Lễ Trai Đặng Văn Hòa - Vị thánh đồng đen

Vua Minh Mạng khen Lễ Trai Đặng Văn Hoà “Tài cao đức trọng, giỏi chính sự, khéo khuyến khích hướng dẫn nhân dân, khiến nhân dân yên vui làm ăn”. Còn vua Tự Đức ban Kim khánh có khắc bốn chữ “Cựu đức thuần thành” (Đức xưa thành thục).

Kế giúp dân như là kế của thần

Theo nhà giáo ưu tú Trần Văn Đạt thì ngày xưa, phố phường Hà Nội dân cư đông đúc, đường xá chật hẹp, nhà cửa làm toàn bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá … dễ gây hoả hoạn. Mỗi lần như thế, Tổng đốc Hà Nội Đặng Văn Hoà lại cưỡi voi, đốc thúc binh lính và nhân dân đi dập lửa… Người Ông bị ám khói đen sì, chỉ còn hai con mắt là linh lợi. Cứu hoả xong, Ông còn cứu trợ ngay cho gia đình bị nạn, để họ sớm ổn định cuôc sống. Muốn nhắc nhở dân chúng nâng cao ý thức cảnh giác, đề phòng giặc lửa, năm 1838, Ông lập miếu thờ Hoả Thần ở thôn Yên Nội (nay là 30 phố Hàng Điếu), sớm, chiều thỉnh chuông, có lưu bút tích tại đền là “Vị dân chí kế”; rồi hằng năm cứ vào mùa xuân, mùa thu, đền lại tổ chức tế lễ Hoả Thần. Ông còn vẽ bản đồ, quy hoạch lại đường sá, nhà cửa ở Hà Nội thông thoáng, dễ tiếp cận vị trí khi xảy ra sự cố. Nhân dân Hà Nội yêu quý Ông gọi Ông là “Thánh Đồng Đen” – Thần Cứu Hoả duy nhất của Việt Nam.
 
 
          “Túc hoả lương trù khâm thánh Doãn
 
          Vị dân chí kế tự thần tri”
 
       (Mong sao dự trữ lương thực đầy đủ như Y Doãn ngày xưa
 
       Kế giúp dân như là kế của thần.)
 
Song song với trị hoả là trị thuỷ. Ông cho làm cột báo mực nước sông, đắp đường quai, gia cố bảo vệ đê điều, đề phòng bão lũ, vỡ đê, gây ngập lụt ở đồng bằng sông Hồng. “Dân lấy ăn làm trời”, Ông khuyến khích nông dân tăng gia sản xuất, chăn nuôi, mở rộng tịch điền, không được để đất hoang hoá. Thương dân, Ông làm sớ tâu với triều đình xin bỏ bớt thuế cho dân. Quân Thanh xâm phạm biên giới quốc gia, Ông cầm quân tiến đánh quân xâm lược, lấy lại đồn Phong Thổ, thu hồi đất đai.
 
“Lòng Ta là Phật”
 
Trải bao vật đổi sao dời, thấy Khuê Văn Các ở Văn Miếu Quốc Tử Giám hoàng kim biến sắc, Ông đã trùng tu cho được thêm sán lạn.
 
Nhân khi rảnh, qua thăm chùa Diên Hựu thấy cảnh vật tiêu điều, Ông đã tự xuất tiền nhà, cùng với sự cúng dường thập phương, để tô tượng, trang nghiêm cảnh chùa, và cúng tiến vào chùa hai câu đối.
 
Câu thứ nhất:
 
“Nhất trụ danh lam sáng kiến do lưu cựu tích
 
Thập phương thiện niệm  trùng tu tăng xướng tân quy”.
 
(Danh lam chùa Một Cột dựng xây lưu lại dấu cũ
 
Thiện tâm của thập phương tăng thêm lòng mến mộ đạo Phật) .
 
Câu thứ hai:
 
“Thạch trụ hồ trung trừ pháp vũ
 
Kim liên toà thượng toả từ vân”
 
(Trụ đá trong hồ ban mưa pháp
 
Sen vàng trên bệ toả mây hiền)
 
Vĩ thanh
 
Đặng Văn Hòa hiệu Lễ Trai (1791- 1856), người làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông ngồi ở ngôi tứ trụ triều đình, là “Nguyên lão tứ triều” nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, làm quan 43 năm, đứng đầu 5 Bộ, nổi tiếng là vị quan rất mực thanh liêm, được dân chúng kính yêu và dâng lời hát trong các dịp khánh tiết rằng:
 
“So công đức ai bằng quan họ Đặng
 
Nhà Nam Bắc gặp hội thanh bình
 
Vâng ơn trên ra tỉnh Hà Thành
 
Ngôi đại hiến mọi bề then khóa
 
Từng năm thứ thanh cần tấc dạ
 
Mười hai năm lịch duyệt đã nhiều lần
 
Kẻ lại dân bia miệng khắp xa gần
 
Buổi chiêm cận đoái ngâm câu biệt khúc…”
 
Vua Minh Mạng khen Lễ Trai Đặng Văn Hoà “Tài cao đức trọng, giỏi chính sự, khéo khuyến khích hướng dẫn nhân dân, khiến nhân dân yên vui làm ăn”. Còn vua Tự Đức ban Kim khánh có khắc bốn chữ “Cựu đức thuần thành” (Đức xưa thành thục).
 
Đặng Văn Hòa để lại mười bài thơ xướng họa với vua Thiệu Trị tại vườn Cơ Hạ:
 
1 - GIẢ SƠN
 
Hoạn để thiên nghi kỷ nhật nhàn
 
Đông thiên tịch địa tố thành san (sơn).
 
Thạch bài phong động phân cao hạ,
 
Chuyên thể nguyên khuê hữu khúc loan.
 
Nhược vị cao thâm hoàn khả nhượng,
 
Chỉ nghi thanh tú hảo tương ban.
 
Trí nhân thị đình tiền thú
 
Phong nguyệt khâm hoài sái lạc gian.
 
NON BỘ
 
Dịch thơ:
 
Mấy ngày nhàn nhã ở dinh quan
 
Chọn đất hiên đông dựng giả san.
 
Đá xếp động non cao thấp khác,
 
Gạch xây khe suối vựng chen ngang.
 
Cao thấp có chỗ còn chê được,
 
Thanh khí chung đôi khỏi phải bàn.
 
Nhân trí trước sân vui tận thú,
 
Lòng riêng thanh thản gió trăng ngàn.
 
2 - QUÁ THẬP THÁP TỰ
 
Danh lam thắng cảnh địa cánh nan nhân,
 
Thập Tháp y nhiên Phạn vũ tân.
 
Môn tế tinh lam nghinh tuệ nhật,
 
Linh chiêu duệ tảo chiếu kim thân.
 
Xà lê nguyên bất quan hưng phế,
 
Bảo sái duy tri chứng thiện nhân.
 
Ngạch biển thiên thu lưu thịnh sự,
 
Mê tân độ đắc kỷ đa nhân.
 
QUA CHÙA THẬP THÁP
 
Dịch thơ:
 
Danh lam thắng cảnh dễ đâu tàn,
 
Thập Tháp đền xưa vẹn vẻ xuân.
 
Mây tạnh cửa quan chào đuốc tuệ,
 
Vòm thiêng tua rạng chiếu kim thân.
 
Tu hành chẳng để tâm hưng phế,
 
Cửa Phật còn đây chứng thiện nhân.
 
Biển ngạch ngàn năm lưu sự việc,
 
Mấy người vượt được khỏi mê tân?
 
3 - HỮU NHÂN HIÊN BẠCH CÚC NHẤT BỒN
 
TRÍ Ư TỌA TIỀN KIẾN NHI THÀNH VỊNH
 
Ly đông vạn đóa ngọc vô hà,
 
Hồng tử thâu tha tạc nhất hoa.
 
Hạo khiết tố xưng sương hạ kiệt,
 
Tiên nghiên bất biện nguyệt trung hoa.
 
Tài bồi xuất sự hàn vi địa,
 
Thưởng thắng hoàn quy phú quý gia.
 
Chỉ hữu cố viên quy vị đắc,
 
Hoang lương tâm kính tự ca tà.
 
CÓ NGƯỜI BIẾU MỘT CHẬU CÚC TRẮNG
 
ĐẶT TRƯỚC CHỖ NGỒI NGẮM NHÌN THÀNH THƠ
 
Dịch thơ:
 
Vạn đóa tường đông nở tối qua,
 
Tía hồng thua sắc ngọc không nhòa.
 
Dưới sương thanh khiết nhường anh kiệt,
 
Trong nguyệt xinh tươi ví bóng nga.
 
Gốc rễ vốn sinh nơi đất mọn,
 
Sắc hương riêng hưởng chốn danh gia.
 
Tiếc chưa về được nơi vườn cũ,
 
Dạo lối mòn xưa cất tiếng ca.
 
Trần Minh Thu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-trai-dang-van-hoa-vi-thanh-dong-den-a14252.html