14/04/2015 10:30
14/04/2015 10:30
Canh bạc mùa dưa
Trên những dặm dài mưu sinh, gần chục năm qua, người trồng dưa miền Trung hiếm được nếm mùa quả ngọt thật sự. Vụ dưa hấu năm nay càng hằn thêm vết nhăn trên khuôn mặt của những người trồng dưa…
Chị Hồ Thị Thùy Trương (bìa trái) trồng 6ha dưa hấu, bị lỗ 150 triệu đồng.
Phong trào tình nguyện… mua bán dưa
Đi về những vùng quê Quảng Ngãi, Quảng Nam những ngày qua không khó để tìm ra những điểm bán dưa hấu có sự góp mặt của các đoàn viên thanh niên thuộc Tỉnh đoàn hai địa phương này. Ấy là do thấy dưa hấu bà con trồng ra không tiêu thụ được, để la liệt ngoài đồng hư hỏng dẫn đến thối nên Tỉnh đoàn đã huy động các thanh niên “xuống đường” mua-bán dưa giúp nông dân. Nét hồ hởi hiện rõ qua phong trào tình nguyện này của các bạn thanh niên. Cùng với đó, những nụ cười sáng lấp lánh trên khuôn mặt những người nông dân sạm đen vì nhờ vậy mà dưa được tiêu thụ khá nhanh. Dẫu vậy, không ai biết được sau những ngày tình nguyện của đoàn viên thanh niên, những người nông dân sẽ lại đối mặt với những khó khăn gì và ai sẽ là người giúp đỡ khi mà năm nào cũng như năm nào, cứ đến mùa thu hoạch, dưa hấu lại ùn ứ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và nằm bất động trên ruộng vì không ai muốn thu hoạch do giá quá thấp.
Đưa tay chỉ vào ruộng dưa hơn 4 sào của gia đình đã quá thời gian thu hoạch 3 ngày nhưng chưa bán được, anh Nguyễn Công Trí (42 tuổi), huyện Đức Phổ lắc đầu: “Hơn một phần ba số trái đã chín gần rục, tốn tiền bao nhiêu cuộc điện thoại nhưng thương lái chẳng màng đến”. Thấy để ngoài ruộng phí công chăm sóc, ban đầu anh Trí hái về cho gia súc ăn, thế nhưng ăn quá nhiều nên giờ 4 con bò cứ thấy dưa là sợ. Theo quan sát, đa phần nông dân Đức Phổ trồng dưa hấu Hắc Mỹ Nhân và Hắc Long, trọng lượng từ 3-4 kg/trái. Tuy nhiên, theo người dân, chỉ loại Hắc Mỹ Nhân thì thỉnh thoảng được mua với giá khoảng 1.500 đồng/kg. Còn loại dưa kia thì cả thương lái mua đi xuất khẩu và bán trong nội địa đều xua tay, lắc đầu nhưng không giải thích nguyên nhân vì sao.
Thảm cảnh hơn, trên cánh đồng dưa Phương Trung, Phú Hương, Đông Lâm (xã Đại Quang, Đại Lộc, Quảng Nam) cả chục hécta nhưng không thu hoạch được quả nào. Khi dưa gần đến kỳ thu hoạch thì lũ kéo về cuốn trôi tất cả, người nông dân nơi đây trắng tay. Anh Nguyễn Phú Hòa (thông Đông Lâm) ngồi trên bờ nhìn ruộng dưa chỉ còn lại những cọng dây, chua xót: “Mấy tháng trời bỏ công, bỏ của trồng dưa, gần tới ngày thu hoạch thì lũ cuốn trôi mất cả. Bỏ ra gần cả trăm triệu đồng mà nay chỉ còn đám đất trống. Chưa năm nào nông dân chúng tôi khổ như thế này. Không biết lấy tiền đâu ra để đầu tư giống phân trở lại, tiền vay ngân hàng không biết lấy đâu mà trả, lại con cái đi học nữa”.
Chờ vận may!
Hiếm có mùa dưa hấu thật sự đem đến cho người nông dân những mùa vụ ngọt ngào bởi họ nói việc đầu tư trồng dưa hấu vẫn luôn là một “canh bạc” mà được ăn cả, ngã về không. Nhiều hộ trồng dưa cho rằng, mùa vụ này, dưa có giá 5.000 đồng/kg, nhưng thực tế thì giá chỉ bằng 1/10 giá dự kiến. Cái “được” và “mất” vì thế có ranh giới rất mong manh. Bởi, trong nhiều năm qua, điệp khúc “mất mùa, được giá”, “được giá, mất mùa” luôn ám ảnh người trồng dưa. Công sức và tiền của đầu tư cho cây dưa không phải là ít, nhưng hiệu quả thế nào thì phải ngồi bó gối chờ vận may, là thực trạng hiện nay của người trồng dưa. Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc quy hoạch cơ cấu cho từng loại cây trồng (trong đó có dưa hấu) và tìm đầu ra cho sản phẩm là việc làm ngoài tầm với của tỉnh vì việc trồng dưa và tiêu thụ dưa liên quan đến nhiều tỉnh, chỉ ở cấp bộ mới bao quát được. Muốn làm được việc này thì Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương “ngồi lại với nhau”, có những nghiên cứu một cách khoa học về cung - cầu, xác định thị trường... mới đưa ra quy hoạch chính xác.
Để “cứu” người trồng dưa, chiều 13-4, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức buổi họp khẩn giữa các đơn vị, ngành chức năng bàn giải pháp tiêu thụ. Theo ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, tổng diện tích dưa hấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 1.100ha. Năng suất bình quân ước khoảng 27-28 tấn/ha. Hiện nay vẫn còn khoảng 81ha chuẩn bị thu hoạch. “Mấy năm qua, nhiều hộ dân trồng dưa với chi phí cao nhưng ngành nông nghiệp không khuyến khích mở rộng, vì đây là sản phẩm có giá cả thất thường, thị trường tiêu thụ lại phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa, dưa hấu không thể dự trữ lâu ngày nên bất lợi rất lớn cho người trồng dưa”- ông Hường nói.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trước mắt để giải quyết khó khăn cho bà con nông dân, Sở Công thương phối hợp cùng hệ thống siêu thị, cố gắng tổ chức thu mua dưa cho bà con nông dân, tập trung ở những nơi dưa đã đến ngày thu hoạch. Ngoài ra, các đơn vị đoàn thể, tổ chức cố gắng thu mua dưa, bán dưa giúp bà con nông dân trong thời điểm giá dưa thấp như hiện nay. Còn về lâu dài phải hướng dẫn bà con làm sao trồng dưa đừng quá ồ ạt, nên trồng trái vụ. Có thể trồng trái vụ không đạt hiệu quả tuyệt đối nhưng giá cả sẽ bảo đảm hơn” - ông Thọ gợi ý.
HÀ MINH - NGUYÊN KHÔI
Theo sggp.org.vn
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/canh-bac-mua-dua-a1425.html