Tham quan cụm di tích, danh thắng núi Bài Thơ

Núi Bài Thơ là ngọn núi đá vôi cao hơn 200m, một trong những núi cao nhất vùng biển Cửa Lục. Ba mặt của núi giáp với khu dân cư, phía Tây và phía Nam nằm sát với vịnh Hạ Long.

Cùng với chùa Long Tiên, đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn tạo nên một cụm di tích thiên nhiên, lịch sử văn hóa núi Bài Thơ quan trọng và hấp dẫn của thành phố và thắng cảnh Hạ Long.

 
Núi Bài Thơ

Núi Bài Thơ trước đây có tên là Truyền Đăng hay còn gọi là Rọi Đèn. Xuất xứ của tên gọi này do trước đây ngọn núi là điểm tiền tiêu thông báo những thông tin quan trọng về an ninh, quốc phòng. Nhưng núi Bài Thơ được biết đến nhiều nhất là do những bài thơ được khắc trên vách núi. Trên núi còn lưu dấu tích một số bài thơ chữ Hán và chữ quốc ngữ. Bài thơ đầu tiên và nổi tiếng nhất là tác phẩm của vua Lê Thánh Tông, chủ soái của tao đàn Thập nhị bát tú. Trước cảnh biển xanh, núi cao, một vùng thiên nhiên tươi đẹp nhà vua làm một bài thơ và cho người khắc vào núi. Bút tích của nhà vua bao gồm một văn bản thơ với 56 chữ Hán - một bài thơ thất ngôn bát cú, cùng với lời đề tựa. Từ đó trở đi núi mang tên núi Đề Thơ và sau đó là núi Bài Thơ. Bài thơ của vua Lê Thánh Tông được khắc trong một khung vuông cạnh dài 150cm, cách chân núi 6m ở sườn núi phía Nam.

Sau Lê Thánh Tông, năm 1729 chúa An Đô Vương Trịnh Cương, một nhà thơ có tiếng thời Lê - Trịnh khi đem quân đi tuần qua đây đã họa lại bài thơ của vua Lê bằng một bài thất ngôn bát cú.

Không chỉ chạm vào hồn thơ của các bậc quân chủ thế kỷ trước, đầu thế kỷ 20, nhiều tao nhân mặc khách đến đây đã không cưỡng nổi vẻ đẹp kì bí của thiên nhiên núi Bài Thơ mà tức cảnh sinh tình.

Núi Bài Thơ có nhiều vách đá dựng đứng, nhiều hang và các hườm đá. Trên núi có nhiều loài thực vật, trong đó một số loài có hoa và dáng đẹp như phong lan, si đá, thanh trúc. Đứng trên núi Bài Thơ có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố Hạ Long và cả vùng biển xanh biếc với chi chít những núi đá vôi.


 
Chùa Long Tiên

Dưới chân núi Bài Thơ là chùa Long Tiên ở phía Bắc, được xây dựng vào năm 1941, là ngôi chùa lớn nhất và là một di tích lịch sử danh thắng nổi tiếng ở thành phố Hạ Long. Chùa có phong cách kiến trúc độc đáo hiếm thấy, mang phong cách kiến trúc và điêu khắc của các ngôi chùa thời nhà Nguyễn, kiểu chồng giường giá chiêng và những họa tiết hoa văn trang trí rồng phượng, hoa lá cách điệu.

Trên đỉnh tam quan là tượng Phật A di đà với tư thế ngồi, dưới là gác chuông, nổi bật ba chữ “Long Tiên Tự”. Hai bên là hai câu đối. Chính điện thờ Phật, bên phải thờ các tướng lĩnh nhà Trần, bên trái là cung Tam Phủ Thánh Mẫu. Chùa nằm ở trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho khách đến viếng thăm.

Trước kia, chùa Long Tiên mở hội chính vào ngày 24/3 (âm lịch). Còn hiện nay ngày nào cũng là hội. Khách du lịch Việt Nam và nước ngoài đến vãn cảnh chùa, các tín đồ dâng hương cúng Phật, tụng kinh… nhưng đông nhất là ngày rằm và mồng một hàng tháng và đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán.


 
Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn

Đền thờ Đông Hải Đại vương Trần Quốc Nghiễn ở phía Tây toạ lạc tại chân núi Bài Thơ. Đức ông Trần Quốc Nghiễn là con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cháu đích tôn của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu ruột của vua Trần Thái Tông; là vị tướng tài ba dũng mãnh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Ông còn là một người con tận hiếu, là người tôi tận trung.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, một ngôi đền thờ do các chủ thuyền thường hay qua lại dựng tại chân núi Bài Thơ. Đền được xây dựng trên một nền đất cao, lưng tựa vào vách núi, mặt hướng ra vịnh. Đền có ba gian bái đường, một hậu cung, đền thờ Mẫu nằm ở bên phải đền chính. Ban chính thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn, ban bên phải thờ Đệ Nhất Vương Cô, ban trái thờ Đệ Nhị Vương Cô. Trong đền có đầy đủ nghi trượng, bát bửu, các đồ tế khí. Đền đã qua rất nhiều lần trùng tu.

Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn là một di tích đẹp và là một ngôi đền có tiếng linh thiêng. Du khách có dịp tham quan vịnh Hạ Long thường tới thăm ngôi đền.


Minh Nhật
Theo baodulich.net.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tham-quan-cum-di-tich-danh-thang-nui-bai-tho-a14404.html