Song, ít ai để ý kể từ sau khi Cựu hoàng bị Ngô Đình Diệm truất phế, các di sản của vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam để lại cho “thành phố buồn” là ba dinh thự I, II & III được trưng dụng và bảo vệ ra sao mà đến nay trông chúng vẫn còn nguyên vẹn?
Dinh 1 hay còn gọi là Dinh quốc khách
Ba dinh thự bị tấn công
Đêm giao thừa Tết Mậu Thân, hòa trong tiếng pháo đón mừng năm mới tại các tỉnh lỵ, thành phố lớn ở miền Nam bất ngờ bị quân giải phóng đồng loạt tấn công, trong đó có ba Dinh thự I, II và III ở Đà Lạt cũng hứng chịu nhiều loạt đạn pháo. Ba dinh thự này ngày trước Dinh I được Cựu hoàng Bảo Đại dùng làm Tổng hành dinh của Hoàng triều Cương thổ; Dinh II dành cho các quan chức nghỉ dưỡng vào mùa Hè và Dinh III cựu hoàng dùng làm dinh Quốc trưởng và thư phòng cho gia đình. Vào thời điểm Tết Mậu Thân và cho cả về sau này ba dinh thự trên được đặt dưới quyền quản lý trực tiếp của Phủ thủ tướng Sài Gòn. Trong đó, dinh I, dùng để tiếp đón khách ngoại giao nên còn gọi là Dinh quốc khách (hoặc Biệt điện Bách Hoa); dinh II & III, dành cho các quan chức cấp cao của Sài Gòn mỗi khi lên Đà Lạt kinh lý hay nghỉ mát. Do tính chất quan trọng của mỗi dinh nên lực lượng bảo vệ an ninh ở đây được đặt trong tình trạng rất nghiêm ngặt. Vòng trong của dinh được giao trọng trách cho ba tiểu đội thuộc Liên đoàn an ninh danh dự Phủ Thủ tướng. An ninh bên ngoài dinh được giao cho tiểu khu Tuyên Đức đảm trách, mỗi dinh cắt cử một trung đội luân phiên canh gác, tuần tra. Riêng dinh quốc khách, vì nằm cạnh trụ sở của Trung tâm truyền tin nên đêm đến Trung tâm này đã tăng cường thêm một số binh sỹ qua canh gác nhằm giữ cho khu vực được an toàn tuyệt đối. Bởi lẽ Dinh quốc khách nằm trên một cao điểm nếu bị chiếm giữ sẽ là bàn đạp rất thuận lợi để tấn công sang trụ sở Trung tâm truyền tin ở cạnh ngay trước mặt bên kia đường Trần Hưng Đạo.
Tuy vậy, đêm diễn ra cuộc giao tranh đến 2 giờ khuya dinh quốc khách bị chiếm giữ nhiều giờ nên có phần hư hại nặng nhất. Cùng lúc Dinh II cũng bị quân giải phóng xâm nhập vào sân bay trực thăng sau khi Dinh này bị trúng hai quả đạn pháo P.40 vào một phòng ngủ không có người của một biệt thự phía sau dinh.
Ngay chiều ngày hôm sau, Phủ Thủ tướng Sài Gòn nhận được báo cáo từ tiểu khu Tuyên Đức về việc đêm trước ba dinh thự của Phủ Thủ tướng ở Đà Lạt bị tấn công, trong đó có Dinh quốc khách bị đối phương chiếm giữ. Mức độ thương vong của hai phía đến thời điểm báo cáo vẫn chưa rõ.
Liền sau đó Phủ Thủ tướng đánh đi một công điện yêu cầu tiểu khu Tuyên Đức tăng phái cho một lực lượng cần thiết đủ để canh gác ba dinh thự. Tiểu khu Tuyên Đức ngay sau đó phái đến một trung đội dưới quyền chỉ huy của đại uý Trưởng Ty an ninh quân đội để vừa bảo vệ dinh I, vừa bảo vệ Trung tâm truyền tin bên cạnh. Đồng thời nhận thấy với số quân ít ỏi của Phủ Thủ tướng thì khó lòng giữ nổi dinh nếu bị đối phương tấn công thêm lần nữa nên tăng cường cho mỗi dinh thêm 6 binh sĩ cùng nhiều hoả lực.
Ngoài nhiệm vụ ban đêm canh gác, lực lượng tăng phái này ban ngày còn có nhiệm vụ tuần tra các vùng đất thuộc quyền dinh quản lý để ngăn chặn đối phương xâm nhập.
Sơ đồ phòng thủ Dinh quốc khách
Bảo vệ Dinh Quốc khách bằng pháo đài
Sau biến cố Mậu Thân theo nhận định của Ty an ninh Tuyên Đức, vùng đất này kể từ nay đã thiếu an ninh, trong lúc tiểu khu không có thừa lính để tăng cường bảo vệ an ninh cho các dinh thự. Mà, chung quanh Đà Lạt có địa thế rất hiểm trở, đồi núi tiếp giáp với rừng cây, cùng những ghềnh thác và sơn đảo tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển quân và trú ẩn. Đồng thời gây khó khăn cũng như làm giảm hiệu năng quan sát và yểm trợ của không quân. Dân số Đà Lạt lúc bấy giờ đa số là người Việt gốc Hoa sống tập trung thị xã bằng nghề thương mại. Vùng ven thị xã phần đông là người miền Nam sinh sống bằng nghề làm rẫy, thành phần này có nhiều người theo cách mạng. Đây cũng là một trong số nhiều lý do chính quyền qua các thời kỳ vẫn xem Đà Lạt là đô thị quan trọng thứ hai sau Sài Gòn. Vì nơi đây là một trung tâm du lịch thu hút rất đông người ngoại quốc đến thăm viếng, trú ngụ, và cũng là nơi tập trung nhiều quân trường lớn. Do đó mọi biến cố xảy ra ở đây không thuần tuý giao tranh quân sự mà còn gây ảnh hưởng chính trị đến tầm vóc quốc tế.
Cũng vào thời điểm trên trong một bản báo cáo được gọi là “kế hoạch phòng thủ” của trung tá Trần Như Phong, tiểu khu phó Tuyên Đức cho thấy vùng này đã trở thành nơi “xôi đậu” và thường xuyên chịu áp lực lớn từ phía quân giải phóng. Bản báo cáo đưa ra nhiều giả thiết trong đó có ước tính khả năng quân giải phóng tập trung từ khu tam giác theo hướng Bắc và Tây Bắc tiến chiếm khu vực áp ngã ba Trại Hàm để tấn công đơn vị phòng thủ quanh khu vực Dinh quốc khách. Ngay sau bản báo cáo trên về đến “phủ đầu rồng”, Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia đã vội tăng phái dài hạn cho một đại đội cảnh sát dã chiến, thuộc biệt đoàn 222 đến canh giữ Dinh quốc khách. Cùng lúc giao phó cho một tiểu đoàn địa phương quân của tiểu khu Tuyên Đức chiếm giữ các cao điểm và trận địa pháo bên ngoài dinh khoảng 200 mét nhằm ngăn ngừa đối phương xâm nhập hoặc pháo kích. Cùng lúc hệ thống kẽm gai phòng thủ của cả ba dinh thự cũng được cho dời hết xuống triền đồi và củng cố 100%, trong đó có pháo đài dã chiến và hệ thống chiếu sáng do Cục công binh thiết lập.
Trong thực tế Dinh quốc khách chỉ được thắt chặt và tăng cường an ninh khi có các phái đoàn ngoại quốc đến lưu trú. Khi đó an ninh được thắt chặt bằng nhiều vòng đai theo chiều sâu từ trung tâm dinh đến vùng ven biên thị xã Đà Lạt có ít nhất là ba vòng: An ninh phòng thủ nội vi trong khuôn viên dinh được giao cho ba đại đội cảnh sát dã chiến và hai xe bọc thép M.100 đặt trong tình trạng sẵn sàng tác xạ; an ninh gần giao cho một đại đội địa phương quân trấn giữ cách vòng rào dinh 500 mét trở ra; và hai đại đội địa phương quân khác đảm trách an ninh khu vực ven biên Đà Lạt nhằm lục soát kỹ lưỡng và cho chiếm các cao địa nơi nghi ngờ đối phương có thể đặt súng pháo kích vào khu vực nội dinh. Ngoài ra còn có một trung đội pháo binh yểm trợ trực tiếp cho các đơn vị an ninh thực hiện tác xạ khi có tin tức đối phương xuất hiện. Cùng lúc tại phi trường Cam Ly hai trực thăng võ trang túc trực sẵn sàng cung cấp các phi vụ L.19 bao trùm trên không phận Đà Lạt khi có yêu cầu.
Còn thường nhật lực lượng canh phòng hiện hữu chỉ có một đại đội cảnh sát dã chiến đảm trách trong nội vi dinh, và một chi đội cơ giới địa phương quân làm lực lượng trừ bị.
Kể từ sau ngày Cựu hoàng Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm truất phế, cho đến biến cố Tết Mậu Thân thì công tác chỉnh trang Dinh quốc khách mới được thực hiện lần đầu, trong đó vấn đề phòng thủ được đặt ra và khẩn trương xúc tiến. Chính quyền cho phá dỡ hết kẽm gai và hệ thống công sự phòng thủ cũ để nới rộng vành đai phòng thủ xuống sườn đồi bên ngoài và các con đường chạy quanh dinh. Trước khi thiết lập mới một lô cốt phía trước và hai lô cốt kiên cố bên hông dinh bằng vật liệu nặng, nơi đây vốn là bãi mìn dài 1.200m, rộng 6m, được thiết lập vào giai đoạn đầu của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Ngay sau giải tỏa bãi mìn, Cục công binh tiến hành xây dựng hai pháo đài phòng thủ chính nằm ở phía Nam và một pháo đài dã chiến nằm ở giữa. Cùng lúc Cục công binh cho thực hiện 7 chòi canh bằng vật liệu nhẹ dọc theo đại lộ Trần Hưng Đạo và một điểm canh ở cổng chính. Ngoài ra, xung quanh Dinh quốc khách được lắp đặt mới hệ thống đèn chiếu sáng 300W. Tất cả vật liệu, trang cụ, thiết bị được không vận bằng máy bay quân sự từ kho Long Bình lên Đà Lạt để lắp đặt để phòng vệ nội dinh. Kể từ thời điểm đó, an ninh Dinh quốc khách được giao cho biệt đoàn 222, cảnh sát dã chiến đảm nhiệm. Quân số đặc trách ở dinh vào khoảng 90 binh sĩ, dưới quyền chỉ huy của đại uý Trương Minh Long.
Dinh quốc khách nằm trên một ngọc đồi thơ mộng, yên tĩnh, cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 4km. Là một công trình kiến trúc độc đáo, cổ kính, uy nghi khiến cho bất kỳ ai một lần đến đây cũng phải trầm trồ cảm thán, nhưng không hiểu sao mãi đến tận vài năm gần đây Dinh quốc khách mới được tu sửa lại và đưa vào khai thác du lịch. Với người viết, tất cả vẫn còn nguyên vẹn, còn ẩn chứa nhiều điều bí mật nằm sâu trong những đường hầm phía sau dinh chưa được khám phá.
Cao Phương
Theo baodulich.net.vn