Bìa 1 tập sách “Giao cảm” của giả Bích Bửu
Nhà thơ có tham vọng hướng con người đến với cái “chân, thiện, mỹ”, đó là tình yêu quê hương đất nước, yêu thương đồng loại, yêu gia đình và biết giữ hiếu, trung, nhân, nghĩa... Tất cả những yêu thương, những ước mong ấy, Bích Bửu đã gửi trọn vào thi tập mới nhất mang tựa đề “Giao cảm”.
Mở đầu tập thơ, Bích Bửu đã nói lên cái “duyên nợ” và sự gắn bó thủy chung giữa thi sĩ với thi ca bằng một câu đối:
“Thi sĩ trọn đời hồn vướng mộng
Con tằm suốt kiếp xác vương tơ”
Đời người thi sĩ cũng giống như con tằm rút ruột nhả tơ, phải lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc, cần mẫn thì mới có thể mang đến cho độc giả những tác phẩm giàu giá trị. Từ khi bén duyên thơ, Bích Bửu xem thơ là người bạn tri âm tri kỷ, là nơi để chị giãi bày những tâm sự buồn vui, bởi một lẽ có những nỗi niềm chỉ nói được bằng thơ.
“Giao cảm” là một tập sách khá dày dặn, trong đó có thơ xướng của Bích Bửu để nhiều thi hữu họa lại, có thơ chị họa thơ của bạn thơ, còn có cả thơ cảm nhận về thi tập “Giao cảm” và cả thơ bạn bè tặng nữ thi sĩ.
Có thể nói: Bích Bửu là một hồn thơ dung dị, chân chất, mộc mạc, mang đậm nét thanh bình của cuộc sống thôn dã song cũng không kém phần tinh tế, tài hoa. Đến với thi ca hơi muộn nhưng từ khi bén duyên thơ nữ thi sĩ đã yêu và say thơ, chị xem loại hình nghệ thuật này mang một giá trị tinh thần to lớn mà không gì có thể thay thế được. Đọc thơ chị chúng ta cảm thấy ấm áp nhường nào bởi cái tình thơ, tình người và tình đời chứa chan, nồng đượm trong từng câu chữ. Bích Bửu đã chỉ ra rằng nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng giúp gắn kết con người với con người, con người với cộng đồng, cùng nhau nối vòng tay lớn, sống lạc quan, yêu đời: “Hữu duyên tao ngộ bạn cùng ta/ Xướng họa giao tình, dạ thiết tha!/ Bằng trắc tám hàng lời giản dị/ Phá thừa năm vận ý sâu xa/ Luận bàn lòng thuận từng câu đối/ Trao đổi tâm vui mỗi cách hòa/ Thi hữu giúp nhau nâng bút pháp/ Nối vòng tay lớn mãi hoan ca.” (Nối vòng tay). Điều đó cho thấy Bích Bửu là một thi sĩ có tâm hồn và trái tim rộng mở, cũng chính vì lẽ đó mà chị có rất nhiều thi huynh, thi hữu khắp cả ba miền tổ quốc, và chúng ta hiểu được tại sao chị lại đặt tên cho tập thơ của mình là “Giao cảm”. Nhà thơ Tường Linh (TP.HCM) đã nhận xét khái quát và đầy đủ về tập thơ này như sau: “Suối thơ tuôn chảy đến bao nơi/ Niêm luật phân minh, đẹp ý, lời/ Xướng gởi trọn tình, tình chẳng khuyết/ Họa trao đầy tứ, tứ không vơi/ Thất ngôn cô đọng - tầm sâu sắc/ Bát cú tài hoa - lực tuyệt vời!/ “Giao cảm” cho ta nguồn xúc cảm/ Thuyền hồn như vượt sóng xa khơi”.
“Giao cảm” với phần nhiều là thể thơ Đường luật, một thể thơ có quy định nghiêm ngặt về niêm, luật, vần, đối, bố cục… Nhưng bằng năng khiếu thiên bẩm cộng với sự đam mê, không ngừng tìm tòi, học hỏi mà Bích Bửu đã viết lên được những vần thơ có cấu trúc chặt chẽ, hàm súc, có cách gieo vần uyển chuyển, hài hòa và các vế đối ngẫu đặc sắc. Cái hay của thơ Đường luật Bích Bửu là ở tình tự dân tộc, làng quê, ở chất dân dã, mộc mạc nhưng tinh tế, mang đậm phẩm chất tâm hồn và văn hóa Việt Nam. Nhà thơ đã phân tích cho độc giả thấy nguyên nhân chị yêu thơ Đường luật nhiều đến vậy: “Giãi bày tâm sự, lời thâm thúy/ Trang trải nỗi niềm, ý vấn vương/ Câu chữ văn hoa ngời sáng tạo/ Chủ đề phong phú đậm yêu thương/ Nghìn năm rạng rỡ khuôn vàng đó/ Tâm đắc thể thơ vận luật Đường” (Thơ luật Đường). Trong cái “khuôn vàng” ấy người nghệ sĩ thỏa sức mà sáng tạo nghệ thuật
Thơ Bích Bửu ngời sáng tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Chị đã cất tiếng reo vui khi nhìn thấy non sông gấm vóc Việt Nam đang khoác trên mình màu áo mới sáng tươi. Đã qua rồi những năm tháng đao binh, đã hết rồi kiếp nô lệ lầm than, mọi người giờ đây được hưởng cuộc sống ấm no, thái bình, chung tay xây dựng một đất nước phồn vinh, sánh vai cùng năm châu, bốn biển: “Kể từ quê mẹ hết đao binh/ Dân được sống no ấm thái bình/ Từng bước đi lên cầu thịnh đạt/ Thi đua phát triển ước phồn vinh/ Nước nhà bình ổn, yêu thân thiện/ Người/ Việt hiền lành, ghét chiến chinh/ Hòa hợp sánh vai cùng bốn biển/ Giữ gìn bền chặt khối thâm tình.” (Đất nước tôi).
Với quê hương, tác giả đã cho thấy tình cảm gắn bó và tình yêu tha thiết dành cho nơi “chôn nhau cắt rốn”. Quê hương là tất cả những gì bình dị, gần gũi, thân thương nhất, gắn bó tha thiết với cuộc đời mỗi con người. Quê hương nghĩa nặng tình sâu đã gắn bó với mỗi người từ thuở ấu thơ qua biết bao kỷ niệm, dù đi đâu thì Bích Bửu cũng muốn tìm về để thấy sự ấm áp, bình yên trong tâm hồn: “Ngó về quê cũ phía chân mây/ Lớp lớp tre che dáng liễu gầy/ Vài chiếc lá vàng lơ lửng rụng/ Mấy đàn cò trắng nhởn nhơ bay/ Bước chân lữ thứ xuôi ngàn dặm/ Cuộc sống tha hương tiếp vạn ngày/ Giăng mắc sợi ngâu buồn ảm đạm/ Gợi dòng hồi ức tuổi thơ ngây!” (Thu nhớ).
Bích Bửu không chỉ có tài trong việc xướng thơ mà những bài thơ chị họa thơ bạn cũng được đông đảo bạn đọc yêu mến bởi vừa giàu tính nghệ thuật lại ăm ắp tình cảm: “Xuân sang rực rỡ lắm màu hoa./ Nhớ cảnh quê nghèo tít tắp xa!/ Phương đó ai nhìn vầng nguyệt khuyết/ Chốn này ta ngắm ánh dương tà!/ Tết nào đông đúc vui ngâm vịnh/ Năm sớm một mình chán nhạc ca!/ Tri kỷ tri âm nghìn dặm cách/ Nỗi lòng - Người có biết chăng là...” (Bài “Biết chăng là…” họa bài “Có biết là…” của NT Chí Tâm).
Bích Bửu luôn nhìn người, nhìn đời bằng cái nhìn hướng thiện: “Lan, cúc, mai, đào, rực rỡ hoa/ Đón mừng xuân Tết khắp muôn nhà/ Vạn ân triệu nghĩa - lo đền đáp/ Trăm hận nghìn thù - nguyện thứ tha/ Năm mới mời nhau khui hũ rượu/ Lúc vui tiếp bạn dốc bình trà/ “An lành hạnh phúc liên miên lại/ Trở ngại đau buồn lặng lẽ qua”/ Tuyệt cú Đường thi cùng họa xướng/ Kết tình thân đất Quảng quê ta.” (Bài “Chúc xuân” họa bài “Xuân hoa đất nước” của NT Lê Giao Văn). Thơ “Bích Bửu” chứa đựng giá trị nhân văn cao cả. Điều đó thể hiện ở những băn khoăn, trăn trở của nhà thơ trước nhân tình, thế thái, là sự ước mong cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, ở đó con người đối xử với nhau bằng trách nhiệm, bằng tình thương yêu, đùm bọc và sẻ chia. Chị lựa chọn cho mình cuộc sống không phải giàu sang phú quý mà là đầy ắp tình cảm, chất chồng những tác phẩm nghệ thuật: “Chất chồng gia sản văn, thơ, nhạc/ Soạn tới, coi lui thấy cũng… giàu!” (Khoe giàu). Nhà thơ cảm thấy hài lòng với triết lý sống cao cả của mình: “Danh vọng, bạc tiền - không đắm đuối/ Đức tài, nghệ thuật - mãi mê say/ “Nỗi niềm gói ghém vào thơ nhạc/ Di sản - từ tim với óc này!” (Di sản cuối đời).
Trong thi tập này chúng ta cũng thấy được sự yêu mến của các tác giả dành cho Bích Bửu - đó là những tình cảm thật đáng trân trọng. Bên cạnh đó còn hàng trăm bài thơ và một số bài viết cảm nhận rất chân thành của nhiều tác giả gửi tặng thi sĩ xứ Quảng. Và để đáp lại tấm chân tình của thi hữu khắp xa gần, nhà thơ Bích Bửu đã có đôi lời cảm tạ: “Bích Bửu thật sự rất trân quý những thi phẩm họa, tặng, cảm nhận… của quý vị, nên xin được trang trọng lưu ký vào thi tập Giao Cảm này, với mục đích “tỏ long tri ân sâu đậm” và lưu giữ kỷ niệm đẹp trong đời yêu thơ, quý bạn” của mình.” (Lời tri ân).
“Giao cảm” là những cung bậc cảm xúc của một trái tim luôn nóng bỏng tình người, tình đời, tình yêu thi ca. Cái hay của tập thơ là ở chỗ trong khuôn phép chặt chẽ của thi luật, Bích Bửu vẫn viết được những vần thơ giàu cảm xúc, giàu tình cảm, có chiều sâu tư tưởng, hướng con người đến những giá trị, phẩm chất tốt đẹp. Tin rằng tập thơ sẽ để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Hãy đọc “Giao cảm” bằng sự trân trọng để thấy được sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, thấy được nét tài hoa, sự tìm tòi, sáng tạo độc đáo và những hiểu biết sâu rộng đối với thi ca nói chung và thơ Đường luật nói riêng của nhà thơ Bích Bửu và bạn thơ trong “Giao cảm”.
Đăng Hạ