Lý Cao Tông tên húy là Long Cán, sinh năm Quý Tỵ 1173, là con trai thứ 6 của vua Lý Anh Tông (1136 – 1175), thân mẫu là bà Hoàng hậu họ Đỗ.
Năm Ất Mùi 1175, vua Lý Anh Tông mất, Thái tử Long Cán lúc đó chưa đầy 3 tuổi, lúc đó bà Chiêu Linh Thái hậu muốn lập con trưởng của mình là Long Xưởng lên nối ngôi vua, Thái hậu dùng nhiều vàng bạc để đút lót cho vợ của Tô Hiến Thành (lúc đó Tô Hiến Thành đang làm Thái úy) mục đích nhằm lấy lòng Tô Hiến Thành, nhưng Tô Hiến Thành nhất định không nghe, cú theo di chiếu lập Thái tử Long Cán lên làm vua, hiệu là Lý Cao Tông, niên hiệu là Trinh Phù.
Nhà vua còn nhỏ, nên mọi việc triều chính nằm hết trong tay Thái úy Tô Hiến Thành, Tô Hiến Thành hết lòng phò tá cho vua Lý Cao Tông, nhưng vì tuổi già sức yếu, đến năm Kỷ Hợi 1179 Tô Hiến Thành mất, triều đình đã không theo lời Tô Hiến Thành dặn dò, đã cử Đỗ Yến Di làm phụ chính, và triều đình nhà Lý bắt đầu suy yếu từ đấy.
Khi Lý Cao Tông đến tuổi trưởng thành, trực tiếp cầm quyền trị nước thì nhà vua lại suốt ngày ham mê săn bắn, vơ vét của dân để xây nhiều cung điện, bắt nhân dân trăm họ phải phục dịch khổ sở, vì vậy mà lòng dân oán ghét, trộm cướp nổi lên như ong. Năm 1189, lúc bấy giờ vua Lý Cao Tông đã 16 tuổi, nhà vua đi du hành khắp mọi nơi trong cả nước, đi đến đâu mà có thần linh lại cho xây dựng đền miếu, việc xây dựng vô cùng tốn kém, nhân dân ở những nơi mà vua Lý Cao Tông đi qua vô cùng khổ sở. Năm 1197, vua Lý Cao Tông lại cho xây dựng cung Nghênh Thiềm, đến năm 1203 lại cho xây dụng hàng loạt cung điện khác, điều đó khiến cho nhân dân trăm họ vô cùng đói khổ và oán trách.
Trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sử thần Ngô Sỹ Liên đã khái quát về vua Lý Cao Tông như sau: “Vua chơi bời vô độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp nổi lên như ong, đói kém liền năm, nhà Lý suy từ đây”.
Xã Hội thời vua Lý Cao Tông thối nát, giặc cướp nổi lên nhiều nơi, dân tình khốn khổ, triều đình lụn bại. Năm Mậu Thìn 1208, ở Nghệ An có Phạm Du làm phản, chiêu nạp bọn côn đồ đi cướp phá của dân, vua Lý Cao Tông sai quan Phụng ngự là Phạm Bỉnh Di đem quân đi đánh dẹp. Phạm Bỉnh di đem quân đi đánh bại được Phạm Du, tịch biên gia sản, đốt phá nhà cửa của Phạm Du, nhưng Phạm Du không bị chết, hắn liền cho người về kinh thành lấy vàng bạc đút lót cho các quan trong triều, rồi vu cho Phạm Bỉnh Di làm việc hung bạo, giết người vô tội vạ, triều đình cho Phạm Du vào triều kêu oan. Nghe theo lời của Phạm Du, vua Lý Cao Tông đã ngu muội, cho triệu hồi Phạm Bỉnh Di về kinh rồi bắt giam tống ngục, cách chức Thượng thẩm phụng của Phạm Bỉnh Di và sau đó đã giết chết Phạm Bỉnh Di.
Sự kiện trên xảy ra vào năm Kỷ Tỵ 1209, bộ tướng của Phạm Bỉnh Di là Quách Bốc liền đem quân nổi loạn, tấn công vào kinh thành, tấn công vào cung Vạn Diên, vua Lý Cao Tông hoảng sợ phải chạy đến sông Quy Hóa (Thao Giang ở phía bắc huyện Tam Nông, Phú Thọ ngày nay). Vua Lý Cao Tông phải nhờ anh em Trần Lý tập hợp binh mã cứu giúp mình. Sau đó triều đình dẹp yên được loạn Quách Bốc, vua Lý Cao Tông lại trở về kinh thành. Nhưng cũng từ đây, vây cánh họ Trần bắt đầu mạnh lên, triều đình nhà Lý dần dần suy sụp. Còn bản thân vua Lý Cao Tông cũng từ đó không còn để ý đến chính sự, suốt ngày chỉ cùng cung nữ dạo chơi làm vui, nghe ngoài thành có trộm cướp thì lờ đi như không biết, ông vua này mỗi khi nghe thấy tiếng sấm là kinh hoảng.
Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên có ghi: "Tình hình tham nhũng đến nỗi vua thì ham thích tiền của, các quan thì phần nhiều bán quan buôn ngục”. Chính vì vậy mà tình hình kinh tế, chính trị xã hội thời vua Lý Cao Tông là vô cùng thối nát.
Vào năm Canh Ngọ 1210, vua Lý Cao Tông sau một thời gian ăn chơi vô đô đã sinh bệnh và mất, hưởng dương được 37 tuổi. Tổng cộng thời gian vua Lý Cao Tông ở ngôi là 35 năm, trong thời gian ở ngôi, vua Lý Cao Tông đã 4 lần thay đổi niên hiệu là Trinh Phù, Thiên Tư Gia Thụy, Thiên Gia Bảo Hựu, và Trịnh Bình Long Ứng.
Vương Quốc Hoa