Đền thờ Thượng đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh
Đền thờ Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh có lịch sử hơn 300 năm và là một trong số ít các di tích ở Biên Hòa còn lưu giữ được sắc thần, trong đó ghi rõ họ tên, chức tước vinh hiển, thứ bậc thượng đẳng thần của vua ban phong cho Nguyễn Hữu Cảnh.
Đền thờ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 457/QĐ ngày 25 tháng 3 năm 1991.
Tuy vậy, ngôi đền đang có nguy cơ bị phá bỏ để xây lại theo Dự án mở rộng, trùng tu tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư trong thời gian sắp tới.
Nhận thấy việc Dự án này có khả năng khiến ngôi đền có lịch sử hơn 300 năm tuổi có thể bị tháo dỡ và phá hủy nét kiến trúc cổ, cũng như thay đổi hiện trạng nguyên vẹn của ngôi đền, tập thể Ban Quí tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh đã gửi đơn đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Quản lí Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan truyền thông, báo chí để kiến nghị, kêu cứu.

Báo cáo thuyết minh dự án mở rộng, trùng tu tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh
Trong đơn kiến nghị của Ban Quí tế gửi đi cho rằng, Báo cáo thuyết minh về dự án là thiếu trung thực về hiện trạng ngôi đền khi khẳng định: “… đền thờ trong tình trạng bị nghiêng lún, hệ thống tường bao che bị nứt, cấu kiện kiến trúc gỗ bị xô lệch do nền đất bị xói mòn, sạt lở, nguy cơ bị đổ khá cao. Mặt khác do cốt nền công trình thấp, hàng năm thủy điện Trị An xả lũ gây ngập úng, gây ảnh hưởng xấu đến các cấu kiện kiến trúc gốc. Khuôn viên chật hẹp, nền thấp, cảnh quan môi trường chưa đủ tầm để tôn vinh danh nhân. Công trình nằm trong một góc khuôn viên, khuất trong cây và nhà dân…”.
Để xác minh theo nội dung kiến nghị, cũng như có thêm thông tin về thực tế ngôi đền, chúng tôi đã có mặt tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Theo quan sát của chúng tôi, hiện trạng ngôi đền được xây dựng khá chắc chắn với những hàng cột gỗ kiên cố, chạm trổ tinh xảo. Trần đền và các bệ thờ cũng như nền nhà hiện trong tình trạng rất tốt.
Đơn Kiến nghị Ban Quí tế của đến gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan chức năng
Ông Nguyễn Trung Cang, một thành viên trong Ban Quí tế cho biết: “Việc mở rộng hay xây dựng thêm những công trình khác xung quanh đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Ban Quí Tế không phản đối. Nhưng việc tháo dỡ ngôi đền, thay đổi cấu trúc hiện tại cũng như phá vỡ nét kiến trúc cổ, thay thế vật liệu công trình đền là không thể chấp nhận được. Còn hiện trạng đền rất tốt, nhưng báo cáo không trung thực, thiếu khách quan là một hành động khó chấp nhận, việc báo cáo sai sẽ ảnh hưởng đến quyết định phê duyệt của các cấp lãnh đạo. Vì thế, ông mong tất cả các cơ quan báo chí đến tham quan, ghi nhận thực tế hiện trạng của đền để có tiếng nói chính xác và trung thực”.
Ông Nguyễn Trung Cang cũng cho chúng tôi xem hai cuốn tài liệu báo cáo thuyết minh của dự án. Một báo cáo của Công ty Cổ phần Công Nghệ Môi Trường và Xây Dựng Sài Gòn (SENCO) được lập tháng 11/2017 và báo cáo thuyết minh về dự án mới nhất là tháng 07/2018 của Phân Viện Khoa học công nghệ Xây dựng miền Trung.
Tại báo cáo lập dự án thứ nhất của SENCO, tổng kinh phí xây dựng và trùng tu khoảng 146.077.899.000 (Một trăm bốn mươi sáu tỷ không trăm bảy mươi bảy triệu tám trăm chín chín ngàn đồng). Còn tại báo cáo dự án mới nhất của Phân Viện Khoa học công nghệ Xây dựng miền Trung, tổng kinh phí đầu tư là 114.280.658.000 (Một trăm mười bốn tỷ, hai trăm tám mươi triệu, sáu trăm năm mười tám nghìn đồng chẵn).
Hiện trạng bên trong ngôi đền còn rất tốt
Việc xây dựng mở rộng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử là một điều tốt nhằm đáp ứng nhu cầu phục vụ cho việc truyền bá, phát huy và giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc, cũng như có không gian rộng rãi, thoáng đãng để phục vụ khách tham quan, du lịch, nhưng cần phải có những báo cáo, đánh giá tác động môi trường một cách đầy đủ. Đặc biệt đối với các Di tích lịch sử cấp quốc gia phải có sự tham gia nghiên cứu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Quản lí Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu, các nhà văn hóa, lịch sử để có tiếng nói khách quan.
Tuy vậy, việc trùng tu một di tích phải đảm bảo giữ nguyên những giá trị truyền thống, nét kiến trúc cổ và những nguyên liệu cấu thành giá trị công trình đó. Nếu như cứ trùng tu, tôn tạo và phá vỡ kiến trúc cổ như câu chuyện ngôi đền 300 năm ở Hải Dương vừa qua thì trong tương lai những công trình kiến trúc cổ có giá trị to lớn về văn hóa, lịch sử sẽ bị mất đi.
Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh tới quý độc giả vấn đề này trong số báo tiếp theo.
Nguyễn Đăng Lâm