Người miền Tây cởi mở, dễ chấp nhận cái mới

Cốt cách con người Nam bộ thường được biết đến là phóng khoáng, thì con người ở miền Tây Nam bộ phóng khoáng nhất... còn lưu giữ rất rõ tính ngay thẳng, gan góc đến mức đôi lúc lỳ lợm nhưng rất cởi mở, bao dung.

 
Vẻ đẹp thiếu nữ miền Tây Nam bộ.

Ông Nhâm Hùng, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô (Cần Thơ), người có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa miền Tây Nam bộ, nêu quan điểm.

 
Ông Nhâm Hùng

Cốt cách con người Nam bộ thường được biết đến là phóng khoáng, thì con người ở miền Tây Nam bộ phóng khoáng nhất. Cũng do quá trình khẩn hoang vùng đất mới chưa lâu nên còn lưu giữ rất rõ tính ngay thẳng, gan góc đến mức đôi lúc lỳ lợm nhưng rất cởi mở, bao dung.

Nếu có thể đọc một câu ca để miêu tả tính cách con người miền Tây Nam bộ, ông đọc câu gì?

Tôi đọc câu, chẳng hạn: “Ra đi gặp vịt cũng lùa/Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu”.

Gặp gì thích là chơi nấy, sống rất cởi mở, thoái mái, không khô cứng bó buộc vào điều gì cả. Thích duyên thì kết duyên, thích chùa thì tu, thậm chí gặp đám cướp mà thích cũng ngó nghiêng xem sao.

Trên hết, phải thấy đó là tính cách dễ thích nghi với hoàn cảnh. Nên người miền Tây gặp người lạ hoắc cũng nhậu, ngồi đâu cũng được, vô vài ly rượu thích là cởi mở nỗi lòng, sẵn sàng kết nghĩa anh em. Cũng vì thế, văn hóa nhậu của miền Tây Nam bộ coi trọng vui vẻ, nghĩa khí.

Cái tính cách ấy thể hiện trong làm ăn buôn bán như thế nào?

Dễ chấp nhận cái mới. Không để bụng thù hằn cá nhân mà thấy có lợi cho cuộc sống, có hiệu quả là chấp nhận. Thể hiện rất rõ trong quá trình hình thành các chợ nổi.

Tra cứu tài liệu xưa, chưa thấy có chi tiết nào nói cơ quan chính quyền hoặc địa chủ, nhà tư sản, doanh nghiệp đứng ra lập chợ. Khác với sự ra đời của chợ trên bờ. Thương hồ gặp nhau thấy buôn bán được là tụ lại.

Buôn bán ở chợ nổi không ngã giá lâu, không cần ký giấy hợp đồng, kêu người làm chứng. Giao dịch tại chợ nổi chỉ trong vài mươi phút có thể giải quyết xong một “lô hàng”, một ghe hàng trị giá 5-10 triệu đồng.

Khu chợ rộng lớn trên sông mỗi ngày có hàng trăm tàu, ghe; giao dịch hàng ngàn tấn hàng hóa với biết bao con người ăn, ở, sinh hoạt, giao tiếp mà chẳng có cơ quan, lực lượng nào quản lý. Thế nhưng, chợ luôn vận hành một cách an toàn, rất ít xung đột.

Con người miền Tây theo sử sách cũng là con người từ miền Trung và xa hơn là miền Bắc trôi dạt vô, tại sao có tính cách đặc trưng rất rõ?

Người miền Trung, miền Bắc vô nhưng gặp thổ nhưỡng, tài nguyên đặc trưng trong này mà hình thành nên tính cách đặc trưng. Khai khẩn đất hoang gian nan, cũng bị cọp ăn, sấu tha, bị bệnh tật trăm bề nhưng nguồn lợi từ thiên nhiên mang đến dễ dàng hơn miền ngoài, thành quả lao động nhanh thấy rõ nét hơn.

“Đến đây xứ sở lạ lùng/Con chim kêu phải sợ, còn cá vùng phải kinh”, nhưng lại “làm chơi ăn thiệt” nên hình thành tính cách phóng khoáng, cởi mở.

Tính cách ấy có lợi gì cho phát triển?

Thì dễ thấy kinh tế ở vùng đất này hoạt bát, nông nghiệp và thương mại luôn thay đổi và thay đổi rất nhanh, tiếp nhận cái mới rất nhanh, không như nhiều vùng đất khác.

Giao tiếp sinh hoạt, buôn bán mau mắn, cởi mở, thẳng thắn, dám làm dám chịu. Sẵn sàng chơi tới cùng mọi hoàn cảnh.

Quan sát của ông, mấy chục năm gần đây có gì thay đổi không?

Thực dụng hơn. Tính thực dụng len lỏi vô nhiều ngóc ngách cuộc sống. Chiều tích cực của nó là người miền Tây Nam bộ bớt chơi bời hơn.

Ở vùng đất được mệnh danh “làm chơi ăn thiệt”, trước đây sẵn sàng nghỉ hai ba ngày tiếp đãi bạn bè, nhậu nhẹt say sưa xả láng. Nay không tiếp khách như thế, đã thấy quý thì giờ là vàng bạc.

Bạn xa đến thì cũng vui vẻ tiếp một hai bữa gì đó rồi bạn muốn đi đâu thì đi, không níu kéo nữa.

Xin cảm ơn ông!

Sáu Nghệ
Theo nongnghiep.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguoi-mien-tay-coi-mo-de-chap-nhan-cai-moi-a13167.html