Sự hình thành cái nôi ca nhạc tài tử ở Bạc Liêu

Trong giới đờn ca tài tử Nam bộ (ĐCTTNB) xưa nay có câu truyền tụng rằng: “Đờn ca tài tử, nhất Bạc Liêu - nhì Cần Đước”. Khi ĐCTTNB được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (5-12-2013), Bạc Liêu được mệnh danh là cái nôi của nhạc tài tử Nam bộ (NTTNB) và ĐCTTNB, vậy còn Cần Đước (tỉnh Long An) thì sao?

 
Một tiết mục trình diễn tại Liên hoan nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An lần thứ 21. (Ảnh: Internet)

Cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ

NTTNB được hiểu là tên gọi của một dòng nhạc (chỉ có bản nhạc ký âm, chưa có người đờn và ca) sinh ra ở Nam bộ, ca nhạc Tài tử hay ĐCTTNB là một hình thức diễn tấu diễn xướng của dòng NTTNB (có người đờn và người ca). Nói cách khác, hình thức ĐCTTNB là người đờn và người ca thực hiện dòng NTTNB. Đến cuối thế kỷ XIX, phong trào ĐCTTNB phát triển mạnh hơn, Nam bộ hình thành 2 nhóm Tài tử gọi là 2 trường phái: Nhóm miền Đông và nhóm miền Tây Nam bộ.

Đứng đầu trường phái Tài tử miền Tây là nhạc sư Trần Quang Quờn (Ký Quờn), ông là người tài hoa “cầm – kỳ – thi – họa”. Ông soạn lời ca “Bá Lý Hề” theo điệu Văn Thiên Tường và Tứ đại oán vào khoảng những năm đầu 1900. Các thành viên trong nhóm này phần đông là trí thức Nho học hoặc các sĩ phu yêu nước từ miền Trung bị Pháp lưu đày vào Nam như: Nguyễn Liên Phong, Nguyễn Tòng Bá, Phạm Đăng Đàn, cụ Thập, cụ Thủ…

Trường phái này cho ra đời 10 bản Khách, còn gọi là Thập thủ liên hườn gồm: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Liên hườn, Tây mai, Kim tiền, Hồ quảng, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, Bình nguyên. Nhóm này còn có bộ Tứ bửu do nhạc sư Lê Tài Khị sáng tác để đáp lại bộ Ngũ châu của nhóm miền Đông, gồm các bản Minh Hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên, Ái tử kê (khác với Ái tử kê trong 8 Ngự – theo sách của Nguyễn Tấn Hưng). Trong lực lượng miền Tây có đại biểu Lê Tài Khị là một nhạc sư rất giỏi nghề, có lẽ do ông bị khuyết tật nên không được giới bầu làm trưởng nhóm.

Nhạc sư Lê Tài Khị (Hai Khị) còn gọi là nhạc Khị, ông là người Việt gốc Hoa sinh năm 1870 và mất năm 1948 tại Bạc Liêu. Sau này giới Tài tử - Cải lương miền Tây tôn ông là hậu Tổ NTTNB. Vì không những ông đã có công chấn chỉnh, hiệu đính và hệ thống hóa 20 bản Tổ NTTNB mà còn có công đào tạo nhiều thế hệ đệ tử tài hoa, là những danh cầm, nhạc sư, soạn giả cải lương nổi tiếng nhất ở miền Tây Nam bộ như Trịnh Thiên Tư, Ba Chột, Mười Khói, Tư Biên, Hai Phát, Hai Thơm, Lư Hoài Nghĩa (Năm Nghĩa), Chín Máng, Trần Tấn Trung (soạn giả Mộng Vân), Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ)...; trong đó có nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 – 1976) là tác giả của bản Dạ cổ hoài lang, nó là tiền thân của bài Vọng cổ nhịp 32 sau này.

Khi nhóm NTTNB miền Đông cho ra đời bộ “Ngũ châu” gồm: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi, Hồ điệp, thì nhạc Khị sáng tác bộ “Tứ Bửu” gồm: Minh Hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên và Ái tử kê để đáp lại. Bên cạnh đó các nghệ nhân khác trong nhóm của nhạc Khị còn sáng tác 10 bản Khách, còn gọi là “Thập thủ liên hườn” gồm: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Liên hườn, Tây mai, Kim tiền, Hồ quảng, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã, Bình nguyên để đáp lại bộ Bát ngự của nhóm miền Đông.

Với những dữ liệu trên và còn nhiều dữ liệu khác để xác định Bạc Liêu là cái nôi của NTTNB và ĐCTTNB là điều không thể khác. Nhiều năm qua, tỉnh Bạc Liêu lấy ngày 14 và 15 tháng 8 ÂL để làm ngày Lễ hội Văn hóa truyền thống tại khu mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và có mời nhiều Câu lạc bộ ĐCTTNB đơn vị bạn tham dự. Từ năm 2014 (sau khi ĐCTTNB đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại) đến nay, tỉnh Bạc Liêu tổ chức nhiều sự kiện về ĐCTTNB và cải lương, bên cạnh xây dựng những công trình văn hóa có tính chất quy mô và hoành tráng hơn.

Cần Đước - Long An với nhạc lễ Nam bộ và nhạc tài tử Nam bộ

Đứng đầu trường phái Tài tử miền Đông là nhạc sư Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi), ông vốn là một quan nhạc của triều Nguyễn. Giữa thế kỷ XIX, ông vào Nam dạy nhạc Lễ và NTTNB; có tài liệu cho rằng, Cần Đước – Long An là một trong những nơi đầu tiên nhạc sư Nguyễn Quang Đại truyền dạy 2 dòng nhạc này.

Ông có công chỉnh lý 4 bản Bắc là Lưu thủy trường, Phú lục chấn, Bình bán chấn và Cổ bản vắn của ca nhạc Huế thành hơi điệu theo phong cách NTTNB. Ông còn sáng tác thêm bộ Ngũ châu gồm các bản: Kim tiền bản, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên, Song phi hồ điệp và 8 bản Ngự: Đường Thái Tông, Vọng phu, Chiêu Quân, Ái tử kê, Bát man tấn cống, Tương tư, Quả phụ hàm oan, Duyên kỳ ngộ. Ông cũng đã đào tạo được nhiều môn đệ thành danh như Sáu Thới, Tám Hạnh, Cao Quỳnh Diêu, Bảy Nhỏ, Sáu Thoàng, Chín Chiêu, Năm Tịnh, Năm Khiết, Ba Đồng, Tư Bường, Nguyễn Văn Thinh,…


 
Theo Kỷ yếu Hội thảo khoa học về “Đức nghệ nhơn tiền phong nhạc lễ, nhạc tài tử Nguyễn Quang Đại”, ngày xưa đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) là một quan nhạc triều Nguyễn nhưng ông từ quan để hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp (khoảng năm 1885) và vào Nam dạy nhạc lễ, nhạc tài tử.

Ban đầu ông dừng chân dạy nhạc ở Dakao – Sài Gòn và một số nơi ở miền Đông, miền Tây. Riêng ở Cần Đước - Long An là nơi ông sinh sống và truyền dạy nhạc Lễ và NTTNB ở đây lâu nhất, có nhiều học trò nhất so với các nơi; rồi học trò ông tiếp tục bung ra truyền nghề cho thế hệ sau, có khá nhiều môn đệ nổi tiếng như: Xã Năm, Hương Trì, Tám Điển, Năm Viên (cha Chín Láo), Chín Chiêu, Sáu Thoàng, Năm Tịnh, cô Sáu Lung, cô Bảy Giỏi (thế hệ thứ nhất)...; thế hệ thứ 2 được kế thừa như: Năm Khiết, Ba Đồng, Hai Cơ, Chín Láo, Năm Giai, Sáu Phàn...; thế hệ thứ 3: NSƯT Ba Tu, nghệ nhân dân gian Tám Nhứt, Ba Lựa, Tư Tụi...; thế hệ thứ tư là nghệ nhân Út Bù – Chủ nhiệm Câu lạc bộ ĐCTTNB huyện Cần Đước hiện nay, ông đờn tay trái và sử dụng được nhiều loại nhạc cụ ở hai dòng nhạc Lễ và NTTNB. Út Bù đã đào tạo được nhiều môn sinh ca – đờn ở Cần Đước trong những năm qua. Phong trào ĐCTTNB ở đây nhiều năm rồi khá mạnh, đoạt các giải trong những lần liên hoan.

Sau khi dạy nhạc ở Cần Đước – Long An, nhạc sư Nguyễn Quang Đại trở về Sài Gòn tiếp tục dạy học trò một thời gian, rồi qua đời tại nhà người con trai thứ 2 tên là Hai Tuân ở Rạch Cát, Bến Bình Đông, quận 8, TP.HCM.

Để tưởng nhớ đến công lao của đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại, Long An đã rước linh vị của ông từ quận 8, TP.HCM về đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước để thờ phụng từ năm 1996.

Ngày 7-3-1996, tại huyện Cần Đước, nhiều nhà khoa học, giáo sư, học giả, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ,... tham dự Hội thảo khoa học về “Đức nghệ nhơn tiền phong nhạc lễ, nhạc tài tử Nguyễn Quang Đại”. Hội thảo đúc kết xây dựng quyển kỷ yếu với nhiều nội dung tham luận và ý kiến trao đổi rất có giá trị về mặt học thuật và sử liệu âm nhạc.

Từ ấy đến nay, vào các ngày 14, 15, 16 tháng Giêng ÂL, huyện Cần Đước và các ban, ngành tỉnh Long An có liên quan cùng tổ chức lễ hội rất trọng thể, vừa tổ chức cúng đình “cầu quốc thới dân an”, vừa liên hoan và giao lưu ĐCTTNB, mỗi năm có ít nhất 10 Câu lạc bộ ĐCTTNB của các tỉnh và TP.HCM đến dự.

Từ sau năm 1990, phong trào ĐCTTNB khơi lại và phát triển rộng khắp các tỉnh, thành phía Nam, nhiều nơi đã tổ chức liên hoan ĐCTTNB cấp huyện, cấp tỉnh theo định kỳ mỗi năm một lần hoặc 2 năm một lần, có nơi 3, 4 năm một lần... nhưng đều mang tính phong trào không cố định. Chỉ có Bạc Liêu và Cần Đước đã thành lễ hội truyền thống của địa phương.

Với những sử liệu nêu trên về đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại đã có một thời gian dài sinh sống và truyền dạy nhạc Lễ và nhạc Tài tử Nam bộ ở 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc tỉnh Long An (Cần Đước là chính); nhưng đến giờ này, Bạc Liêu được công nhận là cái nôi của nhạc tài tử và ĐCTTNB, còn Cần Đước – Long An thì sao?

Mặc dù Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An thể hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn” rước linh vị đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại về phụng thờ tại đình Vạn Phước (huyện Cần Đước), và tổ chức lễ hội hằng năm trong nhiều năm qua là một nghĩa cử trọng đạo và niềm tự hào của tỉnh, không chỉ về “ân tri ngộ” mà còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống về văn hóa, âm nhạc dân tộc cho các thế hệ mai sau, đó là điều đáng được trân trọng. Tuy nhiên, với công sức khai sáng và truyền dạy nhạc Lễ và nhạc Tài tử Nam bộ tại vùng Cần Đước, Cần Giuộc – Long An của đức nghệ nhân Nguyễn Quang Đại thì sao chưa thấy ngành chức năng cấp trên công nhận một danh hiệu gì cụ thể: “Cái nôi nhạc Tài tử Nam bộ” hay “Cái nôi nhạc Lễ Nam bộ”? Mặt khác, dòng nhạc Lễ Nam bộ có nguồn gốc từ nhạc Lễ cung đình Huế, được xác định là một dòng nhạc bác học của Việt Nam, nhưng đến giờ này chưa được ngành chức năng công nhận cái nôi của nhạc Lễ Nam bộ nằm ở địa phương nào?

Nếu như cái nôi của cải lương ở Mỹ Tho (Tiền Giang), Đờn ca Tài tử ở Bạc Liêu thì nhạc Lễ Nam bộ sẽ là ở Cần Đước (Long An) mới đúng thực chất với tên gọi và xứng đáng niềm tự hào dân tộc của vùng Cần Đước. Bởi lẽ, nhạc tài tử và đờn ca tài tử, cải lương đều có nguồn gốc ít nhiều từ nhạc Lễ Nam bộ. Nếu phân theo trật tự tôn ti thì nhạc Lễ Nam bộ là cha của nhạc tài tử, ông bà của nhạc cải lương (nhạc tài tử là cha đẻ của nhạc cải lương).

Bên cạnh đó, theo quan điểm của tác giả, Cần Đước rất xứng đáng với danh hiệu là cái nôi của NTTNB và ĐCTTNB. Vì dòng nhạc này được nhạc sư Nguyễn Quang Đại khai sáng và truyền dạy tại Cần Đước lâu hơn so với nhiều địa phương khác, và được lưu truyền cho đến hôm nay.

Trong khi đó nhạc sư Nguyễn Quang Đại lại là trưởng nhóm nhạc Tài tử miền Đông cùng thời với nhóm nhạc Tài tử miền Tây, 2 nhóm miền Đông và miền Tây cùng thời đào tạo môn đệ và sáng tác bài bản thi đua nhau để dòng nhạc phát triển lớn mạnh hơn cả về thể điệu âm nhạc và lực lượng nhạc sĩ. Nếu xét về khu vực thì Cần Đước quả là cái nôi nhạc Tài tử của nhóm miền Đông, vì trước đây, theo ranh giới hành chánh thì tỉnh Long An thuộc Quân khu 7 (thuộc tỉnh Gia Định), mà Quân khu 7 là của miền Đông Nam bộ. Vậy, nếu Bạc Liêu là cái nôi nhạc Tài tử của miền Tây Nam bộ thì Cần Đước là cái nôi của nhạc Tài tử miền Đông Nam bộ là một điều hiển nhiên và hợp lẽ.


Đỗ Dũng
Theo baolongan.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/su-hinh-thanh-cai-noi-ca-nhac-tai-tu-o-bac-lieu-a13405.html