Nghệ sĩ Nguyễn Đức Minh và nỗ lực quảng bá đàn môi

Là nghệ sĩ đàn môi chuyên nghiệp duy nhất ở Việt Nam, nghệ sĩ Đức Minh đang nỗ lực quảng bá nhạc cụ độc đáo này đến mọi người.

6 năm lặn lội tìm hiểu về đàn môi

Đàn môi là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người (cùng với trống, sáo...). Trên thế giới chỉ có một loại đàn môi, nhưng tại Việt Nam có đến 10 loại đàn môi khác nhau và theo các nhà nghiên cứu còn có thể có những loại đàn môi khác chưa được phát hiện hoặc đã bị thất truyền. Dù vậy, đàn môi lại ít được mọi người biết đến vì đó là nhạc cụ của người dân tộc thiểu số như: người Mông ở phía Bắc của Việt Nam, người Gia Rai, Bana… ở Tây Nguyên.

Nghệ sĩ Đức Minh biết đến đàn môi khi học tại Nhạc viện Hà Nội. Âm thanh lạ tai “ngoèo ngoèo” làm Đức Minh đặc biệt chú ý. Anh lao vào tìm hiểu nhưng tài liệu về loại nhạc cụ này rất hiếm. “Bới tung” Viện Âm nhạc mới thấy vài trang sách có hình vẽ đàn môi kèm một đoạn nhạc chỉ khoảng 2 phút do một phụ nữ người Mông ở Yên Bái chơi. Tình cờ, một người bạn cho Đức Minh chiếc đàn môi khiến anh mừng như bắt được vàng. Nhớ lại lời bố nói trước khi cho anh theo học đàn dân tộc rằng, con có học đàn Tây giỏi đến mấy cũng chỉ là múa rìu qua mắt thợ, Đức Minh biết mình đã tìm ra con đường đi riêng.

Tài liệu không có, để hiểu hơn về đàn môi không còn cách nào khác, Đức Minh lặn lội đến các bản làng xa xôi, hẻo lánh nhất ở các tỉnh Hoà Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai… Đến bất cứ bản làng nào, anh cũng không ngại ngần cùng ăn cùng ở với người dân để tìm hiểu về đàn môi cũng như những nét văn hóa đặc sắc của họ. Nhiều người ngạc nhiên khi thấy một chàng trai Hà Nội suốt ngày lặn lội, lăn lóc đến các bản làng xa xôi hẻo lánh.

“Mỗi dân tộc có một phong cách chơi đàn môi khác nhau, làm nên sự phong phú cho đàn môi. Tuy nhiên dù chơi theo cách nào thì giai điệu của đàn môi đều có chung ý nghĩa là lời giao duyên của các đôi trai gái” - Đức Minh nhận xét.

6 năm trời trèo đèo, lội suối, đôi chân chai sạn, thậm chí toạc máu đã cho Đức Minh một gia tài quý giá: sở hữu 5 trong 10 loại đàn môi của Việt Nam.

Dù yêu thích đàn môi nhưng muốn tìm một người để học chuyên nghiệp cũng khó. May mắn Đức Minh gặp một nhạc sĩ trẻ người Đức, Clemens Voight, người vì mê tiếng đàn môi của dân tộc Mông đã tìm đến Việt Nam học cách chơi, cách làm các loại đàn môi. Đức Minh ham học đến nỗi chỉ sau vài buổi học Clemens đã phải thốt lên: “Cậu lấy gần hết vốn của tôi rồi!”.

“Đàn môi đang bị mai một. Nhiều vùng từng là “đất” của đàn môi giờ không còn ai chơi được loại nhạc cụ này. Nếu không nghiên cứu và tìm cách bảo tồn đàn môi thì sau này khi những nghệ nhân cao tuổi không còn, lúc chúng ta nhận ra giá trị của đàn môi muốn nghiên cứu, bảo tồn cũng không được nữa”, Nghệ sĩ Đức Minh.

Với phong cách âm nhạc hoàn toàn ngẫu hứng, từ đàn môi Đức Minh đã sáng tạo ra những giai điệu của riêng mình. Học tập kinh nghiệm thế giới, các nghệ sĩ có thể dùng đàn môi chơi nhiều loại nhạc, kể cả rock, hiphop,  Đức Minh đã sử dụng đàn môi trong những ca khúc dân gian hiện đại mang lại một một cảm xúc mới cho bài hát.

Đức Minh ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong giới chơi đàn môi chuyên nghiệp, trở thành người Việt Nam đầu tiên được Hiệp hội Đàn môi thế giới công nhận là thành viên.

Đưa đàn môi Việt Nam đến với thế giới

Festival Đàn môi quốc tế 2006 được tổ chức tại Amsterdam, Hà Lan từ ngày 28 - 30/7/2006. Với mong muốn được học hỏi kinh nghiệm từ các nghệ sĩ đàn môi thế giới, Đức Minh mạnh dạn tham gia. Ngoài biểu diễn bài dân ca cổ của người Mông, Đức Minh còn thể hiện cả những bản nhạc do anh sáng tác cho đàn môi châu Âu, đàn môi tre của người Việt và đàn môi 4 lá Trung Quốc. Anh được đánh giá là 1 trong 4 nghệ sĩ trẻ chơi đàn môi xuất sắc nhất Festival.

Đức Minh mong muốn có những buổi biểu diễn để giới thiệu đàn môi đến mọi người. Tuy nhiên hầu hết buổi biểu diễn của Đức Minh là ở nước ngoài chứ ở Việt Nam chưa có sân chơi chuyên nghiệp dành cho loại nhạc cụ này. “Tôi đã từng cùng với ban nhạc Hồn Tre tổ chức những chuyến đi đem tiếng đàn tới mọi miền đất nước. Dù cát - sê thấp đến mức không tưởng nhưng chỉ cần có người nghe và yêu thích tiếng đàn là tôi đã thấy vui rồi. Đôi lúc cũng thấy nản, muốn bỏ, nhưng rồi tôi lại không cưỡng lại được sức cuốn hút của đàn môi”.

Hiện, Đức Minh có nhiều dự án để giới thiệu đàn môi đến mọi người. Trước mắt có thể là cuốn sách do anh viết giới thiệu về đàn môi cũng như phong cách, kỹ thuật diễn tấu đàn môi của từng vùng miền.

Phương Hoa
Theo VOV.VN

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-si-nguyen-duc-minh-va-no-luc-quang-ba-dan-moi-a12995.html