Đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, một ngôi đình cổ có tuổi đời hơn 300 năm, từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17 với kiến trúc độc đáo, được nhiều chuyên gia di sản đánh giá là một trong số ít những ngôi đình từ thế kỷ 17 có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc, nay đã bị hạ giải và bê tông hóa dưới “lớp áo” trùng tu di tích.
Công trường xây dựng đình Lương Xá mới với kết cấu bê tông cốt thép (ảnh chụp ngày 31/7).
Đâu rồi đình cổ?
Trong khuôn viên đình Lương Xá, một ngôi đình cổ hơn 300 năm tuổi đang ngổn ngang vật liệu. Một nhóm thợ đang thi công phần mái. Bên dưới, ngổn ngang giàn giáo chen vào những chân cột bê tông cốt thép. Tất cả những hạng mục đang xây dựng đều bằng vật liệu bê tông cốt thép, hiện trạng đã dựng thành khung hoàn chỉnh cho công trình đình Lương Xá mới.
Ngôi đình cổ có tuổi đời hơn 300 năm nay đã không còn. Trong khi đó, hàng loạt các cấu kiện gỗ của tam quan, nhà tiền tế, tấm chạm khắc cánh gà, cấu kiện vì kèo cũ của ngôi đình cổ bị phá dỡ, tập kết chỏng chơ tại nhà văn hóa thôn Lương Xá.
Đình Lương Xá trước khi trùng tu.
Được biết, đình Lương Xá trước đây có tam quan xây khá đẹp với nghi môn gồm 4 trụ biểu, trên bức tường hai bên cửa phụ có đắp nổi đôi voi đứng. Tòa tiền tế gồm 5 gian 2 chái và kết cấu với thiêu hương và hậu cung thành hình “chữ Công”. Đình cổ được làm bằng gỗ với những cấu kiện chạm khắc hoa văn độc đáo, đặc sắc và hiếm có. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cảm thấy bức xúc khi ngôi đình đang được trùng tu theo kiểu bê tông hóa. “Một ngôi đình cổ 300 tuổi vẫn có thể đứng vững thêm 300 năm nữa nếu không bị phá bỏ để thay thế bằng ngôi đình bê tông cốt thép. Toàn bộ cấu kiện gỗ chạm khắc thời Lê Trung Hưng đang bị biến thành củi đun, bán đồng nát”, ông Nguyễn Hoài Nam bày tỏ.
Theo các tư liệu và nghiên cứu, đình Lương Xá là ngôi đình được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 17. Đình có những mảng chạm đẹp đến mức hoàn toàn xứng đáng xếp hạng di tích Quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế, nó chưa hề có một danh hiệu nào.
Nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Giáo sư Trần Lâm Biền cho biết: “Đình Lương Xá là một ngôi đình rất đẹp với những cấu kiện chạm khắc mang dấu tích nghệ thuật từ thời Lê, có niên đại khoảng 350 năm, cùng hệ thống với đình Hoàng Xá (đã được công nhận di tích Quốc gia) ở cách đó 1km. Tuy mới chỉ có trong danh mục kiểm kê di tích cần được bảo vệ, nhưng đình Lương Xá có giá trị hơn nhiều ngôi đình đã được xếp hạng di tích Quốc gia”.
Ngôi đình cổ có tuổi đời hơn 300 năm nay đã không còn.
“Theo tư liệu mỹ thuật cho thấy, đây là ngôi đình có giá trị. Đình được xây dựng ở thời kỳ đỉnh cao của nghệ thuật chạm khắc đình làng. Hình thức chạm khắc cánh gà của đình giờ rất hiếm, chỉ còn rất ít đình có nghệ thuật chạm cánh gà đẹp như ở đây. Cách đây 2 năm, nó hầu như còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, với hiện trạng xây mới như hiện nay, đình Lương Xá đã mất hoàn toàn, không còn “cứu” được di tích này nữa”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt cho biết.
Sau khi tiếp nhận hiện trạng “trùng tu” bằng bê tông hóa ở đình Lương Xá, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho rằng: “Hạ giải sai quy định, đổ bê tông như thế thì đình hỏng hết rồi”.
Các cấu kiện gỗ của đình Lương Xá cổ bị phá dỡ, để phơi mưa nắng trong sân nhà văn hóa thôn (ảnh chụp chiều 30/7).
Quản lý lơi lỏng, dân làm bừa?
Chị Nguyễn Thị Thanh, người dân thôn Lương Xá cho biết: “Mỗi khẩu trong làng phải đóng góp 800.000 đồng tiền trùng tu đình. Nhà tôi có 2 vợ chồng và 3 con nhỏ phải đóng góp 4 triệu đồng nhưng do kinh tế gia đình khó khăn nên hiện mới chỉ đóng góp 2 triệu đồng, số còn lại thôn cho nợ nửa năm sau sẽ nộp”.
Ông Phạm Tự Khải, Trưởng thôn Lương Xá cho hay, trước khi làm thì ban lãnh đạo thôn đã tổ chức họp dân rất nhiều lần, thống nhất huy động đóng góp trong dân khoảng 1,5 tỷ đồng. Các “mạnh thường quân” ủng hộ 3,5 tỷ đồng nữa. “Chúng tôi cũng có làm văn bản xin phép lên xã nhưng chưa thấy trả lời. Nghĩ rằng đình chưa được xếp hạng di tích, lại làm bằng kinh phí của dân đóng góp nên chúng tôi họp dân, lấy ý kiến thống nhất rồi làm thôi”, ông Phạm Tự Khải, trưởng thôn Lương Xá cho biết.
Ông Trương Minh Tiến cho biết: “Sáng 30/7, Sở VH-TT Hà Nội đã cử đoàn kiểm tra xuống kiểm tra hiện trạng tu bổ đình Lương Xá. Theo ghi nhận, việc hạ giải, đổ bê tông các hạng mục trong di tích hoàn toàn sai quy định, chưa được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. Dù đình Lương Xá chưa được xếp hạng nhưng đã nằm trong danh mục kiểm kê cần được bảo vệ. Chính vì vậy, việc tu bổ vẫn phải xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có Sở VH-TT Hà Nội. Tuy nhiên, đến lúc này, tôi chưa nhận được văn bản xin ý kiến nào của địa phương”.
Công trường xây dựng ngổn ngang ở đình Lương Xá.
Ông Lương Ngọc Hoàng, Phó phòng VH-TT huyện Ứng Hòa cho biết: “Ngày 13/12/2017, UBND xã Liên Bạt có tờ trình số 58 về việc xin chủ trương tôn tạo đình Lương Xá. Ngày 3/1/2018, tôi được giao ký văn bản về tu bổ tôn tạo đình Lương Xá, trong đó nêu rõ việc nhận được văn bản của xã Liên Bạt, việc xin tu bổ tôn tạo đình Lương Xá từ nguồn kinh phí xã hội hoá, sự đóng góp của nhân dân là đáng trân trọng, tuy nhiên di tích chưa được xếp hạng nhưng đã được kiểm kê và có trong danh mục. Tôi có một số lưu ý, đề nghị UBND xã Liên Bạt tổ chức lập hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ tôn tạo đình Lương Xá theo quy định, đặc biệt đề nghị xã xác định rõ nguồn vốn, yêu cầu cam kết nguồn vốn theo quyết định 48 của thành phố Hà Nội là phải có vốn đối ứng. Tôi đề nghị lập báo cáo kỹ thuật, đơn vị thi công phải có tư cách pháp nhân… Đến ngày 14/4, tôi lên xem thì đình đã hạ giải xong”.
Cần sửa quy trình phân cấp, có chế tài mạnh để quản lý
Theo ông Nguyễn Đức Bình, sở dĩ có những vi phạm nghiêm trọng, phá hoại di tích như tại đình Lương Xá là bởi việc phân cấp quản lý di tích về cấp xã là không phù hợp. Việc quản lý di tích cần những cơ quan có chuyên môn. “Cán bộ quản lý cấp xã, thậm chí ở cấp huyện, không có đủ trình độ chuyên môn để quản lý di tích, di sản. Thậm chí tôi biết có trường hợp cán bộ xã tiếp tay trùng tu di sản trái phép, đưa dị vật không phù hợp vào di tích như trường hợp ở đình Thiết Ứng (Đông Anh), đình Thổ Tang (Phú Thọ)... Luật Di sản và các nghị định, chế tài không đủ mạnh, không đến được với người dân”, ông Bình nhận định.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, các di tích không xếp hạng thì dễ bị coi thường, không được quản nghiêm. Khi những người dân địa phương quá muốn có một di tích mới, thì “tính mạng” di tích xưa trở nên quá nguy hiểm. Vì thế, ông cho rằng vẫn cần có một cơ quan chuyên môn nào đó trông nom loại di tích này. Ông Nam nêu ví dụ như một số di tích ở Hải Phòng hiện đã được giao cho Bảo tàng Hải Phòng quản lý.
Hà Nội sau mở rộng địa giới hành chính có gần 5.924 di tích, trong đó có hơn 2.400 di tích được xếp hạng. Còn có quá nửa di tích chưa được xếp hạng nhưng đã được đưa vào danh sách kiểm kê cũng rất có giá trị cần được bảo vệ. Nếu không có biện pháp quản lý hiệu quả, không có chế tài mạnh để quy trách nhiệm cá nhân, răn đe, tuyên truyền thì không biết còn bao nhiêu di tích sẽ biến mất trong thời gian tới.