Về thăm chùa Nổi Long An

Giữa vùng bồn trũng, Gò Chùa Nổi, ấp Cả Bản, xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An nổi lên, có đường kính tối đa 100m, mặt gò cao hơn mặt ruộng xung quanh 3-4m, được bao phủ bởi những đám cây dầu cổ thụ cao vút và một số cây trôm cổ thụ lâu đời.

Thời chiến tranh, hầu hết quần thể cây cổ thụ này bị hủy diệt, ngày nay, còn lại 5 cây dầu và cây trôm mõ sống cùng thời gian như một “chứng nhân” lịch sử.

 
Toàn cảnh Gò Chùa Nổi (nhìn từ cầu treo trên sông Vàm Cỏ Tây).

Gò Chùa Nổi là di tích khảo cổ học thời tiền sử. Vì nằm trên gò đất cao giữa vùng bồn trũng nên mỗi mùa lũ, kể cả trận lũ lịch sử năm 2000, chùa Nổi vẫn không bị ngập.

Tính từ ngày ra đời đến nay, chùa Nổi trải qua gần 2 thế kỷ. Ban đầu, một tu sĩ từ xa đến, thấy gò đất nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Tây thơ mộng, lại có khung cảnh thích hợp tu hành nên lập am để tu.

Cách đây hơn 10 năm, khi khai quật 2 hố đất trên Gò Chùa Nổi với tổng diện tích 15m2, nhà khảo cổ học Nishimura Masanari - một GS.TS, học giả người Nhật cùng các cộng sự ở Bảo tàng Long An tìm thấy khối lượng di vật lớn, đa dạng, trong đó chủ yếu là đồ gốm còn tương đối nguyên vẹn hoặc có thể phục nguyên, gồm: Nồi, chum nhỏ, tô, bình đáy tròn, chậu, mâm, bồng, cà ràng,...; một số công cụ bằng xương thú như rìu, đục,... và các khuôn đúc bằng đất nung.

Điều thú vị là di tích này có niên đại hơn 3.500 năm nhưng lại có rất nhiều vỏ trấu trong đồ gốm và nhiều dấu tích của các tấm chiếu đan bằng lá và dọi xe chỉ dùng để dệt vải,... Điều này cho thấy, từ xa xưa, chủ nhân của vùng đất này đã biết dệt chiếu, dệt vải.

Ngoài ra, qua một số di cốt chứng tỏ, người tiền sử biết thuần dưỡng nhiều loài động vật như heo, chó, trâu,... Tất cả tạo nên một nền văn hóa Óc Eo rực rỡ.


 
Cổ thụ bên Điện Quán Thế Âm Bồ tát.

Gò Chùa Nổi còn là di tích lịch sử cách mạng. Tại đây, các vị sư ở chùa tham gia cách mạng, nuôi giấu và làm tai mắt cho cán bộ cách mạng. Chính vì vậy, hàng chục lần, địch bắn ngôi chùa. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, Gò Chùa Nổi được xem là pháo đài của ta đánh quân Pôn Pốt. Qua bao lần bị bom đạn hủy hoại, chùa được tín đồ Phật giáo gần, xa và người dân địa phương đóng góp trùng tu.

Năm 2016, chùa Nổi (hay còn gọi là Cổ Sơn tự) được trùng tu toàn bộ. Diện tích hiện hữu của Gò Chùa Nổi 16.000m2. Theo trụ trì chùa Nổi - Thượng tọa Thích An Phát, trước kia, diện tích Gò Chùa Nổi rộng gấp nhiều lần so với hiện tại. Chùa đang xây bờ kè sông Vàm Cỏ Tây và xây tường rào bảo vệ.


 
Cổ thụ bên tượng Phật Di Lặc.

Đứng trên chiếc cầu treo bắc qua sông Vàm Cỏ Tây, nhìn xuống toàn cảnh Gò Chùa Nổi mới thấy hết vẻ đẹp độc đáo của nơi này. Quần thể cây dầu cổ thụ bao quanh chùa càng tôn vẻ uy linh, hùng vĩ của Gò Chùa Nổi.

Qua khỏi cầu, du khách có thể dừng chân ghé lại bên những đóa sen khoe sắc vào mùa hạ, thoảng mùi hương tinh khiết trong gió để cảm nhận chút bình yên.

Bước qua cổng tam quan, gặp “cụ” trôm mõ to lớn, hùng vĩ cùng những hàng dầu cao vút như tô thêm vẻ uy nghiêm của Cổ Sơn tự. Thượng tọa Thích An Phát nói: Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, lễ Phật đản, lễ Vu lan..., khách đến đây chiêm bái rất nhiều.

Với phong cảnh hữu tình, 1 cây trôm và 5 cây dầu cổ thụ được Hội Sinh vật cảnh tỉnh chọn đăng ký Cây di sản Việt Nam, khi chùa Nổi kết nối với Làng nổi Tân Lập, khu Ramsa Láng Sen,... sẽ trở thành tour du lịch sinh thái, du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút du khách tìm đến./.


Q.H
Theo Báo Long An

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ve-tham-chua-noi-long-an-a13091.html