Bằng sự nỗ lực và nhiều hành động thiết thực, thành phố đang thể hiện quyết tâm đưa ĐCTT trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, một “món ăn tinh thần” đặc sắc trong đời sống nhân dân.
Sau khi tỉnh ban hành đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT, TP. Bạc Liêu lập tức đưa nhiệm vụ này vào các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. UBND thành phố cũng đã xây dựng và ban hành chương trình hành động cụ thể, trong đó yêu cầu các ngành, các cấp và quần chúng nhân dân chung tay làm cho di sản văn hóa này được nhìn nhận, khai thác xứng tầm và ngày càng thăng hoa trong đời sống. Được Thành ủy - UBND thành phố quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đã góp phần tạo điều kiện thúc đẩy phong trào ĐCTT phát triển sôi nổi.
Việc đầu tư, nâng chất hoạt động câu lạc bộ (CLB) ĐCTT các phường, xã được TP. Bạc Liêu xác định là giải pháp căn cơ giúp phong trào mạnh từ “gốc” đến “ngọn”. Giải pháp này được gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn thành phố. Đã qua, hoạt động hỗ trợ kinh phí hàng tháng giúp các CLB ĐCTT duy trì hoạt động được các phường, xã quan tâm thực hiện thường xuyên. Mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng đã tạo động lực, sự phấn khởi để đội ngũ nghệ nhân, tài tử gắng sức giữ “lửa” cho phong trào. Cùng với việc tổ chức sinh hoạt đều đặn, các CLB còn chú trọng truyền nghề cho thế hệ kế thừa. Điển hình là các CLB: phường 1, phường 5, phường 8… đã làm tốt việc chăm bồi những nhân tố trẻ có triển vọng, hứa hẹn trở thành những “hạt nhân” của phong trào ĐCTT TP. Bạc Liêu trong thời gian tới. Hiện nay, thành phố đã vận động thành lập 18 CLB ĐCTT với gần 200 nghệ nhân, tài tử thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội; không ít CLB là các thành viên trong một gia đình.
Chương trình giao lưu ĐCTT TP. Bạc Liêu tổ chức tại xã Vĩnh Trạch. Ảnh: H.T
Để khuấy động phong trào, Trung tâm VH-TT TP. Bạc Liêu luân phiên tổ chức chương trình giao lưu ĐCTT tại các phường, xã định kỳ hàng quý. Mới đây, chương trình diễn ra tại thiết chế văn hóa xã Vĩnh Trạch, thu hút đông đảo người dân thưởng thức, cổ vũ. Tuy tính chất là cuộc giao lưu, nhưng các CLB tham dự đã “chiêu đãi” khán giả những tiết mục được dàn dựng khá công phu, đặc sắc. Đặc biệt, sân chơi này luôn có sự hiện diện, góp vui của lãnh đạo Thành ủy - UBND thành phố. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sát của chính quyền thành phố, góp phần lan tỏa tình yêu, niềm đam mê ĐCTT đến các tầng lớp nhân dân.
Là địa bàn tập trung nhiều điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh, TP. Bạc Liêu đã và đang ra sức khai thác giá trị nghệ thuật ĐCTT để thu hút du khách. Đến nay, địa phương này đã xây dựng nhiều đội biểu diễn ĐCTT tại các điểm du lịch quan trọng như: Khu du lịch sinh thái Hồ Nam, vườn nhãn, cụm nhà Công tử Bạc Liêu, Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Khách sạn Sài Gòn - Bạc Liêu... Theo kế hoạch, TP. Bạc Liêu sẽ tổ chức liên hoan, hội thi ĐCTT chào mừng kỷ niệm 100 năm ra đời bản “Dạ cổ hoài lang” (1919 - 2019). Việc tổ chức các hoạt động này nhằm khẳng định vị thế của thành phố trong “dòng chảy” phong trào ĐCTT tỉnh nhà, tạo điểm nhấn thu hút, phục vụ khách du lịch đến với thành phố.
Ông Huỳnh Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm VH-TT TP. Bạc Liêu, cho biết: “Sở dĩ công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT của thành phố đạt kết quả phấn khởi là nhờ sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Thành ủy - UBND thành phố và tinh thần sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm của các xã, phường đội ngũ và nghệ nhân, tài tử. Vẫn còn không ít khó khăn, song TP. Bạc Liêu sẽ nỗ lực và quyết tâm nhiều hơn để chung tay cùng tỉnh nhà làm cho nghệ thuật ĐCTT ngày càng lan tỏa và được bảo vệ, phát huy xứng tầm với giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Theo baobaclieu.vn