Cây vừa là chứng nhân lịch sử ngàn năm, điểm tựa về tinh thần cho cả cộng đồng, vừa biểu thị của sức mạnh, sự trường tồn nơi đất lành. Người dân coi cây thị ngàn tuổi như “báu vật” của làng, che chở và phù hộ cho dân làng.
Cây thị độc đáo mọc ở Phủ Khống thiêng
Phủ Khống là điểm du lịch nằm trong Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình). Trước Phủ Khống là một hồ nước rộng với cả trăm con thuyền san sát đợi khách. Đến phủ với cuộc hành trình bằng thuyền đi qua 13 hang động kỳ bí dài 13 cây số. Cô lái đò kể câu chuyện cách đây một ngàn năm.
Đây là di tích thờ vị quan đầu triều của nhà Đinh, hiệu vị là Đinh Công tiết chế. Theo truyền thuyết, khi Vua Đinh và con trai trưởng là Đinh Liễn bị sát hại, Đinh Toàn lên ngôi Hoàng đế khi mới 6 tuổi. Trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống, Thái hậu Dương Vân Nga đã trao áo long bào cho Thập Đạo Tướng quân Lê Hoàn, Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế. Một số vị quan triều Đinh không khuất phục, đem quân chống lại Lê Hoàn. Đinh Công tiết chế bị giam lỏng (khống chế) ở khu vực này (Phủ Khống ngày nay). Khi nghe tin các cánh quân chống lại Lê Hoàn đều bị thất bại, các viên quan bị bắt và bị sát hại, Đinh Công tiết chế đã tuẫn tiết. Nhân dân đã lập đền thờ Ngài trên vị trí Ngài bị giam lỏng.
Lúc ấy, có bảy vị quan trung nghĩa đã đúc 100 cỗ quan tài bằng đồng khâm liệm và chôn cất vua. 100 quan tài được chôn cất ở những nơi bí mật. Sau đó họ cùng nhau tuẫn tiết, để lại bí mật muôn đời về ngôi mộ thật của vua Đinh. Một vị Đinh Công đã lập bát nhang cho bảy vị trung thần, rồi nhân dân lập đền thờ, bên cạnh cho trồng cây thị.
Những người biết đến Phủ Khống thường bị thu hút bởi kiến trúc cổ kính, trầm mặc, giai thoại lịch sử và cây thị thuộc hàng cổ thụ mang trong mình những giai thoại, chuyện kể ly kỳ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau 1.000 năm, cây thị có sức sống trường tồn. Nhìn từ xa, cây thị khép tán giống hình con voi soi bóng xuống mặt hồ và bao trùm Phủ Khống cổ kính. Cây thị với niên đại nghìn năm tuổi, mọc trên một gò đá. Rễ cây cuồn cuộn vươn nhánh che bóng mát toàn bộ Phủ Khống. Cây thị thuộc hàng đại thọ xanh tốt, um tùm, sum suê hoa lá. Sự cổ thụ của cây thể hiện rõ ở bộ rễ xù xì, chai sạn oằn lên mặt đất với những đường cong, hình thù kỳ dị. Cây thị to, cành lá rậm rịt che phủ một vùng. Quả thị mơn mởn khắp cành. Cứ đến tháng 7, người dân trong vùng hồ hởi ngắm cây thị xem hoa nở, quả đậu.
Điều làm nên một cây thị độc đáo, trứ danh đó là: trên cây thị này cho ra hai loại quả: quả tròn và quả dẹt trên cùng một cây. Thi sĩ Hoàng Quang Thuận từng viết: “Tuẫn tiết theo vua bảy danh thần/ Lòng trung vì nghĩa tiếc gì thân/ Khói hương nghi ngút đền Phủ Khống/ Ngàn năm con cháu mãi tri ân/ Cây thị ngàn xưa vẫn trổ hoa /Đá cổ linh thiêng gốc thị già/Cho hai loại quả hương ngào ngạt. Quả to đãi khách, bé dâng trà”.
Linh vật của Tràng An
Như luật bất hành văn, đã nghìn năm nay, họ đều chọn thị để dâng lên Trời Phật: “Thị tròn để thờ Trời Phật. Thị dẹt để thờ thánh thần”.
Cứ mỗi chớm thu, hương thị khi chín thơm nức cả một không gian rộng lớn. Cây thị còn độc đáo ở chỗ quả dù chín độ nào cũng không bị sâu. Quả thị dáng tròn, hay dẹt khi chín có màu vàng, mọng nước, to khoảng 3–6cm, thường chia thành 6-8 “múi”. Cuống hoa dính sát vào quả. Quả thị khi chín có mùi thơm dịu nhẹ. Hương thơm này có tác dụng trấn tĩnh, giảm căng thẳng thần kinh, thư giãn.
Cây thị “hai loại quả” như một linh vật của người dân nơi đây. Theo người lái đò kể lại, cách đây khoảng 300 năm, có một ông quan đánh trận đi ngang qua. Đột nhiên, ông bị đau bụng dữ dội. Dân làng chữa cách gì cũng không thuyên giảm. Ông quan dần kiệt sức. Bỗng bên tai ông văng vẳng tiếng nói: “Lấy thị chữa bệnh”. Ông gắng sức vào Phủ Khống cúi lạy, cầu xin một quả thị. Sau khi thưởng thức hết quả dẹt, quả tròn, bệnh tình ông bỗng đâu bay mất. Hôm sau ông phục hồi và tiếp tục đi đánh trận trước niềm hân hoan của dân làng.
Sự linh nghiệm của cây thị được người dân trân trọng. 5 năm trước, có gia đình có cậu con trai 7 tuổi đột nhiên phát bệnh hoảng loạn. Cậu bé luôn hốt hoảng, khóc lóc vật vã suốt ngày đêm, dỗ mãi không chịu nín. Gia đình chạy chữa khắp nơi mà không thuyên giảm. Nghĩ ở Phủ Khống có cây thị giúp giảm căng thẳng thần kinh, gia đình đưa cậu bé đến Phủ làm lễ khấn cầu và xin vài quả thị về đặt trên bàn, gần nơi bé nằm. Cứ vài ngày, gia đình cậu bé lại lên Phủ xin thị về thay thế. Cứ thế, sau sáu tháng, không biết do “linh vật” hay ngẫu nhiên mà cậu bé dần trấn tĩnh, vui vẻ hoạt bát và không còn khóc thét vì sợ hãi.
Một sự linh nghiệm của cây thị ngàn tuổi ở Phủ Khống đó là những người nào muốn có sự chung thủy hay trung thành đều tìm đến đây. Vốn là nơi 7 vị quan thuẫn tiết trung kiên bảo vệ bí mật cho ngôi mộ thật của Vua Đinh, sự linh thiêng càng thêm được củng cố.
Có rất nhiều đôi trẻ trong làng, ngoài xã chèo thuyền tìm về Phủ Khống thề nguyện. Họ ước ao, hai bên một lòng một dạ sống chết có nhau, cùng nhau vượt qua những bể dâu cuộc đời. Đôi trai gái cầu nguyện và xin hai loại quả thị trên cành. Quả tròn người nam giữ, quả dẹt người nữ giữ. Họ coi đó là vật linh nghiệm gìn giữ tình yêu son sắt của mình.
Người dân trong làng còn xin hạt thị của cây ngàn tuổi về ngâm nước trà. Nước trà hạt thị có tác dụng kích thích sinh trưởng, chống lão hóa, làm thuốc dưỡng da, làm cho da hết nhăn, trở nên căng mịn, hồng hào. Hạt thị trở thành vị thuốc “cung đình” để giữ sắc đẹp của nữ giới quanh vùng. Việc người dân dùng lá cây thị này chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Ai bị chướng bụng, chỉ cần cầu xin “thần cây” cho 1 nắm lá thị. Sau đó cho lá thị vào nồi nước đun sôi rồi tắm qua là khỏi. Lá cây thị này đặc biệt tốt cho những người vừa mổ. Họ đều dùng lá thị xông và tắm, vết mổ sẽ liền nhanh hơn.
Theo các bô lão ở đây: “Cây thị không chỉ đơn thuần là một cây tự nhiên mà đã trở thành báu vật của người dân Tràng An. Cây vừa là chứng nhân lịch sử, điểm tựa về tinh thần cho cả cộng đồng, vừa biểu thị của sức mạnh, sự trường tồn nơi đất lành. Người dân coi cây thị ngàn tuổi như “báu vật”, che chở và phù hộ cho dân làng. Người dân muốn thưởng thức thắp hương phải mang lễ vào Phủ Khống xin mới được hái. Nếu tự ý động chạm đến “cụ thị” hậu quả khó lường.
Một cây thị ngàn tuổi mọc hai loại quả trên cùng một cành chứa đựng nhiều bí ẩn chưa ai giải thích được. Các bô lão Tràng An ước rằng, cây thị ngàn tuổi sẽ thu hút được nhiều khách tham quan và các nhà khoa học vào cuộc, tìm hiểu, giải thích xem vì sao lại có giống thị kỳ lạ đến vậy.
Theo Báo Du Lịch
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cay-thi-nghin-tuoi-co-2-loai-qua-tren-cung-mot-canh-a140.html