Về ngôi làng có "người chết nuôi người sống”

Nhân gian thường có câu “sống cái nhà, thác cái mồ”, và để đáp lại tấm lòng hiếu thảo với ông bà tổ tiên, người dân thôn An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang , tỉnh Thừa Thiên Huế đã bỏ ra cả chục ngàn đô la để xây dựng lăng mộ cho các đấng sinh thành của mình...



Một khu lăng mộ tiền tỷ theo phong cách phương Tây của người dân An Bằng

"Thành phố" của người chết

Mới sáng sớm, mặt trời đã nhuốm đỏ một vùng. Nắng tháng tư không lớn lắm nhưng lại gây oi bức bởi cái nắng đầu mùa hè. Dọc theo quốc lộ 49, chúng tôi ngược về biển Vinh Hiền, sau một hồi hỏi người dân địa phương, chúng tôi cuối cùng cũng đến được làng An Bằng, nơi được mệnh danh là “thành phố của người chết”.

Đường vào làng An Bằng là một con đường nhỏ bằng bê tông, tách hẳn với quốc lộ 49 tấp nập bên ngoài. Con đường dẫn chúng tôi đi qua một khu tràm rộng lớn với đầy bóng mát, trước khi đập vào mắt là những đụn cát trắng và những khu lăng mộ hoành tráng phía cuối “con đường tâm linh”.

Bước vào làng, chúng tôi thật sự choáng ngợp bởi các khu lăng nằm hai bên đường, cũng như những ngôi biệt thự tiền tỷ xây xong rồi lại bỏ hoang. Làng An Bằng là một ngôi làng khá rộng, “ba thôn chung lại một làng” là cách nói mà người dân An Bằng nói về ngôi làng của mình. Làng An Bằng có ba thôn, ba thôn này chia theo các khu vực khác nhau: Thôn thượng, thôn hạ và thôn trung. 

Tuy là ba thôn, nhưng tất cả điều giống nhau khi đi đâu cũng thấy lăng mộ và biệt thự tiền tỷ.

Chúng tôi mới bước qua khu tràm thì bị lạc ngay chính trong… làng An Bằng, mò mẫm một lúc mới thấy một người dân trong làng, cuối cùng vì bất đắc dĩ chúng tôi phải nhờ người này dẫn vào làng. Dẫn chúng tôi đi, sau một hồi trò chuyện, người này nói: “Nhà báo à? Về xem lăng hả? Viết thì nói lăng ở đây xây khoảng chục nghìn đô thôi hí”, người này nói và cười.

Sau một hồi lang thang trong làng, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi đã tìm được nhà của ông Hoàng Đặng Khánh - Trưởng thôn An Bằng.

Ông Khánh cho biết, phong  trào xây dựng lăng mộ được người dân An Bằng khởi xướng từ năm 1982. Ngày đó, cả làng chỉ có khoảng hơn 10 ngôi mộ, chứ chưa xây dựng thành lăng như bây giờ. Nhưng hiện nay cả thôn đã có khoảng… 3 nghìn ngôi lăng mộ to nhỏ các loại. Cả thôn An Bằng có khoảng hơn 4 nghìn nhân khẩu nhưng có đến hơn 3 nghìn ngôi lăng mộ trải dài trên diện tích 10 ha, lắm khi người An Bằng còn “kháo” nhau rằng “làng gì mà đi mô cũng thấy… người chết”.

Ông Khánh chia sẻ: “Kể từ năm 1991 khi nhà nước cho phép người dân gửi tiền từ Mỹ về thì các ngôi lăng mộ cũng được xây dựng nhiều hơn”. Ở thôn An Bằng có đến hơn 95% gia đình có người định cư ở Mỹ nên nguồn vốn để xây dựng lăng tẩm cũng được “rót“ xuống từ đó.

“Gia đình tôi có 9 người con đang định cư ở bên Mỹ nên mỗi tháng tôi đều nhận được tiền từ con mình gửi về để lo hương hỏa cho ông bà. Ở làng An Bằng này, cái lăng giá thấp nhất cũng đã đến 10 cho tới 15 nghìn đô la Mỹ. Thậm chí có ngôi còn lên đến 40 hoặc 45 nghìn đô, tính thêm tiền thợ thầy nữa thì cũng phải cộng thêm vào đó vài chục triệu”, ông Khánh nói.

Lăng mộ tại làng An Bằng có đầy đủ các kiểu, kiến trúc phương Đông cho đến phương Tây. Có những ngôi mộ chỉ vài chục mét vuông, nhưng cũng có những ngôi mộ có diện tích lên đến hàng trăm mét vuông. Ở làng An Bằng, ai cũng tấm tắc khen khu lăng mộ của họ Trương ở đây là đẹp và to nhất làng. Hàng chục khu lăng mộ được xây dựng trên một khu đất rộng lớn làm thành nghĩa trang gia đình.

Tuy là nghĩa địa nhưng không có cảm giác u ám, hiu hắt với mùi hương khói trên những ngôi lăng. Trái lại, có một cảm giác vui thú bừng lên như đang nhìn ngắm một bức tranh với những màu sắc tươi thắm.

Một lăng mộ thuộc vào loại “đẳng cấp” tại đây phải hội đủ các yếu tố: Móng sâu và chắc, vật liệu xây dựng sang trọng - kiên cố, trang trí đầy đủ các con vật trong “tứ linh” (lân ly quy phượng), rồi những con rồng chầu trước bậc lên xuống, những ngôi tháp lục giác cao và điêu khắc chạm trổ công phu. Đặc biệt hơn, có những ngôi mộ có tứ long chầu trước cửa ra vào, giống hệt như lăng tẩm của các vua chúa thời Nguyễn.

Ông Khánh còn cho biết, có những khu lăng mộ có giá trị cả hàng tỷ đồng nhưng vừa xây xong lại được đập bỏ, bởi vì nó đã không còn hợp thời và hơn hết độ nguy nga bề thế của nó không bằng những ngôi mộ vừa xây sau này. Chính lối sống “con gà tức nhau tiếng gáy” đã làm cho khu lăng mộ tại ngôi làng ven biển này ngày càng mở rộng, và là nơi làm giàu của không ít người.

Làm giàu từ người chết

Việc xây dựng lăng mộ tưởng chừng là công việc riêng của mỗi gia đình nhưng nó lại trực tiếp tạo ra việc làm cho một bộ phận dân cư trong làng cũng như các vùng lân cận.
 
Theo ghi nhận tại địa phương, kể từ khi việc xây dựng lăng mộ phát triển thì các công việc phục vụ cho việc xây dựng lăng mộ cũng phát triển theo.
 
Ông Khánh cho biết: “Trước đây, làng không có chuyện sử dụng xe trâu để chở cát sạn hay vật liệu xây dựng. Nhưng hiện nay người dân trong làng sử dụng xe trâu khá nhiều, với các kiểu dịch vụ khác như cắt cỏ hay tắm cho trâu cũng xuất hiện”. Cũng theo ông Khánh, mỗi lần chở cát như vậy các chủ kiếm được 60 cho đến 80 nghìn một chuyến, mỗi ngày như vậy cũng đi được trên 5 chuyến.

Một điểm khá đặc biệt ở An Bằng đó là thuê người trông coi lăng mộ cho những gia đình sau khi đã xây dựng xong đã sang Mỹ định cư. Mỗi tháng như vậy những người trong coi lăng mộ được nhận khoảng 200 USD tức vào khoảng 5 triệu đồng trong khi công việc của họ chỉ là thắp hương hằng ngày và quét dọn.

Ông Khánh dẫn chúng tôi ra phía “con đường tâm linh”, nơi các thợ thầy đang xây dựng lăng mộ cho các “thượng đế” đã khuất của mình. Cơn mưa bất chợt kéo đến, công việc của các thợ thầy phải ngừng lại. Lúc này đây, chúng tôi mới nghe được thêm những câu chuyện kì thú về việc làm giàu từ nơi này.

Với diện tích xây dựng các khu lăng mộ lên đến 10 ha đã đưa nghề thợ kép (hình thức xây dựng lăng tẩm theo lối cung đình xưa) phát triển mạnh mẽ . Theo ông Đỗ Chấp, người hành nghề thợ kép đã 20 năm nay cho biết: “Kể từ ngày làng An Bằng đua nhau làm lăng thì chúng tôi cũng được hưởng lợi từ việc thầu xây dựng, một công trình làm trong hai tháng có thể mang lại cho tôi khoảng 100 triệu tiền lời, với thợ thầy thì tiền công cũng cao hơn vào khoảng 250 nghìn một ngày”.

Ngoài những công việc của người thợ nề thì thành phố lăng mộ còn là nơi hái ra tiền của những tay viết thư pháp. Những tác phẩm của họ sẽ được thợ xây sao chép trên lăng mộ. Không những vậy nhiều lao động của hai huyện Phú Vang, Phú Lộc cũng có công việc kiếm được bộn tiền là kéo xe trâu chở vật liệu để xây lăng vì con đường vào làng nhỏ nên không thể đưa xe lớn vào được.

Tưởng chừng việc xây dựng lăng mộ nguy nga tráng lệ sẽ phản ánh bộ mặt giàu có của An Bằng, nhưng đó chỉ là bề nổi của vấn đề, là một “tảng băng trôi” về cuộc sống của người dân An Bằng.

Thôn An Bằng có 3 nghìn nhân khẩu với 800 hộ. Tuy có đến 95% gia đình có người định cư ở nước ngoài nhưng hiện tại ở An Bằng vẫn có đến 100 hộ nghèo và cận nghèo. Những hộ nghèo và cận nghèo này là những hộ không có thân nhân sống tại nước ngoài, họ phải làm thuê và đánh bắt cá để sống qua ngày.

Hiện nay nghề đánh bắt tôm các không còn phát triển như trước đây do sản lượng khai thác ngày càng ít đi. Thêm vào đó, người dân chỉ thích ăn đồ từ vùng biển Vinh Thanh vào nên cuộc sống những hộ này càng khó khăn hơn, thậm chí có những hộ không có nhà để ở. Theo ghi nhận tại địa phương thì những hộ này thu nhập dưới 100 nghìn đồng một ngày và đó là mức quá thấp so với thôn An Bằng.

Cái nghèo ở ngôi làng tỷ phú này kéo theo cả sự thất học, nhà nghèo nên không ít em nhỏ đã phải nghỉ học để phụ giúp gia đình.

Năm 2008, UBND tỉnh TT Huế có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng thể nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn toàn tỉnh đến năm 2015. Qua đó, chỉ tiêu dành cho mỗi ngôi mộ chôn cất không quá 5m2/ ngôi, mộ cải táng không quá 3m2/ngôi. 

Thế nhưng, ở làng An Bằng, những ngôi mộ vẫn đua nhau mọc lên với diện tích lên tới cả trăm mét vuông mà không có bất cứ sự can thiệp, xử lý nào từ chính quyền địa phương?
 
Trương Y Vân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-ngoi-lang-co-nguoi-chet-nuoi-nguoi-song-a1456.html