Đắm say cùng đờn ca tài tử

Nghệ thuật đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo, từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần quan trọng của người dân miệt vườn Nam Bộ nói chung và mảnh đất sen hồng Đồng Tháp nói riêng.

Nơi đây, hiện có gần 200 câu lạc bộ đờn ca tài tử với gần 2.300 thành viên, đắm say hết mình với những bài ca và tiếng đờn da diết…

 
Nghệ nhân đờn ca tài tử Cẩm Linh: “Tôi không bao giờ có ý định từ bỏ đờn ca tài tử vì đó là niềm đam mê của tôi”. Ảnh: Phạm Hiền

Để đờn ca tài tử không bị mai một

Một buổi tối cuối tuần giữa mùa Thu 2018, tại sân giữa của Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp diễn ra buổi biểu diễn đờn ca tài tử dành cho những người chuyên và không chuyên. Tại đây, có một người phụ nữ Nam Bộ trong chiếc áo bà ba màu sen hồng xuất hiện từ rất sớm. Chị cho biết: “Mình phải lặn lội một mình chạy xe máy hơn 30km mới tới được đây để xem biểu diễn. Chỉ là bởi niềm đam mê với đờn ca tài tử nên cứ ở đâu có biểu diễn là mình đến xem” - Chị nói.

Người phụ nữ ấy tên là Cẩm Linh. Chị sinh ra và lớn lên ở xã Tân Dương, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), trong gia đình có 6 anh chị em, thì có 3 người “say đắm” loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử. Hai người anh của chị là những tay đờn điêu luyện, còn chị thì thích ca hát. Chị bảo: “Hồi nhỏ, nhà mình nghèo lắm nên không có điều kiện để đi nghe những buổi trình diễn trực tiếp. Mình chỉ có thể đến với đờn ca tài tử qua radio. Hôm nào cũng đợi đến chương trình để nghe và tập hát theo”.

Năm 1997, ở thành phố Cao Lãnh có những nhóm người yêu thích đờn ca tài tử tụ hợp lại theo kiểu nhóm nhỏ, các anh của chị theo người ta đi chơi đàn. Chị Cẩm Linh cũng xin được đi theo luôn... Kể từ đó, cứ tối thứ 7, nhóm lại tụ họp ở nhà của người trưởng nhóm để tập luyện. Dù đường sá xa xôi, nhưng tiếng đờn lời ca cứ gọi mời, nên không mấy khi chị vắng mặt. Ban đầu, chị Cẩm Linh cùng anh chị em trong nhóm chỉ tập và biểu diễn cho nhau xem. Về sau, nhóm phát triển lên thành câu lạc bộ, có hơn 10 thành viên. Quy mô hoạt động lớn dần, nên câu lạc bộ bắt đầu nhận được những lời mời đi biểu diễn ở địa phương rồi tham gia các hội thi.

Năm 2002, chị Cẩm Linh và nhóm từng tham dự cuộc thi đờn ca tài tử Nam Bộ ở Bạc Liêu và đã đoạt Huy chương Vàng toàn đoàn. Chị đoạt Huy chương Bạc cá nhân. Chị bảo: “Mặc dù kinh phí hoạt động của câu lạc bộ rất eo hẹp, mọi chi phí về quần áo, đạo cụ, trang điểm, đi lại, ăn uống... đều do thành viên đóng góp, nhưng không ai thấy nản”. Ngoài thời gian tham gia câu lạc bộ, lúc ở nhà rảnh rỗi hay lúc dọn dẹp, nấu ăn..., chị Linh đều tận dụng thời gian để tập hát. Chị chia sẻ: “Mình không bao giờ có ý định từ bỏ nó, bởi một phần là mình được theo đuổi đam mê, phần khác là cũng muốn cố gắng duy trì loại hình nghệ thuật này để ngày càng có nhiều người được nghe, xem hơn, nhất là với khán giả trẻ, để đờn ca tài tử không bị mai một”.

Theo thống kê của Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp, hiện, địa phương này có hơn 300 nghệ nhân vừa sáng tác, vừa ca và chơi đờn. Đờn ca tài tử là loại hình văn hóa phi vật thể của nhân loại đang được giữ gìn, lưu truyền nhiều nhất ở 2 huyện Lai Vung và Cao Lãnh. Các nghệ nhân đa số là người lớn tuổi. Thời gian gần đây, phong trào “trẻ hóa”đang dần được chú trọng với việc thành lập các câu lạc bộ đờn ca tài tử “nhí” ở Đồng Tháp Mười, Cao Lãnh... Các câu lạc bộ thường biểu diễn nhân các ngày lễ, ngày hội và các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng...

“Cứ khi ôm đờn là em quên đi mọi thứ...”

Cùng xuất hiện trong đêm biểu diễn ở Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp đêm ấy còn có Hoàng Văn Luôn, học lớp 9, ở thành phố Cao Lãnh. Từ khi mới sinh, Luôn đã được “đắm chìm” vào tiếng đờn của cha, Luôn được cha cho “chạm” vào đờn và “làm bạn” cùng đờn. Chừng 10 tuổi, Luôn đã cùng cha đi biểu diễn ở các sự kiện với ngón đờn cò, đánh mõ... Luôn cho biết: “Em gắn bó với đờn ca tài tử một phần do ảnh hưởng từ cha, phần khác là do đam mê với nó. Em rất thích được chơi đờn. Cứ khi ôm đờn là em quên đi mọi thứ xung quanh mình. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, khi rảnh rỗi, em lại ngồi tập đờn. Các buổi tối, cứ học bài xong là em lại ngồi học đờn...”.

Đầu năm 2018, khi thấy con không thể dứt ra được với nghiệp đờn ca, cha mẹ Luôn đi tìm thầy để em được học biểu diễn một cách chuyên nghiệp. Hiện tại, mỗi khi ở địa phương có những buổi liên hoan, sinh hoạt văn nghệ về đờn ca tài tử là Luôn lại được các câu lạc bộ mời đi biểu diễn với các tiết mục độc tấu độc huyền cầm, đàn cò... Luôn khoe, em đã có thể chơi thành thạo 15 bài theo lối cổ.


Phạm Hiền
Theo bienphong.com.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dam-say-cung-don-ca-tai-tu-a14185.html