Khơi dậy tình yêu đờn ca tài tử

Liên hoan văn nghệ thiếu nhi hè khối phong trào TP Hồ Chí Minh năm 2018 vừa kết thúc vào cuối tháng 7. Bên cạnh những tiết mục ca múa nhạc sôi động, liên hoan năm nay còn thu hút nhiều thiếu nhi tham gia ở thể loại đờn ca tài tử Nam Bộ thật sự gây ấn tượng cho ban giám khảo và người xem.

 
Tiết mục hòa ca Vọng Kim Lang đoạt Giải nhất thể loại đờn ca tài tử trong Liên hoan văn nghệ thiếu nhi hè khối phong trào TP Hồ Chí Minh năm 2018.

Đây không phải là lần đầu TP Hồ Chí Minh đưa nghệ thuật đờn ca tài tử vào trong các cuộc thi, liên hoan dành cho thiếu nhi. Cách đây hai năm, Trung tâm Văn hóa thành phố đã tổ chức Liên hoan Búp sen vàng dành cho các em thiếu nhi yêu thích thể loại âm nhạc truyền thống của vùng đất phương nam. Tuy nhiên, trong liên hoan văn nghệ thiếu nhi hè năm nay, sự lan tỏa của nghệ thuật đờn ca tài tử đến các bạn nhỏ có phần mạnh mẽ hơn khi số lượng và chất lượng các tiết mục đều được nâng lên. Với cơ cấu từ hai đến ba tiết mục trong mỗi chương trình của các đơn vị, liên hoan có tất cả 54 tiết mục đờn ca tài tử gồm đơn ca, song ca, hợp ca hay độc tấu và song tấu. Em Trọng Nhân, Trung tâm Văn hóa quận 8, cho biết: Để tham gia liên hoan lần này, em và các bạn trong nhóm đờn ca tài tử của quận phải tập luyện gần 20 buổi. Là gương mặt khá quen thuộc khi từng đoạt Giải nhì tại Liên hoan Búp sen vàng năm 2016, Trọng Nhân không còn rụt rè khi đến với cuộc thi năm nay. Với chủ đề “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”, Trọng Nhân đã chọn bài vọng cổ nhịp 32 Xuân về nhớ Bác của tác giả Duy Anh để thể hiện tài năng của mình. Trong khi đó, em Võ Thị Huyền Trang, Trung tâm Văn hóa Hòa Bình (quận 10) đã chọn thể điệu Tứ đại oán, 8 câu tứ đại hồi thủ cho lần đầu góp mặt ở sân chơi ý nghĩa này. Với lối ca bài bản, đúng nhịp và ra chất của hơi điệu, Huyền Trang đã tạo nên bất ngờ thú vị cho ban giám khảo và nhận được nhiều sự cổ vũ từ khán giả.

Không chỉ có ca tài tử, liên hoan năm nay mong muốn phát hiện ra những ngón đờn có triển vọng của thành phố. Những tiết mục độc tấu, song tấu đã tạo nên một mầu sắc mới trong một cuộc liên hoan văn nghệ dành cho thiếu nhi. Nhiều khán giả bất ngờ trước sự chững chạc, chuyên nghiệp của em Nguyễn Thành Quốc, đơn vị quận Tân Bình khi độc tấu đờn cò với 8 câu nam xuân- 8 câu nam ai. Khán giả cũng thích thú với tiết mục độc tấu đàn kìm trong thể điệu 12 câu Đảo Ngũ Cung- 8 câu nam xuân của em Võ Trần Lan Nhi đến từ Trung tâm văn hóa quận 11. Còn nhớ trong Liên hoan Búp sen vàng năm 2016, Lan Nhi đã giành giải nhất ở thể loại ca. Nhưng đến liên hoan năm nay, em đã thể hiện sự đa dạng của mình khi “lấn sân” qua đờn nhạc tài tử. Trường hợp của em Trần Nhựt Đức, quận 8 cũng vậy. Có năng khiếu ca tài tử từ khi còn học cấp 1, nhưng qua một thời gian cảm nhận cái hay của âm nhạc đờn ca tài tử, Nhựt Đức đã chuyển sang chơi ghi-ta. Trong liên hoan văn nghệ thiếu nhi hè vừa qua, em và người bạn Nhật Ninh đã tạo nên màn song tấu ghi-ta - đờn kìm trong thể điệu Xuân tình lớp 1 đầy lôi cuốn và thuyết phục. Ông Trần Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh, Trưởng Ban tổ chức liên hoan, nhận xét: Chất lượng các tiết mục đờn ca tài tử năm nay đã được nâng lên rất nhiều so với Liên hoan Búp sen vàng năm 2016. Một số em nổi bật lên hẳn, nhất là khi biểu diễn thể loại oán, vọng cổ, có thể phát triển vào con đường biểu diễn chuyên nghiệp.

Với kết quả khả quan trong cuộc liên hoan năm nay, chứng tỏ nghệ thuật đờn ca tài tử đã được nhà trường, phụ huynh và các em thiếu nhi quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở hay các trung tâm văn hóa quận, huyện trong thành phố đã tổ chức nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử để các em có điều kiện làm quen với môn nghệ thuật truyền thống này. Đặc biệt, hình thức “lò” đào tạo, sinh hoạt theo nhóm đang nhen nhóm ở TP Hồ Chí Minh thời gian qua đã giới thiệu nhiều gương mặt đờn ca tài tử nhí đầy triển vọng.

Việc tổ chức nhiều hoạt động, sân chơi cho các em thiếu nhi tiếp cận với các bộ môn nghệ thuật truyền thống đã góp phần khơi dậy trong các em tình yêu với các loại hình nghệ thuật dân tộc nói chung và đờn ca tài tử nói riêng, môn nghệ thuật đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Đó chính là cách bảo tồn, phát triển đờn ca tài tử hiệu quả nhất mà thành phố cần tiếp tục phát huy.

Bảo Linh
Theo nhandan.com.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khoi-day-tinh-yeu-don-ca-tai-tu-a13503.html