Nghi thức ăn hỏi
Để tiến tới một đám cưới chính thức, đồng bào Nùng cũng phải tiến hành từng bước, từng khâu và từng nghi lễ theo phong tục tập quán cổ truyền một cách rất cẩn trọng, thể hiện bản sắc văn hoá của mình.
Theo tục lệ, trước khi trao từ “lục mệnh” cho nhà gái, nhà gái phải thắp hương khấn tổ tiên. Đồng bào quan niệm, trao lá số cho nhà trai cũng là trao hồn vía của cô gái. Sau khi đón lá số của cô gái, nhà trai nhờ thầy tào xem tướng số của đôi trai gái có hợp nhau không.
Nếu không hợp, thì nhà trai trả lại lá số cho nhà gái kèm theo một ít tiền để bồi thường danh dự cho cô gái. Nhà trai phải giữ kín chuyện này để không ảnh hưởng đến việc hôn nhân sau này của cô gái. Nếu duyên số hai người hợp nhau thì nhà trai sẽ chủ động chọn ngày lành tháng tốt để làm lễ mừng hợp số.
Trước khi tiến hành lễ dạm hỏi, nhà trai sẽ nhờ anh em họ hàng nhà gái thăm dò, đánh tiếng với bố mẹ cô gái. Chỉ vài ngày sau khi nhận được sự đồng tình, thì nhà trai mới chọn ngày lành tháng tốt, nhờ ông mối mang lễ vật (một trai rượu và đôi gà) đến nhà gái làm lễ dạm hỏi. Gia đình nhà gái làm mâm lễ cúng để báo cho tổ tiên biết việc tốt trong nhà.
Việc định ngày lễ ăn hỏi do nhà trai chọn, đây là nghi lễ quan trọng khẳng định, hai gia đình sẽ trở thành thông gia. Ngày làm lễ ăn hỏi phải được báo trước từ một tháng trở lên để nhà gái có thời gian mời họ hàng nội ngoại về dự. Trong lễ này, nhà gái mời họ hàng thân tín đến dự để bàn bạc và thống nhất với đại diện nhà trai về đồ sinh lễ, tiền cưới mà nhà trai phải nộp cho nhà gái tuỳ theo phong tục của từng vùng. Sau đó, từng khoản cụ thể được ghi lại để đại diện nhà trai mang về lo liệu. Lễ vật có thể tuỳ khác nhau nhưng nhất thiết phải có gà. Thường thì có một ông mối “lão lợ” cùng một em bé khoảng 12 đến 13 tuổi. Mang lễ vật một đôi gà thiến, 6 kg thịt lợn, 2 chai rượu, 10 ống gạo nếp sang nhà gái.
Độc đáo lễ rước dâu của người Nùng Phàn Slình
Trước giờ khởi hành, quan làng hát bài xin cô dâu xuống sàn, bài hát thể hiện ý muốn xin cô dâu xuống cửa. Đại diện nhà gái bưng khay với 4 chén rượu làm lễ giao bằng biên, trên 4 chén rượu là phong bao giấy đỏ trong đó có tiền và danh sách họ hàng mừng chú rể, có đôi kim được xâu luồn chỉ đen đỏ, có tờ giấy đỏ ghi ngày tháng năm sinh con rể bên cạnh ngày tháng năm sinh con dâu. Quan làng đại diện cho nhà trai nhận. Lúc cô dâu đang trang điểm, chị em trong nhà đem một số vật dụng như; chăn gối, quần áo, ấm chén... ra ngoài để cho 2 cô gái của đoàn chú rể mang. Ngoài ra người Nùng cũng có tục mừng tiền cho cô dâu về nhà chồng làm vốn. Đoàn đưa dâu mặc áo chàm đen có dây thắp ngang eo và đeo chùm dây sà tích bằng bạc, chân đi hài hoặc dép nhựa, đầu vấn khăn mỏ quạ, đội nón. Cô dâu khi đi ra cửa về nhà chồng phải lễ tổ tiên, cha mẹ, cô dì, chú bác. Bước chân ra khỏi cửa nhà bố mẹ đẻ cô dâu không được quay đầu ngoảnh lại.
Thành phần đoàn đưa dâu, gồm Pả Mè một già, một trẻ. Chọn Pả Mè phải là người có gia đình yên ấm, ăn nói lưu loát, thuộc nhiều bài thơ. Trên đường về nhà chồng, cô dâu đi giữa Pả Mè trẻ và Pả Mè già, cuối cùng là phù dâu. Theo tục xưa, dù nhà trai ở cận kề nhà gái, đoàn đưa dâu vẫn phải đi vòng một đoạn đường, nghỉ chân ăn cơm gói mang theo để cô dâu sửa sang khăn áo trước khi vào ngõ nhà chồng. Bước vào cửa nhà chồng, khi qua cạnh bếp lửa, người ta lấy chiếu che bếp vì sợ uế tạp, sợ ma bếp quấy rầy. Khi Pả Mè dẫn cô dâu vào buồng, giường cô dâu chưa được trải chiếu, Pả Mè lại hát bài xin trải chiếu (chiếu cô dâu mang từ nhà bố mẹ đẻ sang). Gia đình nhà trai chọn một bà có đủ con trai, con gái, tính tình đôn hậu, gia đình êm ấm để giúp Pả Mè rải chiếu, giăng mùng, màn, trải chăn gối.
Tiếp theo lễ gia tiên, bố mẹ chồng và nhận họ hàng Pả Mè hát bài nộp lễ trước sự chứng kiến của đông đủ họ hàng nội ngoại bên nhà chú rể, các lễ phải tương ứng với số tiền thách cưới, là chăn bông, gối, màn... đó là những sản phẩm do chính bàn tay lao động khéo léo, cần cù của cô dâu làm lên hoặc được mua sắm từ tiền thách cưới như khăn mặt, chậu rửa mặt...
Sau bữa ăn trưa, Pà Mè tiến hành làm lễ nộp con dâu cho gia đình nhà chồng và họ hàng nhà trai, từ nay con dâu sẽ thuộc về nhà trai, chịu sự răn dạy của nhà chồng theo tập tục, hưởng phúc lộc của nhà chồng. Đại diện của nhà trai trịnh trọng bưng khay với 4 chén rượu, trên đó đặt một phong bao gói giấy đỏ gọi là lễ giao bằng biên. Trong phong bao có danh sách họ hàng mừng tiền cho cô dâu; tiền mừng và cảm ơn Pả Mè, phù dâu đã vất vả đưa dâu đến gia đình. Pả Mè nhận bằng biên đưa về cho nhà gái và cùng uống rượu lấy lệ.
Độc đáo nhất là những làn điệu hát Sli dặn cô dâu làm ăn. Đây là tiết mục gây xúc động nhiều nhất, bài hát chứa đựng ý nghĩa giáo dục sâu sắc, răn dạy cô dâu về cách ăn ở với bố mẹ chồng, bà con lối xóm.... điều này không giống đám cưới người Kinh.
Trước khi rời khỏi nhà trai Pả Mè hát bài chào xuân họ trở về, cám ơn nhà trai đã đón tiếp chu đáo. Đại diện nhà trai cũng hát đáp bài cám ơn Pả Mè, phù dâu và bưng khay rượu mời tiễn chân Pả Mè ra tận ngõ.
Về nhà chồng được 3 ngày, đôi vợ chồng trẻ phải về nhà bố mẹ vợ, đi theo đôi vợ chồng trẻ chừng 12 - 13 tuổi gánh đôi gà, ít trè, chai rượu, bao thuốc lá để chú rể nhận mặt làm quen với họ hàng bên nhà vợ.
Theo langvietonline.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tai-hien-trich-doan-dam-cuoi-cua-nguoi-nung-phan-slinh-a13907.html