Tháng Tám về khu di tích Đá Chông

Trên đất Ba Vì, miền quê Núi Tản Sông Đà, trong tiếng gió của cây rừng, tiếng sóng vỗ của dòng sông cuộn chảy, ngày ngày, dòng người trên khắp mọi miền Tổ quốc đến khu di tích Đá Chông - nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có thời gian làm việc ngày một đông hơn.

Bởi lẽ, nơi đây không chỉ lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động của Bác lúc sinh thời mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lịch sử dân tộc trong mỗi người con Đất Việt.

Nhiều kỷ vật vẫn còn hơi ấm của Người

Khu di tích Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 70 km về phía Tây. Đây là nơi Bác Hồ đã chọn để xây dựng khu căn cứ làm việc và tiếp khách của Trung ương trong những năm kháng chiến chống Mỹ.


 
Nhà sàn - nơi làm việc, tiếp khách của Bác Hồ và Trung ương từ năm 1960 – 1969. Ảnh: Hoa Nguyễn

Khu di tích Đá Chông rộng 234 ha, phần lớn là đồi rừng với hai hồ nước lớn rộng 16,5 ha. Nơi đây có nhiều tảng đá thon nhọn tựa những mũi chông, ngọn mác mọc từ dưới đất lên vì thế nhân dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông.

Tháng 5 năm 1957, trong một lần Bác đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, buổi trưa Bác cùng các đồng chí trong Đoàn đã dừng chân nghỉ ăn cơm tại một khu đồi của Đá Chông. Thấy nơi đây phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ thuận lợi về nhiều mặt, Bác đã trao đổi với các đồng chí trong Đoàn muốn chọn nơi đây làm khu căn cứ của Trung ương, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc.


 
Du khách được hướng dẫn viên giới thiệu về những kỷ vật gắn với Bác tại khu di tích Đá Chông

Những ngày cuối tháng Tám, con đường lên di tích Đá Chông vừa đẹp, vừa gần gũi với một không gian thoáng đãng, yên bình từ vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên của núi rừng. Hai bên đường là rừng cây cổ thụ vài trăm năm tuổi tỏa bóng mát dưới nắng hè gay gắt. Trong khu di tích có một con đường được trải toàn sỏi và đá cuội, mỗi khi có đoàn người lên thăm khu di tích, tiếng bước chân trên đá sỏi vang lên lạo xạo, làm cho không gian nơi đây trở nên vang nhộn đến lạ thường.

Tò mò về con đường lạ ấy, hỏi ra chúng tôi được những hướng dẫn viên ở đây cho biết, con đường sỏi, cuội đó là ý tưởng của Bác Hồ với nhiều tác dụng khác nhau. Theo Bác, việc đi trên đá sỏi, đá cuội như thế, bàn chân sẽ được luyện tập và đó là một cách tập thể dục hữu hiệu mà Bác đã nói với các chiến sỹ hồi đó.

Hơn nữa, khi đi trên đường trải toàn sỏi giữa khu rừng rậm và im ắng, tiếng bước chân người lạo xạo trên đá sỏi sẽ giúp cho cảnh vệ phát hiện ra đang có người đến để cảnh giác. Đi trên con đường Bác rèn luyện sức khỏe hằng ngày là những hàng râm bụt, dường như đối với Bác những hàng hoa là nơi để Bác gửi vào đó tình cảm của một người con xa quê dù bôn ba năm châu nhưng lòng Bác lúc sinh thời vẫn luôn đau đáu một tình cảm về quê hương ruột thịt.

Không chỉ vậy, về Đá Chông hôm nay, các công trình ẩn mình trong màu xanh của thiên nhiên núi rừng vẫn được lưu giữ. Bởi lẽ, bảo tồn nguyên vẹn di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông chính là bảo tồn một không gian thiêng liêng, không gian thể hiện tư tưởng đạo đức, tác phong của Người. Trong khu di tích, ngôi nhà tưởng niệm Bác Hồ bình dị và trang nghiêm giữa trung tâm đồi.

Ngôi nhà sàn có diện tích 275m2 được khởi công xây dựng vào tháng 9/1959 và khánh thành vào ngày 15/3/1960 là nơi làm việc, nghỉ ngơi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu căn cứ. Ngôi nhà do Cục Doanh trại (Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc Phòng) thiết kế và xây dựng. Đặc biệt, Bác Hồ là người duyệt bản thiết kế, cắm mốc chọn hướng xây dựng.

Phía Tây của ngôi nhà, Bác cho người đào hầm trú ẩn, hầm sâu 3m có thể chứa 9 - 10 người, nóc hầm xây cao phía trên có cây xanh để ngụy trang. Phía Bắc nhà sàn là dãy nhà phục vụ gồm 4 phòng: Phòng nghỉ, kho, phòng ăn và bếp. Trong phòng ăn được bố trí bộ bàn ăn dành cho 6 người và 1 chiếc thau được tráng men Hải Phòng dùng để rửa tay trước và sau khi ăn.

Sinh thời, Bác vốn rất yêu thiên nhiên bởi vậy đầu hồi ngôi nhà, Bác cho cải tạo 2 vườn nhỏ để trồng cây và tăng gia, vừa lao động rèn luyện sức khỏe, vừa có sản phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày. Thăm ngôi nhà sàn, trong lòng mỗi du khách từ những học sinh tiểu học tới các cựu chiến binh,… bao thế hệ người dân Việt Nam đều chung một nỗi niềm nhớ Bác.

Cũng tại khu di tích, thi hài của Người đã được gìn giữ tuyệt đối an toàn. Sau khi Bác Hồ qua đời ngày mùng 2/9/1969, Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn khu căn cứ K9 làm nơi giữ gìn thi hài Bác trong giai đoạn 1969 – 1975 vì nơi đây đảm bảo được một số yếu tố: Yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện về giao thông. Ngày 10/9/1969 công trình được Bộ tư lệnh Công Binh khởi công xây dựng để giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau 3 tháng thi công, ngày 15/12/1969, công trình phục vụ nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác hoàn thành.

Ngày 24/12/1969 thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển từ Hà Nội lên K9, khu căn cứ bắt đầu nhiệm vụ đặc biệt “ Giữ yên giấc ngủ của Người”. Trong giai đoạn này, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được xây dựng trên quảng trường Ba Đình lịch sử.

Ngày 18/7/1975, thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được di chuyển về Lăng. Sau khi thi hài Bác trở về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, K9 trở thành căn cứ dự phòng phục vụ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài của Người. Nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo Khu Di tích K9 được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng giao cho Đoàn 285.

Nơi giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ

Đá Chông từ khi Bác đi xa, là một địa chỉ đỏ thiêng liêng để mỗi người dân Việt Nam hướng về. Đá Chông ngày ngày đón những đoàn người thành kính về viếng Bác. Từng hàng cây, mỗi lối đi vẫn còn đâu đây hơi ấm của Người, vẫn vang vọng những lời dạy của Người. Về thăm Đá Chông, mỗi người dân Việt Nam như được tiếp thêm sức mạnh, tin tưởng vào tương lai và sự trường tồn của đất nước.

Chính những kỷ vật rất đỗi giản dị của Người, nhiều khách tham quan, viếng thăm Khu di tích Ðá Chông đã không cầm được nước mắt khi nghe giới thiệu về những hiện vật từng gắn liền với sinh hoạt của vị lãnh tụ kính yêu.

Em Nguyễn Thị Mai (học sinh lớp 12, Trường THPT Mỹ Đức B - Hà Nội) chia sẻ: “Hàng năm, học sinh giỏi của trường đều được nhà trường tổ chức đưa về thăm khu di tích. Đến Đá Chông chúng em được hiểu hơn về Bác, về lịch sử của dân tộc Việt Nam. Đặc biệt nhất, đến nơi đây thế hệ trẻ chúng em hiểu thêm trong cuộc sống cần rèn luyện sức khỏe, rèn ý chí như chính cách Bác đi bộ trên con đường trải đầy sỏi để rèn luyện sức khỏe ở nơi đây”.

Chẳng những vậy, khu di tích Đá Chông chứa đựng truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường, bất khuất của một người con xứ Nghệ, truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, lòng nhân ái bao la, đức hi sinh cao cả,... Ghé thăm khu di tích Đá Chông, thế hệ trẻ hôm nay thấy được tầm nhìn chiến lược của một lãnh tụ thiên tài và một nhà quân sự kiệt xuất.

Đồng thời, thế hệ trẻ học được ở Bác sự chu đáo tận tình từ những việc thường ngày, từ cách sắp đặt đồ đạc gọn gàng, ngăn nắp, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày giản dị nhưng đầy ý nghĩa như chính việc Bác gìn giữ chiếc đệm cỏ của đồng bào Sơn La tặng Bác, chiếc đèn ngủ là quà tặng khi Bác sang Trung Quốc,….

Bàn làm việc của Bác luôn hướng ra cửa sổ, nơi mảnh vườn trồng cây vú sữa, phần nào thấy được tình cảm Bác dành cho nhân dân miền Nam. Trong phòng khách, đồ dùng sinh hoạt tiện ích hơn đồ dùng trong phòng riêng của Bác, ghé thăm căn phòng này chúng ta học được ở Người sự tôn trọng, hiếu khách, một nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.


Hoa Nguyễn
Theo laodongthudo.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thang-tam-ve-khu-di-tich-da-chong-a13833.html