Năm Ất Sửu 905 Khúc Thùa Dụ lợi dụng tình hình nhà Đường đang suy sụp, đứng lên khởi nghĩa và giành thắng lợi hoàn toàn. Triều đình nhà Đường lúc đó đã suy yếu, đành phải công nhận Khúc Thừa Dụ làm Tiết Độ Sứ. Trên thực tế còn mang danh hiệu chức quan của nhà Đường, nhưng về thực chất thì Khúc Thừa Dụ đã xây dựng một chính quyền tự chủ, kết thúc về cơ bản ách thống trị hơn 1000 năm của các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ nước ta. Lịch sử ghi nhận công lao của Khúc Thừa Dụ như là một trong những người đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc.
Ngày 23/9 năm Đinh Mão 907, Khúc Thừa Dụ mất, con ông là Khúc Hạo tiếp tục sự nghiệp và ý chí của cha. Khúc Hạo lên làm An Nam đô hộ Tiết Độ Sứ. Lên kế vị, tiếp tục sự nghiệp và tinh thần tự chủ của cha mình, dựa vào sự ủng hộ của nhân dân, Khúc Hạo đã thực hiện một cuộc cải cách về nhiều mặt, nhằm xây dựng một quốc gia độc lập tự chủ, thoát dần ảnh hưởng và sự khống chế của các thế lực thống trị phương Bắc. Cũng trong năm 907, nhà Đường bị sụp đổ, Chu Ôn lên làm vua lập ra nhà Hậu Lương, hiệu là Lương Thế Tổ, công nhận Khúc Hạo là An Nam đô hộ Tiết Độ Sứ.
Sau khi lên làm “Tiết Độ Sứ”, về mặt chính trị, Khúc Hạo cho bãi bỏ bộ máy hành chính đô hộ cũ của nhà Đường để thành lập một bộ máy quản lý đất nước riêng của mình. Các hương bên dưới được gọi là Giáp, cả nước lúc bấy giờ có 314 Giáp. Lãnh thổ của chính quyền mới được mở rộng hơn trước. Ở các Giáp, Khúc Hạo cho đặt các chức Chánh lệnh trưởng, Tá lệnh trưởng và Giáp trưởng trông coi nhằm tăng cường sự quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương đối với các đơn vị hành chính cơ sở, đồng thời xác lập quyền tự chủ của đất nước.
Để nắm được số dân trong nước, Khúc Hạo đã cho lập sổ hộ khẩu, bắt dân đinh phải “kê rõ họ tên, quê quán” và giao cho Giáp trưởng coi giữ. Sử cũ ghi lại: “Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị, khiến cho nhân dân được yê vui”. Sau nhiều thế kỷ sống dưới ách kìm kẹp, bóc lột nặng nề của chế độ đô hộ, sự “khoan dung, giản dị” của chính quyền dưới thời Khúc Hạo không chỉ góp phần tạo nên sự yên vui của nhân dân, mà còn thể hiện rõ tinh thần của một đất nước vừa thoát khỏi ách đô hộ ngàn năm của phương Bắc.
Về mặt tài chính: Khúc Hạo chủ trương đổi lại chế độ tô điền, trong những thế kỷ thuộc nhà Đường, ngoài cống nạp, nhân dân ta còn phải chịu hàng loạt bất công về chế độ tô thuế và chịu một chế độ lao dịch nặng nề. Khúc Hạo đã cho xóa bỏ mọi sự bất công và áp bức nặng nề đó bằng chính sách “bình quân thuế ruộng” và tha “bỏ lao dịch”. Nổi khổ của ách nô dịch không còn nữa, dù rằng người dân vẫn phải giữ nghĩa vụ đóng góp sức mình cho nhà nước.
Tuy xu hướng cát cứ của các hào trưởng thời đó vẫn còn rất nặng, nhưng xu thế của lịch sử Việt Nam, mở đầu từ những cải cách của Khúc Hạo đã tạo điều kiện cho chính quyền trung ương có khả năng kiểm soát được một cách trực tiếp các địa phương trong nước, góp phần quan trọng cũng cố sự thống nhất lãnh thổ, bước đầu xóa bỏ chế độ bóc lột, áp bức nặng nề của chế độ đô hộ, tạo điều kiện cho nhân dân ta sống ổn định và yên vui, tránh được mọi sự hạch sách cưỡng bức của bọn quan lại đô hộ trước đó. Mặt khác cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ta gia tăng sức lao động sáng tạo, nâng cao cuộc sống của mình.
Nhìn chung những cuộc cải cách của Khúc Hạo, tuy dựa trên những thiết chế đã có của thời thuộc Đường, nhưng đã vượt qua những hạn chế của nó, thể hiện rõ tinh thần của một quốc gia độc lập, có quyền tự chủ của mình. Những cải cách của Khúc Hạo đã mở ra một thời kỳ phát triển mới của xã hội Việt Nam mà các triều đại sau đó sẽ hoàn thành.
Về mặt ngoại giao: Năm 917, khi được tin nhà Nam Hán được thành lập ở Hoa Nam (ngày nay thuộc Quảng Đông, Quảng Tây), Khúc Hạo đã cử con trai là Khúc Thừa Mỹ sang làm “hoan hảo sứ” như sử cũ đã nhận xét: “Mượn tiếng là kết nối hòa hảo, để dò xét tình hình hư thực thế nào”.
Cũng trong năm đó, năm Đinh Sửu 917, Khúc Hạo mất, con trai ông là Khúc Thùa Mỹ lên thay cha, nắm quyền triều chính. Khúc Thừa Mỹ nhận chức Tiết Độ Sứ của nhà Hậu Lương, chứ không phục nhà Nam Hán mới được thành lập. Vì vậy mà quân nhà Nam Hán sau đó đã đem quân xâm lược nước ta, đánh bại Khúc Thừa Mỹ. Khúc Thừa Mỹ bị bắt sống giải về Quảng Tây (Trung Quốc). Dương Đình Nghệ vốn là bộ tướng cũ của họ Khúc tiến quân ra Giao Châu đánh thành Đại La, quân Nam Hán bị đánh bại, ngọn cờ tự chủ đã chuyển từ họ Khúc sang họ Dương.
Vương Quốc Hoa