“Bài chòi là quê hương, là tiếng lòng nơi đất mẹ”

Đã ngoài tuổi sáu mươi và hơn 40 năm đeo đuổi nghệ thuật Bài chòi, ông sở hữu “bộ sưu tập” đáng nể với hơn 50 bằng khen, giấy khen, huy chương các loại. Dù vậy mỗi ngày ông vẫn tìm hiểu và truyền dạy cho con cháu hiểu và trình diễn nghệ thuật Bài chòi.

 
Nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng với Bằng vinh danh Nghệ thuật Bài chòi

Với ông nghệ thuật Bài chòi là lẽ sống, là niềm đam mê, là quê hương, tiếng lòng đất mẹ. Ông là nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng (thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, Phú Yên).

Bén duyên với các làn điệu Dân ca miền Trung, nhưng nặng lòng nhất là nghệ thuật Bài chòi. Ngay từ thuở ấu thơ Bài chòi đã in đậm trong kí ức ông và tha thiết như nỗi lòng đất mẹ.

Từ bén duyên với Bài chòi…

“Ngày đó, Bài chòi được cất lên theo lối hát khô, hát xưa chứ không tấu hòa trong thanh âm của các loại nhạc cụ như bây giờ. Vậy mà, những điệu lý, điệu lía, câu hò đặc trưng của Bài chòi và âm hưởng xứ “nẫu” đã thấm dần vào từng lời ăn tiếng nói của tôi, là nguồn huyết mạch ngọt ngào, nuôi dưỡng tâm hồn, trí tuệ tôi từ thuở ấu thơ đến giờ”, nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng tâm sự.

Vốn mê Bài chòi từ thuở lọt lòng qua lời ru của bà, qua cung ngâm của mẹ. Lớn dần Bài chòi bén duyên với ông hay ông bén duyên với Bài chòi tự lúc nào không hay. Năm 1984, vào tuổi trưởng thành ông được ngành văn hóa thông tin của xã Hòa Hiệp Trung gửi đi dự hai khóa học Dân ca Bài chòi ở Trường Văn hóa nghệ thuật Nha Trang. Khóa học chỉ vài tuần nhưng từ đây niềm yêu thích Dân ca Bài chòi ở ông như được chắp thêm đôi cánh để ông tự tin đến với nghệ thuật. Ngay sau đó, ông vào Đoàn ca kịch Trầm Hương để vừa làm, vừa học nghề.


 
Lớp dạy học của nghệ nhân Thoảng tại các trường THPT

Nghề hát dân ca không đủ nuôi sống gia đình, ông quay về quê hương đi biển và không ngừng học hỏi sáng tác nghệ thuật. Năm 2004, tiết mục Bài chòi của ông đã giành giải nhất hội diễn nghệ thuật quần chúng tỉnh Phú Yên. Không chỉ biểu diễn Bài chòi, ông còn viết kịch bản, sáng tác, dàn dựng vở diễn. Nhiều kịch bản của ông đã giành giải cao tại liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn quốc, trong đó có các vở kịch Bài chòi tiêu biểu như Hết lòng hối cải, Vườn cây ao cá cho đến Anh thương binh làng tôi và hơn 200 tác phẩm do mình sáng tác, từ đó ông Thoảng đã khẳng định tên tuổi trong giới nghệ nhân hát Bài chòi, không chỉ ở Phú Yên mà còn trong cả nước. Danh tiếng của ông còn lan xa ra các nước bạn khi đoàn ca múa nhạc Sao biển của tỉnh Phú Yên mang vở Quê hương vang mãi lời ca của ông đi biểu diễn tại Liên hoan giao lưu nghệ thuật quần chúng ở tỉnh Chung Buk của Hàn Quốc.

Hơn bốn thập kỷ gắn bó với nghệ thuật Bài chòi, lắm thăng trầm buồn vui nhưng quan trọng là khát khao đam mê nghệ thuật không bao giờ tắt. Hơn ai hết, ông Thoảng hiểu được những giá trị sau những làn điệu trữ tình của nghệ thuật Bài chòi trên quê hương mình. “Những khúc Bài chòi có khi chỉ để người nghe đắm mình trong thú vui tao nhã, song cũng có lúc là những lời tự sự về nhân tình thế thái; những tâm tình trước niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, niềm vui trong lao động, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế, dạy cho con người biết tôn trọng những giá trị nhân bản và lẽ phải ở đời. Điều đó đã góp phần sâu sắc trong việc tạo nên cốt cách chân quê, mộc mạc, mà tròn vẹn của nghệ thuật Bài chòi”, ông thổ lộ.

… Đến khát vọng lan tỏa

Nghệ nhân Nguyễn Đình Thoảng bảo rằng, nỗi lo lớn nhất là Dân ca Bài chòi bị mai một. Bởi vậy, khi nghe tin một cơ quan nghiên cứu ở Trung ương có văn bản đề nghị các tỉnh, thành Nam Trung Bộ lập hồ sơ để trình UNESCO, đề nghị tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể đối với nghệ thuật Bài chòi, ông Thoảng đã vui mừng, sung sướng đến rơi nước mắt. Và ông đã đem tất cả hiểu biết, tư liệu về Bài chòi gửi đến để bổ sung vào hồ sơ ấy. Và khi Nghệ thuật Bài chòi Nam Trung Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ông vui mừng như chính mình được sinh ra một lần nữa.

Là Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Dân ca Bài chòi ở huyện Đông Hòa, ông Thoảng tích cực tổ chức các buổi sinh hoạt, khuyến khích anh chị em nghệ nhân các xã trong huyện Đông Hòa xây dựng các câu lạc bộ, tổ chức giao lưu, thi tài, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao chất lượng nghệ thuật.


 
Biểu diễn nghệ thuật Bài chòi

Ông liên tục sáng tác, viết kịch bản và cùng với lãnh đạo ngành Văn hóa thông tin trong huyện, tỉnh tìm kiếm, đào tạo diễn viên, tổ chức tập luyện diễn xuất. “Từ những kịch bản cụ thể, mình chia sẻ, giúp các em, các cháu diễn viên biết cần phải hát như thế nào cho sâu lắng, cho vở diễn thật hơn, đời hơn, như chính cuộc sống”, ông nói. Không những thế ông còn tổ chức dạy các lớp Bài chòi cho các em nhỏ trong làng, trong xã và các em học sinh bậc THPT tại các trường học.

Nói về nhân rộng nghệ thuật Bài chòi, nghệ nhân Thoảng cho biết: “Được sự hỗ trợ của Phòng VHTT huyện Đông Hòa và nhà trường, nhiều năm nay cứ vào các sáng thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật, tôi đã mở lớp dạy hát dân ca miễn phí cho hơn 80 em học sinh trong đội văn nghệ của Trường THPT Nguyễn Văn Linh ở xã Hòa Hiệp Trung, các lớp học Bài chòi này, các em được tiếp thu kiến thức cơ bản về hát dân ca, được hướng dẫn các kỹ năng lấy hơi, thẩm âm, nhả chữ để hát các điệu chòi Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản; các điệu lý tang tích, lý ngựa ô; các điệu lía phôn, lía phấn; hò giã gạo, hò chèo thuyền, hò đẩy ghe...”.

Và cứ thế, các lớp dạy học Bài chòi của ông Thoảng cứ nhân rộng, nhiều học trò của ông đã trưởng thành và phát triển nghệ thuật Bài chòi rộng khắp.

“Để bảo tồn được loại hình nghệ thuật này phải có những con người biết hy sinh, và yêu nghệ thuật bằng cả trái tim. Tôi sẵn sàng làm tất cả chỉ mong thế hệ con cháu giữ và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi đến với cộng đồng, nhân loại, để cội nguồn dân tộc luôn được trường tồn với thời gian”, ông bày tỏ.
 
Những khúc Bài chòi có khi chỉ để người nghe đắm mình trong thú vui tao nhã, song cũng có lúc là những lời tự sự về nhân tình thế thái; những tâm tình trước niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, niềm vui trong lao động, ca ngợi tình làng nghĩa xóm, cách đối nhân xử thế, dạy cho con người biết tôn trọng những giá trị nhân bản và lẽ phải ở đời. Điều đó đã góp phần sâu sắc trong việc tạo nên cốt cách chân quê, mộc mạc, mà tròn vẹn của nghệ thuật Bài chòi.

Xuân Hướng
Theo Báo Văn Hoá

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bai-choi-la-que-huong-la-tieng-long-noi-dat-me-a13519.html