Chứng tích lịch sử Hải Vân Quan

Hải Vân Quan là một cụm di tích lịch sử về kiến trúc quân sự của triều Nguyễn. Ở độ cao 490 m so với mực nước biển. Cụm bố phòng quân sự này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công...

Nơi đây còn là một thắng cảnh nổi tiếng. Ngày 14/4/2017, Hải Vân Quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, hiện đang được khai quật nhằm phục vụ cho dự án bảo tồn, trùng tu di tích này.
 
Hải Vân là ngọn núi hiểm trở nhất nước ta. Từ xưa đã được mô tả: Chân sát biển, đỉnh chạm mây, là ranh giới của hai xứ Thuận Hóa (tức tỉnh Thừa Thiên Huế) và Quảng Nam. Đèo Hải Vân (đèo Ngãi) có chín khúc vòng, hai bên cây lớn um tùm, người đi như vượn leo, chim vượt, mất hơn một ngày mới qua... Núi cao nắng gắt, trèo đèo rất khó, nên đi thuyền theo đường biển tiện hơn. Nhưng đi thuyền theo đường biển thì lại phải vượt sóng to gió lớn vô cùng nguy hiểm ngoài chân núi...
 
Chính vì là vùng rừng núi hiểm trở, lại có địa thế hướng ra biển Đông, nên các triều đại cổ đều chú ý “lập đồn ải để canh phòng”. Theo sử sách, Hải Vân Quan được xây từ đời nhà Trần. Đầu thế kỉ XIX, Phú Xuân - Huế trở thành kinh đô của nước Việt, đèo Hải Vân càng trở nên quan trọng, là cửa ngõ đi vào vùng kinh kỳ, cần phải tăng cường phòng ngự. Vì thế, tháng 2 năm Bính Tuất (1826), vua Minh Mạng xuống chỉ cho xây một cửa quan ở đỉnh núi Hải Vân.
 
Sách Đại Nam thực lục chính biên chép rõ: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan, ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân Quan”, ngạch sau viết 6 chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước cao và dài đều 15 thước (khoảng 6 mét), ngang 17 thước 5 tấc; cửa sau cao 15 thước, dài 11 thước, ngang 18 thước 1 tấc; cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau.
 
Vua lại phái biền binh 4 đội Hữu sai và 2 đội Ứng sai chở súng ống đến để đấy (súng quá sơn bằng đồng 5 cỗ, ống phun lửa 200 ống, pháo thăng thiên 100 cây và thuốc đạn theo súng). Chuẩn định từ Hải Vân trở ra Bắc thuộc quản hạt Thừa Thiên, từ ngoài Hải Vân trở vào Nam thuộc quản hạt Quảng Nam”... Từ đó, Hải Vân Quan trở thành tổ hợp công trình để phòng thủ cho Kinh đô Huế, cũng như giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng.
 
Giữa năm 2005, hầm Hải Vân được xây dựng xong, lượng xe đi đèo Hải Vân giảm do ô tô chở khách và ô tô con được phép lưu thông trong đường hầm. Cùng với thời gian và chiến tranh, Hải Vân Quan trở nên hoang phế. Mặc dù vậy, đèo Hải Vân và Hải Vân Quan vẫn được du khách chọn đi và dừng chân để thưởng ngoạn phong cảnh; đặc biệt, đèo Hải Vân và Hải Vân Quan là một phần trong tour du lịch “Còn đường di sản miền Trung” mà du khách rất thích. Chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc những hình ảnh của di tích Hải Vân Quan trên đèo Hải Vân hiện nay.


 
Hải Vân Quan nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trên đèo Hải Vân. Ảnh: N.Q.

 
Cửa quan nhìn về hướng Đà Nẵng. Ảnh: N.Q.
 

Từ Hải Vân Quan có thể nhìn khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với những con đường uốn lượn, có mây trời, rừng núi và biển xanh. Ảnh: N.Q.
 

Do để hoang phế quá lâu, Hải Vân Quan bị hư hại nghiêm trọng, nhưng mỗi ngày vẫn thu hút hàng ngàn lượt du khách. Ảnh: N.Q.
 

Thành phố Đà Nẵng nhìn từ đèo Hải Vân. Ảnh: N.Q.
 
Nhật Quân
Theo Báo Lâm Đồng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chung-tich-lich-su-hai-van-quan-a13036.html