Trong chuyến công tác tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tôi có dịp ghé thăm huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vào những ngày giáp Tết. Đường vào ấp 2, xã Vị Trung thật khó khăn, bởi nơi đây kênh rạch chằng chịt, nhiều đoạn phải di chuyển bằng xuồng. Dọc theo con nước vơi đầy, tôi nhớ lại cái thuở còn đi theo ba hái từng bông súng trắng về nấu canh chua với cá rô đồng. Đang miên man trong dòng hồi ức, tôi bị đánh thức bởi tiếng đờn ca vọng cổ phát ra từ ngôi nhà lá đơn sơ nằm khuất dưới bóng dừa biêng biếc. Những âm thanh trong trẻo của đàn tranh, đàn kìm… hòa cùng giọng ca ngọt ngào đã làm xao động cả một vùng quê nghèo miền sông nước. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, người lái đò cười, nói: “Đó là buổi tập luyện chương trình văn nghệ phục vụ bà con trong xóm vào dịp Tết của câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử không tên ở ấp tôi, do chú Ba Thuận, nghệ nhân đờn kỳ cựu làm chủ nhiệm, tính đến nay đã được gần 20 năm hoạt động rồi đấy cô ạ”.
Sự hiếu kỳ cộng với đam mê đờn ca tài tử từ nhỏ nên tôi quyết định ghé thăm để tìm hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật này và nét văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Chứng kiến từng khoảnh khắc luyện tập của các thành viên, tôi biết rằng, tuy không phải là cái nôi của đờn ca tài tử nhưng bộ môn nghệ thuật này rất được người dân nơi đây yêu thích. Có thể nói, đờn ca tài tử đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Nam Bộ. Nó có mặt trong gần như tất cả hoạt động của cuộc sống đời thường và càng rộn ràng hơn mỗi khi Tết đến, Xuân về.
Các nghệ nhân cùng nhau biểu diễn tiết mục đờn ca tài tử
Nói như soạn giả Nhâm Hùng, nhà biên soạn khảo cứu địa danh văn hóa, cũng là người có tâm huyết với bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử thì “trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thời đại nào, bộ môn nghệ thuật này vẫn có chỗ đứng vững chắc, bởi bản thân nó hàm chứa những nét độc đáo hấp dẫn riêng biệt. Nó vừa mang tính bác học, vừa mang tính bình dân. Bác học là nó có lề lối, lý thuyết. Có một nguyên tắc gọi là lòng bản, là cốt cách của mỗi bài, từ đó dùng lòng bản biên thành các bài bản. Tuy bác học, nhưng nó lại bình dân vì sử dụng nhạc cụ dân tộc, điệu thức dân tộc và cất lên trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống thường nhật, mộc mạc cả ca từ lẫn giai điệu”.
Những ca từ bình dị, ngọt ngào của đờn ca tài tử đã đi vào lòng người một cách tự nhiên, bền bỉ đến lạ thường. Sân khấu của họ có khi là cả một khoảng trời bao la, là những cánh đồng bát ngát hay những dòng sông nặng phù sa. Lời ca như nâng nhịp mái chèo, vun cao nhát cuốc, hòa vào sóng nước mênh mông. Đờn ca tài tử chính là sự phản ánh sinh động tính cách, tâm hồn thật thà, chất phác nhưng cũng rất phóng khoáng, can trường của người dân Nam Bộ.
Thật đúng, bởi đờn ca tài tử không phân biệt tuổi tác, giai cấp, vùng miền. Nó không chỉ lan tỏa sâu rộng ở vùng sâu, vùng xa mà còn khơi mạch thành dòng chảy mạnh mẽ đến chốn thị thành và bạn bè quốc tế. Vì thế, đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Trở lại với CLB đờn ca tài tử không tên, tuy số lượng thành viên không đông, họ là những người có ngành nghề, tuổi tác khác nhau, song lại có điểm chung là tình yêu với môn nghệ thuật đờn ca tài tử. Chính sự đam mê đó nên dù bận rộn nhiều việc nhưng cứ đến chủ nhật hằng tuần là họ lại sắp xếp thời gian để quây quần bên nhau kẻ đờn, người hát.
Tiếng đàn vang lên, từng tiết mục được những “nghệ sĩ không chuyên” thể hiện uyển chuyển qua từng cung bậc cảm xúc. Cứ thế, họ say sưa thả hồn vào trong câu hát, khiến không gian như chìm lắng trong những giai điệu mượt mà và ca từ sâu lắng mê hoặc lòng người.
Trong số các thành viên, tôi đặc biệt ấn tượng với cô bé Trương Thị Huỳnh Như, bởi em có gương mặt thanh tú, đôi mắt sáng, đặc biệt là chất giọng dày, ngọt ngào, truyền cảm và cuốn hút. Dù mới 13 tuổi, nhưng Huỳnh Như đã giành được rất nhiều giải thưởng, tiêu biểu là Giải Diễn viên xuất sắc nhất trong Hội thi Đờn ca tài tử của tỉnh Hậu Giang năm 2015. Huỳnh Như bộc bạch: “Đờn ca tài tử đã ngấm vào máu thịt. Em yêu nó qua từng ngón đàn của ông ngoại, những lời ca trầm bổng, sâu lắng của các cô chú trong CLB. Em luôn cố gắng luyện tập để có thể biểu diễn thật hay trên sân khấu”.
Huỳnh Như hát tặng chúng tôi bài “Tình xuân Hậu Giang”. Từng câu hát vang lên, tôi như cảm nhận được mùa xuân đang về và sự đổi thay trên quê hương theo từng giai điệu mượt mà của bài ca vọng cổ. Và trong đôi mắt sáng long lanh ấy, tôi như thấy mạch ngầm đờn ca tài tử vẫn tiếp tục khơi chảy theo dòng văn hóa Việt qua từng thế hệ.
Thuý An
Theo qdnd.vn