Những người trẻ mê đờn ca

Những câu hò - xự - xang - xê - cống… có tuổi đời cả thế kỷ ấy, tưởng chừng chỉ còn sức hút với những người lớn tuổi, nhưng giữa thị trường nhạc trẻ sôi động của những MV ca nhạc, bài vọng cổ, câu hò, điệu lý như một mạch chảy ngầm dai dẳng, vẫn được nhiều người trẻ giữ gìn và theo đuổi bằng niềm đam mê.

 
Buổi sinh hoạt của CLB Giai điệu Phương Nam

Trong không gian vừa vặn của Nhà Văn hóa Sinh viên (đường Điện Biên Phủ, quận 3), những bạn trẻ ngồi lại với nhau cùng đàn hát bằng một tình yêu say sưa dành cho câu vọng cổ. Những bạn trẻ với nhiều ngành học khác nhau đến từ các trường cao đẳng, đại học trong thành phố cùng chung sở thích những làn điệu quê hương, những bài vọng cổ đã lập nên nhóm “Tài năng hè phố”. Sau hơn 2 năm hoạt động, từ nhóm hát cho vui giữa những người trẻ cùng yêu thích vọng cổ đã trở thành câu lạc bộ (CLB) thuộc Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM với tên gọi - CLB Giai điệu Phương Nam.
 
Trần Phương Linh (21 tuổi, quê Bình Định) hiện là Phó chủ nhiệm CLB kể, ban đầu nhóm được thành lập với mục đích giới thiệu vọng cổ trong giới sinh viên, để những bạn yêu thích vọng cổ, đờn ca ngồi lại với nhau. Sau này được hỗ trợ thành lập CLB, bây giờ cũng được 60 thành viên tuổi 19 - 30, đủ mọi ngành nghề chứ không chỉ có sinh viên. Có mấy bạn ở xa thành phố như Long An, Tiền Giang… cũng tranh thủ đến tham dự mỗi khi CLB tổ chức buổi sinh hoạt.
 
Lê Trung Hiếu (sinh viên năm 3 Đại học Bách khoa, quê Châu Đốc, An Giang) hiện là một trong những giọng nam mùi mẫn của CLB. Chia sẻ về cái duyên đến với những bài bản đờn ca, những câu vọng cổ, Hiếu cho hay: “Do học xa nhà nên mỗi lần nghe vọng cổ hay xem vài trích đoạn cải lương trên mạng, tôi thích lắm. Thấy gần gũi, cảm giác như quê nhà đang bên cạnh mình, rồi tôi tự tìm hiểu, học lỏm qua các clip trên mạng, bắt đầu tập tành hát vọng cổ”. 
 
Đang công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt TPHCM, mỗi buổi sinh hoạt của CLB, Trần Dương Dừa (28 tuổi, TPHCM) luôn có mặt đầy đủ cũng bởi mê những bài ca cổ từ nhỏ. “Ở nhà tuy không có ai theo văn nghệ, nhưng mọi người đều thích nghe cải lương, vọng cổ, nên từ nhỏ mình đã được nghe rất nhiều. Sau này vì mê vọng cổ quá nên mình tranh thủ học đàn tranh. Ca không giỏi nhưng biết đàn một chút cũng thỏa đam mê”, Dương Dừa cho biết.
 
Quê ở Tiền Giang, lớn lên cùng những câu hò, điệu lý của miệt vườn sông nước, bài vọng cổ gắn liền từ nhỏ, nhưng Đặng Thành Nguyên (20 tuổi, thành viên Ban chủ nhiệm CLB Giai điệu Phương Nam) vẫn không dám theo đuổi đam mê một cách chuyên nghiệp. Hai năm làm sinh viên khoa Vật lý (Trường Đại học Tự nhiên TPHCM), nhưng Nguyên vẫn âm thầm theo học các thầy cô dạy hát vọng cổ, cải lương bên ngoài. Từ việc theo học kiểu người đi trước dạy người đi sau, Nguyên quyết định thi vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM để học một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn. Anh tâm sự: “Tôi biết sẽ có nhiều khó khăn khi làm nghề sau này nên trong CLB, ai cũng kiếm thêm công việc tay trái để nuôi nghề chính”.
 
Không dừng lại ở sân chơi dành cho những bạn trẻ yêu đờn ca, vọng cổ ngồi lại với nhau, hay tái hiện một không gian đờn ca tài tử miệt vườn “thứ thiệt” giữa lòng thành phố, hiện tại CLB Giai điệu Phương Nam còn tham gia biểu diễn và tổ chức nhiều chương trình với hy vọng lan tỏa tình yêu vọng cổ, nhất là trong những người trẻ. “Với chương trình đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, các buổi giao lưu tụi mình thường hướng dẫn học sinh - sinh viên những bài ca, điệu lý. Tùy vào từng đối tượng mà chọn bài bản phù hợp, nhưng thường là những bài đơn giản, những điệu lý vui tươi để tạo sự hào hứng cho người nghe, rồi mới hướng đến những bài bản cao hơn”, Phương Linh chia sẻ thêm.
 
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhung-nguoi-tre-me-don-ca-a14518.html