Ông cũng dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu Hồng Lâu mộng, mà ông gọi đấy là Thánh kinh của người Trung Quốc; bên cạnh đó ông cũng đã viết nhiều bài phê phán Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện.
Trong một lần trả lời phỏng vấn Dương Thành vãn báo – tờ báo buổi tối của thành phố Quảng Châu – ông đã phát biểu: “Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện có sức ảnh hưởng rất lớn đối với dân tộc tính Trung Quốc, vì thế tôi cho rằng nó là cánh cửa địa ngục của người Trung Quốc. Có những thứ đã đi sâu vào tiềm thức, nhân dân cứ hiểu những gì nó nói ra đều đúng và nó đã thâm nhập sâu vào kết cấu Văn hóa Trung Quốc. Điều đó rất đáng sợ.” Ông cũng là người nghiên cứu rất sâu về văn học đương đại Trung Quốc, nhất là với Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn…
Quan Vũ với Thanh Long đao và ngựa Xích Thố – Một mãnh tướng trong “Tam Quốc diễn nghĩa”
Năm 1988, Lưu Tái Phục được Viện Văn học Thụy Điển mời tham gia Hội đồng xét Giải Nobel Văn học. Trong chuyến đi này ông đã được thấy rất nhiều và suy nghĩ rất nhiều về những vấn đề mình nghiên cứu. Năm sau, ông bắt đầu rời đất nước để làm “người phiêu bạt” khắp thế giới và rồi định cư ở Mỹ. Trong thời gian ở nước ngoài ông vẫn miệt mài nghiên cứu và cho ra đời những tác phẩm xuất sắc.
Năm 2004 ông trở về nước lần đầu để giảng bài tại các trường Đại học Hồng Kông, Đại học Hạ Môn… rồi đi nói chuyện ở Quảng Châu và một số nơi trong nước. Những năm sau, số lần về nước nói chuyện của ông càng nhiều và được giới học thuật, giới truyền thông trong nước đón nhận như một danh nhân văn hóa, chỉ vì sự“phiêu bạt” của ông không phải là ly hương phiêu bạt, mà là phiêu bạt để đi tìm và để hiểu thêm về Chân – Thiện – Mỹ.
Sau đây chúng tôi xin được trích dịch và giới thiệu bài phỏng vấn của phóng viên Văn hóa trang mạng Phượng Hoàng với Nhà Lý luận Phê bình văn học Lưu Tái Phục được đăng trên (年代访) – Niên đại phỏng” số 74, ngày 13/11/2015 của ifeng.com – trang điện tử của Hãng Truyền thông Phượng Hoàng – Hồng Kông để bạn đọc tham khảo.
1. Người cầm bút vốn có vai diễn song trùng: Thế tục và Bản chân (*)
– Văn hóa Phượng Hoàng: Trong những năm của thập niên 80 ông đã đưa ra Chủ thể luận, có thể nói đó là tiếng chuông làm tỉnh thức giới văn học đồng thời cũng làm nảy sinh phản ứng cực lớn. Ngày nay khi nhìn lại, ông có trông đợi gì về tác dụng của nó?
– Lưu Tái Phục: Sở dĩ Văn học Chủ thể luận của tôi đã làm nảy sinh phản ứng, là vì yêu cầu nội hàm của Chủ thể luận đụng chạm đến vấn đề Cá tính hóa của tác gia và Quyền Tự do của nhân dân Trung Quốc. Các tác gia và nhân dân Trung Quốc đã bị áp bức quá lâu, Tự ngã, Cá tính, Chủ thể tính của họ dưới các loại khẩu hiệu – nhất là dưới danh nghĩa “Cách mạng” – đã bị mất đi rồi. Điều này phải được quay về, phải được trả về, tức là phải có một lần phục hưng. Cho nên ở những năm 80, tôi vẫn thường kêu gọi hãy để “Chư thần quy vị” (01), hy vọng những giá trị cá nhân được phát hiện từ thời “Ngũ Tứ” (02) lại được trùng quang, có thể có được một bàn thắng mới cho quyền lợi cơ bản của con người.
Gọi là Chủ thể, là để khu biệt con người với giới động vật; nhân loại, nó là cá thể, cũng là quần thể. Còn khi gọi là Chủ thể tính, tức là chỉ ra một cách tương đối bản chất của thuộc tính nhân loại với giới tự nhiên và thế giới ngoại tại khách quan; vận dụng với con người, tức chỉ ra rằng con người khác với các sự vật và cũng khác với thuộc tính tồn tại của các loại quần thể khác. Khi tôi đề xuất Văn học Chủ thể tính, đầu tiên là muốn hướng đến việc mở nắp đậy của nguyên tắc Tính đảng và Văn học phản ánh luận theo kiểu hình thái ý thức mà lâu nay ta vẫn hiểu. Nhưng luận điểm của tôi hết sức ôn hòa, chứ không hề công khai làm phản. Tôi phân rất rõ vai trò song trùng của người cầm bút – vai trò Thế tục và vai trò Bản chân. Khi ở vai trò Thế tục, tác gia là một đảng viên đương nhiên phải có tính kỷ luật của Đảng, nhưng khi bước vào sáng tác thì cần phải trở về Bản chân của chính mình, cũng có nghĩa là phải giữ gìn nguyên tắc Cá tính, nguyên tắc Nhân tính của Văn học, tức là vượt qua góc nhìn đảng phái, góc nhìn thế tục kể cả thân phận thế tục của mình để có được trạng thái tự do sáng tác của quá trình Cá nhân hóa sung mãn nhất. Nói cho cùng, đó là nhấn mạnh văn học phải là hoạt động tinh thần của sự Cá nhân hóa cao nhất, không dễ để bị hạn chế bởi tính đảng phái, tính quần thể, tính kế hoạch. Chủ trương văn học này, phân rõ cái tôi Thế tục và cái Tôi Văn học, đó vốn là ý tốt, nhưng nó không được hiểu và tiếp thu. Thế nhưng, cuối cùng nó cũng tạo được một tọa tiêu cho văn học, có ích cho việc giải phóng tâm hồn cá nhân tác gia, có ích cho việc làm bay cao tinh thần cá thể của nhân dân Trung Quốc.
– Văn hóa Phượng Hoàng: Ông vừa nhấn mạnh rằng, tính tự chủ trong sáng tác của các tác gia hiện nay vẫn chưa được thực hiện hoàn toàn, bây giờ ông lại nhấn mạnh hơn về Tự tính, đó có phải là ông đang có chỗ nào muốn thỏa hiệp và bao dung, hay là muốn thể hiện tư tưởng của mình đến nay đã rất chín?
– Lưu Tái Phục: Sau khi ra nước ngoài, tôi càng nhấn mạnh hơn về Tự tính của văn học. Tôi thường sử dụng khái niệm Tự tính. Đó không phải là thỏa hiệp, mà là mang tính triệt để hơn. Tự tính vốn là thuật ngữ thường dùng của Phật giáo. Tôi mượn lại để dùng, là vì muốn nói rõ văn học cần có sự tách bạch rạch ròi với tất cả Tha tính, không được để Tha tính trói buộc. Tha tính bao gồm tính chính trị, tính tân văn, tính hình thái ý thức; đương nhiên cũng bao gồm cả tính đảng phái, tính tổ chức, tính kế hoạch v.v… Như vậy, so với Chủ thể tính thì phạm vi bức xạ của nó rộng hơn nhiều, và cũng dễ lý giải hơn.
Tóm lại, Chủ thể tính thuộc khái niệm Nhận thức luận; còn Tự tính thuộc về khái niệm Bản thể luận. Văn học nên xem là Tâm linh Bản thể luận, Tình cảm Bản thể luận. Bất luận gọi là Chủ thể tính hay là Tự tính, thì mục tiêu đều là để Cá tính nghệ thuật của tác gia phải đạt đến sự chân thực của Nhân tính, không thể trùng lắp, không thể thay thế.
2. Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn đều là người tiên giác phát hiện lại cá nhân
– Văn hóa Phượng Hoàng: Năm 2010, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Hoàng Bình Thái ông từng nói, Lỗ Tấn là tác gia quan trọng nhất, còn các tác gia xuất hiện trong thập niên 1980, đến nay vẫn còn “chưa hoàn thành”. Sau khi Mạc Ngôn đạt giải thưởng Nobel, ông đã nhiều lần khẳng định ông ta. Vậy thì, có phải bây giờ ông đã nhận thấy, Mạc Ngôn là tác gia quan trọng nhất? Vì sao thế?
– Lưu Tái Phục: Thập niên 80, thời gian quá ít, bất luận là sáng tác văn học hay lý luận văn học đều mang tính bộc phát, cho nên cũng “chưa hoàn thành”, tức là chưa thể làm cho tài hoa phát huy đến mức độ sung mãn nhất. Văn học chủ thể luận của tôi là một cái “chưa hoàn thành”. Phê bình văn học vì thể khó tránh được chủ quan.
Trong tim mắt của tôi, Lỗ Tấn là tác gia quan trọng nhất của văn học hiện đại nước ta. Còn Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn thì là một, hai tác gia quan trọng nhất của văn học đương đại, một số tác gia rất quan trọng khác, thứ lỗi tôi không tiện đưa tên. Tôi nói thế, không phải vì Cao, Mạc đã nhận được Giải Nobel. Trước khi họ nhận giải thưởng, tôi cũng đã nhận ra, cho nên cũng đã thông qua nhiều hình thức để giới thiệu và bình luận về họ. Với Cao Hành Kiện, trước khi được giải tôi đã có viết 6 lời tựa, lời bạt và văn chương cho ông ta. Trước khi Mạc Ngôn được giải, tôi đã từng gọi ông ta là “Kỳ tích của miền đất Hoàng Thổ”, mà hai chữ “Kỳ tích” thì đâu thể sử dụng một cách khinh suất được.
Tác gia văn học đương đại Cao Hành Kiện
Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn đều xuất hiện trong thập niên 80, đều là người tiên giác phát hiện lại cá nhân. Từ góc độ sáng tác văn học mà nói, Cao và Mạc là những người tiên phong trong việc thúc đẩy Cá nhân hóa, Cá tính hóa. Đầu tiên cả hai đều là người dám phá vỡ Pháp chấp, tức Chủ nghĩa chấp [có thể phá vỡ Chủ nghĩa Pháp chấp, đối với tác gia Trung Quốc là đặc biệt quan trọng]. Một người dám dương cao ngọn cờ “không có chủ nghĩa”, một người dám tuyên bố “đái vào chén vàng của Thượng đế”. Họ đã phá nát tất cả những giáo điều và rào cản trói buộc tư tưởng, họ đã cưỡi con thiên mã trong trạng thái tự do, một mình xông lướt trên con đường mới của sáng tác văn học và nghệ thuật.
Cao Hành Kiện rất giỏi, ở Châu Âu người ta chỉ biết đến ông qua những sáng tạo to lớn ở các lĩnh vực tiểu thuyết, sân khấu, hội họa, nhưng họ chưa biết ông đã từng công bố một số phát hiện nhân văn, thí dụ: “Đối với văn học mà nói, Chân tức là Thiện”, “Địa ngục của chính mình mới là địa ngục khó phá vỡ nhất”; “Người dễ gãy đổ mới là người chân thật nhất”; “Miền đất thứ ba ở giữa hai cực đối lập mới là miền đất thênh thang nhất của sáng tạo” v.v…đều là những Không cốc túc âm (03) của tiền nhân mà chưa ai phát hiện được, đối với tôi đấy cũng những khải thị. Còn tiểu thuyết của Mạc Ngôn thì đã dùng tâm linh của Thượng đế và thủ pháp của ma quỷ để viết đến tận cùng bệnh trạng của hiện thực xã hội và trăm dạng nhân tính của Trung Quốc; mỗi bộ tiểu thuyết của ông, đều là một cuộc thử nghiệm của bom nguyên tử tinh thần, lại đều là pho sử hiện đại và đương đại của Trung Quốc, đầy tính chất Cá nhân hóa (tức Văn học hóa) được viết mới lại.
“Phong nhũ phì đồn” được viết sau “Cao lương đỏ” của Mạc Ngôn (04). Cuốn tiểu thuyết ấy như một bộ sử hiện đại và đương đại Trung Quốc, khiến người đọc kinh tâm động phách, trong đó vạch trần toàn bộ sự huy hoàng cũng như toàn bộ sự khổ đau của cuộc nội chiến và chiến tranh chống Nhật ở Trung Quốc, mà vai chính là Thượng Quan Lỗ Thị – một người mẹ vĩ đại vượt lên trên cả đảng phái, bà đã bằng tình mẹ bao la như đất đai để tiếp nhận và vỗ về những đứa con không cùng đảng phái của mình, lau khô những vết máu tươi và nước mắt trên người của chúng. Bộ tiểu thuyết này, trên thực tế đã được Mạc Ngôn hóa cao nhất, nó là một bộ sử về chiến tranh, về cách mạng đầy huyết lệ chân thực nhất. Mạc Ngôn đã viết 11 bộ trường thiên tiểu thuyết, mỗi bộ đều không trùng nhau, đó không là kỳ quan thì là cái gì? Phương thức sử dụng và phong cách sáng tác của Cao Hành Kiện và Mạc Ngôn không giống nhau, nhưng hai người đã đưa trí tuệ của mình vào trang sách và đẩy nó đến đỉnh cao của văn học đương đại Trung Quốc, không những thế đã trở thành hai đỉnh cao của văn học thế giới. Họ là những người rất hạnh phúc, bởi vì họ không chỉ thành công trong việc dùng chữ Hán để sáng tác và chiến thắng, mà còn làm thay đổi vị trí của văn học Trung Quốc trong văn học sử của nhân loại, đồng thời cũng làm thay đổi một số hình thức mỹ học trong lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật thế giới.
3. Trung Quốc là quốc gia quá sung mãn “Tam Quốc khí” và “Thủy Hử khí” (05)
– Văn hóa Phượng Hoàng: Nhiều năm nay, Hồng Lâu mộng đã chiếm một vị trí quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu học thuật của ông, còn đối với Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện, ông cũng đã nhiều lần phê phán, và dẫn đến sự phản bác của một số học giả ở Đại lục. Nhưng có một thực tế là, lượng độc giả của Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện bao giờ cũng vượt xa Hồng Lâu mộng. Dịch Trung Thiên, người đã gặt được thành công rất lớn khi bình phẩm về Tam Quốc trong chuyên mục Bách gia giảng đàn, vẫn cảm thấy hiện tượng này có gì đó không ổn. Cách nhìn của ông về điểm này như thế nào?
– Lưu Tái Phục: Thực sự tôi đã phá vỡ chiếc lồng truyền thống về Tứ đại văn học danh trứ. Từ mặt bằng nghệ thuật mà nói, Hồng Lâu mộng, Tây du ký và Thủy Hử truyện, Tam Quốc diễn nghĩa đều xứng đáng là tác phẩm kinh điển. Nhưng từ tinh thần nội hàm mà nói, thì lại có sự cách nhau trời vực. Hồng Lâu mộng thì Phật quang phổ chiếu, trong trẻo như tâm hồn trẻ thơ, là cực phẩm của sách tốt; còn Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện lại là vực sâu tăm tối của nhân tính: ở đó dã tâm anh hùng thì bừng bừng, giết người thì như mạ, tác gia đã tạo nên bộ mặt của hào kiệt một thời mà ở đó thì: người phụ nữ hoặc bị chém giết, hoặc bị lợi dụng, còn ngòi bút của tác gia thì không có lấy một dòng xúc cảm, nên tôi cho rằng đó là hai bộ sách xấu đã phá hoại thế đạo nhân tâm.
Hồng Lâu mộng là Thánh kinh của văn học Trung Quốc, nó đã sáng tạo ra nhân vật chính là Giả Bảo Ngọc – một người chuẩn Cơ Đốc, chuẩn Thích Ca. “Xác” của Giả Bảo Ngọc là một con em của một gia đình quý tộc, còn “ Thần” lại là một con tim chí Chân, chí Thiện, chí Mỹ; anh ta không hề có thể làm được những việc đời thường như đố kỵ, hận thù, báo thù, toan tính. Tâm linh của anh vượt lên trên công danh lợi lộc, càng vượt qua những cơ mưu, tâm thuật của con người. Khi làm người, chỉ nghĩ sao đối đãi tốt với tha nhân, không hề quan tâm tha nhân đối đãi với mình như thế nào.
Rất tiếc là, cho đến hôm nay, số người đọc Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện vẫn vượt xa Hồng Lâu mộng. Thủy Hử truyện vẫn là “Thánh kinh” của cách mạng nông dân Trung Quốc, nó dương cao ngọn đại kỳ Tạo phản hữu lý. Tạo phản đã đành không phải là không có đạo lý, vấn đề là trong Thủy Hử truyện đã đưa ra logic: “Phàm tạo phản thì có thể dùng thủ đoạn nào cũng hợp lý”. Vì phải tạo phản nên có thể lạm sát người vô tội, như Võ Tòng khi tắm máu Uyên Ương Lầu đã giết cả a hoàn, phu giữ ngựa; để buộc Chu Đồng lên núi, Lý Quỳ dưới sự sai khiến của Ngô Dụng đã chặt đôi đứa bé 4 tuổi trong Nha môn v.v… Khi trương lá cờ Thế thiên hành đạo, thì chặt đầu người tế cờ… Còn Tam Quốc diễn nghĩa lại là cuốn “Thánh kinh” của những kẻ muốn duy trì ủng hộ Hoàng quyền chính thống. Vì ủng hộ Hoàng quyền chính thống, bao nhiêu tâm thuật phiến thuật, quỷ thuật (05) đều có thể sử dụng. Cho nên bộ sách này đã thành bộ toàn tập về cơ mưu của Trung Quốc; Lưu Bị một con người dã tâm, ngụy thiện đã trở thành một điển phạm Thánh nhân, cái logic mà ông ta đã thể hiện trong Tam Quốc là: Ai ngụy trang giỏi nhất, thì xác suất thành công của người đó sẽ cao nhất. Chỉ vì Lưu Bị là đại diện cho Hán thất chính thống, cho nên tâm thuật, quỷ thuật, phiến thuật của ông ta đều trở thành thiên kinh địa nghĩa.
Từ khi xuất hiện Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện thì tâm tính của người Trung Quốc xoay vòng và phát triển theo chiều hướng ác, những cái phản nhân tính trong hai bộ sách “kinh điển” này đã thành cái vô ý thức tập thể của dân tộc. Cho đến hôm nay, khắp nơi ở trong nước đều nhan nhản bọn người Trung Hoa Tam Quốc, người Trung Hoa Thủy Hử (06), tức là bọn người giỏi dùng quyền hành, giỏi cách ngụy trang, giỏi về mưu kế – âm mưu, dương mưu đủ cả và bọn người động một cái là sử dụng hành vi bạo lực hoặc ngôn từ bạo lực để tấn công sát phạt người khác. Nói cách khác, hiện nay khắp nơi đều thấy những “quái nhân” có máu kiểu Lý Quỳ, Võ Tòng, Lưu Bị. Năm xưa Lỗ Tấn tiên sinh đã nói: “Vì sao người Trung Quốc lại thích Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện, bởi vì bản thân Trung Quốc là một quốc gia sung mãn Tam Quốc khí và Thủy Hử khí.(07)” Ý của câu nói này là, người Trung Quốc đặc biệt thích Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện, là vì cơ sở gốc rễ của người dân và “địa khí” của dân tộc tính đã tạo ra hai bộ “kinh điển” này, và sau khi nó ra đời nó lại làm cho cái “ác khí” và “quỷ khí” vốn có lại càng thêm mạnh.
Ảnh hưởng của hai bộ tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa và Thủy Hử truyện không chỉ vượt xa Hồng Lâu mộng, mà còn vượt xa rất xa các tác phẩm của các nhà tư tưởng được du nhập vào Trung Quốc sau “Ngũ Tứ”, bao gồm cả Mars, Engel, Lenine, Nietzsche, Kant, Hegel, Jean-Paul Sartre…Sức phá hoại thế đạo nhân tâm của nó rất lớn, không một ai sánh được, không sách nào sánh bằng. Tôi từng nói, một trong những mục tiêu của giáo dục Trung Quốc, là phải làm sao để Trung Quốc không có thêm loại “người Trung Hoa Tam Quốc”, “người Trung Hoa Thủy Hử”, hai loại người này càng ít, Trung Quốc càng văn minh!
Chú thích:
* Những chữ in nghiêng tô đậm trong bài viết hầu hết là những khái niệm hoặc mang tính Khái niệm của văn học, triết học hoặc những phong trào, sự kiện lịch sử quan trọng và một số từ riêng của tác giả (Lưu Tái Phục) muốn gửi gắm. Rất mong bạn đọc chú ý. Trân trọng.
01. Chư thần quy vị (诸神归位): Mời các vị Thần trở về vị trí của mình. Ý tác giả muốn nói hãy trả mọi thứ về đúng vị trị của chính nó.
02. Ngũ Tứ (五四): Viết tắt chữ Ngũ Tứ vận động. Cuộc vận động này được phát động vào ngày 04/5/1919 tại Bắc Kinh do một số thanh niên trí thức như: Lý Đại Câm, Trần Độc Tú, Lỗ Tấn, Thái Nguyên Bồi, Hồ Thích…lãnh đạo. Đây có thể xem là cuộc đấu tranh phản đối Chủ nghĩa Đế quốc, Chủ nghĩa Phong kiên triệt để nhất của lịch hiện đại Trung Quốc. Cuộc vận động này có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ra đời sau đó của Đảng Cộng Sản Trung Quốc và Lịch sử Đảng Trung Quốc định nghĩa là “cuộc vận động ái quốc phản đế phản phong.”
03. Không cốc túc âm (空谷足音): Ở nơi sơn cốc hoang vắng lại nghe có tiếng bước chân. Ý nói là những tín hiệu hoặc ngôn luận thật khó có.
04.Phong nhũ phì đồn (丰乳肥臀): Ở Việt Nam bản dịch lấy tên là Báu vật của đời; Hồng cao lương (红高粱): Khán giả xem phim ở Việt Nam rất quen thuộc với bộ phim chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết này với tên là Cao lương đỏ của Đạo diễn Trương Nghệ Mưu do chính Mạc Ngôn viết kịch bản.
05. Tâm thuật (心术): Nghệ thuật đối nhân xử thế, nhưng ở đây tác gia muốn nói là thuật dụ dỗ; Phiến thuật (骗术): Thuật nói dối, lường gạt; Quỷ thuật (诡术 ): Thuật dùng mánh khóe để diễn trò khiến người ta tưởng là sự thật.
06. Chữ của Lưu Tái Phục là Tam Quốc Trung nhân (三国中人) và Thủy Hử Trung nhân (水浒中人).
07. Tam Quốc khí, Thủy Hử khí. (三国气,水浒气): Khí: Năng lượng, tính chất. cũng có thể hiểu một cách dân dã là “máu”, tức là loại người có máu Tam Quốc, máu Thủy Hử – nghĩa là những loại người có tính khí hung hăng, thô bạo.
Hình Phước Liên
(dịch và giới thiệu)