Bãi Môn - Mũi Điện nằm kề nhau, thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, được xem là thắng cảnh đẹp của tỉnh Phú Yên. Mũi Điện còn có tên gọi là Mũi Đại Lãnh, xuất phát từ vị trí được tạo từ dãy núi Đại Lãnh, một nhánh của dãy Trường Sơn vươn ra biển Đông. Mũi Điện có tọa độ địa lý đặc biệt: 12053’48” vĩ độ Bắc và 109027’06” kinh độ Đông, được xem là một điểm cực Đông của Tổ quốc, nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam. Một điểm cực Đông khác được xác định là Mũi Đôi (làng chài Đầm Môn, Khánh Hòa), vì tọa độ được xác định hướng đông nhiều hơn Mũi Điện. Dẫu vậy, Mũi Điện vẫn được nhiều du khách tìm đến khám phá và check-in bởi phong cảnh đẹp và những dấu ấn lịch sử.
Tấm bảng ghi dấu “Điểm cực đông ...” là điểm nhiều du khách check-in khi đến hải đăng Mũi Điện.
Có hai đường để đi đến Mũi Đại Lãnh: Một là TP Tuy Hòa theo quốc lộ 1 qua đèo Cả rồi rẽ xuống vịnh Vũng Rô, hai là men theo con đường ven biển tuyệt đẹp từ Hòa Hiệp - Phước Tân - Bãi Ngà. Dù đi theo con đường nào, du khách cũng sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp xanh thẳm của núi và biển xanh. Với vị trí địa lý đặc biệt, Mũi Đại Lãnh nhìn từ xa như một ngọn núi, hòn đảo tách biệt, nhưng thực chất nó ở đất liền, được ngăn cách bởi một con suối nước ngọt chạy ngang. Để khám phá Mũi Đại Lãnh trọn vẹn, du khách phải đặt chân đến ba điểm: ngọn hải đăng, mũi Rạng Đông và bãi Môn.
Ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng vào năm 1890 với mục đích định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển và vào vịnh Vũng Rô. Đây là một trong 8 ngọn hải đăng có niên đại trên 100 năm trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động tại nước ta, cũng là ngọn hải đăng nằm gần hải phận quốc tế nhất. Để lên hải đăng Đại Lãnh, du khách phải băng qua con suối nước ngọt đi theo đường núi, vượt lên khoảng 400 bậc cấp của đoạn đường từ 500m - 1km mới lên đến trạm hải đăng. Du khách phải lên tiếp hơn 100 bậc cầu thang mới lên được ngọn hải đăng, cao khoảng 26m, ở độ cao hơn 100m so với mặt nước biển và có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý. Tại đây, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, phóng tầm nhìn ra đại dương mênh mông chiêm ngưỡng toàn vẹn bức tranh tuyệt đẹp của biển và núi ở Mũi Đại Lãnh, tự hào được đặt chân đến Top 5 ngọn hải đăng trên 100 tuổi nổi tiếng nhất (từng được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận vào năm 2014).
Cách ngọn hải đăng vài chục mét là Mũi Rạng Đông, địa điểm thường được nhiều du khách check-in, bởi nơi đây có tấm bảng ghi dấu “Điểm cực đông – Nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam”. Tùy vào thời điểm mỗi mùa trong năm mà nơi đây hay mũi Đôi là địa điểm thuộc đất liền đón ánh nắng bình minh sớm hơn. Để đón ánh bình minh ở Mũi Đại Lãnh, du khách thường phải có mặt tại đây trước 5 giờ sáng. Do đó, nhiều du khách lựa chọn cắm trại qua đêm và đó là trải nghiệm thú vị khi nhìn thấy ngọn hải đăng lên đèn, lắng nghe tiếng sóng biển rì rào giữa đêm yên tĩnh và đón những tia nắng mai cực sớm từ trên cao.
Dưới chân núi Đại Lãnh là Bãi Môn, bãi biển hoang sơ với hình vầng trăng khuyết thơ mộng. Với đường bờ biển dài khoảng 400m, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê, Bãi Môn thích hợp để du khách thỏa thích tắm biển, tham gia các trò chơi trên biển, thưởng thức các món hải sản tươi ngon như: tôm, cua, cá, mực, hàu… Đặc biệt, tại đây du khách sẽ có dịp cùng ngư dân đi săn cá chình biển, được người dân địa phương gọi “thuồng luồng đại dương” rất ngon.
Bãi Môn - Mũi Điện là một điểm đến khá hấp dẫn với nhiều trải nghiệm. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử mà còn là một hành trình thử thách chinh phục để thưởng thức cảnh đẹp trong những thời khắc đặc biệt, như đón tia nắng đầu tiên trong buổi sớm đầy sương với lòng tự hào về biển trời non nước Việt Nam.
Ái Lam
Theo baocantho.com.vn