Đi tìm dấu tích Bát cổ Chí Linh

Nói đến mảnh đất Chí Linh (Hải Dương) người ta dường như đã quá quen thuộc với khu di tích thắng cảnh Côn Sơn - Kiếp Bạc. Nhưng mới đây, tôi vô tình đọc được một tài liệu nói về 8 bài thơ vịnh cảnh đẹp, di tích cổ xưa của Chí Linh. Với cái tên “Bát Cổ Chí Linh” đã khiến tôi tò mò về lại vùng đất này để tìm kiếm dấu tích xưa.

 
Tháp đá còn lại ở “Huyền Thiên Cổ Tự”.

Từ Hà Nội, tôi bắt đầu hành trình về lại mảnh đất Chí Linh vào giữa mùa Hè nắng cháy. Sau khi viếng thăm đền Kiếp Bạc, tôi tìm ra khúc sông Lục Đầu để vãn cảnh, hóng gió. Lục Đầu - nơi có vị trí đặc biệt bởi sự gặp gỡ của 6 dòng sông (gồm sông Thương, Cầu, Lục Nam, Đuống, Kinh Thầy, Thái Bình). Giữa mênh mông của làn nước cuộn đỏ phù sa, tôi đi dọc theo sườn chân đê để tới đoạn sông mà theo người đời truyền lại rằng thời Trần từng có bến đò nổi tiếng mang tên “Nhạn Loan Cổ Độ”. Không còn dấu tích của những con thuyền nan và ông lái đò năm nào, giờ đây “Nhạn Loan Cổ Độ” chỉ còn là khúc sông hiền hòa với bãi cỏ xanh tươi đôi bờ, thuộc xã Nhân Huệ, Chí Linh. Theo các cụ cao niên ở đây kể lại thì cái tên “Nhạn Loan” xuất phát từ việc xưa kia khu vực này từng có rất nhiều chim nhạn bay lượn. Ngay gần đó có bến Bình Than - nơi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản với giai thoại bóp nát quả cam. “Nhạn Loan Cổ Độ” chúng tôi không còn thấy, nhưng hiện nay mọi người vẫn thường xuyên sử dụng bến đò Bình Than để đi lại giữa Chí Linh (Hải Dương) và Gia Bình (Bắc Ninh).

Từ khúc sông Lục Đầu, tôi đi về phía khu Nhà máy nhiệt điện Phả Lại. Nơi đây từng có một thành lũy kiên cố để quân đội nhà Trần đồn trú, cản bước tiến của giặc Nguyên - Mông. Nó được sử sách ghi tên là “Phao Sơn Cổ Thành”. Theo tìm hiểu, “Phao Sơn Cổ Thành” được xây từ thế kỷ 13 (Nhà Trần) nằm ở đoạn trước cổng Nhà máy nhiệt điện Phả Lại hiện nay, ngay sát quốc lộ 18. Xưa kia Thành Phao Sơn có diện tích gần 7ha, với tường bao xung quanh cao 4m. Thành được xây bằng gạch vồ (loại gạch nung bản rộng và dày thời phong kiến). Vào thế kỷ thứ 16, thời nhà Mạc, thành Phao Sơn được tu sửa và trở thành một chiến lũy quan trọng trấn giữ khu vực Đông Bắc kinh đô Thăng Long. Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi làm nhiệt điện Phả Lại, nền móng cũ của thành đã bị phá bỏ để xây dựng các hạng mục công trình của nhà máy. Dấu tích của “Thành Cổ Phao Sơn” hiện nay chỉ lại những viên gạch cổ vương vãi trong một số hộ dân ở quanh nhà máy nhiệt điện. Tôi đã xem những viên gạch cổ xây thành xưa với khổ 40x40cm, dày khoảng 5-7cm. Trên thân gạch đều có hoa văn mang dấu ấn thời Trần rõ nét. Thậm chí trên thân gạch còn có nhiều chữ Hán, chứng tỏ lịch sử lâu đời của thành Phao Sơn.


 
Khu mộ tháp của Tinh Phi - Nguyễn Thị Duệ hiện nay.

Rời khu dấu tích thành Phao Sơn, tôi được người dân địa phương chỉ dẫn men theo con đường bê tông nhỏ uốn lượn lên đỉnh núi Nam Tào (thôn Dược Sơn, xã Hưng Đạo, Thị xã Chí Linh). Tôi tìm đến đây, bởi dưới thời nhà Trần, núi Nam Tào từng có khu vườn dược liệu quý hiếm mang tên “Dược Lĩnh Cổ Viên”.  Vì thế thôn ở đây mang tên Dược Sơn (có nghĩa là núi của những cây dược liệu). “Dược Lĩnh Cổ Viên” gắn liền với câu chuyện về người anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn. Sau khi chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ 3, Hưng Đạo Vương về lập thái ấp ở Vạn Kiếp. Ông cho tuyển quân, xây thành trì, thái ấp. Trong quá trình tập luyện, lao động không tránh khỏi binh lính bị thương, đau ốm nhưng thuốc men chữa trị vô cùng khan hiếm. Trong một giấc chiêm bao, ngài được ông tiên báo mộng điềm lành tìm thấy dược liệu quý. Hôm sau trên đường từ xưởng đóng thuyền về thái ấp, đi qua một ngọn núi, ngựa của ông cứ hí vang, tung vó mà chẳng chịu bước. Biết có sự lạ, Hưng Đạo Vương xuống kiểm tra và thật bất ngờ, dưới chân ngựa là những cây dược liệu giống hệt hình đã thấy trong giấc chiêm bao. Liền sau đó, Hưng Đạo Vương cho quân lính nhân giống ra khắp quả núi, vậy là từ đó ba quân đã được chữa khỏi bệnh. Hiện nay, trên núi Nam Tào, có đền thờ Hưng Đạo Vương và đền thờ Tiên Ông. Ngày nay ở vùng núi Nam Tào được nhân dân địa phương trồng một số cây xanh, cây lấy gỗ. Nhưng giữa những rừng cây, bụi cỏ, người ta thỉnh thoảng vẫn tìm thấy một số cây dược liệu. Có người ở thôn Dược Sơn đã và đang hành nghề y cứu chữa cho bệnh nhân bằng thuốc Nam tìm thấy tại chính nơi đây.

Hành trình khám phá “Bát Cổ Chí Linh” tiếp tục đưa tôi tới phường Văn An, thị xã Chí Linh. Hiện nay, riêng ở phường Văn An có đến 3 địa danh di tích, thắng cảnh được liệt vào “Bát Cổ Chí Linh”. Tôi vô cùng hào hứng tìm đường đến núi Phượng Hoàng, nơi gắn liền với những tháng năm cuối đời của nhà giáo Chu Văn An. Khi về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, Chu Văn An lấy hiệu là Tiều Ẩn (nghĩa tiều phu sống cuộc đời bình dị, ẩn dật). Bức tường cổ bao quanh căn nhà của thầy Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng xưa được mang tên “Tiểu Ẩn Cổ Bích”. Hiện nay, căn nhà và bức tường mang tên “Tiều Ẩn Cổ Bích” đã hoàn toàn mất dấu tích. Trên thân cây ruối cổ ở gần khu đền thờ Chu Văn An hiện nay có tấm bảng màu đỏ ghi chú về “Tiểu Ẩn Cổ Bích”.         

Chuyến hành trình càng thêm thú vị khi chúng tôi tìm tới khu mộ của Tinh Phi (tức bà Nguyễn Thị Duệ). Bà được xem là nữ tiến sỹ duy nhất của nền khoa cử phong kiến Việt Nam. Bà được vua Mạc Kính Cung tuyển làm phi và phong cho chức danh Tinh Phi (nghĩa là Bà chúa Sao Sa xinh đẹp). Khi nhà Mạc bị diệt vong, bà về quê ẩn cư. Sau khi bà mất, nhân dân đã cho xây mộ trong một ngôi tháp đất nung màu hồng, nhiều tầng, còn gọi là “Tinh Phi Cổ Tháp” ngay dưới chân núi Phượng Hoàng. Qua thời gian “Tinh Phi Cổ Tháp”đã bị đổ nát, sau đó nhân dân địa phương cho xây dựng một khu lăng nhỏ, trong có bát hương để thờ bà. Gần khu lăng mộ Tinh Phi hiện nay là khu đền thờ rộng lớn, phía trước có hồ nước trong xanh, hiền hòa.

Ngay gần khu “Tinh Phi Cổ Tháp” là ngôi chùa cổ mang tên “Huyền Thiên Cổ Tự”. Đây là ngôi chùa được xây từ thời Lý - Trần. Trong chùa có Vân Tiên Cổ Động (có nghĩa động của tiên ở). Thế kỷ 14, tổ đệ tam của Thiền phái Trúc Lâm là Huyền Quang đã từng tu hành tại chùa. Hiện nay, cửa động Vân Tiên đã mất dấu tích. Xung quanh gian chùa nhỏ được dựng lên sau này có một tháp đá cổ và các chân cột với nét điêu khắc hoa sen cầu kỳ..


 
Đây là vị trí căn nhà xưa của Quan Thượng Tể Trần Quốc Chẩn với tên gọi “Thượng Tể Cổ Trạch” - nay chính là đền thờ ông.

Tạm biệt “Huyền Thiên Cổ Tự”, tôi bắt đầu đi ngang qua cánh đồng giữa mùa lúa chín để tìm tới thôn Nẻo, phường Chí Minh. Theo tích xưa ở đây có một ngôi nhà nằm giữa đồng mang tên “Thượng Tể Cổ Trạch”. Đây chính là ngôi nhà cổ của quan thượng tể Trần Quốc Chẩn - danh tướng kiệt xuất thời nhà Trần, đồng thời là Quốc phụ (bố vợ) của vua Trần Minh Tông. Hiện nay, trên nền ngôi nhà cũ, nhân dân địa phương cho xây dựng đền thờ ông. Ngay sát đền thờ vẫn còn cây đa cổ thụ mà theo người đời truyền miệng đó chính là vị trí ngôi nhà cũ của quan Thượng Tể.

Theo địa giới hành chính hiện nay ở Chí Linh chỉ có 7 vẻ đẹp cổ, còn một cái mang tên “Trạng Nguyên Cổ Đường” nằm ở thôn Linh Kê, xã Thanh Quang, huyện Nam Sách. “Trạng Nguyên Cổ Đường” là nhà dạy học của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1273-1346). Ông đỗ Trạng nguyên năm 1304, làm quan đến chức tể tướng. Về già ông hồi hương mở lớp dạy học gần gò Hạc (thuộc thôn Linh Khê ngày nay). Đến thế kỷ 18, khi tuyển chọn Chí Linh Bát Cổ, thì “Trạng Nguyên Cổ Đường” được xếp thứ nhất và hiện nay khu văn chỉ của thôn Linh Khê chính là nền móng cũ của công trình cổ ngày xưa. Ở đây còn một bia đá liền khối cao 2m, rộng 0,5x0,5m, trên có khắc 8 bài thơ vịnh “Bát Cổ Chí Linh”.
 
PV
Theo baodulich.net.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/di-tim-dau-tich-bat-co-chi-linh-a13029.html