Thuở nhỏ thông minh, học giỏi, lớn lên thi đậu Cử nhân năm Canh Tý (1840), tiếp đó thi đậu Tiến sỹ ở khoa Tân Sửu (1841). Ông được vua Thiệu Trị cho là “tinh thông về văn học”, từng được bổ nhiệm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình Huế như làm Biện tu ở Viện Hàn lâm, làm chức tri phủ Thăng Bình ở tỉnh Quảng Nam… Tên ông được khắc trên văn bia đề danh Tiến sỹ khoa thi Hội năm Tân Sửu niên hiệu Thiệu Trị thứ nhất tại Huế (Văn bia này được khắc vào tháng 6 năm 1842).
Ấn triện của ông Hồ Văn Trị
Qua trao đổi với phóng viên, ông Hồ Văn Tuyền, người được dòng họ Hồ Văn giao giữ các báu vật của ông Hồ Văn Trị cho biết: Hiện nay, tại nhà thờ Tiến sỹ Hồ Văn Trị (ở thôn Trung Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) còn lưu giữ được nhiều báu vật như các sắc phong bổ nhiệm của vua Thiệu Trị, cờ Ân khoa, ấn triện… Mục sở thị thì rất bất ngờ vì các cổ vật được gìn giữ một cách rất cẩn thận. Các sắc phong còn nguyên vẹn, nét chữ rõ ràng, dấu son đỏ chót dù đã trải qua hàng trăm năm.
Qua tìm hiểu của phóng viên, trong số các sắc phong của ông Hồ Văn Trị, sắc phong sớm nhất là vào năm 1841 sau khi ông đậu Tiến sỹ, tính đến nay nó đã có 177 năm. Nội dung sắc phong là triều đình bổ nhiệm ông Trị vào làm việc tại Viện Hàn Lâm.
Sắc phong vua Thiệu Trị ban cho ông Hồ Văn Trị năm 1841
Nguyên văn: Sắc Tân Sửu Ân khoa Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân Hồ Văn Trị quán Quảng Bình tỉnh Quảng Trạch phủ Bố Trạch huyện Hà Bạc tổng Quy Đức thôn văn học tinh thông danh liên khoa giáp chuẩn nhi bổ thụ Hàn Lâm viện Biện tu tòng thất phẩm cai quản viên phụng hành chủ công vụ nhược quyết chức phất kiền minh chương kỳ tại. Khâm Thử. Thiệu Trị nguyên niên thập nhị nguyệt nhị thập tứ nhật
Dịch nghĩa: Sắc cho Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ đỗ Ân khoa năm Tân Sửu là Hồ Văn Trị, quê quán thôn Quy Đức, tổng Hà Bạc, huyện Bố Trạch, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình là người tinh thông về văn học trong hàng ngũ khoa bảng được bổ nhiệm vào Viện Hàn Lâm với chức Cai bổ Hàn Lâm Viện Biện tu, hàm chánh thất phẩm. Tiến sỹ Hồ Văn Trị hãy theo sự phân phó công vụ của các viên chức cai quản mà làm việc, nếu coi thường chức vụ làm việc trể mể ắt có phép nước soi tỏ. Hãy kính theo. Ngày hai mươi bốn tháng chạp năm Thiệu Trị thứ nhất, tức ngày 24/12/1841.
Bên cạnh các sắc phong quý, tại nhà thờ còn lưu giữ được các báu vật khác như Cờ Ân khoa, triện đồng... Cờ Ân khoa là cờ Vua ban cho những người thi đỗ Tiến sỹ để về quê “Vinh quy bái tổ”. Lá cờ Ân khoa này đã có 177 tuổi vậy mà vẫn còn nguyên mới như vừa được ban ngày hôm qua. Chiếc triện đồng được vua ban khi ông làm Tri phủ Thăng Bình vẫn còn sáng bóng như ngày nào, dù nó đã trên 170 năm tuổi.
Cờ Ân khoa được vua ban khi về quê vinh quy bái tổ
Để có thể cất giữ được các báu vật này một cách nguyên vẹn như vậy, ông Truyền cho hay đó là công sức của toàn bộ con cháu dòng họ Hồ Văn. Ông Truyền kể lại, có những lúc tưởng chừng như không thể bảo vệ được các báu vật này, đó là vào năm Pháp chiếm đóng làng Quy Đức (1947), nhân dân phải đi tản cư. Vậy là các báu vật này cùng với con cháu dòng họ bôn ba đi khắp nơi. Dù đi đâu, con cháu dòng họ cũng cử người thay nhau trông coi cẩn thận các báu vật này. Chính vì vậy mà đã trải qua 178 năm nhưng các cổ vật này vấn còn nguyên vẹn.
Các báu vật này có giá trị rất lớn về mặt lịch sử nên tâm tư của ông Tuyền là mong muốn các cơ quan có chức năng tới nghiên cứu làm rõ. Qua đó công nhận nhà thờ của Tiến sỹ Hồ Văn Trị là một di tích lịch sử văn hóa.
Thiết nghĩ, đây là một mong muốn hoàn toàn xứng đáng của con cháu dòng họ Hồ Văn tại xã Đức Trạch, các cấp, các ngành có liên quan của tỉnh Quảng Bình nên sớm vào cuộc để tìm hiểu.
Hoàng Hạnh - Hoàng Kiểm