Miền Tây Nam bộ với sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, có nhiều khu chợ nổi trên sông, mà nổi tiếng có thể kể: Chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ, chợ nổi Ngã Bảy ở Phụng Hiệp, chợ nổi Ngã Năm ở Sóc Trăng, chợ nổi Long Xuyên ở An Giang, chợ nổi Cái Bè ở Tiền Giang, chợ nổi Trà Ôn ở Vĩnh Long… Trong số này, chợ nổi Long Xuyên là nơi giữ được nhiều nét bình dị, yên ả, nguyên sơ của con người và sông nước nơi đây.
Nét bình dị, nguyên sơ chợ nổi Long Xuyên - Ảnh: Internet
Không lớn như các khu chợ nổi khác, cũng không chạy theo xu hướng thương mại hóa để phục vụ khách du lịch, chợ nổi Long Xuyên (xã Mỹ Phước, TP Long Xuyên, An Giang) đến nay vẫn giữ nguyên những nét yên ả, bình dị, nguyên sơ như chính những con người sông nước nơi đây.
Cách trung tâm TP Long Xuyên khoảng 2km, nằm dọc bên dòng sông Hậu, từ sáng sớm hàng trăm tàu, xuồng tụ tập cùng nối đuôi nhau ra khu chợ, bắt đầu một ngày buôn bán mới.
Hàng hóa chủ yếu ở đây là các loại hoa màu như rau, dưa, cà, cải, bí, khoai… và các món ăn vặt nổi tiếng của An Giang như bún cá, bánh tầm, bánh da lợn.
Điểm đặc biệt là hàng hóa mua bán không thách đố, trả giá, nói sao bán vậy bởi chợ nổi nơi đây còn ít du khách ghé thăm, người dân thân thiện, thật thà, không bị tác động bởi thương mại hóa du lịch. Do đó đây là nơi thích hợp cho các du khách muốn khám phá nét hoang sơ, nguyên bản trong những khu chợ nổi ở miền Tây.
Khung thời gian đẹp nhất để tham quan Chợ nổi Long Xuyên là từ 5 giờ sáng. Cái chớm lạnh của sương mai sẽ không làm chùng chân những ai yêu thích và khám phá những điều mới lạ. Đặc biệt là du khách có thể được ngắm cảnh bình minh trên sông, xa xa phía chân trời là những vệt mây trắng hồng đan xen, hòa huyện vào nhau trên nền trời, tất cả như tô điểm thêm dư vị cho cuộc sống của những người dân lao động đang từng ngày lênh đênh trên sông nước
Tuy không ồn ào, tấp nập như những phiên chợ nổi khác của miền Tây, chợ nổi Long Xuyên bắt đầu ngày mới cũng nhộn nhịp khác hẳn, những chiếc ghe, xuồng đang neo đậu chằng chịt, san sát nhau thành từng cụm để mua bán, trao đổi hàng hóa, tiếng cười tiếng nói giòn giã vang khắp mặt sông tạo nên nét riêng của phiên chợ nổi. Người mua đã từ tốn nhưng người bán cũng không kém phần nhã nhặn. Việc mua bán trên chợ nổi diễn ra rất nhanh chóng, theo kiểu nói sao bán vậy chứ ít có chuyện mặc cả, văn hóa vùng sông nước và tính cách của người dân An Giang chính là như thế.
Một nét văn hóa đặc trưng của chợ nổi là hàng hóa được bày bán, giới thiệu trên cây sào mà người dân gọi là “cây bẹo”. Đây là kiểu quảng cáo hàng hóa độc quyền chỉ có trên chợ nổi. Khách hàng có thể nhìn vào cây bẹo được treo lủng lẳng trước mũi ghe để lựa chọn sản phẩm mình muốn mua, mỗi một chiếc ghe sẽ treo bán một món hàng khác nhau, từ rau, củ, quả cho tới những vật dụng cần thiết cho cuộc sống thường ngày.
Tuy nhiên hình thức kinh doanh trên chợ nổi không phải lúc nào cũng theo kiểu treo gì bán đó, mà cũng có những trường hợp treo mà không bán, ví như quần áo, hay đồ bán mà không treo như đồ ăn, thức uống. Len lỏi đâu đó du khách có thể thấy những chiếc thuyền đang treo miếng lá dừa, nhưng cái người dân muốn bán ở đây là ghe, xuồng chứ không phải bán lá dừa.
Nghe qua có vẻ hào hứng và thú vị lắm, nhưng có đến mới thấy và cảm nhận hết sự khác lạ của chợ nổi. Đừng quên thưởng thức một bữa sáng theo kiểu “nổi” của người dân miền Tây, với các món ngon dân dã như bún riêu, bún cá, bánh tằm hay nhâm nhi một ly cà phê để tận hưởng cảm giác vừa ăn vừa được lắc lư bồng bềnh theo con sóng, ắt hẳn sẽ làm du khách nhớ mãi không quên.
Mai Anh
(Tổng hợp)