Giữ nét xưa cổng cưới lá dừa

Từ những tàu lá dừa nước mộc mạc, qua đôi tay của anh Võ Văn Vũ ở ấp An Thường, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung), chúng được đan, thắt khéo léo và kết lại với nhau tạo thành cổng cưới từng “vang bóng một thời” vì mang vẻ đẹp bình dị, độc đáo.

Anh không xem đó là công việc “kiếm cơm” mà muốn lưu giữ nét đẹp xưa của cổng cưới làm thủ công, nguyên liệu chính từ lá dừa nước, loại lá gắn bó với người dân vùng sông nước.

Hồi ức đẹp với cổng cưới lá dừa

Bước vào nhà anh, thấy ngôi nhà được lợp lá dừa nước, chợt nghĩ anh là người yêu thích lá dừa nên mới dựng nhà ở như vậy. Khi hỏi ra mới biết, hoàn cảnh gia đình anh khá khó khăn, anh phải đi làm thuê nuôi bốn miệng ăn thì làm sao có tiền đê xây dựng nhà tường, mái tôn. Đôi tay anh chai sạn, làn da đen sạm vì cuộc sống mưu sinh, nhưng anh có một niềm đam mê cháy bỏng với lá dừa, loại lá mà anh cho là đi xa thấy là nhớ nhà.


 
Với đôi tay khéo léo và bộ dụng cụ đơn giản, anh Võ Văn Vũ ở ấp An Thường, xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung) biến lá dừa thành những sản phẩm đẹp mắt.

Theo lời anh kể, trước đây, mỗi lần trong xóm có đám cưới thì đông người đến tiếp giúp gia chủ chuẩn bị cho đám cưới, trong đó có việc làm rạp, dựng cổng cưới. “Ban đầu, tôi không biết làm. Sau tiếp giúp vài đám được những người lành việc chỉ riết rồi tôi biết. Thế là sáng tạo thêm nhiều kiểu”, anh Vũ hào hứng chia sẻ.

Đến khoảng năm 2000, cổng cưới tự làm ngày càng ít đi, người ta bắt đầu chuộng cổng cưới bằng khung sắt được trang trí xung quanh hoa giả. Vậy là mỗi lần thấy nhà ai có đám cưới, nhìn cổng cưới “nhân tạo”, anh lại thấy buồn, thấy nhớ thời hưng thịnh của cổng cưới được chính những trai làng cùng nhau làm bằng nhiều nguyên liệu khác nhau, chủ yếu là cây nhà, lá vườn. Cho đến tháng 10-2017, cổng cưới tự làm không còn trong hồi ức của anh mà nó đã xuất hiện trở lại và do chính tay anh làm. Điều đó làm anh thấy rất vui, như được sống lại với bao kỷ niệm vui buồn với công việc làm cổng cưới.

Không giấu được niềm vui, anh kể lại “cơ duyên” mình đến với “nghề” làm cổng cưới lá dừa. “Lúc đó, có người bà con xa bên vợ ở nước ngoài về quê lấy chồng. Nhớ về cổng lá dừa năm xưa nên cô ấy mới tìm đến nhà nhờ tôi làm và hứa sẽ trả tiền công. Tôi xua tay nói làm dùm thôi chứ không lấy công gì. Cô ấy ép mãi, tôi mới lấy đúng với tiền công tôi làm thuê 150.000 đồng/ngày. Mười mấy năm không làm nên tôi loay hoay ba bốn ngày mới xong. Trở lại làm, thấy vui vui trong bụng nên tôi chụp hình đưa lên Facebook khoe với bạn bè. Ai ngờ có nhiều người thích và liên hệ nhờ tôi đến làm cổng cưới. Hơn 10 tháng nay tôi làm được hơn chục cái cổng cưới lá dừa rồi. Có nhiều đám cưới tỉnh khác cũng kêu nhưng tôi ít khi nhận vì vận chuyển đồ, nguyên liệu khó khăn”.

Người “biến hình” lá dừa

Từ tàu lá đơn sơ, qua đôi tay khéo léo của anh, chúng “biến hình” thành những sản phẩm đẹp mắt. Và anh có thể đan, thắt được nhiều loại, từ con vật đến làm thành bông hoa, nón, túi xách… và từ cọng dừa anh đan thành vật dụng gia đình đẹp mắt. Theo anh chia sẻ, mỗi loại lá có ưu, khuyết điểm riêng. Lá dừa nước khuyết điểm là nhát nắng nhưng tiện trong việc đan đát khổ lớn và kết bông. Anh cũng dùng thêm lá dừa ta trong việc xếp chữ đưa vào tấm bảng được đan bằng lá dừa khéo léo. Anh tự tin khoe: “Ngày xưa, để tạo hình, kết dính lá dừa, người ta thường dùng dây lạt buộc, lấy cộng dừa vót nhọn để ghim lá dính lại hay thắt lá. Nhưng không xoắn nhiều vòng được như bây giờ. Như tạo hình bông thì xoắn lá xong tôi cố định bằng chất kết dính vừa đẹp vừa chắc chắn. Cổng cưới tôi làm chỉ sợ nắng héo lá chứ mưa, gió mạnh thế nào cũng không sao”.


 
Cổng cưới lá dừa do anh làm có nét riêng, anh dùng lá dừa ta để tạo thành chữ rất độc đáo. Ảnh: NVCC

Ngoài dùng lá, anh còn sử dụng buồng dừa nước non, cây chuối… để trang trí cho cổng rạp. Nhưng anh cũng đau đầu tìm màu lá đỏ để điểm xuyết cho đa dạng màu. Càng làm trong đầu anh lại càng nảy ra nhiều ý tưởng khá mới, táo bạo: làm mái trước bằng lá mù u, tạo hình rồng, phụng, chim lạc cũng bằng lá dừa. “Tôi không muốn dừng lại làm một vài mẫu để kiếm tiền mà tôi muốn sáng tạo, làm nhiều mẫu hơn. Tôi đang suy nghĩ cách làm cổng cưới rồng, phụng bằng lá dừa và tin là mình làm được”, anh Vũ bộc bạch.

Cổng rạp cưới do anh làm có nét riêng, anh không sử dụng màu nước sơn, nhựa, decal, phẩm màu mà sử dụng toàn là lá với ý muốn giữ gìn nét đẹp cổng cưới ngày xưa. Đặc sắc nhất là những chiếc lá dừa thẳng thốt được anh “biến hình” thành chữ. Tuy nhiên, do làm từ lá tươi nên chiếc cổng làm ra thời gian đẹp nhất kéo dài khoảng 21 tiếng đồng hồ nên anh cũng khá “đau đầu” tìm cách giữ cho lá được bền màu, lâu héo.

Làm cổng cưới lá dừa không phải nghề mà là đam mê

Anh thật thà chia sẻ: “Tôi không xem đây là nghề để kiếm tiền mà đó là niềm vui, muốn gìn giữ nét đẹp miền quê. Có khi thấy hoàn cảnh đôi trai gái thương nhau, không có nhiều tiền lo cưới nên tôi đến giúp làm cổng cưới cho hai đứa có ngày vui trọn vẹn hơn”. Có khi, gia chủ bảo anh đến sáng dựng rạp để chiều nhà đãi khách, anh từ chối ngay với lý do không đủ thời gian chuẩn bị. Vì theo anh không thể làm qua loa lấy tiền mà làm thì khi hoàn thành mình nhìn thấy hài lòng với sản phẩm mình làm ra. Có khi anh gặp nhiều khách hàng khá đặc biệt, tìm nguyên liệu ở đâu rồi muốn trang trí thêm. Anh chia sẻ: “Khâu chọn nguyên liệu khá khó. Đâu phải cái gì cũng đưa vào được. Chọn nguyên liệu quan trọng lá nguyên, cân đối hai bên, kích thước… Nên không thể chiều ý khách gắn bừa lá này, lá kia được”.


 
Mỗi chiếc cổng cưới lá dừa hoàn thành, anh xem đó là tác phẩm nghệ thuật và thấy tự hào. Ảnh: NVCC

Trò chuyện về cổng cưới lá dừa, nhìn thấy ánh mắt anh cứ sáng lên, anh hào hứng khoe với chúng tôi: “Hơn tháng trước, tôi nhận lời đi làm cổng cưới tận Tiền Giang. Do địa điểm xa, nên tôi cũng tính 'nát nước' mới đưa ra được mức phí làm. Giá cao cũng tội chủ nhà, giá thấp quá thì không đủ chi phí vận chuyển, còn tiền công cho hai người đi cùng nữa. Thiệt tình là làm công việc này để mình thỏa ước mơ, tháng nào không ai kêu làm cổng là thấy buồn, thấy ngứa tay rồi. Cô bác nhìn thấy đẹp là mình rất vui”.

Khó khăn của anh hiện giờ đang thiếu vốn đầu tư. Anh chặc lưỡi, thở dài: “Giá như mình có chiếc xe để vận chuyển nguyên liệu đi mấy chỗ xa hơn thì hay biết mấy”. Ước mơ của anh bây giờ là mong có được một cơ sở thủ công nho nhỏ chuyên nhận làm cổng, thắt nón, chim, cá, thỏ, cua, bông... bằng lá dừa và đan các vật dụng từ cọng dừa. Không cần làm giàu, chỉ khao khát sống trọn với đam mê và hơn vậy nữa là muốn góp phần giữ nét đẹp truyền thống. “Nhưng hiện tại khó thực hiện được do thiếu vốn, chưa tìm được người hợp tác...”, giọng anh trầm buồn khi chia sẻ về ý tưởng của mình.


Thế Bằng
Theo baosoctrang.org.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giu-net-xua-cong-cuoi-la-dua-a13619.html