Vùng đất ngập nước ở Đồng Tháp Mười

Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen nằm ở huyện Tân Hưng, Long An. Đây có lẽ là vùng đất hoang dã duy nhất còn sót lại của hệ sinh thái đất ngập nước Đồng Tháp Mười.

 
Đến đây cảm nhận đầu tiên chính là không khí trong trẻo, yên bình của vùng sông nước. Trên chiếc xuồng  len lỏi dọc các hàng kênh trong Khu bảo tồn chúng tôi như đắm mình trong hương thơm dịu nhẹ từ những vạt rừng tràm hàng chục năm tuổi, những cánh đồng sen, súng, tỏa hương thơm ngát, nơi cò, vạc cứ ríu rít ca hát suốt ngày. Khung cảnh hoang sơ khiến con người bỗng trở nên nhỏ bé, nép mình dưới thiên nhiên.

Ở khu bảo tồn này có tới 160 loài chim mà 30 loài trong đó có tên trong sách đỏ Việt Nam. Sau những tháng ngày di cư, cữ độ mùa lũ (tháng 8, 9 này) là chim, cò lại quay trở lại khu bảo tồn để tìm thức ăn và sinh sản. Tuy nhiên, những năm gần đây do lũ thấp nên lượng cá, tôm giảm đáng kể làm số lượng các đàn chim trở lại không đông như trước. Trong số này có nhiều loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, giang sen, điên điển, đặc biệt là loài quắm đen. Theo số liệu ghi nhận của các chuyên gia, hiện nay loài chim này chỉ còn ở U Minh Thượng (Kiên Giang) với số lượng vài chục con. Vậy mà ở Láng Sen có trên 300 con.

Hiện Khu bảo tồn  còn gìn giữ khoảng 200ha lúa ma- giống lúa thuần túy Việt Nam để bảo tồn nguồn gien. Đây có thể được coi là vùng đất duy nhất mà cây lúa ma còn tồn tại, sinh trưởng.  Đó là loại “lúa trời” mọc tự nhiên, chín từng hạt và dễ rụng, gạo thuộc vào loại cực thơm ngon. Từ xưa, những cư dân bản địa đã nghĩ ra cách thu hoạch lúa bằng hai mê bồ dựng bên thành xuồng rồi chống đi giữa những đồng lúa, gạt nhẹ cho hạt lúa rụng vào. Vào thời điểm đỉnh lũ, khi mà những cánh đồng lúa ma chín vàng, từng đàn chim từ đâu bay về, chao xuống ăn lúa rồi bất chợt vụt bay lên kín cả một vùng trời.

Theo lời ông Phạm Công Toại – Phó giám đốc khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen thì trước đây vùng này chủ yếu là rừng tràm, khi thành lập khu bảo tồn, anh em ở đây đã tiến hành phục hồi lại một số loài sinh cảnh là những sinh cảnh đặc trưng của vùng Đồng tháp Mười ngày xưa. Ở đây, không một cây nào là không có chim làm tổ. Từ cò trắng, cồng cộc, diệc xám, đôi khi là những loài chim quý hiếm có trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới như: điên điển, quắm đen, giang sen, thậm chí sếu đầu đỏ cũng tìm về hàng năm…

Láng Sen là một vùng đất ngập nước với hệ thống sông rạch tự nhiên và sự đa dạng về địa mạo so với các vùng ngập nước khác của Đồng Tháp Mười. Đây là một trong những yếu tố tự nhiên góp phần cho sự đa dạng về nơi sống, về loài và cảnh quan tự nhiên. Hiện Tiểu khu 10 của khu bảo tồn có khoảng 200 ha ngập nước quanh năm. Đây là cũng chính là ngôi nhà chung của gần như tất cả loại cá trong vùng, trong đó nhiều loài gần như đã bị tuyệt diệt như nàng hai, trê vàng, éc mọi, chài… Đến khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen mùa nước nổi này, bạn sẽ dịp thưởng thức ẩm thực đồng quê đặc trưng của vùng sông nước như: ốc luộc, cá trê chiên, cá lóc đồng nướng trui ăn với lá sen non, canh chua cá linh nấu với bông điên điển ngon tuyệt vời.

Năm 2015, khu vực này được công nhận theo công ước Ramsar, là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học. Đây là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam sau các Khu Ramsar Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Vùng đất ngập nước Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn Quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau) và Vườn Quốc gia Côn Đảo…   


Nguyễn Lam
Theo daidoanket.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vung-dat-ngap-nuoc-o-dong-thap-muoi-a13876.html