Đầu tư, xây dựng và trùng tu điện Kiến Trung như thế nào?

Việc trùng tu điện Kiến Trung (Thừa Thiên Huế) sẽ được triển khai như thế nào để không làm mất đi nguyên bản của công trình. Theo tìm hiểu của phóng viên Phương Nam Plus, tháng 10/2018, công trình điện Kiến Trung sẽ được triển khai sau hơn 5 nghiên cứu.

Công trình này hiện có nền móng 3.200m2. Pha trộn kiến trúc Pháp và bản địa (kiến trúc thuộc địa). Điện Kiến Trung là 1 trong 5 công trình kiến trúc chính, quy mô lớn nằm trên đường Dũng đạo của Hoàng cung Huế (Điện Thái Hòa - Điện Cần Chánh - Điện Càn Thành - Cung Khôn Thái - Điện Kiến Trung).
 


Mô phỏng công trình điện Kiến Trung sau  khi hoàn thành - Ảnh: T.L

Hiện các công trình trên chỉ còn duy nhất điện Thái Hòa, chính vì vậy vì vậy việc trùng tu khôi phục công trình này sẽ rất có ý nghĩa trong việc phục hồi các giá trị của di sản kiến trúc cung đình Huế.

Theo tìm hiểu của phóng viên, công trình này sẽ được đầu tư 123 tỷ đồng, do Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế làm chủ đầu tư. Hiện trung tâm này đã lên kế hoạch cho việc trùng tu công trình.

Theo đó, tường bao nền sẽ được Gia cường tường bao, xử lý vết nứt, rêu mốc, trám vá bề mặt và hạ giải một phần, phục hồi theo nguyên gốc các đoạn tường phía Nam, Tây, Đông; gia cố chống nứt đoạn phía Bắc.

Hệ thống lan can được tu bổ bề mặt các đoạn lan can phía Nam, Đông; phục hồi nguyên gốc đoạn lan can phía Tây. Phục hồi gạch men trang trí trụ lan can, ngói úp men đỉnh lan can. Quét vôi trụ, đỉnh, chân lan can.

Trong khi đó, sân khuôn viên gồm Tiền viên và Hậu viên sẽ phát quang nền sân, xử lý cây cỏ dại, phục hồi nền sân lát gạch xi măng ca rô; phục hồi bó vỉa xây gạch vồ của các bồn cỏ. Làm vệ sinh và bảo quản bề mặt bậc cấp, trám vá vết nứt; hạ giải và xây phục hồi bậc cấp bị hư hỏng, xử lý liên kết giữa bậc cấp và tường bao; phục hồi lan can con tiện của bậc cấp; quét vôi đế bậc cấp, thân lan can, con tiện.

Đối với lầu Kiến Trung, phần móng tu bổ đế móng bao ngoài, móng tường; phục hồi nền với các lớp cấu tạo theo nguyên gốc, nền lát gạch hoa; tu bổ, phục hồi bậc cấp và lan can. Dùng dầm gia cố đỉnh móng, tường chịu lực xây gạch vồ, trát vữa bề mặt trong ngoài, quét vôi màu; hệ dầm, sàn BTCT; vì kèo thép, đòn tay, rui bằng gỗ, mái lợp ngói liệt men; phục hồi lan can tầng 2, lan can mái, bờ nóc, bờ quyết bằng gạch vồ; phục hồi con giống bờ mái; phục hồi hệ thống cửa đi, cửa sổ; phục hồi gờ phào, chỉ; phục hồi các chi tiết trang trí sành sứ; phục hồi trang trí bích họa tường, trần. 

Đối với các công trình nhỏ xung quanh thuộc khu vực cũng sẽ được trùng tu, tu bổ. Cụ thể, đôn gạch: Phục hồi nguyên gốc các đôn gạch đã hư hỏng nặng. Đối với các đôn gạch còn nguyên hình dạng: phục hồi lớp vữa trát, trang trí ghép sành sứ thân trụ, quét vôi thân trụ. Đài phun nước: Phát quang cây cỏ, hạ giải, xây phục hồi thành bể nước; phục hồi lớp vữa trát, quét vôi thành bể; vệ sinh bề mặt, cân chỉnh lại vị trí các tầng đài phun. Đối với súng thần công và nhà canh sẽ được vệ sinh, bảo quản bề mặt, trang trí. Bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng: Phát quang, vệ sinh bề mặt khối móng, nền; bảo quản và vệ sinh bề mặt khối xây bậc cấp.
 
Đình Duy

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dau-tu-xay-dung-va-trung-tu-dien-kien-trung-nhu-the-nao-a13532.html