Tìm hiểu giá trị nghệ thuật điêu khắc gỗ trong kiến trúc Quảng Nam

UBND tỉnh Quảng Nam vừa giao Sở VHTTDL chủ trì thực hiện đề tài về “Nghệ thuật điêu khắc gỗ trong kiến trúc Việt ở Quảng Nam từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XX”.

Với kinh phí 250 triệu đồng (từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam); đề tài do ông Nguyễn Văn Hàm - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam làm chủ nhiệm.

Đề tài được thực hiện nhằm tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển cũng như các giá trị văn hóa truyền thống được thể hiện qua loại hình nghệ thuật điêu khắc gỗ tại Quảng Nam. Bên cạnh đó là quá trình giao lưu văn hóa thông qua nghệ thuật điêu khắc gỗ giữa người Việt ở Quảng Nam với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn theo từng giai đoạn lịch sử... Qua đó sưu tầm, thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản nghệ thuật điêu khắc gỗ phục vụ nghiên cứu khoa học, quảng bá, giới thiệu di sản văn hóa Quảng Nam, góp phần phát triển hoạt động tham quan du lịch và phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Tại Quảng Nam, di sản từ 2 làng mộc truyền thống danh tiếng Kim Bồng, TP Hội An và Văn Hà, huyện Phú Ninh, hiện còn lưu giữ ở nhiều công trình kiến trúc ở huyện Điện Bàn, Núi Thành… đặc biệt là ở làng cổ Lộc Yên, huyện Tiên Phước.

Nhiều nhà cổ độc đáo cũng được sưu tầm, phục dựng tại Không gian nhà Việt Nam tại huyện Điện Bàn. Trong số đó, nổi bật có ngôi nhà tam gian tứ hạ tại huyện Đại Lộc với niên đại 200 năm và có số cột nhiều nhất - 108 cây cột; nhà tranh tre cổ và khu nhà sàn Cơ Tu, Quảng Nam...

Theo Cinet.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tim-hieu-gia-tri-nghe-thuat-dieu-khac-go-trong-kien-truc-quang-nam-a1432.html