Cần những bài bản mới cho cổ nhạc Nam bộ

Chẳng lẽ ta cứ sử dụng mãi 20 bài bản Tổ của ông cha mà không thể sáng tác nên bài bản mới nào trong thời buổi hiện nay - đó là trăn trở của giới chuyên môn về thực trạng cổ nhạc Nam bộ.

 
Nơi tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu - người sáng tác “Dạ cổ hoài lang” tiền đề cho bản vọng cổ - tại Bạc Liêu. Ảnh: Duy Khôi
 
Đầu thế kỷ XX, bài bản Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ lưu hành trong dân gian gần 100 bài. Tuy nhiên, có sự trùng lặp về hơi điệu và câu cú, trong khi phong cách trình tấu ở mỗi địa phương khác nhau. Để thống nhất, các tài tử - dưới sự chỉ huy của thầy đờn Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), lựa chọn và thống nhất đưa ra 20 bài bản Tổ. Đây là những bài có tính tiêu biểu gồm 6 bản Bắc (Lưu Thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn, Cổ bản vắn, Xuân tình, Tây thi); 7 bài Lễ (Xàng xê, Ngũ Đối thượng, Ngũ Đối hạ, Vạn giá, Long ngâm, Long đăng, Tiểu khúc); 3 bài Nam (Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung) và 4 bài hơi Oán (Phụng hoàng cầu, Tứ đại oán, Giang Nam cửu khúc và Phụng cầu hoàng).

Tuy nhiên, suốt 1 thế kỷ qua, cổ nhạc Nam bộ đã có những chuyển biến không ngừng, nhu cầu của người mộ điệu đã khác và cần có thêm những bài bản mới để đờn ca là điều tất yếu. Trong cuộc họp mới đây của ngành văn hóa Cần Thơ về việc tổ chức Festival ĐCTT quốc gia lần thứ III - Cần Thơ 2020, soạn giả Nhâm Hùng trăn trở: “Ta tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bài bản Tổ, sáng tác bản vọng cổ, chập cải lương… nhưng thiếu đi mảng khí nhạc. Tại sao ta không khuyến khích nghệ nhân Nam bộ sáng tác ra những thể điệu, bài bản mới, góp phần làm phong phú thêm di sản”. Ý kiến của ông Nhâm Hùng được nhiều người đồng cảm. Nghệ nhân Ưu tú Minh Thơ cũng than cho rằng: Gần nửa thế kỷ qua, chưa có bản nhạc tài tử nào mới mà chỉ là xài “vốn sẵn có” của cha ông.

Quả vậy, nhìn lại lịch sử cổ nhạc Nam bộ, nhiều nhạc sư, nhạc sĩ đã tiên phong sáng tác bài bản mới rất thành công. Tiêu biểu là nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã viết nên bản “Dạ cổ hoài lang” - bản vọng cổ nguyên thủy đến nay vẫn còn trứ danh. Năm 1937, nhạc sĩ Tư Chơi đã sáng tác một số thể điệu mới như “Trông thấy ai xinh thay!”, “Xin thề” hay cố nghệ sĩ người Cần Thơ Bảy Nhiêu với bản “Hoài tình”… Những năm 1939-1940, nhạc sĩ Mộng Vân đã viết nên nhiều bài bản ngắn như “Tấn phong”, “Túy tửu”, “Thu phong nguyệt”, “Giang tô”, “Sương chiều”, “Tú Anh”, “Nặng tình xưa”… đến nay vẫn rất thịnh hành trên sân khấu cải lương.

Đặc biệt, cách đây hơn 40 năm thầy đờn Văn Giỏi đã cho ra đời hai thể điệu mới, nức lòng người mộ điệu từ đó đến nay là “Phi vân điệp khúc” và “Đoản khúc lam giang”. Nhiều tác giả vọng cổ, cải lương thường đưa hai thể điệu này vào tác phẩm. Ngoài ra, thầy đờn Văn Giỏi cùng NSƯT Thanh Hải còn kết hợp giai điệu “Vọng kim lang” của làn điệu dân ca Khu 5, biến tấu và cải biên lớp dạo đầu (intro) theo một phong cách mới đậm chất cải lương.

Những điển hình trên đây cho thấy ĐCTT, cải lương bao đời nay không đóng khép mà luôn năng động, có chọn lọc cái mới, cái hay. Vậy nên, đi tìm những bài bản khí nhạc mới cho cổ nhạc Nam bộ là điều mà những nghệ nhân, nghệ sĩ, người tâm huyết với “tiếng lòng người phương Nam” tiếp tục tìm tòi, khám phá.


Đăng Huỳnh
Theo Báo Cần Thơ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/can-nhung-bai-ban-moi-cho-co-nhac-nam-bo-a13859.html