Núi Cấm nhìn từ cánh đồng Tri Tôn
Ở đồng bằng sông Cửu Long, An Giang là tỉnh duy nhất có núi mọc giữa vùng châu thổ phì nhiêu bạt ngàn ruộng lúa. Ngoài các ngọn núi lẻ như Hoa Thê Sơn (Ba Thê), Thoại Sơn (núi Sập), Phù Sơn (núi Nổi), Học Lãnh Sơn (núi Sam), còn có dãy Thất Sơn uy nghi hùng vĩ trải dài trên hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Tại sao có tên Thất Sơn trong khi dãy núi nầy có trên ba mươi ngọn lớn nhỏ và bảy núi là gồm những ngọn núi nào?
Không hiểu người xưa có ý gì khi chọn trong dãy núi này có bảy ngọn để gọi tên là Thất Sơn và bảy ngọn đó không phải là tiêu biểu, vì có những ngọn núi rất nhỏ được chọn trong khi có những ngọn núi khá lớn lại nằm ngoài. Đó có phải là do địa hình, địa linh hay sự tùy hứng của người đặt tên, đến nay chưa có ai giải thích được một cách khoa học.
Theo Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, Thất Sơn gồm có: Tượng Sơn, Tô Sơn, Cấm Sơn, Ốc Nhẫm, Nam Vi, Tà Biệt, Nhân Hòa. Trong tác phẩm Thất Sơn huyền bí của nhà văn Hồ Biểu Chánh, bảy ngọn của Thất Sơn cũng giống như kết quả thăm dò của một nhà khảo cứu nước ngoài tuy thứ tự trước sau có thay đổi, là: Núi Trà Sư, núi Kéc, núi Bà Đội Om, núi Cấm, núi Dài, núi Tượng, núi Tô. Nhưng trong dân gian lưu truyền phổ biến nhất là các ngọn: Núi Kéc (Anh Vũ Sơn), núi Dài (Ngọa Long Sơn), núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hồ Sơn), núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), núi Tượng (Liên Hoa Sơn), núi Nước (Thủy Đài Sơn), núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn). Dù theo truyền thuyết nào, núi Cấm vẫn luôn có tên trong danh sách vì đây là ngọn núi cao nhất, đẹp nhất, huyền bí nhất của dãy Thất Sơn.
Núi Cấm còn được gọi là núi Gấm, tên chữ Hán là Thiên Cấm Sơn hoặc Thiên Cẩm Sơn. Tên núi Gấm và Thiên Cẩm Sơn nói lên vẻ đẹp gấm-hoa-cẩm-tự của ngọn núi này. Còn tên núi Cấm và Thiên Cấm Sơn có nhiều truyền thuyết. Tương truyền ngày xưa núi Cấm vô cùng hiểm trở và có nhiều thú dữ, ít ai lui tới nên trở thành một vùng sơn lâm bí ẩn. Lợi dụng sự hoang vu tịch mịch nhiều nhà sư đã tìm đến ẩn tu, các phường lục lâm thảo khấu cũng như những đảng cướp vùng biên thùy phức tạp nầy cũng lấy núi Cấm làm căn cứ.
Để không bị lộ, họ phao tin đồn rằng trên núi có rất nhiều thần linh, người dân không được bén mảng tới, ai vô cớ đặt chân lên sẽ bị quở phạt, về lâm bệnh mà chết. Người dân thời bấy giờ rất sợ và gọi đó là núi Cấm. Một truyền thuyết mang tính lịch sử là Nguyễn Ánh bị quân binh Tây Sơn truy nã đến đây, ông và đoàn tùy tùng chạy lên núi Cấm ẩn trú. Để bảo đảm sự an toàn, đoàn tàn quân nầy đã ra lệnh cấm mọi người dân lên núi, từ đó có tên núi Cấm.
Núi Cấm cao 716m, dài khoảng 7.500m, ngang độ 6.800m, nằm trên hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của tỉnh An Giang. Từ vồ Bồ Hong, đỉnh cao nhất của núi Cấm, nhìn xuống khu vực chùa Phật Lớn như một lòng chảo lớn được bao quanh bởi các chóp núi chập chùng gọi là vồ như Vồ Đầu, vồ Pháo Binh, vồ Bà, vồ Chư Thần, vồ Ông Bướm, vồ Sân Tiên, vồ Thiên Tuế… Lòng chảo nầy như là một cao nguyên trù phú có độ cao trên 500m, khí hậu mát mẻ tương tự như cao nguyên Lâm Viên, Di Linh…. Cây trái nơi đây quanh năm xanh tốt, nhất là các loại cây phù hợp với xứ lạnh như su hào, sầu riêng, bơ, cà phê… Các loại cây trái đồng bằng lên đây cũng sai quả như xoài, mít, mảng cầu, nhãn, ổi, bưởi, tiêu, lồng mứt…
Núi Cấm ngày nay đã gần gũi, thân thiết với con người và con người cũng không còn “e dè” mỗi khi lên núi như cách đây vài chục năm. Khi con người chinh phục núi, lên sinh sống, trồng trọt, tu hành, buôn bán, làm du dịch… thì núi thay da đổi thịt bởi nhiều công trình nhân tạo, đẩy lùi thú dữ, sơn lam chướng khí và dịch bệnh. Nhưng cũng mang không ít phiền toái cho núi như làm ô nhiễm môi trường, hủy hoại rừng xanh, phổ biến mê tín dị đoan và những kẻ xấu cũng trà trộn lợi dụng sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết của một số người để trục lợi, hại người.
Tương truyền ngày xưa núi Cấm chỉ có năm vồ (gọi là năm non) là Bồ Hong (cao nhất với 716m), vồ Đầu, vồ Bà, vồ Thiên Tuế và vồ Ông Bướm (thấp nhất với 480m). Ngày nay đã lên tới hơn chục vồ, do người đời sau tới khai phá và đặt tên thêm như vồ Bạch Tượng, Đá Dựng, Mồ Côi, Pháo Binh, Ông Voi, Chư Thần, Sân Tiên, Cây Quế, Kỳ Lân… Điện thì có khá nhiều, vài mươi cái, ngày nay càng nhiều hơn bởi mỗi cái hốc đá có thể đặt bàn thờ hoặc một tượng nhỏ là người ta biến thành điện và đặt tên để cúng bái, thu hút khách, mà một ngọn núi lớn như núi Cấm thì có biết bao hốc đá như thế.
Có thể điểm qua một số điện như Mười Ba, Cửu Phẩm, Rún Tượng, Ông Hổ, Hương Thơm, Tứ Thiên Vương, Chuông, Bát Tiên, Năm Ông, Phật Mẫu, Kín, Sơn Thần, Huỳnh Long, Mẹ, Tam Thanh, Rau Tần, Ngàn Dân, Tây Phương, Ngọc Long, Thánh Dương… Ngoài điện, ở núi Cấm còn có một số hang động mà người ta khám phá và vào ở để tu hành hoặc dã thú vào trú ẩn như động Thủy Liêm, hang Ông Hổ, hang Ông Thẻ, hang Mẹ Đẻ, hang Ngũ Hổ Sơn Thần…
Núi Cấm bây giờ không còn hoang vu hiểm trở như ngày xưa, người ta làm đường cho người đi bộ, thậm chí cho xe gắn máy chạy tận các vồ, điện, hang, động, ngoại trừ một số ít điểm nằm cheo leo dưới vực thẳm như điện Chuông hoặc có đoạn dốc đứng như vồ Bồ Hong. Thường ở mỗi vồ, điện nổi tiếng đều có người ở, nơi có đông khách hành hương chiêm bái còn có hàng quán, sạp bán thuốc Nam.
Đặc biệt, một số nơi có người ở tu hành và chăm sóc hương khói như điện Chuông có tu sĩ Trần Văn Hiền, còn gọi là ông Bảy Điện Chuông, gần 80 tuổi, ở một mình bên cạnh điện Chuông, nơi đây ít người lui tới vì phải qua một cái dốc sâu hun hút. Vồ Đá Dựng có ông Nguyễn Văn Đủ, người địa phương gọi là ông Út, khoảng 80 tuổi, ông tu ở đây đã mấy chục năm, có biệt tài khắc hình các con thú trên gốc cây khô. Vồ Chư Thần có ông Năm Râu, tên thật là Võ Văn Ô, trước ở vồ Đầu, sau qua tu ở đây. Thường ở mỗi vồ, điện, hang, động đều có giai thoại hoặc truyền thuyết gắn liền với nơi đó. Núi Cấm tuy rộng lớn nhưng không nhiều chùa, ngoài hai ngôi chùa lâu đời vừa được trùng tu nguy nga là Vạn Linh (chùa Lá) và chùa Phật Lớn, chỉ còn một vài ngôi chùa được biết đến như chùa Phật Nhỏ (Thất Bửu tự), chùa Bình Sơn…, còn Cao Đài tự nay chỉ là một phế tích.
Đến khu vực chùa Phật Lớn ta sẽ ngạc nhiên khi thấy một hồ nước mênh mông giữa đỉnh núi lung linh soi mây trời xanh biếc và tượng Phật Di Lặc to lớn ngự trên cao. Đó là hồ Thuỷ Liêm rộng 60.000m vuông chứa khoảng 3 trăm ngàn mét khối nước, được xây dựng từ năm 2005 đến 2008. Hồ có rất nhiều loài cá đủ màu sắc do khách thập phương thả phóng sinh. Trên hồ có chiếc cầu dài sơn đỏ bắc qua chùa Phật Lớn rất thơ mộng, nhất là những buổi sớm mai sương bay trắng mặt hồ tạo cho du khách có cảm giác như đang đi trong cõi tiên bồng.
Soi bóng quanh mặt hồ tạo nên một bức tranh sơn cảnh tuyệt vời là ba khu kiến trúc độc đáo: Tượng Phật Di Lặc cao hơn 33m, vừa được công nhận kỷ lục lớn nhất châu Á. Chùa Vạn Linh, xưa gọi là chùa Lá, uy nghi dưới chân vồ Bồ Hong với tháp Quan Âm Các 9 tầng cao 35m. Chùa Lá được xây dựng năm 1918 bằng tre lá đơn sơ, trong chiến tranh nhiều lần bị bom đạn đốt cháy. Năm 1995 được xây dựng mới hoàn toàn trên nền cũ rộng 3 ngàn mét vuông, với lối kiến trúc hiện đại mang tính Á đông, ngôi chùa điểm thêm một nét đẹp cho khu du lịch núi Cấm. Chùa Phật Lớn ngày nay đã trở thành một địa danh để chỉ vùng trung tâm của khu vực đỉnh núi Cấm.
Ngôi chùa này do tu sĩ Bảy Do, người Bến Tre, xây dựng từ năm 1912. Gia đình ông đều hi sinh trong cuộc chiến kháng Pháp, Bảy Do chạy thoát lên Thất Sơn lánh nạn và đến núi Cấm thành lập giáo phái Nam Cực Đường thu phục hàng ngàn đệ tử ngày đêm luyện võ. Ông xây dựng ngôi chùa lớn đặt tên là Nam Cực Đường và nơi đây trở thành tổng hành dinh của lực lượng chống Pháp do ông lãnh đạo.
Năm 1917, quân Pháp bao vây chùa tiêu diệt Nam Cực Đường, Bảy Do bị bắt cùng với vài mươi đệ tử, số còn lại chạy thoát vào rừng. Sau đó, ông tuẫn tiết trong ngục. Chùa được đệ tử về xây lại nhưng trong chiến tranh đổ nát nhiều lần, chỉ dựng lại đơn sơ, còn giữ được tượng Phật cao 1 mét 8, to hơn tượng Phật ở ngôi chùa gần chân núi bên hướng đông là chùa Phật Nhỏ nên được mọi người gọi là chùa Phật Lớn để phân biệt.
Núi Cấm ngày xưa có nhiều huyền bí vì nó quá to lớn trước sự hiểu biết ít ỏi của sơn dân thời bấy giờ. Người ta nói trên đỉnh núi có một khu vực máy bay ngang qua bị rớt, bom bỏ không nổ, chụp ảnh không ăn. Người lên núi nói muốn gặp cọp, thấy rắn là cọp, rắn xuất hiện liền. Lấy một cục đá mà không hỏi xin mang về là có chuyện không hay xảy ra, phải mang lên trả lại. Cho nên, người ta đồn núi Cấm rất linh thiêng.
Núi Cấm ngày nay có đường xe hơi và cáp treo lên tới khu vực chùa Phật Lớn nên khách hành hương du lịch tới viếng ngày càng đông. Đến đây, người ta được tận hưởng không khí trong lành, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, thăm viếng các kiểng chùa, thưởng thức vị ngọt của trái cây miền núi và nhất là món bánh xèo với hàng chục loại rau rừng sạch.
Trịnh Bửu Hoài
Theo nongnghiep.vn