Buổi trưa làng quê thật tĩnh lặng, thi thoảng những âm thanh vang lên khe khẽ từ tiếng mái chèo dậy sóng, tiếng sàn sạt từ những chiếc thúng chao hến va vào thành ghe. Vài bóng dáng của những con người miệt mài, cặm cụi bên những ghe hến mới về bến, chính họ là những người “giữ lửa” cho làng hến.
Thu hoạch hến sau một ngày làm việc
Gian khổ đời hến
Quan sát công việc của những người thợ làng hến, chúng tôi mới cảm nhận được nỗi khó khăn, vất vả của đời hến. Dụng cụ để “hành” nghề hết sức đơn giản, chỉ cần sắm một con đò, một chiếc cào bằng sắt được nối với một sợi dây để cào hến... Ngày nào cũng vậy, công việc của người “phu hến” bắt đầu từ lúc 6h sáng và kết thúc vào khoảng 2 - 3h chiều.
Khi được hỏi về nghề cào hến, ông Hồi giọng chùng xuống như nói với chính mình: “Nghề ni cực lắm, nhưng vì miếng cơm hằng ngày nên phải làm. Cào hến là công việc nặng nhọc chỉ phù hợp với đa số đàn ông. Xuôi theo dòng nước để tìm con hến mãi nhiều hồi cũng đuối vì mệt và đói. Trời lạnh như ri dễ bị chuột rút lắm!”
Hến Ngân Hà được khai thác nhiều nơi, có khi “phu” hến phải chạy ghe ra tới sông Hàn, xuôi xuống sông Hoài Hội An để làm nghề là chuyện thường tình. Công việc cào hến bắt buộc người làm phải chịu khó đi nhiều nơi mới kiếm thêm thu nhập được chứ không thể đứng yên một chỗ. Cũng theo ông Hồi hến ở làng Ngân Hà nổi tiếng ngon, thịt ngọt nên giá thành cũng cao hơn các hến thu mua ở các vùng khác. Trung bình mỗi ngày mỗi ge được 10 bao, cỡ ba tạ hến, sau khi luộc thu được 40 - 50kg hến xác. Giá mỗi kg hến thịt là 30 nghìn đồng.
Mai sau còn có làng nghề?
Ở vào cái tuổi "xưa nay hiếm", ông Đạt đã một thời ngang dọc trên nhánh sông Ngân Hà, sông Hàn, theo con hến mưu sinh. Ông Đạt có 4 người con nhưng không ai theo nghiệp cha vì cái nghề quá khổ. Đôi mắt già nua, ngồn ngộn những ký ức về thời trai trẻ ông Đạt nhớ lại khi xưa ở đoạn sông Ngân Hà này nhà nhà làm hến, người người làm hến, cả làng buôn hến. Cứ ở đâu nhiều hến là xuôi thuyền theo dòng nước để cào. Cả làng hết thẩy mấy chục hộ làm nghề, bây giờ số còn lại đếm trên đầu ngón tay chỉ còn dăm ba hộ.
Trên bến sông, hình ảnh người phụ nữ trạc 60 tuổi, nước da ngâm đen đôi tay chai sần, cố đãi những con hến cuối cùng trong mẻ hến còn lại. Hỏi ra mới biết chị là Nguyễn Thị Xảo người phụ nữ lớn tuổi nhất còn gắn bó với làng nghề này. Chị vừa đãi hến vừa giãi bày: "Nghề hến này xuất hiện ở khúc sông Ngân Hà này từ bao nhiêu đời nay tui cũng không rõ, chỉ nhớ từ nhỏ ba, mẹ tui làm rồi có chồng mình cũng theo nghiệp này luôn. Chắc thế hệ tui là thế hệ cuối làm nghề chứ con cái tui vô Nam học rồi lập nghiệp trong đó”.
Ông Đạt vừa xúc hến vừa bộc bạch: “Ngày xưa ở khúc sông Ngân Hà này, có làng chục hộ làm đi cào hến, dần dần đều bỏ nghề nhất là lớp trẻ không còn mặn mà với cái nghề cha ông nữa. Thời buổi ni nhiều khu công nghiệp mở ra, bọn trẻ bỏ nghề đi làm công nhân kiếm sống, hiện tại cả làng chỉ toàn trung niên và người già làm cả làm nghề thôi”.
Công việc mưu sinh nhọc nhằn dầm mình trên nắng, dưới nước đòi hỏi sự kiên nhẫn chịu đựng mà thu nhập chẳng có là bao đã không đủ sức để giữ chân lớp trẻ với nghề của cha ông. Theo các bậc cao niên trong làng ngày trước ở làng Ngân Hà sống được là nhờ con hến. Từ khúc sông cái này, chạy ghe ra sông Hàn, sông Thu Bồn đi dạo một vòng như vậy là hến đầy ghe nhiều không biết làm chi cho hết. Chỉ cần mang cào ra, sau một lát là có đầy một thúng hến. Bây giờ nạn khai thác cát lậu cộng với xây dựng đập thủy điện nên mấy năm trở lại đây, hến bỏ đi biệt tăm. Không có thu nhập nên nhiều hộ bán ghe bỏ nghề làm công việc khác.
Tâm sự với chúng tôi ông Hồi, ông Đạt và một số người khác đều giống nhau ở suy nghĩ. Dẫu lớp trẻ bây giờ không còn gắn bó với nghề họ vẫn nặng lòng với nghề lắm, như thể con hến vận vào đời họ. Trong tâm thức những người gắn bó với làng hến lâu năm vẫn tâm niệm: Phải giữ gìn cái nghề sông nước đã nuôi dưỡng họ lớn lên từ khúc sông này.
Chia tay những con người làng hến giản dị, mộc mạc, nói ít nhưng ham làm, chăm chỉ… Lòng xót xa nghĩ đến những con người một đời mưu sinh dựa vào đời hến nhỏ lênh đênh. Văng vẳng đâu đây câu hát mà người làng hến vẫn hay hát ngêu ngao cho quên đi nỗi cơ cực nhọc nhằn: "Anh ơi mua giúp hến sông/Để em mua thuốc cho chồng đau lưng".
Văn Mến