Không biết các cựu phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác, đã nghĩ gì về nơi mình từng gắn bó, nhưng với tôi, TTXVN luôn gần gũi, đáng nhớ với nhiều kỷ niệm của một thời trai trẻ, bởi đó là trường nghề, trường đời đầu tiên mà tôi trải qua.
Thấm thoắt, tính đến năm Mậu Tuất 2018, tôi đã chuyển công tác khỏi TTXVN được 9 năm, nhưng luôn cảm giác mới như hôm qua…
Bởi tôi đến với TTXVN giống như nhân duyên không hẹn mà có. Ngày ấy, tôi là sinh viên Khóa 1, Khoa Báo chí Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ở ký túc xá luôn đói bụng, nhớ nhà, thi thoảng có xuống nhà thầy Đỗ Chỉnh, giáo viên Văn, một người thầy giáo nhân hậu, rất có tình thương với học trò nghèo (rất tiếc là thầy đã mất).
Một chiều đầu mùa đông năm 1992, thầy Chỉnh bỗng ăn mặc chỉnh tề, áo dạ đen, đầu đội mũ phớt đen cùng cặp kính đen và rủ tôi đi chơi. Lúc đó, tôi đâu biết thầy đưa đi đâu, chỉ vô tư leo lên chiếc xe máy ngồi cho sướng đã, sau này mới biết nó là “cúp 91 kim vàng giọt lệ”. Thầy đưa tôi dạo phố, rồi đến tòa soạn Tin, ảnh dân tộc và miền núi, giới thiệu với các cô, các chú tại Bản tin ảnh đó.
Tôi đã kể mạch lạc về khó khăn của 4 học sinh dân tộc thiểu số, trong đó có tôi, do quá nghèo, mà chưa biết bữa ăn sáng. Nghe qua, chắc cũng xúc động, nên sau đó các đồng chí trong toà soạn Tin ảnh dân tộc và miền núi: Vũ Tâm, Trần Tích, Cao Tân Hòa, Cư Minh Liên, Quốc Khánh đã bàn bạc, lên kế hoạch trình Lãnh đạo TTXVN giúp đỡ 4 học sinh dân tộc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, để mỗi người được một suất học bổng trị giá 500 nghìn đồng/năm học (500.000 đ ngày đó giá trị lắm!).
Kể từ đó, tôi đã liên tục được tiêu tiền của Thông tấn xã, thông qua cộng tác bằng cách gửi tin, ảnh cho tòa soạn Tin ảnh dân tộc và miền núi. Sau khi học xong đại học, tôi tiếp tục làm cộng tác viên với Ban biên tập tin Trong nước, sau đó thi tuyển vào Khóa 21 TTXVN và trở thành phóng viên Thông tấn.
Thời gian công tác chính thức tại TTXVN có hơn 13 năm, nhưng riêng những kỷ niệm vui về Ban biên tập tin Trong nước thì có kể mãi cũng chẳng hết.
Theo nhận thức của cá nhân tôi, có lẽ các cựu cán bộ của Ban biên tập tin Trong nước ngày ấy phần nhiều từng trải qua chiến tranh, từng vật lộn giữa cái sống và cái chết, hoặc từng xuất thân từ bần cố nông và vươn lên từ đói khổ, nên rất biết thương yêu người nghèo như tôi. Cho đến hôm nay, tôi vẫn nhớ như in rất nhiều kỷ niệm đẹp, bài học hay để trưởng thành từ các cựu nhà báo tại Ban biên tập tin Trong nước.
Nhớ nhất là một ngày đông giá, khoảng giữa buổi chiều, tôi (khi ấy vẫn còn là một cộng tác viên) đến lấy nhuận bút. Đồng chí Lê Khắc Tịnh (đã mất), lúc đó là Phó Trưởng ban biên tập tin Trong nước bỗng nhìn thấy tôi, liền vẫy tay nói: “Hồ sơ của cháu, bác vẫn đang để đây, nào cùng bác lên chỗ tổ chức để họ xem xét sớm được tuyển dụng, vì cháu viết tin chăm chỉ, chịu học hỏi…”.
Bác Lê Khắc Tịnh là người rất đôn hậu. Chính bác ấy đã nhiều lần gọi tôi cùng đi ăn cơm bụi bữa trưa, và vì biết tôi quá nghèo nên dứt khoát không cho tôi được một lần trả tiền, kể cả lúc tôi đi thường trú tại Bắc Kạn, với tiền lương khấm khá rồi, rất mong được mời bác cốc bia hơi, nhưng bác vẫn không chịu, vì “cháu mới đi làm, tiền đâu…”
Khi vào công tác tại Ban biên tập tin Trong nước, thứ để níu chân tôi ở lâu tại Bắc Kạn, một tỉnh quá nhiều khó khăn lúc mới chia tách, chắc không phải là cái chức vụ Trưởng phân xã (nay là CQTT), mà chính là hình ảnh, câu nói thân thương của các cô, các chú trong cơ quan. Cách gần gũi, thân mật, sẻ chia khó khăn với tôi như người nhà, nhất là các cô: Kim Hải, Trưởng ban, cô Ngân tài vụ, cô Tuyết Trinh, cô Thoa, cô Tân Hòa, bác Khắc Tịnh, chú Xuân Bân, chú Doãn Tặng, bác Trần Tích,…, nay người còn, người mất; người còn thì đã nghỉ hưu nhiều năm rồi. Nhưng lớp cán bộ Thông tấn ngày ấy không chỉ là cấp trên, mà là người thầy đích thực và rất có trách nhiệm đối với thế hệ trẻ. Cá nhân tôi thấy điều đó là một may mắn ở trong đời.
Mỗi lần về Tổng xã, tôi luôn tìm gặp và mời các cựu cán bộ, phóng viên Ban biên tập tin Trong nước ra quán bia hơi Lan Chín hay Hải Xồm, cái cốt để các cụ thăng hoa rồi mình moi “bí nghề” từ các cựu nhà báo. Thú thực, cứ qua mỗi lần xuống Tổng xã bia hơi, tôi lại khôn lên một tý, học được nhiều “miếng võ” trong nghề làm báo, từ cách kiếm nguồn, đến mẹo “chẻ tin”, rồi cách chia đều tin cho các phòng, ban, sao cho không có chỗ thừa, chỗ thiếu, vừa đảm bảo đủ tin theo cơ chế “khoán”, cơ cấu tin hợp lý, nhưng theo hướng chân thật và chất lượng.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn ấn tượng với cách đặt tít của Thông tấn xã, cách viết tin thông tấn cực ngắn. Bởi khi đã sang báo khác, mỗi tờ báo có tôn chỉ, cách đưa tin khác nhau. Nhưng tổng kết lại viết tin ngắn mà hay mới thật là khó. Cái đó lại chỉ có ở Ban biên tập tin Trong nước một thời, theo tôi thì đã làm rất hay. Chính vì thế, mỗi khi tôi xem lại các tin của mình đã được phát ngày ấy, tôi tự nhận thấy tất cả những chỗ đã bị cắt bỏ, kể cả cách rút lại tít tin, bài cũng đều có lý.
Nhưng sau này, lớp người cũ thưa dần, cách làm tin của thế hệ sau cũng có phần khác, bởi phải bám theo cơ chế thị trường. Cách đối xử với nhau cũng khác hơn. Tuy nhiên, mỗi khi có dịp về cơ quan những năm cuối, tôi vẫn ghé chào mấy “trưởng lão” sắp nghỉ hưu, bởi ngồi với họ vừa học được điều hay, vừa thấy chân thật, cởi mở.
Họ đâu biết tôi đến chơi với các cựu nhà báo, với mong muốn được dạy bảo thêm cái hay, cái đẹp, bởi chỉ có những tư duy chất phác ấy, mới chịu chia sẻ kinh nghiệm cho mình. Nhưng càng về sau này, tôi ít về cơ quan, mà cứ ru rú ở Bắc Kạn. Ít ai biết rằng, lúc đó tôi đã chuẩn bị mở một trang mới cho cuộc đời làm báo, vì chỗ này đã vui và đang rất vui với tất cả các đồng nghiệp khác, nhưng họ đâu biết với tôi có nỗi niềm riêng, nỗi niềm đó chính là mỗi lần đến cơ quan, không còn được gặp các cô, các chú quan tâm thăm hỏi, rồi cả mấy cụ khó tính nghiệp vụ hay chê cách viết tin, đặt tít nữa.
Thế rồi, cái gì đến cũng đã đến, tôi xin được giấy tiếp nhận của bên Báo Nông nghiệp, dự kiến chọn ngày “hoàng đạo” để về cơ quan xin chuyển đi. Nhưng trước khi đi, vẫn phải làm biên tập viên “đút chân gầm bàn” ở Ban biên tập tin Trong nước suốt gần 2 tháng, theo lệnh điều chuyển của lãnh đạo TTXVN.
Cuộc chia tay với TTXVN diễn ra thật nhanh. Buổi sáng ngày 22 tháng Chạp năm 2009, một lần nữa sau hơn 13 năm công tác, tôi lại có mặt tại Ban Tổ chức, chỉ khác là người gặp mới hơn, trụ sở cũng mới hơn, bởi trước đây là số 5 Lý Thường Kiệt, thì nay là số 77-79 Lý Thường Kiệt (nơi Tổng xã chuyển sang làm việc khi khu vực 5 Lý Thường Kiệt được giải phóng mặt bằng để xây dựng Trung tâm Thông tấn quốc gia). Nhờ có “quý nhân” phù trợ, thủ tục thuyên chuyển công tác của tôi cũng hanh thông.
Đến giờ này, mọi thứ đã dần xa. Công việc mới, đồng nghiệp mới và niềm vui mới, nhưng mỗi khi có dịp gặp lại những đồng nghiệp Thông tấn xã, kỷ niệm xưa lại hiện về bên tôi.
Âu Văn Vượng