
1. Miếng bánh “ảnh bé yêu” bị chia nhỏ
Cùng với sự phát triển của công nghê, những thế hệ máy ảnh hiện đại, đẳng cấp liên tục chào đời khiến cho các nhiếp ảnh gia phải vất vả với cuộc đua thiết bị. Chậm cập nhật sẽ mất khách đó là chuyện không còn xa lạ. Công nghệ đã hộ trợ đắc lực cho việc làm ảnh nhưng mặt trái cũng chẳng nhỏ khi khiến cho người làm ảnh lệ thuộc vào công nghệ, lười tư duy, lười sáng tạo. Nếu trước đây, chụp ảnh là một nghề đòi hỏi phải chỉnh chu tới từng góc cạnh từng khuôn hình thì nay chỉ cần có tiền đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, rồi đi học qua vài khóa ngắn hạn về chụp và sửa ảnh, ai ai cũng có thể trở thành nhiếp ảnh gia.
Nhờ vậy, số những người bỏ vốn đầu tư vào nghề ảnh cũng gia tăng nhanh chóng. Số lượng các hiệu ảnh cũng mọc lên như nấm sau mưa cùng với hàng loạt chiêu trò khuyến mãi. Trong khi đó, nhu cầu của người dân trong lĩnh vực này gia tăng không đáng kể. Chính vì vậy, nghề ảnh tưởng chừng như là nghề nhàn hạ, thu nhập cao lại thực chất là một nghề cực kỳ vất vả, một mặt vừa phải liên tục đầu tư thay thế thiết bị, một mặt phải làm sao vừa phải giảm giá thành vừa phải nâng cao chất lượng ảnh. Thế nên, chiếc bánh “ảnh” bị chia nhỏ đến vô cùng.
Không nằm ngoài quy luật đó, lĩnh vực chụp ảnh cho bé cũng có môi trường cạnh tranh phức tạp, thậm chí những người theo đuổi chuyên ngành này còn phải vất vả, gian nan hơn gấp bội trong cuộc đua khốc liệt này. Một Photographer từng chia sẻ trên trang của mình: “Miếng bánh cho thị trường chụp ảnh cho bé yêu ngày càng có nhiều thực khách (Photographer tay ngang) muốn chiếm lấy. Cái thị trường thì thật nhỏ bé, còn những kẻ vì đồng tiền thì ngày càng hãm tâm - hạ một mức giá rẽ như cho. Trong khi những yếu tố cần đặt lên an toàn thì họ đã bỏ qua hết.
Cái nghề Baby Photographer này, ai cũng nghĩ nó kiếm cho những Studio rất nhiều lợi nhuận, có lẽ họ đã quên những phút giây lăn lộn với bé, để có bức ảnh đẹp cho bé thì gian khổ vất vả đến dường nào. Nhưng chỉ vì lợi ích trước mắt, đồng tiền như khúc ruột của họ, họ nhẫn tâm hạ thấp chính ngành nghề mình đang làm và mặc kệ những gì họ làm mà có thể ảnh hưởng xung quanh đến các đồng nghiệp, chỉ vì một điều : chỉ để có khách. Hay có người còn quyết chiến hơn - cố tình bôi bẩn uy tín cá nhân những người đồng nghiệp bằng những thủ đoạn hèn hạ.” – Một Photographer lên tiếng.
2. Quy trình tác nghiệp phức tạp
Có trực tiếp chứng kiến tận mắt cảnh chụp ảnh cho bé mới thấy sự vất vả nhọc nhằn của các nhiếp ảnh gia. Nếu như chụp cho người lớn, người chụp chỉ cần hô sang trái, qua phải, cúi đầu, thẳng người, cười tươi… là họ hiểu và tạo hình theo ý. Thế nhưng, đó lại là điều không tưởng khi chụp ảnh cho bé cho bé yêu, nhất là trẻ sơ sinh tới 1 tuổi. Các em còn quá nhỏ để có thế hiểu nằm im, cười lên là gì. Chính vì thế những tay săn ảnh trẻ em phải có lòng kiên trì, nhẫn nại vô cùng mới có thể bắt trọn khoảnh khắc tự nhiên tuyệt vời nhất của từng Baby.
Đấy là còn chưa kể tới cảm quan về cái đẹp của các bậc phụ huynh. Đôi khi, nhiếp ảnh gia thấy rằng khung hình này đẹp, khoảnh khắc này tuyệt diệu nhưng phụ huynh của các Baby lại không thấy hài lòng thì lúc đó một nghịch cảnh đã xảy ra. Và đương nhiên, để giữ chân và làm hài lòng khách hàng, các nhiếp ảnh gia lại phải tiếp tục công việc canh chừng để bắt kịp khoảnh khắc hồn nhiên của bé.
Bình Nguyễn – một người hoạt động trong lĩnh vực chụp ảnh bé yêu nhiều năm chia sẻ, anh rất yêu nghề chụp ảnh và yêu trẻ em nên đã quyết định theo đuổi lĩnh vực chụp ảnh bé yêu ngay từ đầu. Ngoài việc chụp ảnh sự kiện, anh còn đầu tư riêng một Studio hiện đại để chụp ảnh cho các bé. Bình Nguyễn còn cho biết, so với việc chụp ảnh sự kiện hay chụp cho người lớn thì quy trình chụp ảnh cho bé khó khăn phức tạp gấp vạn lần. Người chụp phải tạo bối cảnh, phải cẩn trọng trong việc tạo hình cho bé, chỉ một sơ xuất nhỏ cũng làm em bé bị tổn thương và đồng nghĩa với việc không thể tiếp tục tác nghiệp và kết cục là mất khách. Cho nên khâu tạo hình cho bé là cực kỳ quan trọng, vừa tạo cho bé có tư thế thoải mái linh hoạt, vừa phải có khung hình đẹp và cuối cùng là việc bấm máy phải diễn ra hết sức mau lẹ và liên tục mới hy vọng có được bức hình như ý.
Ban đầu, còn thiếu kinh nghiệm anh và đồng nghiệp phải vật vã cả buổi mới có thể tạo hình tạo dáng và “dình dập” bắt cho được khoảnh khắc hồn nhiên của các bé. Về sau, nhận ra rằng dù các bé không biết nói nhưng thực chất chúng có thể hiểu được một phần nào đó nội dung người lớn truyền đạt thế nên người chụp cần phải tìm cách giao lưu với trẻ ngay từ phút đầu gặp gỡ để truyền cảm hứng và thông điệp cho các bé. Nhờ thế, khi đưa máy lên bấm sự hợp tác của trẻ thể hiện rất rõ qua cử chỉ, điệu bộ, ánh mắt… và dĩ nhiên việc săn tìm bức ảnh đẹp làm hài lòng phụ huynh trở nên dễ dàng hơn.
3. Tích cực khuyến mãi… và khuyến mãi
Lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm cho con cái vốn từ lâu đã là nhu cầu tự thân của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ khả năng để chi trả cho việc thuê người chụp ảnh cho con cái mình. Trong lúc đó, các ảnh viện nói chung và những ảnh viện trẻ em nói riêng vẫn mọc lên hàng ngày. Vì thế, để có thể chiếm lĩnh thị trường, các hiệu ảnh phải không ngừng đầu tư thiết bị, bối cảnh, đồng thời phải tận tâm nâng cao chất lượng và nhất là phải có nhiều chương trình khuyến mãi hợp lý.
Cũng theo sự chia sẻ của Bình Nguyễn thì để duy trì và phát triển ảnh viện trẻ em, anh đã phải đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi, giá cả hợp lý. Trong số đó, phải kể đến việc chụp ảnh hoàn toàn miễn phí cho các bé. Nhờ vậy, số khách hàng đã kéo đến với ảnh viện của anh gia tăng đáng kể. Anh cũng cho biết, vì chụp miễn phí nên nguồn thu chỉ trông chờ vào việc in ảnh của khách hàng. Vì vậy, để các vị phụ huynh sẵn sàng bỏ tiền ra in ảnh thì ảnh phải đẹp, phải chất lượng và hơn cả ưng ý. Điều đó, khiến cho người cầm máy buộc phải tập trung hết công lực trong từng khung hình.

Trong dịp hè này, ảnh viện có thêm rất nhiều ưu đãi và khuyến mãi “khủng” cho khách hàng như tặng ốp lưng điện thoại có hình của bé, tặng váy cho mẹ bỉm sữa, tặng dược liệu tắm cho trẻ em với hy vọng sẽ có nhiều bậc phụ huynh quan tâm tới sức khỏe và tinh thần của con cái, nhất là lưu giữ những khoảnh khắc, kỷ niệm đáng yêu nhất của trẻ. Bình Nguyễn cũng khẳng định, bằng kinh nghiệm, khả năng, đam mê và tâm huyết của mình, anh chưa bao giờ từ chối bất cứ việc chụp ảnh cho bé yêu nào và trên hết anh luôn nỗ lực đưa đến khách hàng những bức ảnh vừa có tâm vừa có tầm.
Đồng tình với quan điểm này, Chung Hip - một tay chụp ảnh nghiệp dư chuyên lĩnh vực gia đình và bé yêu tâm sự, người nào theo đuổi lĩnh vực này ngoài tính kiên trì còn phải có óc sáng tạo và niềm đam mê cực lớn. Nếu ai không thực sự yêu mến và trân trọng các em nhỏ thì không thể nào làm nghề này được. Tuy nhiên, hiện tại Chung vẫn đang là một sinh viên nên việc chụp ảnh cho bé vừa thỏa mãn niềm đam mê vừa tăng thêm kinh nghiệm. Cậu cho biết, sẵn sàng tới tận gia đình hoặc đi bất cứ đâu để chụp ảnh miễn phí cho các bé. Cậu mong ước, sau khi ra trường sẽ mở được một ảnh viện chuyên chụp ảnh cho các bé yêu.
Nhật Nguyên