Cà ràng vốn là tiếng Khmer (kran), tên gọi một loại bếp lò độc đáo vừa bao gồm nơi nấu với 3 ông táo, gắn với một thân đáy chịu lửa hình số 8 dùng đun củi, cời than. Có thuyết cho rằng chiếc cà ràng trước hết do người Xiêm sáng tạo, nhưng thật ra chiếc cà ràng đã từng có mặt trên vùng đất sông nước Nam Bộ này khoảng 1.500 - 2.000 năm (thế kỷ I đến thế kỷ VI). Chủ nhân của nó là cư dân thuộc nền văn hóa cổ nào đó ở ĐBSCL, bởi qua khai quật những di chỉ khảo cổ ở nhiều nơi trong vùng, thí dụ như kết quả khai quật khảo cổ học tại Gò Tháp (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) năm 2000 vừa qua, người ta đã bắt gặp hàng vạn hiện vật, đa phần là những mảnh gốm bể, trong đó nhiều nhất là mảnh bể cà ràng, vòi ấm (siêu), nồi, tô chén, chum vại, lu hũ...
Theo các nhà khảo cổ thì cà ràng và vòi ấm (siêu) là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo. Điều đó giúp chúng ta kết luận, cư dân của tầng văn hóa này là các bộ tộc thuộc vương quốc Phù Nam.
Bếp nấu cà ràng khá linh hoạt, có thể để trên sàn nhà bằng tre nứa, ván gỗ; có thể để ngay trên ghe thuyền mà không sợ bị cháy mặt sàn, gọn nhẹ và dễ di chuyển. Về sau, do công năng độc đáo của nó, chiếc cà ràng trở thành một loại phương tiện nấu nướng, nó không chỉ hiện diện tại bếp ăn mỗi nhà mà còn theo chân người nông dân vào tận những vùng sâu, vùng xa trong những tháng gắn với mùa vụ. Chưa hết, nó còn là bạn đồng hành với những người nghèo chuyên sống nghề câu lưới, cũng là người bạn thân thiết của giới thương hồ quanh năm lênh đênh trên sông nước.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Hiệp thì đất làm gốm thường được khai thác dưới chân núi Nam Quy. Chỉ có chiếc cà ràng được làm bằng loại đất đặc biệt ở miền núi, tốt nhất là đất lấy ở chân núi Nam Vi, miệt Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) là xài bền, có khi vài năm cũng chưa bể, gãy. Ngoài Cà Ràng, họ còn làm “Cà Om” (hình dáng giống như trái bí đỏ lớn, dùng đựng nước sinh hoạt… Chính vì thế nên bà con vùng Xà Tón có điều kiện sản xuất hàng loạt, sỉ cho các ghe thương hồ đem bán tại các chợ lớn, chợ nhỏ, hoặc bán lẻ tận những vùng sâu, vùng xa khắp ĐBSCL.
Lộ trình thuận tiện nhất của các ghe này là xuôi theo dòng Hậu Giang, thả xuống “miệt vườn”, “miệt dưới”... mà Cái Răng được xem là “tổng đại lý” mặt hàng này. Cái Răng, cách tỉnh lỵ Cần Thơ 6 km về phía Tây Nam, trên Quốc lộ 1, từ quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) đi Sóc Trăng. Do thuận lợi việc giao thông thủy, bộ nên sớm trở thành nơi đô hội.
Chợ Cái Răng nhộn nhịp trên bến dưới thuyền nên các ghe cà ràng ở “miệt trên” không thể không đến đây chọn bến cắm sào. Trước ít sau nhiều, nhiều mãi đến mức cà ràng trở thành mặt hàng “ngoại nhập” được người tiêu dùng ưa thích, chiếm tỉ trọng áp đảo, nên bến chợ này được bà con đặt gọi chợ “Cà Ràng” (âm từ tiếng kran hay karan), sau nói trại ra là “Cái Răng”.
Hoàng Thuỷ
(Tổng hợp)