người về thế giới biển khơi mà họ gắn bó và đương đầu.
 
Ngư dân ở các làng ven biển luôn tôn thờ tổ tiên, ông bà, có nơi như ở Trung Trung Bộ gọi đó là đạo ông bà, thờ cô bác. Họ lập bàn thờ nơi trang trọng nhất trong nhà và cúng lễ vào dịp giỗ và các lễ tiết trong năm. Họ cũng thắp hương cầu khấn khi gia đình có việc vui hoặc gặp hoạn nạn, rủi ro.
 
Các làng ven biển đều có chùa thờ phật đền thờ thần và đình thờ thành hoàng. Nhiều làng ven biển theo đạo Công giáo thì có nhà thờ thờ chúa. Cũng giống như ở Trà Cổ, các làng ven biển đều có hình thức thờ cúng các vị tiền hiền, tức là các vị đã có công đầu trong việc tìm đất định cư và khai phá các làng ven biển, thờ các nhân vật lịch sử, như vùng Trà Cổ, Vân Đồn thờ Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, vùng Đồ Sơn thờ Nguyễn Hữu Cầu...
 
Việc phụng thờ cá ông (cá voi), Tứ vị thánh nương, thần Độc cước, là hình thức tôn giáo tín ngưỡng đặc trưng của ngư dân ven biển. Tục thờ cúng cá ông với nhiều danh xưng, danh thần tôn kính có dấu tích ở suốt dọc bờ biển nước ta, tuy nhiên tiêu biểu nhất vẫn là Trung Bộ. Từ đèo Ngang trở ra phía bắc tục thờ cá ông mờ nhạt hơn, nay chỉ còn thấy dấu vết trong một số phong tục, di cốt của cá ông ít được bảo quản trong các nơi thờ cúng. Đặc biệt, tục thờ này gắn với cuộc đời Gia Long thời lập nghiệp, sau khi ông lên ngôi, cá ông đã được phong thần, do vậy trong nghi lễ thờ cúng cá ông ít nhiều đã được cung đình hóa. Ngư dân ven biển Trung Bộ và Nam Bộ có hẳn các nghi lễ, hội hè và phong tục liên quan tới cá voi, như đám tang cá voi, lễ thỉnh ngọc cốt, lễ nghinh ông, hội hát bả trạo...
 
Tục thờ cô bác ở cộng đồng, Tứ vị thánh nương, Thiên Yana, bà Thủy Long... cũng là những tín ngưỡng mang đậm tính văn hóa biển. Cùng với tín ngưỡng, cư dân ven biển còn bảo lưu khá nhiều các nghi lễ, phong tục và lễ hội, trong đó liên quan tới nông nghiệp và ngư nghiệp thường là đan xen với nhau. Ngoài các phong tục sinh đẻ, cưới xin, ma chay, các lễ tiết trong năm: Tết Nguyên đán, Thanh minh, 3 tháng 3, 5 tháng 5, rằm tháng 7, Trung thu, Chạp mộ... ở đó ta thấy vừa mang nét chung của cả cộng đồng dân cư người Việt, vừa bảo lưu một số nét riêng của ngư dân.
 
Từ truyền thống biển cận duyên đến biển đại dương hay là con đường từ đứng trước biển đến tiến ra biển
 
Đặc trưng cơ bản nhất của truyền thống biển cận duyên là sự kết hợp, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất nông nghiệp và hoạt động đánh bắt hải sản. Nói cách khác, việc khai thác thủy hải sản chỉ là một bộ phận trong cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp truyền thống, đáp ứng nhu cầu tự cấp tự túc mang tính địa phương của người nông dân. Điều đó giải thích vì sao, với trên 2000 km bờ biển, Việt Nam vẫn thiếu cá tôm, thiếu muối ăn. Việt Nam truyền thống vẫn không giàu nên được nhờ biển bạc, rừng vàng. Về góc độ văn hóa, đó là tâm thế đứng trước biển, chưa thực sự hòa nhập vào biển và khai thác biển.
 
Từ khi nước ta đổi mới, mở cửa, thực hiện công cuộc CNH, HĐH, nghề khai thác biển đã có sự thay đổi mang tính cách mạng.
 
Nghề khai thác biển đã dần tách ra khỏi cơ cấu của nền nông nghiệp tự cấp tự túc, sản xuất nhỏ truyền thống và trở thành ngành sản xuất hàng hóa độc lập, đáp ứng nhu cầu không chỉ thị trường trong nước mà quan trọng hơn là thị trường quốc tế. Mặt hàng thủy hải sản của nước ta đã có mặt trên thị trường nhiều nước ở châu Á, Âu và Mỹ, mang lại nguồn ngoại tệ lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu tự trang bị hiện đại cho nền sản xuất biển mà còn đóng góp một nguồn quan trọng của kinh tế quốc dân.
 
Khai thác biển theo hướng CNH, HĐH không chỉ dừng lại ở khai thác, đánh bắt, mà còn tiến lên trình độ nuôi trồng thủy hải sản theo phương thức hiện đại; đặc biệt là khai thác tài nguyên thiên nhiên biển, trong đó ngành khai thác dầu khí chiếm vị trí hàng đầu; buôn bán, vận chuyển đường biển, đặc biệt là biển đại dương... Tất cả đã tạo thành một ngành công nghiệp biển phát triển mạnh mẽ và bền vững.
 
Để tạo nên một cuộc cách mạng về nền công nghiệp biển, chúng ta còn đang thiếu là vốn, thiết bị, kỹ thuật... Hơn nữa, chúng ta thiếu hụt hẳn một truyền thống văn hóa biển đại dương, với những tri thức, ứng xử, con người và tâm thế. Có lẽ để có kỹ thuật, vốn chúng ta không mất mấy thời gian, sức lực, nhưng để có cả một tâm thế, một tri thức, một văn hóa thì phải mất hàng thế hệ. Điều đáng tiếc là vừa qua chúng ta chỉ chú ý đến vốn và kỹ thuật, mà lại chưa chú ý đúng mức tới việc bồi bổ và hình thành một nền văn hóa biển Việt Nam thực sự. Thậm chí chúng ta lại ngây thơ cho rằng, những cái ấy thì quan trọng gì đâu, vì nó vô hình mà, nhưng rất tiếc nó là cái quyết định cuối cùng.
 
Bài học chương trình đánh bắt xa bờ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng của Nhà nước coi như đổ xuống sông xuống biển không phải là vì chúng ta thiếu tiền, thiếu kỹ thuật, mà là vì thiếu con người có tri thức biển, tâm thế biển. Chỉ một việc tưởng như nhỏ thôi, lâu nay ngư dân chỉ có kinh nghiệm về thời tiết khí tượng biển cận duyên, thiếu tri thức khí tượng biển đại dương, biển xa bờ, trong khi phương tiện liên lạc lại thiếu thốn, dẫn đến việc hàng trăm thuyền đánh cá lao vào tâm bão Chin Chu... Nói rộng ra, trong sự nghiệp CNH, HĐH của đất nước ta hiện nay, từ nông nghiệp, ngư nghiệp đến công nghiệp, thương nghiệp; từ một công dân đến các nhà lãnh đạo đều thiếu hụt và bất cập về tri thức và văn hóa, mà thiếu cái này thì đất nước sẽ tiến không được nhanh, không được xa và đặc biệt là không được bền.
 
_______________
 
1. Ngô Đức Thịnh, Các dạng thức văn hóa Việt Nam, trong Văn hóa, văn hóa tộc người và văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.
 
2. Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Biển với người Việt Cổ, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998.
 
3. Nguyễn Duy Thiệu, Cửa Sét, trong Cảnh quan đồng bằng, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1986.
 
4. Ngô Đức Thịnh, Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2005.
 
5. Trong hàng hải thế giới, người ta tính tỉ lệ L/B (Loa/Bean) cùng với độ chìm thuyền, qua đó có thể biết được thuyền có thể vượt ra biển xa bờ bao xa. Cũng như, trong vòng 15 năm, từ 1960 đến năm 1975, sản lượng đánh bắt cá ở nam Việt Nam (từ Cửa Việt trở vào) thì 85% sản lượng thủy sản là ở vùng ven biển (cách bờ 15km) và cửa sông lớn, đấy chính là vùng biển cận duyên.
 
6, 7. Ngô Đức Thịnh, Tìm hiểu thuyền bè truyền thống Việt Nam, Nghiên cứu lịch sử, số 6-1984.

8. Nguyễn Bội Liên, Ghe bàu Quảng Nam và các tỉnh phương nam, Nghiên cứu lịch sử địa phương và chuyên ngành, Quảng Nam - Đà Nẵng, số 1-1981.
 
Ngô Đức Thịnh
Tạp chí VHNT số 317

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/truyen-thong-van-hoa-bien-can-duyen-cua-nguoi-viet-a14612.html