Làng là một cộng đồng nhỏ gồm nhiều gia đình, cá nhân người Việt sinh sống, cư trú. Trong quá trình hình thành và phát triển, làng chính là nơi xây dựng, hình thành các giá trị văn hóa đồng thời cũng chính là nơi lưu truyền các giá trị văn hóa đó. Làng có từ hàng nghìn năm nay theo suốt quá trình lịch sử của người Việt Nam. Với bề dày lịch sử như vậy, Việt Nam có nhiều làng cổ là điều dễ hiểu. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, vấn đề đô thị hóa tại các làng trở thành đề tài nóng và là câu hỏi hóc búa với các nhà quản lý, các nhà bảo tồn.
Bảo tồn như thế nào? Bảo tồn kiến trúc, cảnh quan? hay giữ gìn phong tục, lề lối, đời sống của người dân tại làng cổ? là những câu hỏi khiến các nhà bảo tồn phải trăn trở lâu nay. Khó khăn như vậy là bởi làng cổ có đến mấy dạng, mấy loại khác nhau: có làng giờ chỉ còn tên gọi, có làng chỉ còn cổng làng, có làng đã đô thị hóa gần hết, lại có làng xây mới hơn 50% diện tích làng…Như vậy để bảo tồn, mỗi làng lại cần có một hình thức khác nhau.
Làng cổ có nghĩa là những là những ngôi làng phải có tuổi thọ từ trăm năm trở lên. Hầu hết kiến trúc của các ngôi làng này lại được xây dựng từ gỗ, đá ong trải qua mưa nắng, thời gian hàng trăm năm việc xuống cấp, hư hỏng là điều đương nhiên. Do hư hỏng, xuống cấp người dân buộc phải sửa chữa, xây mới là một trong những lý do đầu tiên của việc mất dần làng cổ, điển hình của vấn đề này có thể kể đến đó là Làng cổ Đường Lâm và Đồng Văn.
Làng cổ Đường Lâm với kiến trúc cổ có giá trị cao về lịch sử, mỹ thuật đã được xếp hạng Di tích Quốc gia nhưng trong làng có nhiều nhà xuống cấp, có khả năng gây nguy hiểm cho người dân sống tại đây..
Lý do thứ 2 của việc mất làng là sự đô thị hóa đang phát triển mạnh, vì cuộc sống người dân buộc phải bán đất, bán nhà, cơi nơi để buôn bán, kinh doanh…hình ảnh, cuộc sống nơi làng cổ xưa cũng vì thế không thể duy trì. Ví như Làng Mơ hay trước kia được gọi là Kẻ Mở thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội nay đã không còn giữ được cảnh quan làng mạc, không còn ruộng vườn. Hay như làng Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội) vốn đẹp nổi tiếng với những cánh đồng xanh vút tầm mắt, những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi nay đã không còn thấy bóng dáng bởi nhưng khu đô thị mới đã chiếm hết tầm nhìn. Những làng như: Ngọc Hà, Nhật Tân,Cự Đà, Cót…giờ chỉ còn tên chứ không còn làng…
Qua đó có thể thấy, việc bảo tồn làng cổ là vấn để rất cấp bách. Nhưng bảo tồn làm sao để không cản trở sự phát triển chung của xã hội? Sự việc người dân Đường Lâm đòi trả lại di tích là sự kiện nổi cộm của ngành di sản trong năm 2013. Sở dĩ xảy ra chuyện đáng tiếc như vậy cũng chỉ bởi người dân quá bức xúc khi phải sống trong những ngôi nhà ọp ẹp, ẩn chứa nhiều nguy hiểm..Nhưng sửa chữa thì lại không được phép bởi tuy là nhà của họ nhưng lại là Di tích cấp quốc gia do đó, muốn sửa phải được sự đồng ý của các cơ quan quản lý. Vấn để đáng nói ở đây không phải là các nhà quản lý không quan tâm, không phê duyệt việc sửa chữa nhà ở cho dân mà là ở chỗ, sửa thế nào, nguồn kinh phí từ đâu…chưa có câu trả lời.
Với kiến trúc chính là gỗ, việc sửa chữa một ngôi nhà tại làng cổ không phải là việc đơn giản. Từ việc nguồn kinh phí lấy từ đâu bởi người dân chắc chắn không có khả năng sửa lại căn nhà bằng gỗ - vật liệu cao cấp rất đắt tiền. Rồi có kinh phí thì sửa thế nào? Ai là người sửa? khi mà hiện nay các phương án kiến trúc cổ phải qua nhiều cấp phê duyệt mới ra được kết quả cuối cùng, những thợ được đào tạo có tay nghề trùng tu sửa chữa nhà cổ hiện nay vô cùng hạn chế. Vô vàn vấn để khó khăn đặt ra đối với công tác bảo tồn làng cổ.
Tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị các làng cổ ở Hà Nội” được tổ chức ở Hà Nội ngày 27 tháng 12 vừa qua, Giáo sư Hoàng Đạo Kinh đã nói: “Hơn 4.000 di tích đã được công nhận hiện nay đều đòi hỏi trùng tu, giá trị mỗi lần trùng tu cũng phải từ 15-20 tỉ đồng. Chưa kể di tích của chúng ta là di tích gỗ, mỗi lần sửa sang tốn đến cả trăm mét khối gỗ tứ thiết. Ngân sách lấy đâu ra, gỗ lấy đâu ra mà cơ quan nhà nước cũng không đủ người để đi phê duyệt chừng đó phương án”.
Bên cạnh đó, Giáo sư cũng chỉ ra thực trạng là người dân hiện nay đa phần không thích sống trong nhà cổ, làng cổ, bởi sống trong những căn nhà này không thoải mái, tiện nghi thiếu, vệ sinh không khép kín. “Chúng ta cứ hoài niệm trong khi những người dân không muốn sống trong những không gian như vậy. Do đó mới nảy sinh những sự việc bức xúc giữa người dân và các nhà quản lý”.
Cũng tại buổi Hội thảo này, ông Phạm Hùng Sơn - Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm có ý kiến: Nhiều người nói rằng làng cổ Đường Lâm cần học tập cách làm du lịch từ Hội An nhưng mỗi nơi mỗi khác. Người dân Hội An từ thế kỷ 17 đã buôn bán, họ biết làm kinh tế và khai thác du lịch. Còn dân Đường Lâm bao đời nay đều là nông dân, hỏi làm sao biết cách làm du lịch?
Bảo tồn làng cổ do đó không thể chỉ là bảo tồn cảnh quan, kiến trúc mà phải quan tâm đến sự phát triển chung, đời sống của người dân – những chủ thể chính của làng. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam Đặng Văn Bài cho rằng: "Công tác bảo tồn làng cổ ở nước ta chủ yếu quan tâm đến việc kéo dài tuổi thọ công trình di tích, cố gắng giữ được càng nhiều yếu tố gốc càng tốt chứ ít quan tâm đến sự sống xung quanh. Làng cổ như cơ thể sống liên tục phát triển, vì vậy, bảo tồn thì phải biết chấp nhận sự khác đi tất yếu của làng thời nay so với thời xưa. Nói cách khác, con người và những nhu cầu chính đáng của họ cần được đặt vào vị trí trung tâm trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ".
Đồng quan điểm trên, Giáo sư.Tiến sĩ Phạm Đình Việt đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng: Bảo tồn làng cổ là bảo tồn một điểm dân cư sống. Cộng đồng là những người sở hữu di sản một cách hữu hình và vô hình. Họ cần được hưởng lợi từ nó nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về sự tồn tại của nó. Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước nên đứng ở vai trò hướng dẫn và hỗ trợ tích cực. Cần tích cực tuyên truyền cho nhân dân về giá trị của làng cổ để nâng cao sự hiểu biết và tự hào với làng quê, trên cơ sở đó họ sẽ tự đề xuất các khu vực cần được bảo tồn. Xây dựng bản đồ làng cổ trên toàn thành phố nhằm từng bước xếp hạng và xây dựng các cấp độ bảo tồn khác nhau. Các chính sách cần mềm dẻo, linh hoạt, lấy mục đích cao nhất là gìn giữ được các giá trị văn hóa, lịch sử của làng Việt”.
Mỗi làng cổ đều có đặc thù với giá trị văn hóa, lịch sử riêng tạo nên một tổng thể xã hội đa dạng về văn hóa truyền thống tại Việt Nam. Khó có thể so sánh làng nào có giá trị hơn làng nào, do đó để tìm lời giải đáp cho việc bảo tồn làng cổ cần sự tập trung nghiên cứu nhiều hơn nữa của các nhà quản lý, các nhà khoa học, bảo tồn...Nhưng trên hết, cần sự ý thức của mỗi người dân – những chủ thể chính của làng. Bởi nếu nói rõ ràng ra thì làng là lịch sử, là văn hóa, là cội nguồn của mỗi con người đất Việt, chúng ta vì vậy cần nỗ lực, cố gắng trong việc giữ gìn truyền thống cũng chính gìn giữ nguồn cội của mình.
Theo Cinet.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bao-ton-lang-co-cau-hoi-van-can-tim-loi-giai-a1396.html