An Giang: Phong trào hiến đất trồng dược liệu ở Phú Tân

Nhằm hạn chế tình trạng thiếu dược liệu tại một số phòng chuẩn trị y học cổ truyền, Hội Đông y huyện Phú Tân đã vận động người dân hiến đất trồng cây thuốc nam. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.



 Tham quan mô hình trồng dừa cạn ở Tân Hòa

Nhiều năm qua, Hội Đông y huyện Phú Tân đã thực hiện rất tốt công tác khám, chữa bệnh miễn phí cho người dân. Ngoài ra, hội còn đẩy mạnh công tác vận động phong trào trồng thuốc nam trong Nhân dân. Nhờ vậy, giảm được kinh phí khám, chữa bệnh cho người dân và góp phần giảm sự quá tải tại các cơ sở y tế huyện, góp phần bảo tồn các loại thuốc tự nhiên đang có nguy cơ bị cạn kiện.

Phong trào hiến đất trồng cây dược liệu được vận động cách đây gần 10 năm. Ngoài khám, chữa bệnh, các hội viên Hội Chữ thập đỏ huyện còn tăng cường trồng cũng như vận động nông dân trồng thêm  nhiều loại cây thuốc và hướng dẫn người dân tự trồng trong vườn nhà để phục vụ điều trị bệnh tại gia đình.

Theo bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch Hội Đông y huyện Phú Tân, ban đầu, toàn huyện chỉ có 1,5 héc-ta trồng dược liệu. Đến nay, thông qua tuyên truyền, vận động, diện tích dược liệu toàn huyện đã hơn 3 héc-ta. Tùy theo mục đích sử dụng của các phòng đông y mỗi địa phương sẽ trồng các loại dược liệu khác nhau, nhưng phần lớn là trồng các loại: Dừa cạn, tía tô, râu mèo, ích mẫu…

Muốn vận động người dân tích cực hưởng ứng phong trào này, trước hết, các hội viên trồng thêm nhiều loại cây dược liệu quý, ứng dụng vào công tác khám, chữa bệnh. Từ đó, bà con thấy được tác dụng của vườn thuốc gia đình nên đã trồng trong vườn nhà.

Ông Châu Minh Hiếu, Chủ tịch Hội Đông y xã Tân Hòa cho biết, mỗi năm, Hội Đông y xã thu được từ 150- 200 tấn dược liệu thuốc nam, phục vụ bốc thuốc chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Nguồn dược liệu sẵn có chưa đáp ứng được 70% nhu cầu người dân. Ngoài ra, Hội Đông y xã còn xây dựng vườn thuốc mẫu, với hơn 60 loại dược thảo để bà con có thể nhận dạng, hiểu được công dụng của các thảo dược để trồng trong nhà.



 
Phơi thuốc nam

Tại Phú Hưng, xuất phát từ những lợi ích chung của xã hội, phong trào hiến đất trồng cây dược liệu được đông đảo người dân nhiệt tình hưởng ứng. Một trong những điển hình là gia đình anh Trần Thanh Tùng.

“Trước đây, trong một lần đi khám bệnh tại phòng Chẩn trị đông y xã, nghe mấy anh trong Hội Đông y vận động nông dân trồng dược liệu vì đang thiếu các loại thuốc nên tôi quyết định chuyển đổi 2,5 công đất trồng lúa nếp sang trồng dừa cạn”- anh Tùng tâm sự.

Còn ông Lê Văn Võ cho biết, dừa cạn là loại cây tương đối dễ trồng, nắm được thời vụ của nó thì rất nhẹ công chăm sóc, vốn đầu tư lại không cao, lại ít sâu bệnh nên không ảnh hưởng nhiều đến công việc đồng áng.

Với chủ trương “thầy tại chỗ, thuốc tại vườn”, thời gian tới, ngoài tăng cường khám, chữa bệnh cho người dân, Hội Đông y huyện sẽ tăng cường vận động, tuyên truyền người dân tham gia mô hình trồng cây dược liệu. Việc Hội Đông y huyện phát động rộng rãi trong Nhân dân trồng cây thuốc nam đã góp phần chữa bệnh từ thiện cho dân nghèo ở địa phương cũng như khắc phục sự quá tải ở các bệnh viện trong tỉnh. Đây là mô hình cần được nhân rộng để nhiều người dân nghèo có thêm cơ hội được khám, chữa bệnh miễn phí.

ĐỨC TOÀN
Theo Tin Tức Miền Tây

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/an-giang-phong-trao-hien-dat-trong-duoc-lieu-o-phu-tan-a1331.html