Một số biến đổi văn hoá của người Xtiêng Bình Phước

Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước có tốc độ phát triển đô thị hóa và công nghiệp hóa đạt mức cao, phát triển kinh tế tăng nhanh góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển kinh tế nảy sinh những vấn đề về văn hóa, xã hội, nhất là sự biến đổi văn hóa của các dân tộc.

Ở Bình Phước, người Xtiêng là một trong số những tộc thiểu số bản địa có dân số đông nhất. Trong quá trình định cư, chung sống và phát triển với các tộc người tại địa bàn, người Xtiêng đã xác lập cho mình một diện mạo kinh tế, văn hóa, xã hội khá rõ nét.
 


Lễ hội cầu mua của người Xtiêng. Ảnh: Tư liệu

1. Một số biến đổi văn hóa của người Xtiêng
 
Trong lĩnh vực ngôn ngữ

Ngôn ngữ người Xtiêng hiện nay đã có nhiều biến đổi với hai vấn đề chính được nhận diện sau đợt khảo sát (1).
 
Sự ảnh hưởng của tiếng Việt đối với tiếng Xtiêng: thể hiện qua tỉ lệ người Xtiêng biết nói tiếng Việt và việc đặt tên tiếng Việt cho con cái của họ.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ người Xtiêng biết nói tiếng Việt khá cao: chỉ có 5,3% số hộ gia đình có dưới một nửa thành viên biết tiếng Việt; 34,3% có hơn một nửa đến 2/3 số thành viên trong gia đình biết tiếng Việt. Điều này được giải thích bởi hai lý do chính: một là, chương trình giáo dục cho các cấp học hiện nay đều sử dụng tiếng Việt để giảng dạy; hai là, trong quá trình cộng cư, người Xtiêng đã học tiếng Việt để dễ dàng trao đổi, buôn bán, trò chuyện với người Việt. Rất nhiều trường hợp người Xtiêng trung niên biết nói, trao đổi bằng tiếng Việt nhưng không thể đọc, viết. Số lượng thành viên không biết nói tiếng Việt hầu hết là những người lớn tuổi, ít giao tiếp với người Việt nên việc học tiếng Việt khó khăn và cũng không cần thiết.
 
Mặc dù tỉ lệ biết tiếng Việt cao, nhưng khi giao tiếp, trò chuyện trong gia đình, cộng đồng, người Xtiêng vẫn giữ tiếng nói của mình, tần suất xuất hiện các từ tiếng Việt khá ít. Tiếng Việt chỉ được dùng khi chỉ một số từ hiện đại mà trong tiếng Xtiêng không có, ví dụ như: sổ gia đình (sổ hộ khẩu), công an, ủy ban xã, trạm y tế, nhà nước, chính quyền… còn những từ đơn giản dùng để chỉ các vật dụng trong gia đình, quan hệ dòng họ, số đếm, thiên nhiên…đều dùng tiếng Xtiêng.

Việc sử dụng tiếng Việt trong gia đình và cộng đồng người Xtiêng chiếm tỉ lệ thấp. 81,2% người Xtiêng dùng tiếng dân tộc trong giao tiếp, vì đây là một chỉ báo đáng mừng trong lĩnh vực ngôn ngữ, tiêu chí quan trọng trong việc xác định tộc người. Việc người Xtiêng ít dùng tiếng Việt cũng góp phần bảo lưu tiếng nói Xtiêng, nhất là trong bối cảnh người Xtiêng không có chữ viết riêng mà chỉ phiên âm tiếng Xtiêng bằng chữ Latinh.

Việc phiên âm từ tiếng Xtiêng sang tiếng Việt thường thiếu chính xác tên trong giấy khai sinh và sổ hộ khẩu gia đình. Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp khi đọc tên trong hộ khẩu để đối chiếu với thành viên trong gia đình thì nhận được những cái lắc đầu ngơ ngác và nói nhà không có tên đó. Nguyên nhân có thể do cán bộ địa phương (thường là người Việt) nghe đọc tên không rõ, dẫn đến phiên âm sai, ghi lại không chính xác khiến tên người Xtiêng bị thay đổi. Thông thường những vần B, K, S trước tên gọi bị mất đi, được nối liền với nguyên âm phía sau, vì thế thường làm mất đi sắc thái, ý nghĩa của tên gọi Xtiêng. Nếu không sớm khắc phục tình trạng này thì không lâu, người Xtiêng sẽ có những tên gọi tiếng Việt không ra tiếng Việt, tiếng Xtiêng lại càng không có ý nghĩa.
 
Sự giao lưu, tiếp biến về ngôn ngữ còn thể hiện trong việc đặt tên con cái. Kết quả khảo sát hộ gia đình ghi nhận việc dùng họ Điểu (đối với nam), họ Thị (đối với nữ) vẫn giữ nguyên như trước kia, nhưng riêng tên đã có nhiều thay đổi.
 
Mặc dù sự thay đổi không phải quá phổ biến, rộng khắp trong cộng đồng người Xtiêng, nhưng cũng thể hiện xu hướng đặt tên của người Xtiêng đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi người Việt. Theo giải thích của người Xtiêng, việc đặt tên ngày nay không cần theo một quy tắc nhất định, hay tên phải có ý nghĩa trong tiếng Xtiêng mà chỉ cần tên đẹp là được. Tên gọi người Xtiêng ngày càng mang âm sắc của tiếng Việt. Tỉ lệ tên Hương, Thủy, Ngọc, Phương, Quỳnh (đối với nữ) và tên Đức, Hiếu, Minh, Long (đối với nam) xuất hiện ngày càng nhiều trong tên gọi người Xtiêng.
 
Sự khác biệt ngôn ngữ của hai nhóm địa phương Xtiêng: hiện nay, ngôn ngữ giữa hai nhóm Xtiêng Bù lơ và Xtiêng Bù đéc có nhiều sự khác biệt. Lý do có thể là do sinh sống tại hai khu vực cách xa nhau, việc đi lại khó khăn, sự tiếp xúc, trao đổi giữa hai nhóm ngày càng lỏng lẻo, dẫn đến sự khác biệt về mặt ngôn ngữ. Các chương trình bằng tiếng Xtiêng của đài phát thanh truyền hình Bình Phước, người Xtiêng ở huyện Bù Đăng và Phước Long rất khó khăn để hiểu, nên họ đã chuyển sang xem các kênh bằng tiếng Việt và cũng không hiếm việc hai người Xtiêng gặp nhau phải dùng tiếng Việt để giao tiếp. Khu vực cư trú tách biệt trong một thời gian dài giữa hai nhóm người Xtiêng khiến cách phát âm từ ngữ Xtiêng biến đổi theo hai hướng khác nhau. Đồng thời, tại mỗi khu vực cư trú của người Xtiêng diễn ra sự giao lưu tiếp biến với ngôn ngữ và văn hóa người Việt cũng khiến ngôn ngữ Xtiêng chịu ảnh hưởng đáng kể.
 
Trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng

Trước kia, người Xtiêng theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, nhưng khoảng từ thập kỷ 80, họ đã chuyển sang đạo Tin lành và Thiên chúa.

Người Xtiêng theo đạo Tin lành chiếm tỉ lệ cao trong tổng số mẫu khảo sát, có những thôn chiếm 100%. Bên cạnh đó, tỉ lệ người theo Phật giáo chủ yếu là người Kinh có quan hệ hôn nhân với người Xtiêng, con cái của họ theo đạo Phật. Bảng 3 đã thể hiện rõ tỉ lệ người Xtiêng theo đạo Tin lành và Thiên chúa rất cao. Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ, một vài thôn đã có nhà nguyện, tuy được xây dựng bằng những chất liệu đơn giản nhưng rất sạch sẽ và có sự chăm sóc của tín đồ. Đối với những thôn chưa có nhà nguyện, nhà thờ, tín đồ Xtiêng thường đi lễ tại nhà thờ của huyện ít nhất một tháng một lần. Niềm tin vào đạo của tín đồ Xtiêng khá mạnh mẽ. Đây là một vấn đề hai mặt: khi niềm tin tôn giáo tác động tích cực sẽ giúp người dân sống tốt đời đẹp đạo, nhưng đồng thời các nhà quản lý cũng cần quan tâm để tránh các thế lực lợi dụng niềm tin tôn giáo để chống đối, phá hoại.

Tác động của tôn giáo đến thực hành nghi lễ vòng đời

Thay đổi hệ thống tín ngưỡng đã tác động đến việc thực hành các nghi lễ cộng đồng và nghi lễ vòng đời trong đời sống văn hóa tinh thần của người Xtiêng. Việc thực hành nghi thức đám tang truyền thống vẫn chiếm tỉ lệ cao, cụ thể 44,6% số hộ gia đình thực hiện nghi thức đám tang truyền thống so với 28% thực hiện nghi thức hiện đại. Bên cạnh đó, tỉ lệ tương đương, 27,4% cho chỉ báo thực hiện nghi thức đám tang kết hợp truyền thống và hiện đại. Tục chia của cho người chết, hiện nay không còn tồn tại phổ biến, với 119/361, chiếm tỉ lệ 33% hộ, thực hiện. Nguyên nhân là do những đồ vật chôn theo, thường là quý giá, dễ bị đào mộ để ăn trộm, vì vậy người Xtiêng đã hạn chế việc chia của chôn theo người chết. Riêng tục lệ không đến thăm người chết, trên thực tế, người Xtiêng không hẳn bỏ luôn, không đến viếng mộ mà họ chỉ đi thăm mộ khi có người khác trong cộng đồng chết và chôn gần khu đất của người thân mình.
 
Nghi thức đám tang hiện đại được thực hiện thông qua các hình thức chính: àm theo nghi thức đạo Tin lành/Thiên chúa, khi có một người trong thôn mất đi thì cộng đồng tín đồ đến giúp đỡ gia đình để lo việc khâm liệm theo nghi thức đạo, hát thánh ca, làm lễ rửa tội và tiếp đón khách đến viếng; thăm mộ, sẽ đến thăm mộ người thân (khác với trước kia là không đi thăm mộ); tiến hành các thủ tục ma chay theo nghi thức của người Việt, không chia của… Có thể thấy tôn giáo đã có sự tác động rất lớn đến nghi thức đám tang truyền thống của người Xtiêng, tỉ lệ tổ chức đám tang hiện đại mà chủ yếu là thực hiện theo nghi thức đạo, ngày càng trở nên phổ biến.
 
Tác động của tôn giáo đến nghi lễ cộng đồng truyền thống

Các nghi lễ cộng đồng tiêu biểu của người Xtiêng bao gồm: cúng thần lúa, cúng thần rừng, lễ đâm trâu, cúng rẫy, cúng sóc.

Có thể nhận thấy, tỉ lệ các thôn thực hành nghi lễ truyền thống không nhiều, thậm chí một số nghi lễ đã không còn, như lễ cúng sóc, cúng rẫy… Chúng tôi chỉ ghi nhận được thôn Đắc Son 1, xã Phú Nghĩa, huyện Phước Long là còn tổ chức lễ hội cộng đồng và do Hội nông dân xã đứng chỉ đạo các thôn tổ chức. Chúng tôi cho rằng phần nào có sự cố gắng bảo tồn những giá trị truyền thống của chính quyền địa phương thông qua việc chỉ đạo, hỗ trợ cho Hội nông dân thôn tổ chức lễ hội truyền thống. Tuy nhiên, việc các cá nhân của Hội nông dân đứng ra thực hiện đã phần nào hạn chế sự tham gia đóng góp của cộng đồng trong việc chuẩn bị lễ hội cho chính họ, nhất là vai trò của già làng ngày càng mờ nhạt. Đồng thời, các loại hình dịch vụ đã ảnh hưởng ít nhiều trong phần hội.
 
Về việc thực hành các nghi lễ truyền thống: 211 ý kiến đánh giá lễ hội cộng đồng là nơi vui chơi gặp gỡ, 164 ý kiến cho rằng lễ hội là cách giữ gìn truyền thống, và 150 ý kiến khẳng định lễ hội là dịp gắn bó các thành viên. Rất ít ý kiến cho rằng lễ hội cộng đồng là dịp chứng tỏ sự giàu có, cầu tài cầu lộc, hay cầu xin cho các ước nguyện riêng. Có thể thấy, tuy ý thức gìn giữ truyền thống thôn vẫn khá mạnh mẽ nhưng lễ hội ngày càng mất đi tính thiêng vì tỉ lệ người dân xem đây là một dịp vui chơi, gặp gỡ rất cao.
 
Tôn giáo tín ngưỡng của người Xtiêng đã có nhiều thay đổi từ sau 1975, nhất là 20 năm trở lại đây. Số lượng người Xtiêng theo đạo đạo Tin lành và Thiên chúa ngày càng gia tăng, tác động lớn trên nhiều mặt của đời sống, đặc biệt là thế giới quan và nhân sinh quan của đồng bào Xtiêng.

2. Một số nhận định
 
Môi trường cư trú, phương thức sản xuất, sinh hoạt xã hội nhiều thay đổi đã tác động đến vốn văn hóa cổ truyền của người Xtiêng. Tính cộng đồng không còn chặt chẽ như xưa, những luật tục không còn được áp dụng bởi sự điều tiết xã hội theo luật pháp phù hợp, tổ chức cư trú truyền thống trong phạm vi sóc, buôn bị phá vỡ bởi quy định hành chính, địa bàn sản xuất truyền thống không còn được duy trì như trước, sự tiếp xúc giao lưu với nhiều thành phần tộc người mang tính cởi mở mạnh mẽ, sự tiếp nhận những tín ngưỡng, tôn giáo khác với tín ngưỡng truyền thống… Những yếu tố trên phần nào làm cho đời sống kinh tế xã hội người Xtiêng có những chuyển biến tích cực. Thế nhưng, bên cạnh đó, đã xuất hiện những yếu tố gây tổn hại đến những giá trị văn hóa truyền thống. Những phong tục không còn được duy trì, lễ hội ít được tổ chức, nghề truyền thống bị mai một dần,… một số giá trị nghệ thuật truyền thống bị lãng quên...
 
Nhìn chung, cuộc sống kinh tế của người Xtiêng hiện nay đã có nhiều chuyển biến, từ cuộc sống du canh du cư, dựa vào nguồn lợi tự nhiên dần dần đã trở thành cư dân nông nghiệp. Nhiều gia đình đã có cuộc sống tương đối ổn định. Song, do nhiều nguyên nhân, đặc biệt thói quen, tập quán sản xuất và sinh hoạt chưa theo kịp với những thay đổi của xã hội, nên tình hình phát triển kinh tế còn gặp nhiều trở ngại.
 
Cuộc sống của người dân Xtiêng ngày càng ổn định và thu nhập cao, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày phong phú và tiện nghi hơn. Trong nhà của người dân, chúng ta có thể thấy được khá nhiều đồ dùng khác nhau. Phần lớn là sản phẩm công nghiệp với các loại nguyên liệu nhôm hoặc nhựa. Một số gia đình khá giả đã sắm được đồ dùng đắt tiền như giường, tủ, đài, ti vi, xe máy, ô tô... Đến giữa năm 2010, hầu hết các xã đã mắc đường lưới điện về tận ấp. Từ khi có điện, hơn 60 % hộ gia đình người Xtiêng có ti vi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tâm lý chuộng ngoại, thích lạ làm cho các sản phẩm dân tộc ngày bị mai một.
 
Do nhu cầu mức sống ngày càng tăng, người Xtiêng không còn bó hẹp với ruộng rẫy nơi mình cư trú. Nhiều thanh niên Xtiêng đi làm cho nhà máy, xí nghiệp trong và ngoài nước tại các khu công nghiệp. Y phục và đồ trang sức của người Xtiêng cũng có nhiều thay đổi do quá trình giao lưu với người Việt.
 
Người dân Xtiêng ngày nay đã đến các cơ sở y tế của xã, huyện để khám chữa bệnh và sinh đẻ, hầu như không theo cách chữa bệnh của các thầy cúng. Một số nơi, các già làng vẫn còn áp dụng các phương pháp trị bệnh truyền thống bằng các loại cây rừng như đau bụng, nhức đầu, đau mắt, trật khớp, rắn cắn... Nhưng những nơi kinh tế, giao thông phát triển, họ thường chọn bệnh viện và sử dụng thuốc Tây, dầu gió mỗi khi có bệnh. Phương pháp nuôi con cũng theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế xã. Sức khỏe của trẻ em và người già khá hơn nhiều năm trước đây. Người dân đã sống định cư tập trung thành các ấp, các xã nên vấn đề giáo dục và y tế cũng phát triển, xã nào cũng có trường học, cơ sở y tế. Nhà nước đã trợ giúp xây dựng nhà tình thương, hỗ trợ về đời sống vật chất cho nhiều hộ dân Xtiêng trong tỉnh.
 
Sự du nhập của đạo Tin lành ngày càng nhiều, đặc biệt trong những năm gần đây, đã tác động khá lớn đến văn hóa truyền thống của người Xtiêng. Nhiều ấp có người Xtiêng sinh sống, sau khi theo đạo Tin lành đã thay đổi nếp sống truyền thống như bỏ tục cúng thần, các sinh hoạt cộng đồng chuyển thành những ngày lễ thánh. Đồng hành với tôn giáo là nhiều loại hình văn hóa phương Tây, tiêu biểu nhất là sản phẩm sách báo và băng hình, truyền hình... Tiếp cận với những khía cạnh văn hóa mới trên thế giới là điều nên làm. Tuy nhiên, đối với một số địa bàn, người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên bị văn hóa ngoại lai chi phối mạnh, dẫn đến nhiều thay đổi trong quan hệ xã hội, quan điểm thẩm mỹ, đạo đức lối sống.
 
Nhiều địa bàn dân cư của người Xtiêng trong thời gian qua được quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa cộng đồng) nhằm góp phần cải thiện, nâng cao sự hưởng thụ văn hóa. Thế nhưng, hoạt động của các thiết chế này chưa hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo tồn và phát huy. Có nhiều yếu tố tác động đến những hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở này: nguồn nhân lực, tài chính,... Một điều dễ nhận thấy là có sự mất cân đối nghiêm trọng trong cách tổ chức, hoạt động giữa văn hóa truyền thống và các loại hình văn hóa mới. Các hoạt động văn hóa truyền thống không tổ chức hoặc ít dần nên một bộ phận không nhỏ cộng đồng cư dân Xtiêng, đặc biệt là giới trẻ, quay lưng lại, không còn thích thú, tự hào với di sản văn hóa của cộng đồng.
 
Về mặt quản lý nhà nước, trong thời gian qua, các ngành chức năng đã tiến hành thực hiện nghiên cứu, sưu tầm văn hóa các dân tộc trên địa bàn Bình Phước. Tuy nhiên, công tác này chưa có tính hệ thống nên chưa đạt hiệu quả cao. Đối với tộc Xtiêng, một trong những nhóm cư dân bản địa chiếm số lượng lớn, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng chưa được tổng điều tra, nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ. Vì vậy, một thời gian dài, một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể không còn; nhận thức của chính cộng đồng Xtiêng về tầm quan trọng di sản văn hóa của cộng đồng cũng không đầy đủ. Đồng thời, các nghệ nhân am hiểu di sản văn hóa, có kinh nghiệm, có tâm huyết truyền nghề tuổi ngày càng cao, đang mất đi theo chu kỳ cuộc đời, trong khi giới trẻ lại không còn yêu thích, ham mê nên không yêu quý hay tham gia học hỏi để nghệ nhân có thể truyền nghề.
 
Tóm lại, các vấn đề của người Xtiêng vừa phân tích cũng chính là vấn đề của các dân tộc thiểu số hiện nay ở nước ta phải đối mặt. Văn hóa truyền thống của các tộc người đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh mới, trước sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường, quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc khác nhau trong quá trình cộng cư. Điều này đã làm cho một số yếu tố văn hóa truyền thống mất đi hoặc biến đổi cho phù hợp với tình hình mới.
 
Sự biến đổi này, trong một vài trường hợp là tích cực và một số khác còn hạn chế, chính vì vậy, các nhà quản lý cần phải đưa ra các chính sách, chương trình hành động phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tộc người, vừa giữ gìn an ninh chính trị, ngăn chặn các thế lực xấu lợi dụng chống phá chia rẽ. Chúng tôi cho rằng, điều cơ bản và thiết yếu nhất chính là làm sao để người dân trong cộng đồng thấy được cái hay, cái đẹp trong văn hóa của chính dân tộc mình để từ đó có những hành động phù hợp để giữ gìn và phát huy. Làm được điều này thì mới có thể phát triển văn hóa nói riêng và kinh tế xã hội nói chung một cách bền vững.
 
_______________
 
1. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, do trường ĐH Văn hóa TP.HCM thực hiện. Các tư liệu trong đề tài đã được thành viên nhóm nghiên cứu đồng ý cho phép sử dụng.
 
Trần Văn Ánh
Tạp chí VHNT số 324

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mot-so-bien-doi-van-hoa-cua-nguoi-xtieng-binh-phuoc-a14609.html