Nhiều châu báu, bạc vàng dưới sông Tiền, sông Hậu

Rất nhiều đồ vàng, ngọc, chuỗi hạt đá quý và tiền cổ hàng trăm năm tuổi... được trục vớt dưới đáy sông Tiền, sông Hậu đang được lưu giữ tại các "bảo tàng tư nhân" ở miền Tây Nam Bộ.

Những hiện vật này được lý giải từ sự giao thương, tiếp thu từ nhiều nguồn, hình thành nên tính chất "văn hóa mở" của vùng đất này.
 


Một góc gian trưng bày cổ vật sông Cửu Long tại nhà riêng của ông Võ Minh Mẫn, TP Cần Thơ

Đầy đủ diễn trình văn hóa
 
Trong ngôi nhà phố rộng rãi của mình ở con hẻm đường Hùng Vương, TP Cần Thơ, nhà sưu tầm Võ Minh Mẫn (phó chủ nhiệm CLB UNESCO sưu tầm, nghiên cứu cổ vật VN) dành riêng tầng 3 trưng bày cổ vật.

Những tủ, giá, kệ và cách sắp xếp hiện vật được ông đầu tư bài bản, còn hơn cả kho của rất nhiều bảo tàng trong nước tôi từng ghé. Việc phân loại, sắp xếp và bày biện chuyên nghiệp không khác gì cách làm của bảo tàng.
 
Trong tủ kính trưng bày công cụ sản xuất, vũ khí và đồ trang sức giai đoạn tiền sử và thời kỳ đầu lịch sử của vùng đất phương Nam là bộ sưu tập rìu đá, rìu và mũi giáo đồng, "nồi" nhỏ nấu kim loại, "chì lưới" bằng gốm và đá, dọi se chỉ, chuông đồng, vòng đeo cổ, đeo tay đồng có hoa văn...
 
Một tủ đứng khác bày hàng trăm loại khuôn đúc và khuôn in của người thợ xưa khắc những hình ảnh và hoa văn âm bản rất độc đáo; rồi đồ sứ, gốm Tàu các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh; gốm Việt như gốm hoa lam (Chu Đậu), gốm Phù Nam, Óc Eo, Lái Thiêu, Biên Hòa.
 
Đó là chưa kể đồ đá, tượng, bàn nghiền - chày... Hầu hết số cổ vật này có xuất xứ từ sông Tiền, sông Hậu và các chi lưu thuộc hệ thống Cửu Long.
 
Quý nhất trong "bảo tàng tư nhân" của ông Mẫn chính là sưu tập đồ vàng, đồ ngọc, các loại đá và thủy tinh cổ xưa, "toàn là đồ vớt sông". Ông lục tìm chìa khóa, mở tủ trong sự hồi hộp của tôi.
 
Có đến hàng trăm hiện vật bằng vàng quý giá với những hoa tai, nút áo, nhẫn có mặt và nhẫn nạm ngọc, đá quý và thủy tinh đủ kích cỡ, màu sắc, được chế tác công phu, chạm khắc tinh xảo có tuổi đời vài trăm năm đến ngàn năm.
 
20 năm trước, ông Mẫn "bén duyên" với cổ vật bằng đồ "xanh trắng", tức đồ sứ vẽ men xanh của Trung Quốc. Sau đó, có người khuyên: "Ở vùng này sao không chơi đồ cổ trục vớt? Đồ Phù Nam, Óc Eo ở đây vừa đẹp vừa quý, lại mang dấu ấn văn hóa vùng miền!".
 
Nghe thuận tai, ông chuyển sang mua đồ trục vớt, bắt đầu từ đồ đá, đồ đồng và đồ gốm, sau đó chuyển sang đồ vàng và ngọc.
 
Những thợ lặn người Chăm hay ngư dân người Việt hễ vớt, đào đãi được đồ vàng, đồ ngọc là tìm đến ông. Bình quân giá đồ vàng xưa, dù vàng mười hay vàng non tuổi đều được bán gấp 3 lần giá vàng 24K trên thị trường, tính theo cân nặng.
 
"Mới đây, người ta đem đến chiếc nhẫn cổ rất nặng, năm sáu chỉ vàng, tính ra phải trả cho họ mấy chục triệu bạc, tương đương 1,5 lượng vàng. Tui đành lắc đầu, giờ nghĩ lại thấy tiếc nhưng đành chịu!" - ông Mẫn kể.
 
Cho đến nay, bộ sưu tập cổ vật đáy sông của ông Mẫn phản ánh khá đầy đủ các giai đoạn văn hóa diễn ra trên vùng đất Tây Nam Bộ này.

Đồ cổ "kể chuyện"
 
Chúng tôi ghé thăm nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường trên đường 30-4, thị xã Cai Lậy, đồng thời là nhà sưu tầm cổ vật miền Tây có tiếng.
 
Bước qua phần quán cà phê sân trước là phần trưng bày rất nhiều hiện vật trục vớt, dưới tán cây khế ngay trước mặt nhà. Trên giá xây bằng gạch vữa có nhiều hũ, bình, nồi gốm từ thời Phù Nam, Óc Eo, Khmer, đồ Việt từ đất Bắc và cả đồ gốm cổ xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan...
 
Xen lẫn trong nhiều cổ vật đồ đá, đồ gốm kích thước lớn là mấy cái lu đựng đầy tiền xu bằng đồng và kẽm.
 
Ông Tường khoe đồ cổ được chưng khắp các tủ kệ, thuộc nhiều dòng, nhiều chất liệu, nhiều đẳng cấp sử dụng và xuất xứ, từ bản địa phương Nam, Đàng Ngoài của nước Việt, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ hay phương Tây...
 
Nhiều thứ được vớt từ lòng sông trong vùng, từ Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang hay Cần Thơ...
 
Ông Tường cho biết tiền cổ, nhất là tiền đồng và tiền kẽm, được trục vớt "hàng tấn" dưới các lòng sông.
 
Đặc biệt hơn là bộ sưu tập quý giá: "Bạc Khmer thế kỷ 18 - sông Cửu Long" với hàng chục loại "kê ngân": đồng bạc in nổi hình gà gồm rất nhiều kiểu thế, hình dáng khác nhau, một số trong đó có khắc ký tự chưa được đọc ra.
 
Rất nhiều đồng bạc khác, cũng hình thức in nổi các loại hình thù được xác định là tiền Xiêm La. Kế đến là các loại đồng bạc in nổi hình người và một số dạng "biểu tượng" được xác định là tiền của người Tây Âu sử dụng trong vùng của người Khmer...
 
Ông Tường phân biệt rõ từng loại tiền được sử dụng trong lịch sử mấy trăm năm trước trên vùng đất phương Nam, từ loại người Việt trao đổi với người Việt, người Hoa hay người Khmer; của người Khmer trao đổi với nhau hay với người Ấn, người Xiêm, người Hoa; rồi tiền người phương Tây giao lưu với các cộng đồng khác...
 
Từ hệ thống cổ vật trục vớt dưới lòng các con sông Cửu Long, câu chuyện về vùng đất phương Nam của ông Trương Ngọc Tường hiện ra, xoay quanh nhiều đặc điểm cư trú, kỹ thuật canh tác, buôn bán của từng nhóm người thuộc các dân tộc đến sự giao lưu, tiếp nhận giữa nhiều dòng văn hóa khác nhau.
 
Chúng được thể hiện ra cả ngôn ngữ, địa danh, các loại cây trồng và vật nuôi du nhập, một số tập tục, thậm chí cả trò chơi trẻ em...
 
Từ các câu chuyện này, ông Tường đã đi đến kết luận: văn hóa miền Tây Nam Bộ là văn hóa mở!
 
Tổng kết của thợ lặn
 
Theo "tổng kết" của nhóm thợ chuyên lặn tìm đồ cổ ở Cái Răng (Cần Thơ), những đồ trang sức bằng vàng, ngọc hay thủy tinh tìm thấy nhiều ở khu vực cửa các con sông.
 
Trong khi đó, sâu vào lục địa thì dòng sông ẩn chứa nhiều đồ gốm và đồ đá; đặc biệt những hiện vật bằng đá lớn như tượng, phù điêu hay bàn nghiền thường tìm thấy ở lòng sông khu vực gần biên giới với Campuchia.
 
Theo Tuổi Trẻ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhieu-chau-bau-bac-vang-duoi-song-tien-song-hau-a14470.html