Vũ Ngọc Phan với các giá trị văn chương học thuật dân tộc

Cuối cùng cho phép tôi chia sẻ một chút rưng rưng cảm động và sung sướng về cái hậu của thế kỷ (thế kỷ XX), đó là thành tựu của công cuộc Đổi mới trong lĩnh vực văn chương- học thuật.

Hai lần trước - nhân kỷ niệm 90 năm sinh, vào năm 1992; và 100 năm sinh, vào năm 2002 - tôi đã có dịp phát biểu, vừa với tư cách người thay mặt Viện Văn học - là địa chỉ Vũ Ngọc Phan đã có thời gian công tác, trong vai trò của người khai sáng, cùng với Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Hoài Thanh, Hoàng ngọc Phách, Trần Thanh Mại, Nam Trân... những tên tuổi sáng giá trong văn chương- học thuật Việt Nam trước 1945; vừa là người học trò nhỏ, rồi trở thành đồng nghiệp của ông, trên cái vốn đầu nghề được ông trang bị, qua bộ sách lớn Nhà văn hiện đại.
 

Mỗi dịp kỷ niệm về Vũ Ngọc Phan, trong tôi lại bồi hồi biết bao cảm xúc và kỷ niệm về ngôi nhà 20 Lý Thái Tổ, vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc; ở đó có một phòng cho gia đình ông bà Vũ Ngọc Phan - Hằng Phương - bây giờ là kho sách Thư viện; và tôi là cậu sinh viên vừa ra trường có chút tò mò không hiểu sao một tên tuổi như Vũ Ngọc Phan lại không có nhà riêng, lại phải ở nhờ cơ quan; và sao gia đình vắng vẻ thế, ngoài ông bà ngày hai buổi làm việc ở Phòng Cổ Cận Dân trên gác, chỉ thấy có cô Phi Hồng, chú Triệu Mân lặng lẽ vào ra, và cậu Vũ Ngọc Phương thoăn thoắt chạy nhảy. Chỉ sau đó ít lâu khi gia đình bác chuyển sang gian gác hai ngôi nhà số lẻ, đối diện với Viện, thì thỉnh thoảng tôi mới được thấy chị Giáng Hương và anh Lê Cao Đài; còn các anh khác thì mãi sau này tôi mới biết.
 
Đến một lúc nào đó khi có nhu cầu hồi ký tôi sẽ viết về những ngày đầy bâng khuâng, thơ mộng này, trong bầu không khí vừa nghiêm trang vừa ấm áp mà một chàng trai nhà quê Hà Tĩnh, vừa chẵn tuổi 20 đã sớm được hưởng, trong buổi đầu khởi nghiệp, và có lẽ do cơ may đó mà tôi được như hôm nay.
 
Trở lại với những ngày đầu thành lập Viện Văn học. Từ những năm mở đầu thập niên 60, ở địa chỉ 20 Lý Thái Tổ, trên cương vị Tổ trưởng Tổ Cổ-Cận-Dân, rồi Tổ văn học dân gian được tách ra, Vũ Ngọc Phan đã có ở phía sau mình ngót 30 năm hoạt động nghề nghiệp - là người viết báo, rồi làm Thư ký Tòa soạn, hoặc Chủ bút báo; là dịch giả Tiểu nhiên Mị cơ và Anna Kha lệ ninh; là tác giả bộ sách lớn Nhà văn hiện đại 4 quyển, 5 tập; là Giảng viên của các Khóa Văn hóa kháng chiến Liên khu Bốn; là thành viên đầu tiên của Ban Văn Sử Địa Trung ương (tiền thân của Viện Khoa học xã hội ngày nay); là tác giả bộ sách lớn Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam vừa bắt đầu được khởi thảo...
 
Ở tuổi ngót 60, về cơ quan Viện Văn học, trong cương vị người phụ trách đầu tiên của Tổ văn học dân gian, với các công trình sưu tầm khảo cứu của mình, và với công tổ chức cuộc Hội thảo đầu tiên về sưu tầm văn học dân gian toàn miền Bắc, năm 1964, Vũ Ngọc Phan đã được Đại hội văn nghệ dân gian lần thứ nhất tổ chức vào tháng 11 năm 1966 tin cậy giao trách nhiệm Tổng thư ký Hội. Và do vốn kiến thức và kinh nghiệm nghề nghiệp phong phú, do trí nhớ mẫn tiệp, ở phần cuối đời, lẽ tự nhiên, Bác còn tiếp tục mở rộng diện hoạt động của mình sang lĩnh vực hồi ký văn học. Cuốn Những năm tháng ấy, cùng với bộ Nhà văn hiện đại và tập phê bình Qua những trang văn cho ta nhận diện Vũ Ngọc Phan, ở tư cách là người, tuy là dân xứ Kinh Bắc có gốc tổ ở Hải Dương nhưng am hiểu kỹ Hà Nội - 36 phố phường; là người hoạt động phê bình có quan hệ rộng rãi với nhiều thế hệ tác giả văn học Việt nam hiện đại, trong đó có những tên tuổi đặc biệt thân thiết với bác Phan, cũng như đối với nhiều người trong chúng ta như Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài...
 
Một cuộc đời với trên dưới 60 năm hoạt động không mỏi mệt trên nhiều lĩnh vực, ở mỗi lĩnh vực đều có đóng góp; và sự nghiệp để lại, nếu như tính toán cho thật triệt để theo sự thanh lọc của thời gian, mà vẫn còn để lại được, với dấu ấn khá đậm, ở phần nửa đầu thế kỷ là bộ sách Nhà văn hiện đại đồ sộ, và phần nửa sau thế kỷ là Tục ngữ, ca dao, dân ca Việt Nam được tái bản đến lần thứ mười hai, - một cuộc đời như vậy rất đáng cho chúng ta kính trọng, và một sự nghiệp như vậy rất đáng cho chúng ta biết ơn. Tôi thấy cần nhấn mạnh thêm về vị trí mở đầu của hai bộ sách mà tác giả là người khai phá, và là một mở đầu rất đặc biệt, vì tầm vóc lớn của nó, vì khả năng tổng hợp của nó - qua đó thấy tác giả không chỉ là người gắn bó, tâm huyết với nghề, mà còn là người có tác phong chu đáo, cẩn trọng và có trách nhiệm rất cao với nghề.
 
Xin được dừng lại lâu hơn một chút ở bộ sách Nhà văn hiện đại, với chân dung và sự nghiệp của 79 tác giả, mà suốt hơn nửa thế kỷ sau khi bộ sách ra đời, không người nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại nào mà không cần đến nó như một bộ sách công cụ cực kỳ quan trọng cho việc tìm hiểu diện mạo văn học dân tộc trong bước chuyển gấp rút từ trung đại sang hiện đại. Tôi còn nhớ lần đầu được tiếp xúc với bộ sách, ở tuổi nhỏ ham sách, do đầu óc còn non, nên cái hăm hở đầu tiên là tìm đọc cho hết các trích đoạn in nghiêng thơ và truyện được tuyển chọn để phân tích, thấy đoạn nào, câu nào cũng hay, nhờ thế mà sau này lớn lên không còn bị xa lạ với các tên sách, tên tác giả của 45 năm văn học trong nửa đầu thế kỷ. Rồi sau khi vào nghề mới lĩnh hội được dần dần các giá trị khoa học của nó. Quả là cuốn sách đạt được chất lượng rất cao ở cả hai phẩm chất: khảo cứu và phê bình. Về khảo cứu: đó là một công phu lao động cực kỳ chu đáo, tỉ mỉ, một khổ công ghê gớm trong sưu tập và bao quát tư liệu để hướng tới những nhận thức có tính tổng kết về thành tựu của tiến trình hiện đại hóa, với gia tốc lịch sử, một năm ở ta coi như bằng mấy chục năm của người.
 
Và về phê bình, đó là chân dung 79 người viết trong tên gọi tổng quát là nhà văn, bao gồm cả hai lĩnh vực: sáng tác và trước tác - một khái niệm, và một cách quan niệm chỉ đến thời hiện đại mới có, bao gồm thơ, văn, kịch, và biên khảo- nghị luận, phê bình; và riêng văn thì gồm đủ các loại truyện và ký; và riêng truyện cũng có đến 10 loại, gồm phong tục, luận đề, luân lý, truyền kỳ, phóng sự, hoạt kê, tả chân, xã hội, tình cảm, trinh thám. Đó là một cách nhận dạng theo lối tư duy phân tích kiểu Thái Tây, trước đó chưa hề có. Ở tư chất phê bình này phải nói là Vũ Ngọc Phan đã có không ít những phát hiện rất đích đáng - chẳng hạn về Nguyễn Tuân, Lê Văn Trương, về Tô Hoài, Vũ Bằng... Những phát hiện mà tôi tin là tác giả nào cũng phải “chịu” mà không một chút tự ái hoặc phật ý; như nhận xét về cái nhìn khinh bạc ở Tô Hoài, về cách “thuổng” văn Những đêm trắng của Đôtxtôiepxki rất hồn nhiên, tự nhiên ở Vũ Bằng.
 
Tất nhiên đây chỉ là sức của một người (tôi nói vậy, bởi trong cả một thời gian rất dài sau 1945, gần như với những bộ sách như thế phải có đông người viết). Với sức một người, và với tư cách là người đồng thời, mà chưa có độ lùi thời gian, tác giả làm sao mà tránh được những thiếu sót, hoặc những chuyện ngỡ như vô lý. Chẳng hạn, nếu đã chọn viết Tương Phố, tác giả bài Giọt lệ thu khóc chồng cùng một số bài lẻ khác đăng trên Nam phong, thì sao lại bỏ qua Nguyễn Bính (và cả Chế Lan Viên) - người có một chân dung đầy đặn và độc đáo chẳng kém Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận... Hoặc Nam Cao. Thật tình tôi vẫn tiếc cho sự vắng mặt Nam Cao, người có những thành tựu thật đặc sắc trong những năm 1941-1944, cũng là những năm ra đời 4 quyển Nhà văn hiện đại. Dẫu sao, tiếc là tiếc vậy, chứ cũng có lý do để giải thích cho sự bỏ sót, và cũng chẳng phải là cớ để trách Vũ Ngọc Phan.
 
Khoảng trên dưới 20 năm gần đây, khi chủ trì một số công trình về văn học Việt Nam hiện đại, khi hướng dẫn và chấm các luận án Tiến sĩ, Thạc sĩ về lý luận văn học và văn học hiện đại, tôi luôn luôn nhắc nhở, nhấn mạnh bộ sách Nhà văn hiện đại là tài liệu không được phép vắng thiếu trong các Thư mục nghiên cứu của các học viên; và những ý kiến, nhận xét, đánh giá của Vũ Ngọc Phan về một tác giả nào đấy luôn luôn là cơ sở, là điểm tựa cho sự phát triển hoặc điều chỉnh các luận điểm của công trình và luận án. Và tôi nghĩ, ở hiện tượng này, giá trị khoa học trong công trình của Vũ Ngọc Phan đang không ngừng được mở rộng...
 
Khía cạnh thứ hai về giá trị của Nhà văn hiện đại tôi muốn nói - đó là: chính bộ sách là hiện thân, là đại diện, là sản phẩm, là sự kết tinh ở đỉnh cao thành tựu của tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc diễn ra chỉ trong hơn 30 năm nếu tính từ khởi điểm Nguyễn Văn Vĩnh, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Phạm Duy Tốn, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Long...
 
Trong sự phát triển của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX, thời kỳ 1930-1945 theo tôi là thời kỳ hoàn thiện diện mạo hiện đại của văn học dân tộc, thời kỳ kết tinh và đưa lên đỉnh cao thành tựu của tất cả các khuynh hướng sáng tác và thể loại, với Thơ mới và Tự lực văn đoàn; với trào lưu hiện thực và tùy bút Nguyễn Tuân, truyện và kịch lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng; với Tố Hữu và Nhật ký trong tù... Và, ở giai đoạn cuối của nó, cố nhiên là không thể sớm hơn, đó là sự xuất hiện các công trình khảo cứu, nghị luận, phê bình thật sáng giá của Đào Duy Anh, Dương Quảng Hàm, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Đặng Thai Mai...
 
Vậy là ở tuổi 40, với đột phá là Nhà văn hiện đại; ở tuổi ngoài 60, trở về với văn học dân gian, 50 năm hành trình nghề nghiệp của Vũ Ngọc Phan là 50 năm gắn bó với các giá trị tinh thần trong di sản văn chương- học thuật dân tộc. Và đó là điều ông đã từng nói, cách đây hơn 60 năm, trong Kết luận của Nhà văn hiện đại: “Văn chương tuy không bổ ích trực tiếp cho người đời như cơm gạo, nhưng nó chính là một thứ đồ ăn về đường tinh thần của một dân tộc văn minh; nó chính là hồn của một dân tộc biết suy nghĩ, biết nhận xét và luôn luôn có cái hy vọng chen vai thích cánh với những dân tộc hùng cường trên thế giới. Một dân tộc không biết trọng văn chương của mình chỉ có thể là một dân tộc man di hay sắp đến ngày diệt vong”.

Cuối cùng cho phép tôi chia sẻ một chút rưng rưng cảm động và sung sướng về cái hậu của thế kỷ (thế kỷ XX), đó là thành tựu của công cuộc Đổi mới trong lĩnh vực văn chương- học thuật.
 
Viện Văn học được thành lập vào đầu năm 1959, và từ lúc ấy cho đến trước Đổi mới, những người lãnh đạo và lực lượng cốt cán của Viện phải luôn luôn giữ vững lập trường, quan điểm của Đảng, trên các vấn đề lớn của văn chương- học thuật; từ yêu cầu đó, chúng tôi hiểu vì sao, Hoài Thanh, trong sự nghiệp viết sau 1945 của mình, luôn luôn trở đi trở lại sự phê phán trào lưu văn học lãng mạn và phong trào Thơ mới, và tự phê bình thật gay gắt cuốn Thi nhân Việt Nam. Trong nhiều lý do được ông trình bày, có một lý do, theo ông là “thảm hại nhất” - đó là, trong Lời nói đầu của sách, ông đã trích dẫn và ca ngợi câu nói của Phạm Quỳnh: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”... Người khai mạc nền tiểu thuyết mới và trào lưu lãng mạn trong văn xuôi là Hoàng Ngọc Phách cho đến khi qua đời, chưa một lần nói đến giá trị cuốn Tố Tâm của mình. Còn Vũ Ngọc Phan, thì đã dứt khoát thôi hẳn sự gắn bó với các “nhà văn hiện đại” - là những người đồng thời hoặc là tiền bối của ông, trong đó, ông đâu có để sót một gương mặt lãng mạn nào, kể từ Nhất Linh, Khái Hưng... đến Vũ Hoàng Chương; không những thế, còn phải đi ngược lên vị trí những người khai mạc nền văn chương- học thuật Quốc ngữ, như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim...
 
Còn nhớ, những tên tuổi tôi vừa dẫn trên, tất cả đều là đích ngắm, hoặc trong tầm ngắm của giới phê bình- nghiên cứu văn học một thời.
 
Mãi nhiều năm sau này tôi mới cảm nhận và giải thích được một ít cái lặng lẽ, và lủi thủi của một lớp người sáng danh đã kể trên trong dàn cán bộ lão thành của Viện Văn học.
 
Năm 1961 trong sách Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX, Đặng Thai Mai có đoạn viết về Phạm Quỳnh - “tiên sinh kính trắng” như “là một người đã đọc khá nhiều sách và đã đem học thức ra bán rẻ cho bọn thống trị; là một nhà “học giả” có đủ chữ Hán và tiếng Việt để bịp người Tây; và cũng có đủ chữ Tây để lòe người “An nam”(1). 24 năm sau, trong Hồi ký ông vẫn tiếp tục nhận định trên nhưng có thêm một ý ngắn: “Cụ Bùi hồi này (tức Bùi Kỷ), cùng với Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh là ba nhà trí thức cỡ lớn của thủ đô”(2).
 
Hoài Thanh trước khi mất, năm 1982, nói với con là Từ Sơn: “Cha biết văn chương của cha cũng chỉ vầy vậy thôi. Nếu không có cuốn Thi nhân Việt Nam thì đã không chắc gì người ta công nhận cha thực sự là một nhà văn”(3).
 
Còn Vũ Ngọc Phan, ông không có một cuộc “tự kiểm thảo” nào, bởi ông đã chuyển niềm say mê nghề nghiệp sang cổ tích, tục ngữ, ca dao, dân ca... Với văn học hiện đại, ông chuyển sang viết hồi ký. Mãi đến 1989, hai năm sau ngày ông qua đời, Nhà văn hiện đại, mới được tái bản lần đầu.
 
Ở đây tôi chỉ nêu một vài ví dụ để thấy sự thay đổi hoặc điều chỉnh ít nhiều nhận thức và quan niệm theo chiều hướng đổi mới, chứ không đặt vấn đề đánh giá, phán xét bất cứ ai trong lịch sử.
 
Vũ Ngọc Phan mất giữa năm 1987, tức là ông vẫn chưa được hưởng một chút thư thái, an nhàn nào trong sinh hoạt vật chất vốn rất khó khăn đối với cả dân tộc chúng ta hồi ấy. Ông cũng chưa được hưởng một sự cởi mở trong sinh hoạt tinh thần để thấy giá trị nguyên vẹn về mặt khoa học của số lớn những gì ông đã viết trong Nhà văn hiện đại.
 
(1) Nxb. Văn hóa; H.; 1961; tr.96.
(2) Hồi ký, Nxb. Tác phẩm mới; H, 1985; tr.292.
(3) Di bút và Di cảo, Nxb. Văn học; H.; 1993; tr.199, 200.
 
Phong Lê

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vu-ngoc-phan-voi-cac-gia-tri-van-chuong-hoc-thuat-dan-toc-a13235.html