Anh ngã xuống giữa "Thủ đô giải phóng"

Kỷ niệm 93 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), trân trọng giới thiệu bài viết về sự hy sinh của cố phóng viên TTXGP Nguyễn Đức Hoằng tại Lộc Ninh (Bình Phước), từng được mệnh danh là “Thủ đô Giải Phóng”. Xin thắp một nén tâm nhang tưởng nhớ cố PV Nguyễn Đức Hoằng và những Nhà báo đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới Phía Bắc, giữ vững chủ quyền lãnh hải đất nước.

Đầu mùa mưa năm 1974, cùng với anh em phóng viên, kỹ thuật viên lớp GP10 TTXGP chúng tôi "tỏa xuống chiến trường", có cả những phóng viên đã từng trải qua lửa đạn chiến tranh lâu năm cũng đi chiến trường, đó là nhà báo Nguyễn Đức Hoằng. Anh được cử đi làm Trưởng phân xã (nay là Cơ quan đại diện) của TTXGP tại Lộc Ninh, nơi được mệnh danh là “Thủ đô” của Chính phủ Lâm thời CHMNVM, hay còn gọi là “Thủ đô vùng Giải phóng”. Nhưng chỉ vài tháng sau, anh đã hy sinh khi chính quyền Sài Gòn cho máy bay ném bom xuống Lộc Ninh. Tin buồn đó làm bàng hoàng mọi người trong cơ quan. Sự hy sinh của hai bạn đồng nghiệp chúng tôi trên đường Trường Sơn (Oanh và Thuyên) chưa nguôi ngoai, nay lại thêm sự hy sinh của một nhà báo đàn anh, làm cho chúng tôi không khỏi đau buồn, thương tiếc.
 
 
Cố phóng viên TTXGP Nguyễn  Đức Hoằng (bên trái) và NSND Thái Ly (người đeo kính đen) ở rừng Tây Ninh năm 1967. Ảnh do cố nhà báo Trần Ấm chụp.

Năm đó, anh được điều xuống làm Trưởng phân xã Lộc Ninh, nơi hàng tuần Ủy ban Liên hợp Quân sự bốn bên - "sợi dây" kết nối giữa giữa Chính phủ lâm thời CHMNVN và chính quyền Sài Gòn - bay từ Sài Gòn tới giám sát việc thực hiện Hiệp định Paris và trao trả tù binh. Anh em điện báo viên trong phân xã kể lại: Khi máy bay quân đôi Sài Gòn ném bom xuống đây, anh Đức Hoằng đã nhường cho anh em chúng tôi xuống hầm trước, anh đứng ở cửa hầm quan sát, báo tin trực tiếp về cơ quan. Và anh đã hy sinh. Còn người nhận tin ở cơ quan thì cho biết: Khi đang nghe anh báo tin với câu: "Chúng tôi đang ở trong tọa độ lửa", thì thấy tín hiệu tắt. Sau đó, chúng tôi mới biết là bom đã nổ, một mảnh bom xuyên trúng tim anh, làm anh ngã gục xuống cửa hầm!

Hơn 20 ngày sau khi anh hy sinh, ngày 29-8 -1974, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông Huỳnh Văn Tiểng đã vạch trần tội ác dã man của Mỹ - Thiệu đối với giới báo chí miền Nam nói chung và nhà báo Nguyễn Đức Hoằng nói riêng, đồng thời, nêu gương tinh thần cách mạng của nhà báo Nguyễn Đức Hoằng trong những năm cầm bút ớ chiến trường miền Nam! Đó là tiếng nói đanh thép của Hội nhà báo VN đối với chế độ Mỹ - ngụy trước Hội nhà báo Quốc tế và cũng là niềm vinh dự của anh, một Liệt sĩ Nhà báo đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc!

Anh Đức Hoằng ơi! Mới trước đó hơn một năm, vào giữa tháng 6-1973, chúng tôi, những phóng viên lớp GP10 chi viện cho chiến trường vào đến căn cứ, đã được anh cùng các cán bộ lãnh đạo Ban Tin (B 7/3) đón tiếp chu đáo và tận tình giúp đỡ mọi mặt như đối với những đứa em thân thiết nhất của mình. Chúng tôi được biết trước đó, năm 1965, khi quân Mỹ ồ ạt đổ 50 vạn quân vào miền Nam tiến hành chiến tranh cục bộ, anh đã rời trường Đại học vào học lớp phóng viên đào tạo đi B. Và sau hơn 3 tháng vượt Trường Sơn, đầu năm 1966, anh đã tới chiến khu này! Những ngày anh vượt Trường Sơn là những ngày chiến tranh ác liệt nhất ở cả hai miền Nam Bắc và các anh phải đi bộ trên đướng mòn Hồ Chí Minh thực sự, suốt hơn 3 tháng ròng, đầy gian khổ trong bom đạn, ăn uống thiếu thốn và sốt rét rừng làm cho da vàng vọt, người gầy đét, bước đi không vững, mới tới được đây! Trong khi đó, chúng tôi vượt Trường Sơn sau khi có hiệp định Paris 1973, nên được đi bằng tàu hỏa và xe ô tô hết nửa đoạn đường và đường đi cũng đã được mở rộng hơn, ít bom đạn hơn. Vì thế, chúng tôi chỉ đi hơn 2 tháng đã vào đến nơi.

Ngày các anh vào, sau khi vừa xây dựng cứ, làm nhà, ổn định nơi ăn ở, đã phải "trằn mình" chống chọi với các trận càn ác liệt thực hiện chiến lược "Tìm diệt" của Mỹ. Đó là các trận càn Át-tơn-bo-rơ (tháng 11-1966), ga-xđơn (từ ngày 2-2-1967), Túc - Xơn (từ 14-2 đến 2-2-1967) và trận càn lớn nhất là Gian-xơn-Xy-ti (từ 22-2-1967 đến 13-3-1967). Chúng huy động những lực lượng tinh nhuệ nhất như các sư đoàn, lữ đoàn "Tia chớp nhiệt đới", "Anh cả đỏ", "Thiên thần mũ đỏ", "Kỵ binh bay"... với hàng chục ngàn quân, hơn 1.000 lượt mày bay chiến đấu (có cả các pháo đài bay B 52), hàng trăm xe tăng, xe cơ giới, hàng trăm khẩu pháo hạng nặng tiến hành đánh vào khu "đất thánh của Việt cộng" - cơ quan đầu não Trung ương cục của cách mạng miền Nam! Cả khu rừng già vùng Tây - Bắc tỉnh Tây Ninh bị bom pháo, cày xới, quần nát. Các anh đã phải chịu bao gian khổ dưới bom đạn, vừa sơ tán, tổ chức nơi ăn ở, viết tin, bài vừa tổ chức chiến đấu bảo vệ cơ quan. Rồi mùa hè năm 1972, anh cũng đã trải qua gần nửa năm ở chiến dịch đường 13 ác liệt, trong đó, có khu vực Bình Long, nơi được gọi là "cối xay thịt", bởi hàng ngày, máy bay B52 Mỹ tự do rải bom xuống trận tuyến quanh thị xã. Vậy mà anh vẫn sống an toàn! Mà giờ đây, anh lại hy sinh!
 
Các anh cán bộ phóng viên trong Ban tin (B7/3) đều ca ngợi anh là cây viết nổi tiếng của cơ TTXGP. Gần một năm sống với anh, chúng tôi, nhất là anh em trong tổ Đô thị và Binh vận do anh làm tổ trưởng, đã được anh giúp đỡ tận tình trong biên tập, nghiệp vụ viết tin, bài. Nhà báo Lê Doãn Tặng, tổ viên của tổ, kể lại: "Anh Đức Hoằng là người thật thà, hiền lành, sống gần gũi với anh em và có tính "lãng tử", rất thoải mái dễ thương nên được nhiều người quý mến. Chẳng những anh giỏi về nghiệp vụ - là "con gà chọi" của cơ quan - mà còn là người sáng tác thơ, văn rất hay, là cây văn nghệ được mọi người yêu thích!"
 
Trong hai cuộc kháng chiến, TTXGP miền Nam có 158 nhà báo hy sinh, thì ở R có 33 liệt sĩ, trong đó, năm 1974 cho đến ngày giải phóng chỉ có một người hy sinh đó là anh! Trải qua 9 năm gian khổ ác liệt ở chiến trường Nam Bộ không hề bị thương, sây xát, vậy mà, anh đã ra đi khi chỉ còn hơn một năm nữa là đến ngày giải phóng! Anh là phóng viên duy nhất của cả nước hy sinh ở “Thủ đô giải phóng” và là phóng viên duy nhất của TTXGP hy sinh trước ngày Sài Gòn giải phóng không xa...
 
Trong bài viết NHỚ NHÀ BÁO NGUYỄN ĐỨC HOẰNG nhân kỷ niệm 20 năm, nhà báo Nguyễn Đức Hoằng hy sinh, (7/8/1974 - 7/8/1994), cố nhà báo Trần Ấm - một người bạn thân của anh, cùng đi B với anh đã viết: "Anh Nguyễn Đức Hoằng sinh trong gia đình nông dân nghèo, không may, mẹ mất sớm. Sáng đi học, chiều làm thuê kiếm sống, tối về, không có đèn học, anh phải dựa lưng vào cột điện đường học đến khuya. Anh là học sinh nghèo học giỏi nhất trường cấp III Ngô Sĩ Liên (Hà Bắc), được kết nạp vào Đảng CSVN ngay trên ghế nhà trường. Khi đang học năm cuối của khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1964-1965), thì Mỹ đổ quân vào miền Nam, anh đã được nhà trường xét tốt nghiệp đặc cách để kịp theo học lớp phóng viên chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Anh đã trải qua 150 ngày đêm ở chiến dịch Đường 13 máu lửa năm 1972, viết tới 16 bài phóng sự, tường thuật trận đánh, ca ngợi tinh thần chiến đấu của Quân giải phóng ở "Cánh cửa thép Chơn thành"... Anh đã chỉ rõ số phận bi thảm của binh lính Sài Gòn với bài phóng sự tuyệt hay: "Hoàng hôn trên vai người lính Sài Gòn"...
 
Được bổ nhiệm là Trưởng Phân xã TTXGP ở Lộc Ninh, anh đã chứng kiến sự thất bại của kẻ thù khi chúng phải cúi đầu trước lá cờ nửa đỏ, nửa xanh tung bay trên nóc Trụ sở của phân xã TTXGP và Đài Chỉ huy sân bay Lộc Ninh! Đức Hoằng ơi! Mới ngày nào đây, chúng mình cùng mắc võng, nằm bên nhau trong rừng miền Đông, ấy vậy mà đã 20 năm rồi! Lại một mùa thu tháng Tám nữa đến với dân tộc ta! Đức Hoằng ơi, trong dòng nhựa của rừng cao su Lộc Ninh chảy cho đời hôm nay, có máu của Hoằng và bao chiến sĩ ngã xuống trong chiến dịch đường 13 năm xưa! Còn cô bé quàng khăn đỏ, Thanh Thuận, con bà chủ nhà Hoằng trọ học, thương yêu Hoằng, từng hy vọng sau mùa thi thứ 9, sẽ vào với Hoằng hoặc được đón Hoằng ở Hà Nội. Nhưng Hoằng ơi! Ngày vui đó chỉ còn là giấc mộng ngàn thu!"
 
Đoàn Việt

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/anh-nga-xuong-giua-thu-do-giai-phong-a12945.html