Trong đó, sử dụng triệt để cuộc cách mạng công nghệ 4.0, các homestay này đã biết cách “tung” những hình ảnh độc đáo, đẹp mắt để đưa lên các trang quảng cáo trên mạng xã hội, khiến nhiều người mê mẩn.
Những hình ảnh đẹp tại các homestay ở Sài Gòn
Ví như The Laban là một trong những hostel kết hợp với cà phê độc đáo ở Sài Gòn được thiết kế lại theo phong cách hiện đại đơn giản nhưng đầy đủ tiện nghi. Ở đây cũng được thiết kế giống với các homestay ở Đà Lạt tạo nên một không gian thơ mộng.
Ngoài ra, còn có 4221 Café & Homestay, mang chất cổ điển với nhiều đồ vật cũ kỹ trong căn phòng. Hay Town House Sài Gòn thu hút khá nhiều khách nước ngoài tìm đến để “ngủ bụi” trong hành trình phượt tự túc… Và hàng loạt những cái tên khác: The Common Room Project, Sài Gòn Backpackers Hostel, Chaosdowntown Cháo…
Bà Thy, quản lý một homestay ở quận 1 cho biết: “Thời gian gần đây, ngoài những khách sạn thông thường, thì du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài rất mê những homestay, hostel xinh xắn mới mở ở Sài Gòn. Những nơi này được review rất cao trên các diễn đàn du lịch, vì nó mang lại nơi nghỉ dưỡng đúng chất Sài Gòn”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận và tìm hiểu của PV, thì đúng nghĩa của homestay là phải nói đến hệ thống Chez Mimosa. “Với quan niệm phải làm sao khi du khách đến lưu trú tại Chez Mimosa có được cảm giác thoải mái như ở nhà của họ là mình sẽ thành công. Bởi thế, ở đây chúng tôi luôn quan tâm và chăm sóc du khách từ những việc tưởng như đơn giản nhất. Khi du khách đặt phòng ở Chez Mimosa sẽ được đón miễn phí ở sân bay và đồ sẽ được nhân viên giặt miễn phí,… để làm sao tạo ra một không gian thoải mái nhất cho du khách trước, trong và sau khi họ đến và đi” bà Trần Thị Thanh Tâm, người sáng lập Mimosa chia sẻ.
Đặc biệt, “Chúng tôi còn mời khách ăn cùng gia đình đó chính là trải nghiệm rất thú vị và để lại những ấn tượng đẹp trong mắt du khách mà ít có homestay nào ở TP. HCM làm được. Du khách cùng vào bếp, qua đó, chúng tôi sẽ bày cho họ cách thức chế biến các món ăn từ làm nem chua, canh chua và những món ăn dân dã,… Quan trọng hơn cả khi ăn, sẽ bày cho họ về văn hóa ăn của người Việt, ở ngoài Bắc như thế nào trong Nam ra sao,… cách cầm đũa như thế nào cho đúng để gắp thức ăn không bị rớt… Cùng với đó, là kể cho khách những câu chuyện về gia đình, về văn hóa con người và các câu chuyện vui về đời sống văn hóa của con người Việt Nam”, bà Tâm chia sẻ bí quyết làm ăn.
Đây là điều mà hầu hết các homestay trên địa bàn TP chưa làm được, đồng thời nó cũng đánh mất đi ý nghĩa mà loại hình này mang lại. Theo ghi nhận của PV, hiện nay, đa số các loại hình này đều đặt ở quận 1, 2, 7 với chi phí khác dao động từ vài ba trăm ngàn đồng đến trên dưới 1 triệu đồng/ người/đêm.
TS Nguyễn Mạnh Thắng, một chuyên gia về du lịch, đang giảng dạy tại Trường Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Đây là loại hình thu hút một dòng khách rất lớn có nhu cầu khám phá, trải nghiệm nhưng với chi phí phải trả hợp lý. Đây đa phần là những mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ, họ sáng tạo và ứng dụng tốt công nghệ để thiết kế và quảng cáo trên các trang mạng xã hội nên nhiều khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế và giới trẻ tìm đến khám phá và trải nghiệm”.
Rất cần các mô hình khởi nghiệp kiểu này, tuy nhiên, trong đó phải chú trọng quản lý tới chất lượng dịch vụ, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho du khách để các loại hình này phát triển tốt hơn”, chuyên gia này cho biết thêm.
Thông tin từ Sở Du lịch TP.HCM cho biết, khách du lịch quốc tế lưu trú tại TP.HCM 6 tháng đầu năm 2018 trung bình 5,21 ngày (có 48% khách ở lại 4 - 7 ngày, 40% ở lại 8 - 14 ngày) với mức chi tiêu bình quân là 3,3 triệu đồng (khoảng 145 USD)...
Theo baodulich.net.vn