Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai 2018

Sáng 30/9 dương lịch nhằm ngày 21/8 âm lịch, tại đền Trung Túc Vương Lê Lai (xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) đã diễn ra Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai.

 
Đồng chí Phạm Văn Đạt đọc diễn văn khai mạc Lễ dâng hương Trung Túc Vương

Tham dự buổi Lễ dâng hương có đồng chí Vũ Thế Sơn, Phó Giám đốc Sở văn hóa và Du lịch tỉnh Thanh Hóa; Đồng chí Phạm Văn Đạt, ủy viên BCH Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc, Trưởng Ban tổ chức Lễ dâng hương Trung Túc Vương Lê Lai cùng hàng vạn người dân trong huyện và các vùng lân cận.
 
 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, huyện Ngọc Lặc thành kính dâng hương.
 
Tại sao lại có lệ giỗ Trung Túc Vương Lê Lai trước vua Lê Lợi một ngày?
 
21 Lê Lai, 22 Lê Lợi. Ngày 22 tháng 8 âm lịch hằng năm đó là ngày giỗ của người anh hùng dân tộc Lê Lợi. Tại xã Lam Kinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ngày nay cứ đến ngày 22 tháng 8 âm lịch hằng năm là ngày Lễ hội của nhân dân quanh vùng, và dòng dõi con cháu dòng họ Lê ở khắp mọi nơi đổ về tham gia lễ hội. Vậy Lê Lai là ai mà ông lại được giỗ trước vua Lê Lợi một ngày?
 
Hơn 600 năm trước, Lam Sơn (ngày nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) thời bấy giờ được gọi theo tên Nôm là làng Cham, là hương thuộc huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa. Đây là một vùng đồi núi thấp xen kẻ những dải rừng thưa và cánh đồng hẹp, và Lam Sơn chính là quê của người anh hùng dân tộc Lê Lợi và là căn cứ buổi đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo.

Ngày mùng 2 tháng 1 âm lịch năm Mậu Tuất 1418 cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chính thức bùng nổ, Lê Lợi tự xưng là Bình Định Vương, và tất cả các tướng trong Bộ chỉ huy Lam Sơn đều được trao chức tước. Tuy nhiên, trong gần 2 năm đầu tiên của cuộc khởi nghĩa, những cuộc vây quét lớn của quân nhà Minh đã gây cho nghĩa quân rất nhiều tổn thất, lực lượng của nghĩa quân Lam Sơn bị thiệt hại rất lớn, nghĩa quân đã phải rút lên núi Chí Linh lần thứ nhất.

Sau hơn 2 tháng bao vây núi Chí Linh, quân nhà Minh phải rút về thành Tây Đô, còn nghĩa quân thì lại trở về Lam Sơn, tinh thần và sức mạnh chiến đấu của nghĩa quân lại được lên cao. Nhưng ngay sau đó, quân nhà Minh đã dốc hết lực lượng tổ chức một cuộc đàn áp có quy mô rất lớn. Nghĩa quân Lam Sơn đã chống trả quyết liệt, nhưng do lực lượng yếu, nên nghĩa quân đã phải rút lui lên núi Chí Linh lần thứ hai.
 
Lần này quân nhà Minh khép chặt vòng vây hơn lần trước rất nhiều. Nghĩa quân phải chịu đói, khát và bệnh tật cũng hoành hoành hơn trước. Đứng trước tình hình trên, chủ tướng Lê Lợi cũng đã phải cho giết thịt cả ngựa chiến của mình để làm thức ăn cho tướng sỹ, nghĩa quân đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt.
 

Lê Lai xả thân cứu chúa
 
Đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” trên, con đường duy nhất có thể cứu sống được nghĩa quân Lam Sơn chỉ có thể là tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý của quân nhà Minh, để rồi rút khỏi núi Chí Linh một cách an toàn. Nhưng đây là một việc vô cùng khó khăn, bởi vì muốn đánh lạc hướng quân nhà Minh một cách thành công thì nghĩa quân Lam Sơn chắc chắn phải chịu một tổn thất rất lớn.
 
Với quân Minh “bắt giặc phải tìm người đầu sỏ”, mục đích của quân nhà Minh lúc đó chỉ cần bắt được thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, nghĩa là chúng chỉ cần bắt và tiêu diệt được Lê Lợi. Biết được ý đồ của quân nhà Minh, Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đã phải bàn bạc rất kỹ, và trong các tướng lĩnh ai sẽ là người chấp nhận hy sinh để mở lối thoát an toàn cho Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn? Và người chịu hy sinh đó chính là Lê Lai.
 
Lê Lai ( -? – 1419), thân sinh là Lê Kiều, người làng Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang (đầu thời nhà Hậu Lê huyện Lương Giang còn được đổi tên là huyện Thủy nguyên), ngày nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Lê Lai chính là một trong những người có mặt trong Hội thề Lũng Nhai năm Bính Thân 1416.
 


 
Hàng vạn người dân tham dự Lễ dâng hương Trung Túc Vương
 
Tại Lũng Nhai, năm Bính Thân 1416, một địa điểm gần Lam Sơn, Lê Lợi cùng 18 người bạn chiến đấu thân cận nhất làm lễ thề kết nghĩa anh em, nguyện một lòng đánh giặc cứu nước. Trong lời thề ý nghĩa thiêng liên đó, 19 người anh hùng đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã cắt máu ăn thề. Lời thề có đoạn như sau:
 
“Nay ở nước chúng tôi, phụ đạo chính là Lê Lợi cùng với Lê Lai đến Trương Chiến, mười chín người, họ hàng quê quán tuy khác nhau, nhưng kết nghĩa thân nhau như như cùng một tổ liền cành, phận giàu sang dù khác nhau, nhưng nguyện coi tình như chung một họ không khác… cùng chung sức đồng lòng, giữ gìn đất nước để trong cõi được sống yên lành, nguyện sống chết có nhau không quên lời thề sắt son”.
 
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, bản thân Lê Lai được phong tước Quan nội hầu, chức Tổng quản trong phủ Đô Tổng quản. Quan nội hầu là tước vị cao nhất mà Lê Lợi đã phong cho các tướng dưới quyền, Tổng quản là chức đứng đầu, còn Đô Tổng quản là cơ quan trực thuộc Bộ chỉ huy, chịu trách nhiệm về hậu cần, xây dựng đại bản doanh và bảo vệ Bình Định Vương Lê Lợi cùng các tướng trong Bộ chỉ huy. Sử cũ chép rằng, sở dĩ Lê Lai luôn hầu cận ở bên cạnh Lê Lợi là vì vậy.
 
Chính vì là người luôn hầu cận ở bên cạnh chủ tướng, cho nên Lê Lai biết rằng nghĩa quân Lam Sơn không thể thiếu Lê Lợi được, vì vậy mà Lê Lai đã quyết định hy sinh để cứu Lê Lợi cùng nghĩa quân Lam Sơn. Trước khi nhận lời với Lê Lợi, Lê Lai đã nói rằng: “Thần nguyện khoác áo hoàng bào của Bệ hạ, nếu ngày sau Bệ hạ có làm nên đế nghiệp, thu được thiên hạ trong tay, thì xin hãy nhó đến công lao của thần mà cho con cháu muôn đời của thần được hưởng ơn vua, đó là điều mong ước của thần”.
 
Ngay sau đó, Lê Lai khoác áo hoàng bào, dẫn quân cảm tử lao ra phá vòng vây của giặc và hô lên rằng: “Ta là chúa Lam Sơn đây”. Quân nhà Minh do không biết mặt Lê Lợi, lại thấy người mặc áo hoàng bào, nên chúng tập trung quân bao vây chặt lấy Lê Lai, các quân sỹ cảm tử của Lê Lai đều bị giết chết. Cuối cùng quân nhà Minh bắt sống được Lê Lai, chúng đưa về thành Tây Đô xử cực hình. Giết xong Lê Lai, quân nhà Minh hý hửng tưởng đã giết chết được Lê Lợi, nhưng ngay sau khi quân nhà Minh rút khỏi núi Chí Linh thì Lê Lợi và nghĩa quân đã trở về Lam Sơn khôi phục lại lực lượng tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân nhà Minh xâm lược nước ta.
 
 
Sự hy sinh anh dũng của Lê Lai đó là sự hy sinh của người anh hùng xả thân vì nước. Sau này cuộc khởi nghĩa Lam Sơn toàn thắng. Ngày 29/12/1427 quân nhà Minh bắt đầu rút quân về nước, đến gày 3/1/1428, đội bộ binh cuối cùng của Vương Thông lên đường về nước, đất nước ta sạch bóng quân thù. Ngày 29/4/1428, Lê Lợi chính thức lên ngôi Hoàng đế ở Đông Kinh (Thăng Long), khôi phục tên nước là Đại Việt, mở đầu triều đại nhà Lê (thường được gọi là nhà Lê Sơ, hay nhà Hậu Lê để phân biệt với nhà Tiền Lê của vua Lê Đại Hành).
 
Ngay sau khi lên làm vua, để ghi nhớ công ơn của Lê Lai, Lê Lợi đã truy tặng Lê Lai là đệ nhất Khai quốc công thần, hàm Thiếu úy. Lê Lợi còn sai Nguyễn Trãi soạn hai đạo thệ từ (văn thề) để mãi mãi ghi nhớ công lao của Lê Lai, Lê Lợi còn có thánh chỉ rằng khi nào ông mất, thì hãy làm giỗ Lê Lai trước ông giỗ của ông một ngày. Vào ngày 22 tháng 8 âm lịch năm Quý Sửu 1433, Lê Lợi mất, nhớ lời Lê Lợi, từ đó đến ngày nay trải qua thời gian gần 600 năm, cứ đến ngày 21 tháng 8 âm lịch hằng năm nhân dân ta lại làm giỗ cho Lê Lai và ngày hôm sau là làm giỗ cho Lê Lợi.
 
Về tước hiệu Trung Túc Vương Lê Lai: Vào năm Thái Hòa thứ nhất (niên hiệu của vua Lê Nhân Tông) năm Quý Hợi 1443, Lê Lai được ban tặng là Bình Chương quân quốc trọng sự, ban cho túi Kim Ngự (túi cá vàng) và Kim Phù (ấn bằng vàng), tước Huyện Thượng hầu. Đến năm Canh Dần niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470) đời vua Lê Thánh Tông, Lê Lai được ban tặng là Diên Phúc hầu. Đến năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 15 đời vua Lê Thánh Tông, Lê Lai được ban tặng Thái úy Phúc quốc công, sau gia phong là Trung Túc Vương.
 
Vương Quốc Hoa

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/le-dang-huong-trung-tuc-vuong-le-lai-2018-a14070.html