“Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”
Tuy nhiên, có rất nhiều người chưa biết hết câu chuyện vì sao bến Ninh Kiều có mặt hơn 100 năm qua nhưng mốc thời gian chính thức được lưu chép, công nhận qua những tư liệu pháp lý đến nay chỉ mới 60 năm (4-8-1958- 4-8-2018).
Năm nay, các hoạt động kỷ niệm ngày thành lập được gắn với sự kiện TP Cần Thơ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018.
Một số ảnh tư liệu bến Ninh Kiều xưa.
Trên một thế kỷ trải qua bao biến cuộc thăng trầm của lịch sử, bến Ninh Kiều xưa đã khoác lên mình những cái tên chân chất, dân dã gắn chặt tên đất, tên sông như một sự thủy chung bất tận.
Ông Huỳnh Văn Nguyệt- nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tại TP Cần Thơ- kể: “Hồi đó, ghe xuồng tấp nập, mua bán sầm uất ngày đêm. Hàng hóa từ đây đi lục tỉnh Nam Kỳ bằng các ghe bầu.
Trên bờ có rất nhiều cây dương cổ thụ nên bến này có tên gọi bến Hàng Dương. Hồi đó, phương tiện vận chuyển trên bộ là xe ba gác, xe lam, xe tải nhẹ. Đội quân bốc vác làm việc cả ngày lẫn đêm”.
Tương truyền khi chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long) khi náu mình ở Cần Thơ để lẫn tránh sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn đã đặt tên cho con sông tại bến sông này là “Cầm Thi giang”, nghĩa là con sông của thi ca đàn hát.
Lâu ngày gọi trại đi, hai chữ “Cầm Thi” biến thành “Cần Thơ” (?). Tuy nhiên giai thoại này chưa được nhiều người đồng tình.
Khoảng cuối thế kỷ XIX, nhà cầm quyền Pháp đã cho thiết kế lại bến sông, mở nhiều nhà hàng, quán ăn, tiệm tạp hóa, đại lý mua bán.
Đặc biệt nhất là việc xây dựng nhà lồng chợ Cần Thơ năm 1909 (nay là nhà lồng chợ cổ Cần Thơ). Dọc theo bến sông lúc bấy giờ có ba cầu tàu vận chuyển hàng hóa.
Từ bến Ninh Kiều hôm nay có thể nhìn thấy cầu Cần Thơ đẹp lung linh.
Sau năm 1954, khi Pháp rút quân về nước, chính quyền chế độ cũ cho đốn hết hàng sao trên đường Lê Lợi (nay là đường Hai Bà Trưng dọc theo bến Ninh Kiều) xây dựng thêm nhiều khách sạn, quán ăn, bến Hàng Dương có tên là bến Lê Lợi.
Ngày 4-8-1958, chính quyền địa phương đặt tên mới cho bến Lê Lợi mang tên bến Ninh Kiều cho đến hôm nay.
Thời đó, mới rằm tháng Chạp, ghe xuồng chở đầy hoa và cây cảnh từ các làng hoa nổi tiếng khắp ĐBSCL tập hợp về đây mua bán náo nhiệt ngày đêm.
Tiếng tàu ghe chở khách, chở hàng hóa rộn rã khắp nơi. Việc mua bán trên bờ dưới sông nhộn nhịp tưng bừng.
Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, mỗi năm tại bến Ninh Kiều đều diễn ra điểm mua bán cây kiểng, cây trái mừng xuân với mật độ mua bán dày đặc.
Người đến viếng chùa Ông Bổn phía trên bờ (Di tích lịch sử cấp quốc gia) ngày càng nhiều. Du khách còn tha hồ vừa ngắm trăng thơ mộng trên những chiếc “du thuyền” vừa thưởng thức những tiết mục đờn ca tài tử thắm đượm tình quê.
Giữa bến Ninh Kiều là tượng Bác Hồ bằng đồng nguyên khối sừng sững uy nghiêm tạo nét duyên cho bến quê song nước hữu tình.
Nhiều du khách ngoài nước rất thích mua sắm sản phẩm lưu niệm tại nhà cổ Cần Thơ hay thưởng thức hàng trăm món ăn dân gian tại chợ đêm trước nhà lồng cổ.
Đặc biệt nhất là du khách có thể ngắm nhìn cầu Cần Thơ hùng vĩ, thơ mộng dưới hàng liễu rũ trên bến Ninh Kiều trong làn gió sông mát dịu.
Ông Lục Thanh Tân- du khách đến từ Trung Quốc- nhận xét: “Bến Ninh Kiều rất đẹp, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa vùng sông nước; có nhiều thú vui giải trí và nhiều câu chuyện kể rất hấp dẫn về đất nước, con người Nam Bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng”.
Mới nhưng không phai mờ nếp cũ. Hiện đại nhưng không khỏa lấp hồn xưa. Tất cả đã và đang hòa quyện vào nhau tạo nên bức tranh bến Ninh Kiều thơ mộng, chân chất, hiền lành pha chút bí ẩn, tâm linh và luôn mời gọi du khách gần xa đến khám phá với sự thích thú vô chừng.
Trần Trấn Giang
Theo Vĩnh Long Online