Đã từ lâu, cây cầu trở thành nơi nghỉ chân của người dân trong vùng.
Duyên dáng cầu Ngói cổ
Ngày nay, cầu Ngói chợ Lương (xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) là 1 trong 3 cây cầu ngói cổ và đẹp nhất Việt Nam cùng cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế và cầu Chùa biểu tượng phố cổ Hội An. Không chỉ mang trong mình những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống, cầu Ngói chùa Lương còn được biết tới như một cái nôi của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến của quân dân Nam Định. Trải qua hơn 500 năm, cầu Ngói chùa Lương vẫn còn nguyên vẹn, mang vẻ đẹp cổ kính cuốn hút du khách tìm về chiêm ngưỡng.
Nét đẹp của cây cầu được thể hiện chính trong cái tên của nó. Một cây cầu với kiến trúc cổ, mái ngói, được xây dựng từ đầu thế kỷ XVI, nằm cạnh ngôi chùa Phúc Lâm tự hay chùa Lương. Cây cầu bắt ngang sông Trung Giang chạy xuyên suốt xứ Thành nam, đây cũng là nơi người dân tổ chức các lễ hội truyền thống mỗi năm. Cầu vừa là công trình giao thông, vừa là công trình văn hóa cộng đồng của làng xã, nơi dân làng dừng chân nghỉ ngơi, trò chuyện mỗi khi đi chợ, đi lễ chùa, hoặc đi làm đồng về.
Nhìn tổng thể, cầu Ngói chùa Lương có hình dáng như một ngôi nhà dài lợp ngói bắt ngang sông, hay còn gọi là “thượng gia hạ kiều” (trên là nhà dưới là cầu), các cụ già ngày nay thường gọi là “thượng hạ trì” (trên là nhà dưới là sông nước). Phần trên là một tổ hợp mái ngói vảy rồng với hệ thống các kèo giống như trong một ngôi nhà truyền thống. Theo người dân địa phương, kiến trúc nửa lợp nửa xây làm cho vòm mái rất duyên dáng và tựa như con rồng đang bay. Đáng chú ý là cuốn thư trên hàng trụ, dưới là cửa cuốn. Cuốn thư tạo dáng mềm, đề 4 chữ “Quần Phương xã kiều”, tức cầu xã Quần Phương. Mỗi đầu cầu đều có 4 con nghê chầu, dáng vẻ vừa thân thuộc vừa lộ vẻ uy nghiêm, ý nghĩa ấy được dân gian hé mở trong câu: “Bốn con nghê chầu về tổ tông”.
Cầu Ngói chùa Lương gắn với hình ảnh bình dị, thân thuộc của nông thôn miền Bắc.
Hai bên lòng cầu là hai dãy hành lang và cũng uốn cong theo thành cầu. Phía trong hành lang cũng được ghép ván. Phía ngoài hành lang là lan can với các đố thượng, đố hạ, con song. Hành lang là nơi khách bộ hành có thể dừng chân ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh sông nước, làng quê. Phần dưới là thành cầu và sàn cầu, được liên kết với phần trên bằng các cột trụ đá dựng dọc hai bên thành cầu và đầu cầu. Cầu được dựng chắc chắn trên 18 cột đá, được chia thành 9 gian với hệ thống xà ngang, xà dọc chắc chắn để đỡ dầm cầu và nâng sàn cầu, đều được làm bằng gỗ lim.
Theo hàng câu đối ghi trên cổng cầu thì ngay từ những ngày vùng đất này được khai hoang, người ta đã tiến hành xây dựng cây cầu: “Lê Hồng Thuận tứ tính thủy mưu giá ốc biệt thành giang thượng lộ/ Hoàng Khải Định thất niên trùng tấp dư lương y cựu kính trung đề”. Có thể dịch là: “Đời Hồng Thuận (1509-1515) 4 họ tính kế dựng nhà trên cầu thành đường trên nước/ Đời Khải Định thứ bảy (1922) tu sửa như cũ, từng bậc xếp nên gương”. Cầu Ngói chùa Lương được công nhận là một trong những công trình kiến trúc đẹp, điển hình cho một loại hình công trình giao thông cổ xưa nay còn sót lại và được xuất hiện trên con tem bưu chính ngày xưa.
Những “thương hiệu” của địa phương
Không chỉ cầu Ngói chùa Lương được nhắc đến như một thương hiệu của mảnh đất Quần Anh, mà bên cạnh đó còn có di tích chùa Lương, chợ Lương. Chùa Lương (Phúc Lâm Tự), ngôi chùa nằm cách cầu Ngói 100m, nằm trên trục đường thẳng dẫn vào chùa. Ngày 26/3/1990, chùa Lương được nhà nước cấp bằng công nhận Di tích lịch sử văn hoá. Kiến trúc của chùa Lương mang đậm phong cách của thế kỷ XVII – XVIII, hiện nay chùa còn lưu giữ 79 tượng phật đồ sộ hiếm có.
Hàng năm, cứ đến ngày 13-15 tháng 3 âm lịch người dân địa phương và du khách khắp nơi quy tụ về đây để tham gia lễ hội truyền thống “Hội chùa Lương” với điểm nhấn là lễ rước kiệu vòng quanh chùa và cầu Ngói. Đây cũng là nơi tổ chức những sinh hoạt cộng đồng của người dân vào các dịp đầu năm mới, ngày rằm, tết trung thu...
Lễ rước kiệu là một trong những điểm nhấn của Hội chùa Lương.
Còn chợ Lương, nơi đây vẫn gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống đến tận ngày nay, điển hình là chợ phiên. Vào những ngày có số cuối là 1 và 7 theo âm lịch, dân làng đều dành thời gian đi phiên chợ Lương để mua bán hàng hóa. Chợ Lương có tất cả những giá trị truyền thống của một phiên chợ quê Bắc Bộ, người mua, người bán đều là người dân địa phương, mua bán những đồ “cây nhà lá vườn”, đồ thủ công, cây giống... Phiên chợ nào cũng tấp nập người, đặc biệt nhất vẫn là phiên chợ Tết, từ người già đến trẻ nhỏ đều háo hức sắm tết cùng gia đình, vào chùa lễ Phật mong năm mới được bình an, may mắn.
Vùng đất Quần Anh xưa còn lưu giữ những giá trị văn hoá phong phú, mà tiêu biểu là cụm di tích lịch sử, văn hoá Chùa Lương - cầu Ngói, là đình Phong Lạc có tấm biển mang 4 chữ vua Lê ban tặng “Mỹ tục, khả phong”.
Thùy Dương
Theo laodongthudo.vn